Đứng về phương diện khách quan thì Tổ quốc của người Việt nam chỉ là một dải đất từ Nam chí Bắc, có biển sông chạy dài, có núi cao điểm xuyết có sông lớn chảy ngang, có sông con đi dọc mà thôi.
Nhưng đứng về địa vị chủ quan thì trên cái dải đất đó, mỗi người Việt Nam đều có gửi gắm cái linh hồn đặc biệt của mình, nhờ cái linh hồn đó sát nhập vào núi sông mà núi sông mới có nhiều ý nghĩa.
Tổ quốc đối với ta khi còn nhỏ, trước hết chỉ châu tuần trong phạm vi một cái nhà, mà đồng bào lúc ấy, ta chỉ biết có cha mẹ, anh em và những thân gia quyến thuộc của ta mà thôi.
Ta yêu cái nhà đó thuần chỉ bằng tình cảm, hễ ai đem ta đi xa thì ta nhớ, mà hễ đem về gần thì ta vui, nhưng tịnh không biết vì đâu mà vui, mà nhớ cả.
Sau tới khi đã biết chạy nhảy, chơi đùa; biết nô giỡn cùng với những trẻ đồng hương, biết kết bạn với anh em trong xóm, thì cái bụi tre đầu lang, cái cây đa trước ngõ đối với ta cũng là quen biết và chịu cái cảm tình của ta.
Rồi theo thời gian mà lớn khôn, nhờ ăn học mà tư tưởng thì cái nhỡn giới của ta cũng càng ngày càng rộng mở, vượt qua được cái ngạch cửa trước nhà, cái bờ rãnh làng xóm mà quan niệm tới đất nước bao la và âu yếm đồng bào đồng chủng.
Ta nhờ có bài học của lịch sử mà biết tới cái quá khứ của Tổ quốc ta, cũng nước non này, cũng phong cảnh ấy, mà ông cha ta đã từng có sinh hoạt, có tư tưởng, có khi thái bình vô sự mà vịnh nguyệt ngâm phong, có khi xã tắc nguy vong mà máu đào dội đất.
Bởi thế nên cái tình ta đối với Tổ quốc có thể gồm được hết cả mọi mối thâm tình khác của ta. Yêu cha mẹ, mến anh em, thương bạn bè, xót vợ con... nhất thiết đều là những bài học dạy cho tâm hồn ta biết yêu mến, thương xót cái giang sơn Tổ quốc của ta vậy.