Người Việt giàu hay nghèo tưởng tượng?
TT&VH tiếp tục cuộc trò chuyện cùng Nhạc sĩ Dương Thụ và TS Nguyễn Văn Trọng về sự tưởng tượng...
TT&VH:Theo các ông, người Việt chúng ta giàu hay nghèo tưởng tượng?
Nhạc sĩ DươngThụ (D.T): Câu này thì hơi khó… Nói về sự tưởng tượng của người Việt tôi thấy có lúc giàu, nhưng cũng có lúc nghèo. Nhiều đình chùa ở miền Bắc mà tôi biết, xem các chạm khắc, tượng chùa, thấy sự tưởng tượng của các cụ ngày xưa giàu có vô cùng. Âm nhạc dân gian Việt Nam giai điệu rất hay, ví như bài Cò lả. (hát một đoạn) Con cò, cò bay lả, lả bay la…, rất là gợi. Tuy nhiên có thời kỳ lại thấy sự nghèo nàn trong tưởng tượng: vẽ giống nhau, hát một kiểu…
TS Nguyễn Văn Trọng (N.V.T): Xét về mặt nhân chủng, không thể nói ai giàu/hay nghèo tưởng tượng hơn ai. Vấn đề nằm ở chỗ con người nào cũng vừa tồn tại độc lập như một thế giới riêng lại vừa tồn tại trong cộng đồng người. Con người không thể tồn tại ngoài cộng đồng. Anh ta chia sẻ những giá trị sâu xa của cộng đồng. Anh ta thuộc về cộng đồng nào là do số phận. Và sự khác biệt của cộng đồng này với cộng đồng kia là do những tiến trình khác nhau của lịch sử. Tùy theo môi trường, điều kiện sống,... mà dân tộc này có thể giàu hoặc nghèo tưởng tượng hơn so với dân tộc khác. Ở lĩnh vực khoa học, người Việt Nam nghèo tưởng tượng. Khoa học có thể coi như một “đặc sản” của phương Tây. Nhưng khi khoa học đã hình thành rồi thì nó có thể truyền bá từ tộc người này sang tộc người khác và trở thành tài sản chung của loài người.
Nhưng ở lĩnh vực nghệ thuật và tư tưởng thì nền văn minh nào cũng có những thành tựu phong phú; phương Đông cũng có rất nhiều nhà tư tưởng lớn (Lão Tử, Khổng Tử...). Về mặt này, sự yếu kém của chúng ta mới đáng bàn.
Lịch sử cho thấy, sự hình thành, nở rộ các nền văn hóa đều liên quan tới những thời kỳ có sự tự do tư tưởng, như thời La Mã cổ đại, thời Phục hưng ở phương Tây hay thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Quốc,… Việt Nam ta có một giai đoạn tôi cho là kỳ lạ, là thời kỳ bị Pháp xâm chiếm. Lúc đó Pháp chưa bình định được toàn Việt Nam, chưa áp đặt được tư tưởng thực dân trong khi tư tưởng Nho giáo đã lỗi thời và đã mất vị thế áp đặt. Hoàn cảnh đó đã tạo nên một khoảng trống tinh thần trong xã hội, nó đã đẻ ra hàng loạt những giá trị mới: chữ Quốc ngữ, văn xuôi, thơ, kịch nghệ, tân nhạc, báo chí, áo dài…, xuất hiện phong trào Thơ Mới hay thế hệ họa sĩ tài năng Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương... Theo đánh giá của tôi thì đây là thời gian phát triển rực rỡ bậ c nhất của văn hóa Việt Nam.
TT&VH: Thế còn người Việt Nam hiện tại thì sao? Các ông nghĩ thế nào về sự tưởng tượng trong con người Việt Nam đương đại?
N.V.T: Hiện nay có vẻ tâm lý thực dụng đang thống trị. Tưởng tượng nhiều chỉ thêm phiền nhiễu. An toàn nhất với nhiều người có lẽ là kiếm tiền. Mọi trí tưởng tượng chỉ nhằm vào chuyện làm sao kiếm được nhiều tiền. Tôi có thể nói không đùa rằng hiện nay lĩnh vực sáng tạo nhất của người Việt là kiếm tiền, với đủ các chiêu thức…
D.T:… đến Tây cũng phải thua! Nói thế không có nghĩa là thế hệ trẻ nghèo tưởng tượng. Vấn đề là trong những cái chúng ta cần tưởng tượng phong phú thì nó lại nghèo, và ngược lại. Theo tôi vấn đề nằm ở giáo dục.
TT&VH: Trong cuộc đời mình, các ông ngưỡng mộ sự tưởng tượng nào nhất ở con người?
N.V.T: Nói thật là tôi luôn lo ngại mặt xấu của sự tưởng tượng. Xã hội mà tôi ngưỡng mộ là xã hội Bắc Âu, một nơi ít tưởng tượng, thay vào đó họ xây dựng được một xã hội tử tế, là xã hội ở trong đó con người có thể sống và thỏa mãn các mong muốn thiết yếu của mình, nhưng không vì thế mà phải nghiền nát những mong muốn và nhu cầu cũng thiết yếu ngang bằng của những người khác. Xã hội tử tế không kích thích trí tưởng tượng bay bổng, mà dựa trên nền tảng đạo đức đã biết và quen thuộc với mọi người: con cái không đuổi bố mẹ ra khỏi nhà, người có quyền chức không nhũng nhiễu dân… Thật sự là tôi không ngưỡng mộ trí tưởng tượng bay bổng.
D.T: Tôi cũng đồng ý với anh Trọng ở điểm này. Ba dân tộc mà tôi ngưỡng mộ nhất là Nhật, Đức và Ý, thì cả ba đều có giai đoạn bị các thế lực phát xít lên nắm quyền. Trí tưởng tượng của họ ghê gớm lắm. Họ đã tạo ra những điều tuyệt vời nhất. Và họ cũng tạo ra sự hủy hoại thế giới. Hình như “thằng” tưởng tượng ghê nhất chính là “thằng” phá hoại nhất.
N.V.T: Với tôi, cuộc sống chính là sự tưởng tượng lớn nhất.
TT&VH: Xin cảm ơn hai ông.
Áo dài, một “phát minh văn hóa Việt Nam” đầu thế kỷ 20 Nghệ sĩ Phùng Há trong chiếc áo dài Việt Nam Trên chuyên đề Đẹp của báo Phong Hóa năm 1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã giới thiệu bộ sưu tập Hoa hồng giờ Tý, gồm những mẫu áo được đặt tên là Le Mur. Theo tiếng Pháp, Le Mur có nghĩa là Cát Tường. Dù tạo được tiếng vang lớn, nhưng áo Le Mur gặp phải sự chống đối khá kịch liệt từ phía những nhà Nho thủ cựu. Để chứng minh cho tính khả thi của trang phục do mình vẽ, họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã hợp tác với hiệu dệt Cự Chung ở phố Hàng Bông để tung ra thị trường những áo Le Mur đầu tiên. Sau khi được họa sĩ Lê Phổ chỉnh thêm vài chi tiết, áo Le Mur đã thuyết phục phụ nữ từ Bắc đến Nam, mà những khách hàng nổi bật nhất lúc ấy phải kể đến nữ luật sư Nguyễn Thị Hậu, thứ phi Mộng Điệp và nghệ sĩ cải lương Phùng Há (theo Hoàng Thư). |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn