Thương nhớ vỉa hè

08:14 SA @ Chủ Nhật - 16 Tháng Năm, 2010

Thương nhớ gì lại đi thương nhớ vỉa hè, có mà dở hơi. Nhưng mà thương nhớ thật, nhiều khi tay chống cằm nhìn qua cửa sổ thấy vỉa hè nhốn nháo ngày nay bỗng nhớ thương da diết vỉa hè ngày xưa.

Nhớ thương vỉa hè là nhớ thương của những kẻ chân quê. Xứ mình là xứ nhà quê, nơi đô hội cũng chỉ rặt dân quê cả mà thôi, dù có hoá trang đến giời thì cái chất quê kiểng không sao bỏ đi được.

Hà Nội có cây xanh có ao hồ có vỉa hè, thiếu ba thứ đó không ra Hà Nội. Cái chất quê nghìn năm xứ Việt tụ cả lại nơi đây, tạo nên vẻ đẹp thuần Việt mê hồn. Phố xá bây giờ ở đâu cũng nhung nhúc đám giả cầy, nhờ có ba thứ đó Hà Nội vẫn nguyên bản sắc. Nói Hà Nội thanh lịch là nói cái vẻ dịu dàng nền nã kín đáo e ấp chân quê của nó chứ không phải thói trau tria tô lục chuốt hồng cả áo quần lẫn ngôn ngữ, kiểu như ông tiến sĩ ngôn ngữ X. từng nức nở Hà Nội thanh lịch không nói “ăn” mà bảo là “xơi”, đừng có mà nhầm.

Trước đây mình ở Lò Sũ, tít ở trong ngõ sâu, nhà chật người đông, thiếu sáng thiếu khí, thành thử hai phần đời tha thẩn với vỉa hè. Vốn dân quê quen sống thông thoáng rồi, ngồi ở đâu mà thấy gò bó là khó chịu lắm.

Vào nhà hàng sang thấy mình bân bẩn tồ tồ thế nào a. Lại thêm nhạc nhẽo, người nói tắt nhạc đi, người nói vặn to lên, người nói cho nghe bài này, người nói ê ê đổi bài kia… Ôi thôi mệt người. Nhào vào các quán bia hơi chật ních người, vừa nói vừa hét, chẳng ai nghe ai, đinh tai nhức óc.

Hồi trẻ mình cũng thích nhào vô mấy chỗ đông đúc ồn ào, giờ già rồi không thích nữa. Giờ nhậu đâu cũng quan tâm đến cái phong cảnh nhiều hơn là đắt rẻ ngon dở, quan tâm đến cái để chuyện trò hơn là cái để ăn uống. Vỉa hè tĩnh mà không vắng, thoáng mà không thưa, ngồi quán cóc vỉa hè thấy mình đúng là anh dân quê đang ngồi ở sân nhà mình, tự nhiên yên tâm thoải mái hẳn.

Vỉa hè đêm thường dành cho đám cần lao. Hàng Cót chân gà, Quán Thánh bò nướng, Cát Linh chim quay. Phố Đinh Tiên Hoàng có quán chân gà nướng rượu Vân, trải chiếu cả dọc dài, ngồi xếp bằng nhai chân gà rau ráu. Có đêm mình với Bùi Thanh, Lê Đức Dục ngồi nhậu đấy đến ba, bốn giờ sáng mới chịu ra về.

Xưa hai vỉa hè phố Lò Sũ, bốn góc vỉa hè ngã tư Nguyễn Hữu Huân – Lý Thái Tổ cũng là phố ăn đêm, vui lắm. Khách chủ yếu là đám dân quê tứ phương về Hà Nội kiếm sống, kẻ xích lô người xe ôm, kẻ thợ mộc người phụ nề, kẻ tẩm quất người ăn xin, cả trộm cướp đĩ điếm nữa… chừng nửa đêm tụ về trải chiếu kê gạch lót báo, tụm năm tụm ba ăn ăn uống uống.

Lam lũ suốt ngày, giờ là lúc thảnh thơi nói chuyện trên trời dưới biển, tuyệt không ôn nghèo kể khổ, than vắn kể dài. Người nói cụ K. về nghỉ uổng quá nhỉ, người nói thôi cho cụ nghỉ, cụ tẩm bổ tắc kè cá ngựa hầu vợ chút, chứ bắt cụ làm cách mạng hết đời a, mọi người nói phải phải, cứ thế mà râm ran. Người nói Bill Clinton sang mình, đi ăn cơm bụi như tụi mình nhé, người nói phét, tổng thống mà đi ăn cơm bụi, cứ thế mà ồn ào.

Mình viết lách đến nửa đêm lại tót ra đấy ngồi chầu rìa hóng chuyện, ối chuyện hay mót được từ những đêm như thế.

Sáng ra vỉa hè hứng hết dân phố, đâu đâu cũng có quà sáng, quán nước chè. Pha chè uống ở nhà dù ngon mấy cũng không thể bằng ngồi quán cóc. Hớp chén chè nóng, ăn cái bánh rán cái kẹo lạc, hút điếu thuốc lào… thấy đời thật thong dong.

Dọc phố Bà Triệu các cụ đồ nho ngồi bán chữ. Thỉnh thoảng mình vẫn lang thang tán chuyện các cụ cho vui. Cụ nói mười người đến thì có đến tám xin chữ “nhẫn”, chẳng hiểu sao!

Hàng Tre, Đường Thành xưa là nơi dân cắt tóc hành nghề. Cứ một cái gương treo, một cái ghế mộc, dăm ba cái dao kéo tôngđơ là thành quán cắt tóc. Cắt tóc ở đấy vừa nhanh, không phải đợi, vừa đẹp vừa rẻ. Đa số thợ cắt tóc là bộ đội phục viên, vừa cắt tóc vừa kháo chuyện văn nghệ sĩ.

Dọc đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Phan Đình Phùng… ôi, nhiều đường lắm, cứ vài trăm mét lại gặp mấy ông hưu trí ngồi đánh cờ, lúc lại thấy một ông bày cờ thế ngồi chồm hổm thách khách bộ hành.

Ở góc phố nào cũng có tụi con nít chạy loăng quăng đá bóng, nhảy dây. Mấy thiếu phụ vắng chồng, dắt con nhỏ tha thẩn đứng hết góc này sang góc nọ, gió thổi tóc bay váy lộng, vào mùa lá rụng cảnh ấy đẹp lịm người.

Bây giờ thì không còn nữa, một khi hàng hoá túa ra thì vỉa hè teo lại nhường chỗ cho mưu sinh, ôtô chiếm hết lòng đường thì xe đạp xe máy nhảy lên hết vỉa hè, mỗi đường phố chỉ còn vài khúc thảnh thơi, còn thì mất sạch, mai mốt có lẽ không còn cái vỉa hè nào cho đúng nghĩa vỉa hè Hà Nội.

Không còn vỉa hè cũng tắt luôn tiếng rao đêm. Tiếng quất ơ ông già mù tẩm quất, tiếng lộn ơ chị Mến phố Hàng Than, tiếng bánh bao nóng giòn đê, bánh mì nóng giòn nào vẫn rỉ rả vang lên đêm tĩnh mịch… Khắp chốn kinh kỳ, ở đâu thị trường thời mở cửa bao vây ở đó văn hoá Việt chỉ còn ngắc ngoải sống.

Nhớ mãi một chiều Trần Dần chống gậy đứng phố Nguyễn Du lom lom nhìn ra đường, mấy sợi râu rung rung như sợ hãi như giận dữ. Thốt nhiên ông ôm ngực ho, vừa ho vừa chỉ ngón trỏ lên trời, nói tôi muốn nuốt Hà Nội vào lòng, trớ ra đô thành dởm. Đó là câu thơ cuối cùng mình nghe Trần Dần đọc, ông bỏ Hà Nội về trời năm 1997, năm mà vỉa hè chính thức bị thương trường thời mở cửa xâm lăng.

Thế nên mới nhớ. Nhớ Phùng Quán guốc mộc áo cánh lui cui đi dưới mưa phố Phan Đình Phùng. Nhớ Bùi Xuân Phái ngồi dưới cây phượng già phố Hàng Buồm gật gù chén rượu Vân. Nhớ Tào Mạt chân nam đá chân chiêu đường Hoàng Diệu, Lưu Quang Vũ đứng tè góc phố Yết Kiêu. Nhớ cả Trịnh Công Sơn thỉnh thoảng ra Hà Nội, trắng đêm tiệc tùng lại trở về góc đường Lê Phụng Hiểu với chén rượu trắng cầm tay, rưng rưng hát một câu gì.

Ôi không còn vỉa hè, danh sĩ nước Nam ta biết ẩn nấp vào đâu…

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hóa Thăng Long - Hà Nội

    17/10/2019GS.TS. Trần Văn BínhCon người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người...
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Bộ mặt Hà Nội dưới bàn tay quy hoạch của người Pháp

    06/12/2009Kim ThiNhiều công trình kiến trúc tại Hà Nội đã được xây mới, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp. Tuy nhiên, khu phố cổ vẫn giữ nguyên những đặc trưng của kiểu nhà truyền thống Việt Nam, hẹp và sâu. Nhìn vào quy hoạch của Pháp, cũng có thể thấy rõ mục đích muốn biến Hà Nội thành trung tâm quân sự và chính trị (trong tương lai), tạo điều kiện cho công cuộc khai thác thuộc địa.
  • Hà Nội phố, Hà Nội quê

    10/10/2009Trần TuấnBa mươi mấy năm rồi, Hà Nội với tôi chỉ còn là những chuyến đi, về. Bởi chừng ấy tháng năm, giã từ tuổi thơ bắt ve trèo sấu, giã từ tuổi niên thiếu bắt đầu chớm biết xao lòng buổi cắp cặp đi học ở ngõ Quỳnh, tôi về phố biển miền Trung...
  • Hàng quà ở Hà Nội ngày xưa

    29/07/2009Văn NgọcMỗi lần nhớ lại những hàng quà ngày xưa ở Hà Nội, là tôi lại nhớ lại cả một quãng đời thơ ấu. Nhớ lại những tiếng rao, tiếng động phố phường, mới ngày nào còn gần gũi ... Những tiếng xe cộ lúc sớm mai trên đường phố, những tiếng rao quà trong trưa nắng, những tiếng hát của người xẩm loà lúc phố xá lên đèn, tất cả những âm thanh đó, những hình ảnh đó, đã ghi khắc vào tâm hồn tôi.
  • Phố cổ Hà Nội

    13/07/2009Nguyễn Văn VĩnhBài viết này được trích từ cuốn Lịch sử, sự thật và sử học (Tạp chí Xưa&Nay, Nhà xuất bản Trẻ, 12/1999) tập hợp một số bài viết trên tạp chí Xưa&Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bài viết nguyên bằng tiếng Pháp đăng trên tờ Annam Nouveau số 140 ngày 2/6/1932 của nhà báo-chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh, đã được một bạn đọc dịch và gửi đến tòa soạn Xưa&Nay, góp phần giải thích về việc tìm hiểu khái niệm "Ba mươi sáu phố phường".
  • Chuyện về nhà Hà Nội học đầu tiên

    03/07/2009Trung PhongDoãn Kế Thiện (1891-1965) là một nhân sĩ trí thức giác ngộ đi theo cách mạng, là nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu... với trên 50 năm hoạt động liên tục, đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Cụ được tôn vinh là Danh nhân văn hóa của đất nước. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu về Hà Nội, cụ được vinh danh là nhà Hà Nội học đầu tiên.
  • Nếp sống làng quê giữa lòng phố xá

    03/03/2009Vương Trí NhànTrong khi người Hà Nội chưa đủ sức nâng mình lên, thì dân các vùng nông thôn chung quanh lại như là vẫn muốn kéo Hà Nội xuống, và đây mới thật là chuyện "hai lần thương khó". Có một lẽ công bằng mà không luật pháp nào quy định, song ai cũng thấy phải, ấy là Hà Nội chỉ trở thành đô thị thực thụ nếu nó có thể góp phần giúp cho cuộc sống các vùng chung quanh ngày một ổn định, người dân nông thôn thu nhập khấm khá tới mức nhìn về bà con của mình ở thành thị với con mắt thiện cảm và yên tâm ở lại quê hương "phục vụ" Hà Nội. Nhưng "ốc chưa mang nổi ốc" thì "làm cọc cho rêu" sao được?!
  • Văn hóa Tràng An trong chuyện đặt tên đường phố

    10/02/2009Đoan Trang2008 là một năm chính quyền thủ đô nhiều lần được báo chí nhắc tới để phê phán: Từ việc mở rộng gây tranh cãi, sự lúng túng trong đối phó với trận lụt lịch sử, dự định xây TTTM ở chợ 19/12, tới vụ để sứt mẻ thương hiệu "Tràng An" khi người dân vặt hoa ở lễ hội v.v. Dù vậy, trong chuyện đặt tên đường phố, thì Hà thành có một nét văn hóa đáng ca ngợi, ít nhất cũng đáng để các nơi khác tham khảo.
  • Những di sản sống của đất Thăng Long

    20/01/2009Lê Thị TrangQuả thực, có nhiều lúc người ta như không còn tìm thấy những vẻ đẹp của cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nữa. Đô thị hóa và đời sống hiện đại hầu như đã xóa đi tất cả.
  • Tự nhiên như người Hà Nội

    08/01/2009Nguyễn Trương QuýChẳng rõ có phải vì mang thân là thủ đô tập quyền về đủ mọi mặt từ xưa đến nay (những đứt quãng không nhiều so với toàn cục) mà Hà Nội mặc nhiên được coi như là khuôn vàng thước ngọc cho các giá trị, nhất là văn hoá của đất nước. Cô gái đẹp thì ai cũng đồng ý là đẹp, nhưng được bầu làm hoa hậu thì khốn khổ, sẽ có ngay ý kiến bình luận liệu cô ấy có xứng đáng chưa, hoa hậu thì phải trả lời ứng xử tốt nữa...
  • Mở rộng Hà Nội: Nỗi lo giữ gìn văn hóa thủ đô

    13/05/2008Đan TâmViệc mở rộng Hà Nội cần được tính toán rất kỹ về nhiều mặt và có bước đi thích hợp nhằm thể hiện được thủ đô là tiêu biểu nhất cho chính trị và văn hóa của đất nước
  • Xây dựng văn hóa người Hà Nội

    20/12/2005… Sẽ có nhiều việc phải làm. Bởi rất nhiều nét đẹp, văn hóa Hà Nội còn… lạo xạo những hạt sạn...
  • Hà Nội: Bao giờ “xuất khẩu”... thanh lịch?

    16/10/2005N.M.HàDịch giả Thúy Toàn trích lời một du khách nước ngoài từng đến HN năm 1987, nay quay trở lại: “Người HN bây giờ không thân thiện bằng người HN hồi đó. Phố xá HN hồi đó sạch sẽ và yên tĩnh hơn bây giờ nhiều”...
  • xem toàn bộ