Thế hệ của tôi
Đây là bài tổng kết những chiêm nghiệm cuộc đời của một người làm khoa học đáng kính đã bước qua tuổi thấp thập cổ lai hy - GS. Nguyễn Văn Trọng...
Sự kiện Cách mạng tháng Tám 1945 có thể lấy làm cột mốc khởi đầu cho lịch sử hiện đại cảu Việt Nam. Tôi sinh năm 1940. Những người sinh ra trong thập kỷ 1935 – 1945 có thể coi là thế hệ của tôi. Bàn luận về thế hệ này lẽ dĩ nhiên không phải vì liên quan gì đến cá nhân tôi mà vì những lý do sau:
Thế hệ của tôi không có ai thuộc về những người tổ chức và tham gia cách mạng 1945. Những người này thuộc về thế hệ trước. Vào thời điểm lịch sử ấy, người lớn tuổi nhất trong thế hệ của tôi vẫn còn là trẻ thơ, người ít tuổi nhất thì mới sinh ra. Chúng tôi có thể được xem như thế hệ thừa kế đầu tiên của Cách mạng. Ngay sau Cách mạng tháng Tá là cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm. Những chiến sĩ Vệ quốc đầu tiên, những chàng trai Hà Nội của Trung đoàn Thủ đô với “đêm ra đi đất trời bốc lửa, cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng…” (Chính Hữu). Cũng không thể có ai trong thế hệ của tôi ở trong số đó.
Đặc điểm của cuộc kháng chiến này: bản đồ địa lý các vùng đất do hai bên tham chiến kiểm soát, giống như da báo với các đô thị trong tay người Pháp. Thế hệ của tôi là những đứa trẻ đi cùng gia đình trong những bước lưu lạc theo cuộc chiến. Có người ở vùng tự do của kháng chiến, có người ở trong vùng chiếm đóng của quân Pháp. Một số tí học ở những khu học xá tại Trung Quốc, mọt số ít khác học ở phương trời Tây nào đó. Những tình cảnh khác nhau ấy chắc cũng không thể coi là sự lựa chọn chủ động của họ, khi họ đều còn ở tuổi vị thành niên. Rồi cuộc kháng chiến kết thúc vào năm 1954 với thắng lợi chưa trọn vẹn. Các anh bộ đội tiến vào Hà Nội trong “nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”, như lời ca của một bài hát. Một vài người lớn tuổi nhất trong thế hệ chúng tôi có lẽ vẫn còn đi theo gia đình. Một số đi trên những chuyến tàu thủy Ba Lan ra Bắc tập kết, rồi học trong những trường nội trú của học sinh miền Nam. Hải Phòng vẫn còn mấy trăm ngày ở trong sự kiểm soát của người Pháp với những chuyến tàu chở người di cư theo chiều ngược lại. Lúc này những người lớn tuổi nhất trong thế hệ của tôi bước vào tuổi hai mươi. Kể từ đây cho đến năm 1975, trong khoảng hai chục năm, thế hệ chúng tôi sống ở hai miền Nam – Bắc của đất nước, người ở phía bên này hầu như không biết gì về cuộc sống của những người ở phía bên kia, ngoài những thông tin nghèo nàn và thiên lệch từ các cơ quan truyền thông. Những người như tôi ở miền Bắc đã trải qua các cuộc cải tạo xã hội do những người lãnh đạo cách mạng và kháng chiến tiến hành một cách hệ thống từ sau năm 1954. Có thể gọi thế hệ của tôi làthế hệ hậu cách mạng.
Thế hệ của tôi trải qua quá nhiều biến động lịch sử, khó có thế hệ nào khác giống như vậy. Cứ thử so sánh với những người Việt sống ở thế kỷ XIX chẳng hạn: triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị rồi Tự Đức. Có biến cố lịch sử gì đặc biệt đối với một người dân bình thường thuở ấy trước khi người Pháp vào xâm chiếm nước ta? Trong khi đó chúng tôi có tuổi thơ đi qua chín năm kháng chiến trường kỳ, thời niên thiếu chứng kiến cuộc phân chia đất nước, thời thanh niên trải qua cuộc chiến tranh khốc lộc chống Mỹ, nhưng lại có nhiều phương diện mang tính chất nội chiến và ý thức hệ. Năm 1975, chúng tôi đã khóc vì mừng rỡ với niềm tin rằng từ nay đất nước sẽ thanh bình để xây dựng to đẹp đàng hoàng hơn. Niềm vui chưa kịp vơi thì lại xảy ra những biến cố xung đột vũ trang ở biên giới phía Bắc và Tây Nam. Quân đội Trung Quốc tiến vào một số tỉnh miền Bắc năm 1979. Cuộc sống vật chất thiếu thốn đến mức khủng hoảng. Liên Xô sụp đổ năm 1991 và sự tan rã của phe XHCN trong những năm sau đó. Công cuộc đổi mới. Đời sống kinh tế phồn vinh hơn lên từng ngày, nhưng lại đi cùng với sự tan rã các giá trị văn hóa quen thuộc.
Năm nay (2014), đa số thế hệ của tôi đã ngoài tuổi cổ lai hy; những người ít tuổi nhất cũng chỉ còn thiếu có một năm nữa là tới tuổi đó. Có thể coi như thế hệ của tôi đã bước ra khỏi lịch sử đương đại và đây là lúc có thể bình tâm bàn luận về thế hệ này như một kiểu “cuối đời nhìn lại”. Chúng tôi bước vào tuổi già với những hoàn cảnh vật chất khác nhau, với những tâm trạng cay đắng hay ngọt bùi khác nhau, với những tâm tư suy nghĩ còn khác nhau nhiều hơn nữa. Nhiều lúc tôi có cảm giác những người của thế hệ chúng tôi cơ hồ không còn đối thoại được với nhau. Đối thoại với thế hệ con cái thì hình như chúng tôi lại còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa. Những trải nghiệm đã qua được chúng tôi diễn giải rất kháu nhau, khiến cho lớp trẻ phải mang một hành trang tinh thần đầy mâu thuẫn để đối diện với quá trình toàn cầu hóa trong một bối cảnh lịch sử đầy bất trắc của hôm nay.
Thế hệ của tôi chưa được các nhà nghiên cứu khảo sát riêng biệt vì hình như nó bị nhòa vào những biến cố lịch sử diễn ra sau cuộc cách mạng 1945 cho tới thời hiện đại, khiến họ bị gộp chung vào những thế hệ trước và sau đó. Tuy nhiên, thế hệ của tôi có khá nhiều địa điểm riêng biệt đáng để suy ngẫm và bàn luận. Liệu những người thuộc thế hệ chúng tôi có nên trao đổi về những trải nghiệm đã qua – những trải nghiệm mà trong đó chúng tôi vừa là người chịu tác đọng của các biến cố lịch sử, vừa là tác nhân chủ động gây ra? Đối với cuộc đời riêng của mỗi cá nhân thì có thể phẩy tay với mọi sự để bước vào tuổi già cầu mong một chút bình yên. Nhưng lẽ nào không có những người mong muốn suy tưởng tra vấn cuộc đời mình trong tâm trạng bình thản của một người đã bước ra khỏi cuộc chơi?
Socrates có nói: “Đối với con người cuộc sống chưa được suy tưởng tra vấn là không đáng sống”. Lời nói thật to tát, nhưng thực ra có lẽ mỗi con người đều làm cái việc suy tưởng tra vấn ấy mà không tự ý thức, giống như nhân vật hài kịch của Molière không ngờ rằng mình lâu nay vẫn dùng văn xuôi trong khi nói. Chỉ có điều cách thức suy tư của mỗi người thì khác nhau, thể hiện cá tính riêng. Cách thức suy tư của mỗi cá nhân đều chịu ảnh hưởng văn hóa của cộng đồng và thời đại mà anh ta sinh trưởng và lớn lên. Thời thơ ấu anh ta được nghe lời răn dạy của cha mẹ và thầy cô giáo, đồng thời anh ta cũng quan sát các hành vi của họ. Nhận thức về cuộc sống cũng được thu lượm từ chúng bạn bằng những ảnh hưởng qua lại. Tới tuổi trưởng thành, anh ta phải tự mình đối diện với những vấn đề của cuộc sống. Nếu là người có học thức, anh ta sẽ đối chiếu các trải nghiệm cuộc sống của mình với những điều học hỏi được từ kho tri thức của nhân loại. Nguồn cung cấp những tri thức này không phải chỉ là những cuốn sách chuyên khảo cung cấp tri thức một cách hệ thống, mà còn là văn học nghệ thuật; theo ý tôi thì điện ảnh và tiểu thuyết có vai trò rất quan trọng. Cuộc sống luôn đặt anh ta vào những tình huống khác nhau để anh ta phải lựa chọn cho mình một thái độ hay một hành động nhất định. Một hệ thống giá trị hình thành, định hướng cho cuộc sống tinh thần của anh ta. Các sự kiện bên ngoài luôn tác động đến con người anh ta, khiến anh ta phải không ngừng tra vấn lại định hướng của mình. Những quá trình ấy là cuộc sống nội tâm của mỗi con người. Cuộc sống nội tâm ấy phong phú hay nghèo nàn tùy thuộc vào tư chất và nỗ lực tinh thần của mỗi người, song có lẽ không ai là không có.
Fromm khẳng định con người là một hữu thể độc đáo không đồng nhất với bất cứ ai khác và con người ý thức được bản ngã của mình như một thực thể tách biệt. Con người buộc phải đơn độc khi nó phán xét và đưa ra quyết định thuần túy bằng sức mạnh lý tính của mình. Tính chất cá biệt của con người khiến cho nhiều thân phận dẫu cũng trải qua những biến cố như nhau, nhưng lại hình thành nên những con người rất khác nhau. Đã qua rồi cái thời còn thịnh hành quan điểm duy vật cơ giới thô thiển khẳng định rằng, con người là sản phẩm thụ động của môi trường xã hội, rằng cùng một điều kiện xã hội như nhau sẽ có những con người giống nhau. Quan điểm cơ giới này khá phổ biến trong thời tuổi trẻ của thế hệ chúng tôi và hiện nay cũng còn rất nhiều người vẫn nghĩ như vậy. Quan điểm dung tục này hạ thấp con người xuống thành bầy đàn nô lệ cho hoàn cảnh, sản sinh ra sự chia rẽ phe nhóm trong xã hội và dẫn đến thái độ thiếu khoan dung văn hóa đối với những người có lối sống hay cách suy nghĩ khác biệt với số đông. Đã có thời thịnh hành lòng tự hào xuất thân công nông hay gia đình cách mạng, gần đây nhiều người lại ra sức chứng minh dòng họ của mình là danh gia vọng tộc từ xưa và lấy đó là niềm tự hào. Cả hai thái độ đều mang tính nô lệ như nhau vì đều hạ thấp con người xuống thế giới của các sự vật, khước từ phẩm giá con người vốn nằm trong tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Thái độ nô lệ đó dẫn đến kiểu cách tương giao chuyên chế trong văn hóa truyền thống, được “hiện đại hóa” bằng chủ nghĩa duy vật dung tục. Nó cũng mở đường cho sự chia rẽ thành phe nhóm với lối sống sở hữu: đánh giá con người dựa trên những gì anh ta sở hữu chiếm đoạt hay được thừa kế, mà không dựa trên giá trị nhân bản của chính anh ta.
Trong xã hội nước ta hiện nay có vô số vấn đề khiến cho những người có tư chất hướng nội băn khoăn suy nghĩ; thế nhưng những người thuộc tư chất hướng ngoại và có thiên hướng lạc quan bẩm sinh lại thấy mọi chuyện đều tốt đẹp và “cuộc đời vẫn đẹp sao”; họ nhạo báng những người băn khoăn suy nghĩ và xếp những người này vào loại “nhân viên công ty than”. Đổi lại, một số “nhân viên công ty than” lại xem những người lạc quan là bọn ngu ngốc. Cũng quan sát thấy những hiện tượng xã hội như nhau, những người khác nhau có thể có những nhận định và thái độ khác nhau. Chuyện như vậy là thường tình của loài người. Song mối tương giao những người có quan điểm khác biệt là tấm gương phản chiếu phẩm tính của nền giáo dục và văn hóa, cũng như của thời đại. Xưa kia mối tương giao ấy được quy định theo truyền thống văn hóa và không phải là đề tài được mang ra bàn luận. Xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo ở nước ta không cho phép những người không có phận vị cao được quyền bày tỏ ý kiến của mình. Những kẻ “vượt phận”, nhẹ ra thì bị coi là vô lễ, còn nặng thì bị trừng trị. Thời chiến tranh, vấn đề phát ngôn được xử lý theo cách cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức. Những cách thức ứng xử tương giao như thế có tên gọi là chuyên chế. Đối với một đất nước đã hội nhập với thế giới hiện đại, thì cách ứng xử chuyên chế chắc chắn không thể nào thích hợp được nữa. Trong cái thế giới rộng lớn và đầy biến động này chẳng có vị thánh nào có thể tiên đoán được điều gì chắc chắn, ngay cả trong những kỳ hạn ngắn dăm bảy năm. Xã hội hiện đại với kinh tế thị trường tạo ra những tình huống thật đa dạng và đầy bất ngờ khiến cho mọi khuôn mẫu thành công trong quá khứ đều phải được cân nhắc và xem xét lại.
Người Việt hiện nay không còn khép kín cuộc sống trong những cái làng lớn, làng nhỏ nữa, mà đang giao tiếp với thế giới. Người Việt bắt đầu ngắm nhìn thiên hạ và so sánh thiên hạ với mình hoặc ngấm ngầm trong lòng, hoặc bộc bạch trên sách báo và internet. Khi so sánh như thế ắt phải tự nhìn lại mình và tự đánh giá lại mình. Và “thế hệ hậu cách mạng” của tôi cũng phải suy ngẫm lại những trải nghiệm của mình trong tư cách vừa là người kế thừa của thế hệ trước, vừa là người để lại di sản cho thế hệ sau. Trong việc suy ngẫm này tất bộc lộ ra những khuynh hướng rất khác nhau. Nếu không muốn bằng lòng với những xét đoán hàm hồ thì cần phải bàn thảo cặn kẽ mọi luận cứ với một thái độ bình tĩnh và thực sự cầu thị. Song không thể bàn thảo những vấn đề như thế trong mối tương giao văn hóa mang tính chuyên chế.
Bước ra khỏi thời kỳ cô lập với thế giới “phi xã hội chủ nghĩa”, nhiều người thế hệ chúng tôi bị choáng váng trước những kiểu cách định hướng tinh thần khác biệt với những gì đã ít nhiều trở thành định kiến của mình. Có hai kiểu cách phản ứng lại với cơn choáng váng. Một số thấy cần thiết phải tra vấn lại những định kiến của mình; một số khác xem những tư tưởng khác lại với mình là thù địch và bảo vệ các định kiến cũ như bảo vệ tài sản quý báu mà họ sở hữu. Những người thuộc loại thứ hai là những người chủ động khép kín bản thân, khước từ giao lưu. Ta không thể bàn luân gì ở đây về lập trường của những người như thế, dù họ bảo vệ những định kiến gì đi nữa. Những người muốn tra vấn thì phải đi tìm cội nguồn của những định kiến cũ cũng như cội nguồn của những định kiến đối lập lại để suy tư. Việc làn cần thiết này có đem lại kết quả hay không phục thuộc vào tư chất và nỗ lực cá nhân của từng người. Tất cả những xã hội bước ra khỏi tình trạng bị khép kín một thời, như nước Nga, các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam…cũng như Myanmar gần đây, đều có nhiều người muốn tra vấn như thế. Tình trạng đạo đức xã hội của các nước này phụ thuộc vào việc những người ưu tú trong xã hội giải quyết thành công nhiệm vụ ấy ở mức độ nào. Nhìn vào tình trạng đạo đức xã hội hiện nay ở nước ta, có thể nói thế hệ chúng tôi đã thất bại trong nhiệm vụ đó. Ít nhất cũng có thể cùng nhau suy tưởng về những nguyên nhân thất bại.
Một trong những nguyên nhân thất bại có lẽ nằm ở trong kiểu cách “tư duy chiến tranh chống kẻ thù” với kiểu tra vấn thường xuyên cho mọi rắc rối: kẻ thù nào âm mưu gay thất bại cho ta? Tôi ngờ rằng người Việt thường có não trạng quy kết mọi thất bại của mình, dù ở bình diện tập thể hay cá nhân, cho kẻ thù nào đó âm mưu chống lại ta. Trên bình diện dân tộc, chúng ta cho rằng đối nghèo xưa kia là do đế quốc phong kiến áp bức bóc lột, tình trạng tồi tệ hiện nay là do thế lực thù địch bên ngoài âm mưu, hoặc ngược lại,là do những người cộng sản với học thuyết sai lầm gây ra. Tư thế “vạch mặt kẻ thù” và “công phẫn đạo đức” không giúp người ta thấu hiểu chân lý, nhưng thỏa mãn được lòng tự ái, vì tựa hồ như khẳng định rằng: “không phải do ta quá kém cỏi”. Trong một số trường hợp, “công phẫn đạo đức” có thể là chính đáng, song trong nhiều trường hợp lại có tính phá hủy: “người cộng phẫn” vừa thỏa mãn với việc chà đạp và đối xử một người khác như kẻ xấu xa, lại vừa thỏa mãn với cảm xúc tự xem ình cao cả và đúng đắn. Fromm cho rằng “phán xét” có thể có hai nghĩa khác nhau: một là thực thi chức năng tinh thần khẳng định hay xác nhận, hai là thực hiện chức năng kết án hay tha tội. Phán xét kết án hay tha tội dựa trên ý tưởng về một quyền uy siêu việt vượt trên con người và phán xử con người. Quan tòa trong xã hội dân chủ về mặt lý thuyết không đứng trên đồng loại của mình, nhưng vẫn đượm màu sắc của Thượng đế phán xử. Dẫu cá nhân quan tòa không có quyền lực siêu nhân, nhưng cơ quan tòa án thì có. Tuy nhiên, nhiều người chẳng thuộc tòa án nhưng vẫn đóng van phán xử, sẵn sàng tha tội hay kết án khi phán xét đạo đức. “Sự công phẫn đạo đức” là hiện tượng thường chứa đựng nhiều cảm xúc phá hủy. Nó cho phép lòng ghen tỵ hay thù hận được bộc lộ ra dưới chiêu bài đức hạnh. Phán xét mang tính nhân bản về giá trị đạo đức cũng có tính chất logic như phán xét hợp lý tính nói chung.
Khi phán xét, chúng ta phán xét sự kiện, nhưng không cảm thấy mình giống như Thượng đế cao cả được quyền lên án hay tha thứ. Phán xét rằng một cá nhân có tính phá hủy, tham lam, gan tỵ, ghen ghét không khác biệt với một định bệnh của thầy thuốc về trục tặc ở tim hay phổi. Nếu chúng ta biết rõ toàn bộ lịch sử của một cá nhân, ta có thể hiểu anh ta trở thành con người như thế vì sao và như thế nào, nhưng chúng ta cũng có thể phán xét anh ta là con người gì. Thậm chí chúng ta cũng có thể giả định rằng, nếu chúng ta sống trong hoàn cảnh như thế thì chúng ta ắt cũng giống như anh ta; xem xét như thế ngăn chặn chúng ta đóng vai trò Thượng đế, nhưng không ngăn cản chúng ta đưa ra phán xét đạo đức. Cũng giống như chúng ta có thể phán xét một đôi giày hay một bức họa là tốt hay xấu mà không cần biết người thợ đóng giày hay người họa sĩ đã tạo ra chúng trong hoàn cảnh nào. Hiểu một cá nhân không có nghĩa là tha thứ hết, nó chỉ có nghĩa là không kết tội anh ta như mình là Thượng đế đứng trên anh ta. (Fromm, Con người vì chính bản ngã của mình).
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi trong hội nhập với thế giới là: tình hình xã hội ở các nước tư bản phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản hóa ra tốt đẹp hơn rất nhiều so với những gì chúng tôi trước đây vẫn được tuyên truyền; họ c hẳng những giàu có mà quan hệ của con người trong xã hội dân chủ cũng khá văn minh. Một số người trong chúng tôi có điều kiện giao lưu và quan sát các xã hội của họ trong những quãng thời gian lâu dài hơn, những người này có thể nhận ra những khuyết tật cũng như các rắc rối mà họ đang phải giải quyết. Nhiều người trong chúng tôi ngộ ra rằng mọi xã hội đều ở trong trạng thái vận động để giải quyết những khó khăn đang xuất hiện, cuộc sống là chuyển động nên không thể có xã hội hoàn hảo theo kiểu giải quyết triệt để mọi chuyện một lần cho mãi mãi. Mong muốn như thế là không tưởng.
Thế hệ chúng tôi trong mấy chục năm đổi mới lẽ ra phải là lực lượng chủ yếu tham gia giải quyết vấn đề nhận thức xã hội một cách tích cực nhất, vì chúng tôi là lớp người có trải nghiệm sống nhiều nhất trong xã hội. Thật cay đắng phải thừa nhận rằng thế hệ chúng tôi đã tỏ ra quá kém cỏi trong nhận thức về những biến động mà mình đã trải nghiệm. Những người ưu tú nhất cũng chỉ làm được công việc pharn ứng lại nạn tham nhũng và các hành vi chuyên chế của các nhân viên công quyền, so sánh và ca ngợi tính ưu việt của nền dân chủ phương Tây. Chẳng có nhiều người trong thế hệ chúng tôi đề cập đến những câu hỏi về nguyên nhân sân xa của lựa chọn lịch sử tưởng chừng như đúng đắn rồi lại đưa đến những hậu quả tai hại (không phải chỉ của nước ta mà còn của nhiều quốc gia khác nhau). Hồi ký của các vị lão thành cách mạng có khuynh hướng phản tư cũng chỉ cho biết rằng họ tham gia cách mạng vì lòng yêu nước chứ hoàn toàn không biết gì về học thuyết chính thống. Nếu quả là như vậy thì lại phải giải đáp những thắc mắc còn đau đớn hơn nữa về hiện tượng này. Người ta đã bàn luận đôi chút về hoàn cảnh quốc tế, nhưng những nguyên nhân nội tại của người Việt là chuyện quan trọng hơn thì chẳng thấy có bàn luận gì sâu sắc và thuyết phục. Không thấu hiểu được những nguyên nhân nội tại sẽ đi đến thái độ quen thuộc “công phẫn lên án kẻ thù”.
Những ưu điểm của nền dân chủ phương Tây là khá hiển nhiên. Nhưng đó là thành quả sáng tạo văn hóa tinh thần của những dân tộc đã đi qua quãng đường lịch sử mấy ngàn năm với những trải nghiệm tinh thần rất khác biệt với dân tộc Việt Nam. Nếu muốn học hỏi họ thì cũng phải bàn luận xem dân chúng hiện nay có đủ điều kiện học không và học như thế nào. Bởi ngoại trừ Nhật Bản thì hình như cũng chưa có dân tộc nào học được văn hóa phương Tây một cách nghiêm chỉnh cả. Rõ ràng nền dân chủ không phải chỉ là một hình thức tổ chức xã hội, mà chủ yếu dựa trên một kiểu cách định hướng tinh thần của dân chúng được hình thành trong lịch sử văn hóa của phương Tây. Phê phán xã hội của thế hệ chúng tôi chưa vượt qua được phạm vi vạch mặt tố cáo và so sánh ca ngợi, vì vậy chưa có được nhận thức thấu đáo các biến cố lịch sử quan trọng mà chúng tôi đã trải qua.
Thế hệ chúng tôi là “thế hệ hậu cách mạng” không chỉ vì những cột mốc thời gian, mà có thể còn vì phần đông chúng tôi choáng ngợp trong hào quang của cách mạng. Niềm hứng khởi thời tuổi trẻ của chúng tôi được lấy từ tất cả các cuộc CM trên thế giới, đặc biệt là từ ba cuộc CM lớn: CM Anh, CM Pháp và CM Nga. Quả thật những cuộc CM ấy là những cột mốc lịch sử đánh dấu sự cáo chung của chế độ quân chủ chuyên chế ở châu Âu cũng như sự cáo chung của mô thức xã hội áp bức số đông dân chúng đồng hành với chế độ ấy. Tuy nhiên phần đông chúng tôi tiếp thu ý nghĩa lịch sử của các cuộc CM ấy một cách thô thiển trong niềm tin vào quy luật phổ quát của tiến bộ. Nền dân chủ được hiểu như con đẻ trực tiếp của CM, cứ tựa hồ như sau khi CM thành công là diễn ra công cuộc xây dựng nền dân chủ trong tình đoàn kết và thân ái. Nếu ngày nay đến thăm thành phố Bordeaux của Pháp, người ta có thể chiêm ngưỡng tượng đài kỷ niệm các nhà CM Girodin (bị các nhà CM Jacobin sát hại) có hàng chữ “CM luôn ăn thịt những đứa con của mình”. Chúng tôi dường như chẳng chú ý đến tính chất bi thảm và khốc liệt của những biến cố lịch sử diễn ra trong mấy thế kỷ tiếp theo sau CM Pháp. Dường như chưa có ai trong chúng tôi đặt nghi vấn: phải chăng nền dân chủ là thành quả sáng tạo của các dân tộc phương Tây trong cuộc vật lộn cam go để khắc phục đống hoang tàn mà các cuộc CM Anh và Pháp đã để lại, nhưng vẫn không quay trở về với chế độ quân chủ chuyên chế cũ? (Mặc dù có thời kỳ Trung hưng ở Pháp, nhưng chế độ Trung hưng nhanh chóng bị đào thải). Trực tiếp sau cuộc CM Anh là nhà độc tài Cromwell, sau CM Pháp là nhà độc tại Robespierre đứng đầu nhóm Jacobin, rồi sau đó là hoàng đế Napoleon. Các cuộc nổi dậy và các cuộc đàn áp đẫm máu trong những năm 1848 – 1849, hai cuộc chiến tranh thế giới, chế độ phát xít ở Ý, Đức và Nhật Bản. Những người ca ngợi công cuộc cải cách thời Minh Trị ở Nhật Bản hình như không thích đề cập đến CN phát xít Nhật – một sản phẩm theo trình tự thời gian có vẻ như là con đẻ của cuộc cải cách ấy. Một người bạn của tôi cho rằng việc xuất hiện chế độ phát xít Hitler ở Đức là không thể giải thích nổi, vì sự kiện ấy không tương thích được với những tinh hoa văn hóa phong phú của dân tộc Đức. Có vẻ như đa số thế hệ chúng tôi đều là những mẫu người “có đầu óc kiểu Euclid” mà Dostoevsky mô tả - những người muốn giải thích cuộc nhân sinh của loài người theo kiểu hoàn toàn duy lý với sự rành mạch giống như hình học Euclid – một hệ thống chân lý không có mâu thuẫn nội tại.
Tôi tin rằng tình trạng suy đồi đạo đức xã hội hiện nay ở ta phần nào có căn nguyên từ tình trạng kém cỏi của thế hệ chúng tôi. Đọc những bàn luận của các tinh hoa thuộc thế hệ trước như Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh…tôi luôn có cảm giác hổ thẹn trong lòng: chúng tôi được học hành nhiều hơn, có nhiều trải nghiệm hiện đại hơn, vậy mà vẫn phải ngỡ ngàng với chiều sâu tư duy của các bậc tiền bối ấy – chiều sâu mà thế hệ chúng tôi không có được.
