Tư duy “danh phận”
Này chị, mấy năm nay đạo Phật có vẻ hưng thịnh quá nhỉ. Đúng, nhiều người còn nói nước ta đang có một cuộc phục hưng đạo Phật.
Em không rành triết lý tôn giáo nhưng cái việc bỏ tham - sân - si mà đạo Phật cổ vũ có vẻ như chỉ có thể là chuyện của các thiền viện, chùa chiền đồ sộ, của tâm hồn, của nội giới mênh mang chứ trong hành động và đời thực thì ngược hẳn. Ai ai cũng ganh đua, thích đủ mọi thứ.
Thành công - Thành đạt là cái đích xa và gần của bất cứ ai: Một cuộc giao dịch thành công, một chuyến đi, một trận đấu, một hội nghị, một nghiên cứu, một cuộc hôn nhân, một vụ môi giới v.v và v.v… thành công. Tóm lại các “thành công” sẽ biến ta thành một người thành đạt. Nếu không là một doanh nhân thành đạt, một phụ nữ thành đạt, một cặp vợ chồng thành đạt, một đứa con, đứa cháu thành đạt… thì xấu hổ lắm, đau khổ lắm, thất vọng lắm cô ơi.
Không thành công - thành đạt tức thị là đồ bỏ. Là thất bại ê chề, là thua bét be. Áp lực những tưởng đến từ bên ngoài mà thực ra chỉ tại cái thói tư duy thành bại về danh phận mà ra cả. Cái dằn vặt của cụ Nguyễn Công Trứ “phải có danh gì với núi sông” đã lan ra toàn cộng đồng, từ nhỏ đến to. Không có danh phận với núi sông, dân tộc, quốc gia thì kiếm chút danh phận với tỉnh, huyện, quận, xã. Không nữa thì cố chút danh phận với xóm, ngõ ngách nhà mình vậy. Lại còn cái gánh nặng nữa trên vai mội thiếu niên là phải có danh phận cho họ tộc nhà mình.
Bi hài kịch tranh giành hơn thua giữa các họ Lý - Trần - Lê - Trịnh - Nguyễn - Hồ - Lại - Vương v.v và v.v… ở mỗi làng tưởng đã nhạt phai nay lại bùng phát trở lại. Nhưng mà không có chí tiến thủ, không có tham vọng, không nỗ lực hết mình, không vật vã trăn trở, không dám mạo hiểm thì chán chết, thì cuộc đời này nhạt nhẽo xiết bao! Đúng là cái gì cũng có mặt phải mặt trái của nó. Nỗ lực để thành công, thành đạt mà mang lại niềm vui sống cho mình, làm lợi cho mọi người thì đâu có thấy áp lực và khổ đau.
Đó chính là “Thiền dấn thân”, là tư duy “lạc đạo” của các tổ Trúc Lâm đó nghe. Xưa xã hội ta có vẻ ngoài Nho trong Phật. Nay cũng có nhiều người muốn khôi phục cái lý sống còn ở đời theo “mô thức” đó. Có điều ta phải đa dạng hóa cái chuyện danh phận của mỗi người thì mới văn minh lên được. Cớ gì mà cứ phải thi đỗ với bằng cấp mới có danh phận - dù không kiếm được việc làm hoặc có việc làm thì lương chỉ ba cọc ba đồng không nuôi nổi vợ con! Cớ chi cứ phải làm quan - có chức vụ hành chính mới “mở mày mở mặt” và “cho cả họ được nhờ”!
Ấy cái truyền thống nó dai dẳng thế đấy. Gọi là “thâm căn cố đế”. Cho tới đầu thế kỉ 20 của cụ Tú Xương, độc đạo đến danh phận là học cử tử để làm quan! Hai thứ đó dày vò đeo đẳng người ta, nhất là giới “trí thức”, “tinh hoa”… làm xã hội Việt Nam ta trì trệ, lầm than, lạc hậu, mãi không ngóc đầu lên được. Nó tha hóa tới mức chuyện đi xin, đi mua danh phận “đậu lậy, quan xin nọ chú Hàn” ấy cũng mặc nhiên được chấp nhận! Từ thế kỉ nay con đường đã rộng mở, danh phận đã đa dạng lằm rồi nhưng người ta sao cứ quen cái lối mòn nhỏ hẹp lỗi thời kia hả bà chị.
Mỗi người một nghề, một giới. Danh phận được cộng đồng nghề, giới đó xác lập rồi toàn xã hội công nhận. Thế là văn minh. Thi đỗ làm quan chỉ là một trong trăm ngàn cửa lập danh, thậm chí là cửa bét nhất, “tối hạ” thì xã hội sẽ phú cường. Vô địch thể thao là có danh phận nhưng phải đi nhổ cỏ và xã hội vẫn liệt vào hạng chỉ “tứ chi phát triển”.
Diva, siêu sao giải trí vẫn bị liệt vào hàng “con hát, vô loài” cùng các scandal sex rẻ tiền, công nhân lành nghề vẫn bị coi là cu - li, làm thuê. Trí thức khoa học nhập nhèm dở nhà chuyên môn, dở ông quan vặt mà cả chuyên môn lẫn quản trị đều dở mới có danh phận. Thuần túy khoa học dễ đói dài và danh hão!
Chuyện danh phận và mua - xin nó đè quá nặng lên vai mỗi công dân, là nỗi ám ảnh gây sức ép giả tạo, dẫn đến bệnh thành tích, sự giả dối, thiếu minh bạch, thậm chí vô đạo đức tràn lan tất cả các lĩnh vực xã hội ta.
Thiết nghĩ trong tuyên huấn, trong giáo dục công dân cần có nội dung hướng dẫn lớp cháu con ta dứt đi cái thói quen danh phận cổ hủ mà hướng tới một tư duy danh phận văn minh, thiết thực. Có vậy áp lực khổ đau sẽ biến thành niềm vui, hạnh phúc.
*Bài này viết sau khi đọc một bài rất hay của GS TSKH Nguyễn Văn Trọng. Xin cảm ơn GS.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn