Bốn tiểu luận về tự do

03:01 CH @ Thứ Tư - 16 Tháng Chín, 2015

Tên sách: Bốn tiểu luận về tự do

Tác giả: ISAIAH BERLIN

Dịch giả: Nguyễn Văn Trọng

Khổ sách: 12 x 20 cm

Số trang: 356 trang

Giá bìa: 89.000VNĐ

Năm xuất bản: 2014

II) GIỚI THIỆU SÁCH

1) Tiểu sử tác giả và tác phẩm

Isaiah Berlin sinh năm 1909 trong một gia đình Do Thái trung lưu tại Riga (Latvia). Thời đó Latvia nằm trong vòng ảnh hưởng của đế chế Nga. Năm 1916 gia đình chuyển đến Petrograd, một tên gọi khác của Saint-Peterbourg, và cư trú ở đó cho tới năm 1920. Thời kì này Isaiah không đến trường mà tự học trong thư viện của ngôi nhà gia đình thuê để ở. Có người hầu và gia sư chăm sóc, nhưng không có bạn bè cùng lứa tuổi để chơi. Đọc Chiến tranh và hòa bình và Anna Karenina của Lev Tolstoy từ năm 10 tuổi. Isaiah đã chứng kiến cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917 cũng như cuộc chính biến tháng Mười năm đó với những đám đông đầy bạo lực. Cuộc sống của gia đình bắt đầu gặp khó khăn, và tháng 10 năm 1920 họ trở về Riga. Ở đây họ cũng gặp rắc rối vì phong trào bài Do Thái, cho nên năm 1921 cả gia đình đã chuyển sang London. Cậu bé Isaiah gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống và ngôn ngữ mới tại nước Anh. Năm 1930 Isaiah Berlin trở thành người Do Thái đầu tiên nhận học bổng Fellow at All Souls College của Đại học Oxford. Sau khi tốt nghiệp, Berlin tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy triết học tại đây. Trong Thế chiến II ông trở thành nhà phân tích chính trị cho Bộ Thông tin và Ngoại giao tại Washington. Trong thời gian ở Mĩ cho đến ngay sau Thế chiến II kết thúc, ông đã tham gia vận động cho một nhà nước Israel độc lập. Khoảng thời gian 1945-1946 ông được phái đi làm việc cho sứ quán Anh tại Liên Xô với mục đích nghiên cứu triển vọng quan hệ Mĩ-Liên Xô-Anh sau chiến tranh. Ông đã tới Moscow và Leningrad (Saint-Peterbourg hiện nay) và làm quen với nhiều nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ nổi tiếng như Sergey Eisenstein, Korney Chukovsky, Boris Pasternak, Anna Akhmatova, Mikhail Zoshchenko. Cuộc gặp gỡ của ông với Anna Akhmatova đã khiến nữ thi sĩ Nga nổi tiếng này bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn năm 1946 và bị Zhdanov lên án nặng nề khi bà đã bước vào tuổi xế chiều. Năm 1946, Berlin trở lại Oxford để tiếp tục công việc của một triết gia nghiên cứu lịch sử các tư tưởng, chiến đấu với “những kẻ phản bội nền tự do”[1] trong những tiểu luận và bài giảng của mình. Ông là Chủ tịch Viện Hàn lâm Anh (President of the British Academy) từ năm 1974 đến 1978 và là Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Mĩ (Honorary Fellow of the American Academy of Arts and Letters). Ông được nhận giải thưởng Jerusalem Prize năm 1979 vì trong các trước tác đã bày tỏ tư tưởng về tự do cá nhân trong xã hội.

Isaiah Berlin không phải là triết gia đề xuất một khuynh hướng tư tưởng nào đó đặc sắc của riêng ông. Các công trình của ông đều được viết dưới dạng tiểu luận và bài giảng. Đài BBC dành cho ông những buổi nói chuyện về các chủ đề triết học và đã lôi cuốn được đông đảo người nghe. Ông là triết gia muốn hướng các nghiên cứu của mình tới đông đảo độc giả chứ không phải chỉ dành riêng cho các nhà chuyên môn. Ông quan niệm vai trò của triết gia đạo đức học là soi sáng vấn đề để giúp cho công chúng có những phán đoán của riêng họ, chứ không phải hướng dẫn họ phải sống thế nào. Ông viết: ”Nếu như có một niềm hi vọng nào đó về một trật tự hợp lí trên trái đất, hay một cảm thông đúng đắn về nhiều lợi ích khác nhau gây chia rẽ các nhóm người đa dạng - tri thức không thể thiếu cho bất cứ toan tính nào nhằm đánh giá được những tác động của chúng cũng như những khuôn mẫu tác động qua lại và các hậu quả của chúng, đặng tìm ra một thỏa hiệp khả dĩ đứng vững được để thông qua nó người ta có thể tiếp tục sống và thỏa mãn các mong muốn của mình, nhưng không vì thế mà phải nghiền nát những mong muốn và nhu cầu cũng thiết yếu ngang bằng của những người khác - điều đó sẽ nằm ở việc soi sáng các mô hình xã hội, đạo đức chính trị, và trên hết là những khuôn mẫu siêu hình làm nền tảng mà từ đó các mô hình ấy bắt rễ, để đánh giá xem chúng có thỏa đáng với vai trò của chúng hay không.”[2]

Đóng góp to lớn nhất của ông cho nhận thức triết học là đã chứng minh được rằng thế giới đạo đức của con người với những giá trị được thừa nhận chung không phải là một thế giới hài hòa: những giá trị tốt đẹp có thể không tương thích (incompatible) với nhau và trong nhiều trường hợp còn là bất khả ước (incommensurable), tức không thể có chung một thước đo. Con người không những phải đấu tranh với cái ác, mà còn phải đối mặt với xung đột của những giá trị nhân bản đều là tốt đẹp và thiết yếu. Ông viết trong tiểu luận Hai khái niệm về tự do: ”Nếu mục đích của con người là nhiều thứ, như tôi tin là thế, và không phải tất cả những mục đích ấy đều tương thích được với nhau, thì khả năng xảy ra xung đột - và bi kịch - không bao giờ có thể bị loại trừ khỏi đời sống con người, dù là đời sống cá nhân hay xã hội.” Một ví dụ điển hình là xung đột của tự do và bình đẳng: tự do triệt để không tương thích được với bình đẳng triệt để. Tự do triệt để sẽ đẩy những kẻ yếu ớt vào tình thế tuyệt vọng khiến cho họ không thể có bình đẳng. Nhưng nếu thực hiện bình đẳng triệt để thì phải ngăn cản người tài vươn tới đỉnh cao để không có cách biệt với số đông. Nhà cách mạng M.A. Bakunin (1814-1876) tin vào giá trị tuyệt đối của bình đẳng, đã cho rằng phải giải thể các trường đại học (universities) vì chúng là ngọn nguồn của bất bình đẳng. Trên thực tế người ta không nhất thiết phải giải thể các đại học; chỉ cần làm mất tính chất tinh hoa của các đại học, mở rộng cửa các đại học cho đại chúng bằng cách hạ thấp chất lượng của chúng, như thế là cũng thực hiện được lí tưởng của Bakunin rồi. Theo Berlin, giải pháp tốt nhất cho việc hóa giải xung đột này là thừa nhận một không gian tự do theo khái niệm phủ định, đồng thời khẳng định quyền bình đẳng về cơ hội cho mọi người, bãi bỏ mọi đặc quyền ưu đãi vì thành phần xuất thân, màu da hay các đặc quyền khác có nguồn gốc tương tự. Berlin cổ vũ cho những giải pháp mang tính thỏa hiệp và muốn tránh những giải pháp đòi hỏi phải hi sinh giá trị này cho giá trị kia, mặc dù ông thừa nhận rằng không phải mọi xung đột giá trị đều có thể giải quyết bằng thỏa hiệp. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét về một nguyên lí siêu hình ở Berlin, mong muốn những giải pháp giảm thiểu đau khổ cho con người tới mức thấp nhất có thể.

Là nhà nghiên cứu lịch sử các ý tưởng, Berlin đã xem xét những ý tưởng cơ bản ẩn chứa trong nền triết học cổ điển phương Tây và những diễn biến của chúng theo dòng lịch sử. Trong tiểu luận Sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân Hi Lạp, Berlin đã chỉ ra những khác biệt căn bản giữa khoa học tự nhiên chính xác và “những lĩnh vực rộng lớn của tri thức không chính xác - lịch sử, triết học, nghiên cứu kinh viện, phê phán - những ý tưởng về nghệ thuật và về cuộc sống con người.” Berlin đã xem xét phê phán các trào lưu tư tưởng thời Khai sáng trong nhiều tiểu luận khác nhau. Ông nhận xét rằng các nhà tư tưởng Pháp thời Khai sáng, dù khác nhau về nhiều phương diện, nhưng đều dựa trên niềm tin bắt nguồn từ học thuyết cổ đại về định luật tự nhiên cho rằng bản chất con người về cơ bản là bất biến, rằng có những mục tiêu nhân bản mang tính phổ quát. Các nhà khai minh duy lí cho rằng xung đột giá trị là di sản của nền giáo dục sai lầm và của những bất công xã hội, rằng những xung đột ấy có thể xóa đi bằng những cải cách hợp lí, bằng cách giáo dục cho mọi người tin rằng quyền lợi riêng có thể được thực hiện trong quyền lợi chung, rằng nhân loại sẽ tiến tới một trạng thái xã hội hoàn hảo, tự do phục tùng tất yếu duy lí. Niềm tin nhất nguyên ấy dẫn đến những học thuyết không tưởng về một mẫu hình xã hội hoàn hảo. Trong tác phẩm The Crooked Timber of Humanity, ông đã tường thuật lại lịch sử của chủ nghĩa không tưởng, phân tích những cội nguồn sâu xa của nó, và giải thích vì sao những thiên đường trên trái đất được hứa hẹn lại dẫn tới địa ngục trần gian thường xuyên đến thế. Theo Berlin, quan niệm nhất nguyên về một thế giới hài hòa của các giá trị đạo đức, kết hợp với quan niệm cứu cánh luận về lịch sử loài người chính là cội nguồn sinh ra chủ nghĩa không tưởng.

Berlin đi theo Kant, khẳng định khác biệt giữa vương quốc của các giá trị và vương quốc của các sự kiện trong tự nhiên. Đối với Kant, con người là tự trị, có khả năng hành động theo quy luật do tự mình hình dung. Điều này mở đường cho chủ nghĩa hiện sinh khẳng định con người tồn tại trước, bản chất có sau. Berlin cũng tán thành quan điểm này khi cho rằng con người là hữu thể tự biến đổi, sáng tạo nên các giá trị; đồng thời Berlin không phủ nhận bản chất xã hội của con người, cũng như ảnh hưởng của các điều kiện văn hóa xã hội. Berlin cho rằng xung đột của các giá trị là không thể tránh khỏi, ý tưởng về một xã hội hoàn hảo đơn nhất là hàm chứa mâu thuẫn nội tại. Các bằng chứng lịch sử cũng cho thấy những giá trị của La Mã cổ đại khác biệt với những giá trị của Italia hiện đại, thế giới đạo đức của Kitô giáo thời trung đại không giống với thế giới đạo đức của các nhà dân chủ tự do.

Tuy nhiên, Berlin không rơi vào khuynh hướng cực đoan phủ nhận khả năng hiểu biết lẫn nhau của con người. Ông tin rằng con người được thiên phú một tính đạo đức cơ bản và tiền giả định một hệ thống giá trị chuẩn tắc mang tính phổ quát vượt lên trên mọi nền văn hóa. Ông tin rằng trên cơ sở ấy người ta có thể tạo dựng một xã hội tử tế để chung sống với nhau. Trong tiểu luận Hai khái niệm về tự do ông khẳng định: ”Khi tôi nói về một người như một hữu thể bình thường, thì một bộ phận của điều mà tôi hàm ý là anh ta không thể vi phạm các luật lệ ấy một cách dễ dàng mà lại không thấy băn khoăn ghê rợn. Đó là thứ luật lệ bị vi phạm giống như khi một người bị tuyên cáo là có tội mà không có xét xử, hay bị trừng phạt theo luật pháp có hiệu lực trở về trước; như khi con cái được ra lệnh tố cáo cha mẹ chúng, bạn bè phản bội lẫn nhau, những tên lính sử dụng phương pháp man rợ; như khi con người bị tra tấn và giết hại, hay các nhóm thiểu số bị tàn sát vì đã làm cho một nhóm đa số hay một bạo quân phải tức giận. Những hành vi như thế, ngay cả khi chúng được thực hiện theo luật pháp bởi chủ quyền, gây ra nỗi kinh hoàng ngay cả vào thời ấy, và điều này nảy sinh từ sự thừa nhận giá trị đạo đức - không kể tới luật pháp - của những rào cản tuyệt đối nào đó cho việc áp đặt ý chí của người này lên người kia.” Berlin khác biệt với các nhà tư tưởng khai minh ở chỗ hệ thống giá trị chuẩn tắc phổ quát của ông mang tính phủ định: khả năng con người hiểu biết lẫn nhau dựa trên sự chia sẻ cảm nhận chung về đau khổ.

Đối với Berlin, phạm trù đạo đức cơ bản của con người là giữ gìn quyền năng lựa chọn. Ông viết: ”Chúng ta phải gìn giữ một không gian tối thiểu cho tự do cá nhân, nếu chúng ta không muốn “làm mất phẩm giá hay chối bỏ bản chất của chúng ta”. Chúng ta không thể được tự do tuyệt đối và phải giao nộp một số tự do của chúng ta để giữ gìn cho những người khác. Thế nhưng tự hàng phục toàn bộ là tự chuốc lấy thất bại. Thế thì cái tối thiểu phải thế nào? Ấy là cái mà nếu con người giao nộp thì tất sẽ xúc phạm đến bản chất con người của anh ta.” (Hai khái niệm về tự do). Trong một bức thư gửi cho George Kennan ông khẳng định: ”Mọi chuyện vẫn còn là chịu đựng được, dù họ có phải trải qua khổ đau nhiều đến đâu đi nữa, chừng nào mà vẫn còn để ngỏ khả năng của cái thiện - là tình trạng trong đó người ta được tự do chọn lựa, được tìm kiếm mục đích một cách bất vụ lợi chỉ vì tự thân của việc tìm kiếm. Tâm hồn của họ bị phá hủy chỉ khi nào điều này không còn là khả dĩ. Ấy là khi lòng mong muốn được lựa chọn bị bẻ gãy khiến cho vì thế mà người ta mất đi mọi giá trị đạo đức, và các hành vi mất đi mọi ý nghĩa (dưới dạng thiện và ác) trong chính con mắt của họ; đó chính là điều hàm nghĩa trong việc phá hủy lòng tự trọng của người ta, bằng cách biến họ thành giẻ rách như lời nói của ngài.[3]

So sánh với các nhà tư tưởng thời Khai sáng ta thấy cái nhìn của Berlin về con người ít lạc quan hơn nhiều, thế nhưng Berlin vẫn là người theo chủ nghĩa nhân văn vì ông tin tưởng vào khả năng của con người giải quyết được các xung đột giá trị theo một cung cách tử tế. Ông nhìn thấy nguy cơ lớn nhất gây đau khổ cho người ta đến từ phía những cá nhân hay nhóm người tự cho mình là duy nhất nắm được chân lí. Ông viết: ”Ít có sự việc nào gây tổn hại nhiều hơn là niềm tin từ phía những cá nhân hay nhóm người (hay bộ tộc hay các nhà nước hay các dân tộc hay các giáo hội) cho rằng ông ta hay bà ta hay bọn họ là người duy nhất sở hữu chân lí: đặc biệt là về chuyện phải sống như thế nào, nên là gì và làm gì - và rằng những người khác biệt với họ không những là sai trái, mà còn là đồi bại hay điên rồ: và cần phải cải tạo hay trấn áp.”[4] Ông đòi hỏi một thái độ khoan dung nhiều hơn: ”Điều mà thời đại đòi hỏi không phải là tin tưởng nhiều hơn, hay lãnh đạo mạnh mẽ hơn, hay tổ chức khoa học hơn (như chúng ta vẫn thường được nghe như vậy). Đúng hơn là điều ngược lại - bớt đi hăng hái như Chúa cứu thế, nhiều thêm hoài nghi minh triết, nhiều thêm khoan dung đối với những phong cách riêng, thường xuyên hơn các biện pháp tùy theo tình hình (ad hoc) để đạt được những mục tiêu trong một tương lai không thể tiên liệu, nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân và các nhóm thiểu số có sở thích và niềm tin ít được số đông hưởng ứng (đúng hay sai không quan trọng), để họ đạt được các mục đích riêng của mình. Điều đòi hỏi là việc áp dụng các nguyên tắc chung phải bớt đi tính máy móc, bớt đi tính cuồng tín, là việc áp dụng những lời giải chung đã được chấp nhận, đã được thử nghiệm một cách khoa học, vào các trường hợp cá nhân chưa được khảo sát, dù có hợp lí và đúng đắn đến đâu, thì cũng phải cẩn trọng hơn và bớt đi tự tin một cách ngạo mạn.” (Các ý tưởng chính trị trong thế kỉ 20).

Học thuyết đạo đức Kitô giáo cũng như chủ nghĩa nhân văn cổ điển rao giảng thái độ khoan dung nhân danh tình yêu con người với kì vọng con người lầm lạc rốt cuộc sẽ hối cải và giác ngộ. Thái độ khoan dung mà Berlin thuyết giảng có nội dung khác biệt: nó dựa trên nhận thức về tính không hài hòa của thế giới các giá trị đạo đức và xung đột không tránh khỏi của các giá trị ấy. Ông thường dẫn ra ẩn dụ của I. Kant về bản chất con người: ”Từ cây gỗ cong queo của loài người, chẳng bao giờ có vật gì thẳng thớm được làm ra cả.” Trong khi Kant dùng ẩn dụ này để nói về mặt tội lỗi nơi con người thì Berlin lại dùng nó để nói về tính cong queo của thế giới đạo đức bao quanh con người dẫn đến những căng thẳng nội tâm đủ loại. Ông viết: ”Điều tốt nhất người ta có thể làm được là thử xúc tiến một thứ cân bằng nào đó nhất thiết là không bền vững giữa những khát vọng khác nhau của những nhóm người khác biệt nhau.”[5]

Tài liệu tham khảo

  • M. Ignatieff, Isaiah Berlin: A Life, (Metropolitan Books, Henry Holt Company. New York, 1998).
  • Connie Aarsbergen-Ligtvoet, Isaiah Berlin, A value pluralist and humanist, View of Human Nature and the Meaning of Life(Rodopi B.V., Amsterdam-New York, NY 2006).
  • Russian Thinkers, Hogarth, London, 1978.

MỤC LỤC

  • Lời nhà xuất bản
  • Lời giới thiệu
  • Isaiah Berlin - Tiểu sử và tác phẩm
  • Tự do
  • Hai khái niệm về tự do
  • Các ý tưởng chính trị trong thế kỉ 20
  • Sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân Hi Lạp


[1]Nhan đề một tác phẩm của Isaiah Berlin Tự do và sự phản bội lại tự do (Freedom and its Betrayal). (Chú thích của tác giả - TG)

[2] I. Berlin, Concepts and Categories (Pimlico, 1999), p. 11. (TG)

[3] I. Berlin, Liberty (Oxford University Press, 2002), p. 340. (TG)

[4] I. Berlin, Liberty (Oxford University Press, 2002), p. 345. (TG)

[5] I. Berlin, The Crooked Timber of Humanity (Princeton University Press, 1990), p. 47. (TG)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tìm kiếm danh phận

    22/07/2011Nguyễn Văn TrọngVới nhận thức khi một giá trị văn hóa nào đó lấn át các giá trị khác thì sẽ không có xã hội hài hòa hạnh phúc, tác giả Nguyễn Văn Trọng, qua bài viết này, muốn thử xem xét một giá trị văn hóa lâu đời của người Việt vốn xuất hiện từ xa xưa do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa-chính trị đặc thù của nước ta: sự tìm kiếm danh phận.
  • Vì một xã hội tử tế

    17/10/2019Nguyễn Văn TrọngNgười tử tế biết lắng nghe và xét đoán vô tư. Chỉ có thể giảm thiểu bạo lực và xây dựng xã hội văn minh khi ngày càng có nhiều người tử tế...
  • Hành trình đi tìm những lời tự giải

    19/07/2017Ngân Hà (Chân dung hội họa Hoàng Tường)Ông là người luôn cẩn trọng với nhiều thứ, kể cả với sự hiểu biết của chính mình. Với tầm nhìn rộng, những bài báo của ông đóng góp không nhỏ vào việc tìm hiểu tinh thần khoa học đích thực, kể cả việc phân tích nội tại của khoa học từ những tìm tòi và chiêm nghiệm bản thân. Đặc biệt, trên trang Khoa học – giáo dục báo Sài Gòn Tiếp Thị gần đây, những bài viết ký tên ông đều đặn xuất hiện để giúp đại bộ phận công chúng hiểu rõ hơn về những kiến thức tưởng như “chuyện trên trời”.
  • Khai trí – Sự nghiệp trăm năm cần tiếp nối

    13/01/2016Tiến sĩ Giáp Văn DươngLàm sao để phát triển? Làm sao để vươn lên? Câu trả lời không là gì khác ngoài những điều một nhóm trí thức tinh hoa đã chỉ ra từ hơn một trăm năm về trước: Trước hết cần khai dân trí...
  • Sống sao cho giá trị?

    12/09/2015Kim Yến thực hiệnĐây là diễn đàn hàng tuần bàn về giá trị sống của nhân vật được chọn của Báo Sài Gòn Tiếp Thị, đồng thời chia sẻ cách nhận diện những giá trị ảo đang ngày càng xâm thực dữ dội vào môi trường sống...
  • Bánh mỳ trời hay bánh mỳ trần thế?

    31/08/2015Dịch giả Nguyễn Văn TrọngĐến lúc này tôi mới hiểu được câu danh ngôn của Marx: "Tự do của mỗi người là điều kiện đảm bảo cho tự do của mọi người"...
  • Tư duy “danh phận”

    13/11/2014Nguyễn Bỉnh QuânNày chị, mấy năm nay đạo Phật có vẻ hưng thịnh quá nhỉ. Đúng, nhiều người còn nói nước ta đang có một cuộc phục hưng đạo Phật...
  • Không tưởng tỉnh táo, không tưởng mộng mơ

    02/02/2014Nguyễn Văn TrọngNgười Việt có truyền thống tôn giáo sâu sắc hay không? Dấu ấn tôn giáo nào còn in đậm trong tâm hồn người Việt cho đến ngày hôm nay? Tôi thấy hình như chưa có lời giải đáp nào minh bạch và thuyết phục cho những câu hỏi trên, mặc dù ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu nhận ra tầm quan trọng của những câu hỏi đó trong việc giải mã những vấn đề văn hóa và thế giới đạo đức của người Việt. Có lẽ một phần là do câu hỏi tôn giáo là gì cũng chưa có được lời giải đáp thỏa đáng...
  • Muốn hay không muốn

    11/02/2012Nguyễn Thị Từ HuyỞ Việt Nam hiện nay, ta
    thấy không chỉ có nông dân bị bần cùng hóa bởi chính sách ruộng đất bất
    hợp lý và bởi chế độ cưỡng chế đất đai bất công mà vụ Đoàn Văn Vươn là
    một ví dụ nổi bật, đang là mối quan tâm chung của dư luận ở thời điểm
    giao thời giữa năm cũ và năm mới này. Cũng không chỉ có công nhân bị bần
    cùng hóa. Mà cả giới lao động trí óc cũng bị bần cùng hóa...
  • Chính thể đại diện

    20/06/2011Nguyễn Văn TrọngChính thể đại diện của J.S. Mill được xem như những khảo cứu mang tính nền tảng đối với các thiết chế chính trị-xã hội ở các nước Anh và Hoa Kỳ thế kỷ XIX. J.S. Mill xem xét vấn đề với tinh thần khách quan khoa học; mọi phán xét ông đưa ra đều có căn cứ lập luận rõ ràng và dựa trên những bằng chứng thực tế đương thời hay lịch sử...
  • Bàn về tính hợp quần xã hội

    02/02/2011Nguyễn Văn TrọngTriết gia Nga S.L Frank là người đã đưa ra khái niệm “tính hợp quần”(sobornost) như là cơ sở tinh thần của xã hội. Theo ông thì tính hợp quần nằm trong bản chất xã hội của con người vì con người không chỉ là cái “tôi” đối lập với cái “ không phải tôi” như thế giới khách thể. Con người còn có đại từ ngôi thứ hai “anh, chị”, “các anh/ các chị” để chỉ những thực tế mà cái “tôi” xem là đồng đẳng với mình và hợp nhất với mình trong đại từ “chúng ta”...
  • xem toàn bộ