*
* *
Về phần mình, trong hành trình đi tìm lời giải đáp những băn khoăn về cuộc nhân sinh cho chính bản thân mình, tôi đi tới cảm nhận rằng không tồn tại lời giải đáp mang tính chân lý tuyệt đối cho những câu hỏi ấy. Không phải là tôi theo “chủ nghĩa tương đối” phủ nhận việc tìm kiếm chân lý nói chung; đơn giản là vì những câu hỏi nhân sinh tôi quan tâm đều liên quan đến những mâu thuẫn gắn chặt với hiện sinh của con người: ví dụ như con người buộc phải đơn độc khi nó phán xét và đưa ra quyết định thuần túy bằng sức mạnh lý tính của mình, nhưng con người không chịu đựng được tình trạng đơn độc không có quan hệ rang buộc với những đồng loại. Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào tình đoàn kết mà anh ta cảm nhận với các đồng loại, với những thế hệ quá khứ và tương lai. Con người vừa mang tính cá biệt lại vừa mang tính xã hội với khát khao hợp quần. Không thể xóa bỏ mâu thuẫn này mà chỉ có thể phản ứng lại theo những cách thức khác nhau. Mỗi người chỉ có thể phản ứng lại theo những cách thức khác nhau. Mỗi người có một lời giải đáp cho riêng mình. Chúng ta chỉ có thể mong muốn một xã hội tử tế, trong đó con người có thể sống với những quan niệm nhân sinh khác nhau, nhưng không vì thế mà phải nghiền nát những mong muốn và nhu cầu cũng thiết yếu ngang bằng của những người khác. Một xã hội tử tế không đòi hỏi đa số các thành viên của nó nhất thiết phải có học vấn cao. Điều quan trọng nhất để cho con người không nghiền nát hạnh phúc của những người khác trong khi mưu cầu hạnh phúc cho mình, ấy là cảm nhận về tình người, là sự cảm thông với nỗi đau của đồng loại, là mối gắn bó với những người xung quanh. Những giá trị mà con người theo đuổi trong cuộc sống thường mâu thuẫn với nhau và mỗi cá nhân buộc phải có lựa chọn. Mỗi sự lựa chọn đều dẫn đến việc hy sinh hay làm suy giảm một số giá trị nào đó. Ở đây không phải chỉ có mẫu thuẫn giữa thiện và ác, mà còn có mâu thuẫn giữa những giá trị tốt đẹp khác nhau. Không bao giờ loại bỏ được hết các xung đột và bi kịch trong cuộc sống. Chỉ có thể hy vọng các xung đột và bi kịch không dẫn đến sự hủy diệt lẫn nhau của các thành viên. Phải có một nền đạo đức xã hội lành mạnh thì mới mong duy trì được một xã hội tử tế. Để đạt được điều này, mỗi con người chủ yếu phải trông cậy vào sự giúp đỡ của phần tích cực ở sâu thẳm trong tâm hồn mình, nhiều hơn là những tri thức đến từ bên ngoài. I. Berlin cho rằng: “niềm tin vào một công thức đơn nhất có thể được tìm ra về nguyên tắc mà nhờ nó tất cả các mục đích đa đạng của con người có thể được thực hiện một cách hài hòa, niềm tin ấy đã được chứng tỏ là trá ngụy. Nếu các mục đích của con người là nhiều thứ, như tôi tin là thế, và không phải tất cả những mục đích ấy đều tương thích được với nhau, thì khả năng có xung đột – và bi kịch – không bao giờ có thể bị loại trừ khỏi đời sống con người, dù là đời sống cá nhân hay xã hội”.
Nhận thức trên đây không hàm ý rằng người ta không cần tranh cãi bàn luận về những vấn đề nhân sinh liên quan đến hạnh phúc của các thành viên xã hội trong cuộc sống cộng sinh. Nhận thức ấy chỉ hàm ý mong muốn những người tham gia tranh luận ý thức được rằng không có ai là thánh thần nắm giữ chân lý tuyệt đối. Trong quan niệm của tôi, bàn luận về vấn đề nhân sinh không phải nhằm mục đích thống nhất tư tưởng để thống nhất hành động, mặc dù tôi không phản đối những người có mục đích như thế. Điều quan trọng là làm sáng tỏ những phương diện mâu thuẫn nhau của vấn đề đặng giúp con người ý thức được những hậu quả của mỗi lựa chọn. I.Berlin quan niệm vai trò của triết gia đạo đức học là soi sáng vấn đề để hỗ trợ cho công chúng có những phán đoán của riêng họ, chứ không phải hướng dẫn họ phải sống thế nào. Tôi rất chia sẻ quan niệm này. Tôi cho rằng mơ ước xây dựng một xã hội mà mọi thành viên của nó đều nhịp bước tiến đến cùng những mục tiêu duy lý, là một không tưởng phản nhân văn.
TP HCM, 2013 – 2014
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn