Tết Nguyên đán
Lễ tết là một bộ phận đời sống văn hóa tinh thần quan trọng của văn hóa truyền thống Việt Nam. Lễ Tết thường tập trung vào thời điểm đầu năm, phù hợp với thời tiết và thời vụ vì thế nó ăn sâu vào ý thức dân tộc. Tuy các nhà nghiên cứu đều cho rằng nghi thức lễ tết Việt Nam đều xuất xứ từ Trung Hoa, nhưng thực chất thì phong cách, tâm hồn và truyền thống đều thể hiện rõ bản sắc Việt Nam.
Ngày lễ tết quan trọng nhất chính là Tết Nguyên đán. Tên gọi của ngày lễ cổ truyền này vốn là cách nói tắt của hai chữ Hán lễ tiết. Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm, còn Tết là từ tiết mà ra, nên cụm từ này nghĩa là: bắt đầu năm mới. Thật khó xác định chính xác xem người Việt ta ăn tết từ khi nào, nhưng chắc hẳn do ảnh hưởng của quá trình du nhập văn hóa phương Bắc. Còn sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bính Ngọ năm thứ 2 (135 trước Công nguyên), Hoài Nam Vương An dâng thư rằng: đất Việt là đất ở ngoài, là dân cao tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ nước mũ mang đai mà trị được. Từ thời tam đại thịnh trị, đất Hồ, đất Việt không theo lịch Trung Quốc…”.
Dân gian vẫn có câu đói quanh năm no ba ngày Tết chắc tại tâm lý no dồn đói góp tích cóp chuẩn bị tất cả tháng trời cho dịp Tết chỉ diễn ra trong ba ngày quan trọng nhất là 30 -1 – 2. Công việc lo Tết bắt đầu thực sự gấp rút từ rằm tháng Chạp âm lịch. Các gia đình đều dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng nhà cửa và mua sắm đồ Tết. Ngày 23 tháng Chạp có một nghi lễ quan trọng đầu tiên là tiễ ông Công ông Táo (ta còn gọi là vua bếp, Đông thần). Các gia đình khá giả bày cỗ linh đình, thậm chí còn dâng cả mật ông, bánh nếp để mong Táo quân ngọt giọng đọc báo tâu điều hay lẽ phải với Ngọc Hoàng; nhà nghèo thì cũng cố sắm cho ông Táo mâm lễ gồm mũ, áo, hia, vàng mã và con cá chép sống để trong thạp nước bày lên bàn thờ. Ai cũng tin rằng ông Táo giữ ngọn lửa bếp trong mỗi nhà nên rất quan trọng đối với vận thịnh suy của gia chủ. Sau khi thắp hương cúng xong thì đốt vàng mã và đem cá ra sông phóng sinh. Không khí Tết dồn dập đến rất nhanh, người ta quét dọn, lau rửa bàn thờ, ảnh thờ, nấu nước ngũ vị hương vẩy từ nhà ra ngoài sân để tẩy uế rồi mổ lợn, gói bánh chưng, làm gà, làm ô-mai, mứt tết, tắm giửa tất niên.
Trước giao thừa, ai có món nợ nần đều giục nhau hoặc nhớ ra tự giác đem trả hết, nếu không để sang năm mới bị đòi nợ sẽ giông cả năm. Một thủ tục cần thiết nữa là biếu tết. Đây là việc tùy tâm và tình cảm quan hệ chứ không có quy định bắt buộc nào: ông bà cha mẹ mua cho con trẻ quần áo mới và trang sức đẹp; con rể mua biếu tết bố mẹ vợ rượu, bánh hay con gà sống thiến; học trò đến tạ ơn thày dạy cả năm vuông lụa, ấm trà sen; bạn bè thân tặng nhau bức tranh, cút rượu ngon… Những gia đình nhà nho hoặc quan chức còn có lệ gửi thiếp mừng. Thiếp chúc tết có thể là in hoặc vẽ một vế đối, bài thơ hoặc vài câu ý chúc mừng xã giao. Loại thiếp này chỉ cần đưa đến nhà chứ không cần đưa tận tay cho chủ nhà nên còn gọi là phi thiếp. Sau khi nhận hết các thiếp, từ đầu năm mới, chủ nhà sẽ treo những tấm thiếp này lên các gốc đào, mai, quất hoặc để trước các bình hoa trong phòng khách. Một số vùng nông thôn còn có tục đi thăm mộ tổ tiên và thắp nén nhang mời các cụ về ăn Tết với gia đình.
Theo lệ thường chiều 30 Tết nhà nào cũng phải trồng nêu trước cửa. Đó là một cây tre đốt tận gốc, vẫn để nguyên lá đem trồng trước sân rồi buộc vàng mã, cài khánh (để tỏ dấu hiệu đất đã có chủ, quỷ ma không được đến quấy phá. Những nơi đất chật hẹp thì không trồng được nêu, người ta dùng cành đa, lá dừa gài ở cổng rào, rắc vôi bột, vẽ bàn cờ, cung tên, nỏ hướng ra tứ phía cũng để trấn trừ ma quỷ). Cho đến tận ngày 7 tháng Giêng âm lịch người ta mới hạ nêu và hóa vàng mã, còn gọi là lễ khai hạ. Cỗ cúng gia tiên kéo dài đến giao thừa, còn cơm cúng được làm đều đặn suốt mấy ngày Tết cho đến ngày hóa vàng mới thôi.
Thời khắc quan trọng nhất là Lễ Trừ tịch lúc giao thừa (có thể hiểu nôm na là lễ bàn giao nhiệm vụ trực ban giữa thần năm cũ và năm mới). Nhà nhà bày cỗ ra ngoài trời (sân thượng, cửa nhà, cửa ngõ) để cúng các quan thần tham dự phiên giao ban. Khi tiếng pháp xua tà, mừng thần âm vang thì hương đượm lửa, thơm ngào ngạt. Lễ vật có vàng, hương, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà và tiếng cầu khấn rì rầm hòa tan trong âm vang của muôn tiếng pháo rộn rã. Tuy nhiều nơi hiện nay vẫn giữ lễ cúng giao thừa nhưng láng máng ý nghĩa nên thành ra cúng xá tội vong nhân: người ta cho rằng giữa lúc các thánh thần và gia tiên ấm cúng ăn uống trong nhà thì ngoài đường ma đói lang thang vật vờ không biết về đâu, vì muốn cho chúng không quậy phá thì phải cúng bố thí cho chúng no nê. Sau lễ cúng giao thừa còn Lễ cúng Thổ công cũng gồm rượu trà vàng mã hoa quả bánh mứt (nhiều gia đình nộp cả hai lễ làm một để cúng và khấn luôn cho tiện). Khi chủ nhà khấn lễ xong thì các thành viên trong gia đình lần lượt theo ngôi vị trưởng thứ cùng tới chắp tay lễ tạ trước bàn thờ. Tiếp đó mọi người trong gia đình vui vẻ chúc tụng lẫn nhau mọi điều tốt đẹp nhất nhân dịp năm mớivà mở rượu, mừng tuổi bằng xu, tiền mới lấy may (đây chỉ là thủ tục mang ý nghĩa tượng trưng chứ không bắt buộc phải có tiền to, tiền nhiều mới tốt. Việc lì xì này còn tiếp tục cho đến hết lễ hóa vàng đối với họ hàng, bạn bè…).
Kết thúc lễ giao thừa tại gia, mọi người tỏa ra ngoài đường đi hái lộc với quan niệm chính là xuất hành đi lễ các đình, đền, miếu, chùa để cầu phúc, cầu may. Thắp hương khấn vái xong thì hái một cành cây, nhành lá đem về làm lộc cây cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. Những ai ra khỏi nhà rồi bước vào nhà đầu tiên sau giao thừa hoặc người khác đến thăm gia đình đầu tiên là người xông nhà. Nhiều gia đình tin rằng người xông nhà có vía tốt sẽ đem lại tài lộc phúc cho gia đình cả năm nên thường chọn người quen, nhờ họ hàng có tuổi tốt, tuổi hợp với chủ nhà đến xông đất. Người nào đang chịu tang gia đình thì không đến chúc tết bất cứ nhà ai trong 3 ngày tết vì gọi là vận áo xám. Nhiều gia đình còn kiêng cả quét nhà trong mấy ngày tết, nhưng đúng ra thì truyền thống chỉ kiêng dọn rác ngày mùng 1 thôi. Trong mấy ngày tết, tuy vui vẻ, chúc tụng, chơi hội thế nào vẫn có tục khai (mở) công việc của mỗi gia đình hoặc cá nhân tùy theo ngành nghề. Ví dụ: mở hàng, khai bút, khai ấn, khai hội… (chọn ngày giờ tốt mở cửa hàng bán mấy món đồ, lấy bút ra viết vài câu đối, đóng triện….). Cũng nhiều nơi mượn cớ này để khai cờ bạc đầu xuân như cờ tướng, tam cúc, tổ tôm…!
Tết cứ thế kéo dài với nhiều hoạt động tưng bừng, náo nhiệt cho đến tận NguyênTiêu (rằm tháng Giêng). Người ta tin rằng ngày rằm đầu năm bao giờ Thần, Phật cũng giáng lâm xuống các đền chùa to nhỏ khắp từ thành thị đến nông thôn, mọi người nghìn nghịt đua nhau dâng lễ vật, cúng bái, xin thẻ cầu may. Một quẻ ngày rằm này có ý nghĩa hướng đạo cho mọi chuyện buôn bán, quan lộc, tình duyên, sức khỏe cho cả năm, vì thế đây cũng là khoảng thời gian làm ăn phát đạt nhất của các thầy bói. Sau rằm thì hương vị Tết chính thức chuyển sang không khí hội hè cổ truyền ở các địa phương…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh