Chăm chút bàn thờ ngày Tết

04:08 CH @ Thứ Tư - 22 Tháng Giêng, 2020

Thờ phụng tổ tiên là một trách nhiệm có tính cách luân lý đối với người Việt Nam, nó thể hiện cho nhu cầu được phát lộ tình cảm và niềm tin huyết thống trong môi trường gia đình. Công việc chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đế ông bà tổ tiên. Vì thế, mỗi độ "năm hết Tết đến", việc chăm chút bàn thờ là công việc được mọi người chú ý trước tiên.

Ý nghĩa của sự sạch sẽ

Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc trước tiên và được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ.

Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng, và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ, có người còn dùng nước mưa thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề để lau.

Trong tâm thức người Việt, người đã khuất và người còn sống luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau. Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ẩn ức tình cảm giữa các thế hệ, chính vì thế việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người.

Không phải đợi lúc năm hết tết đến, nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng, người ta mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ. Tuy nhiên, phải vào những ngày cận tết, chúng ta mới thấy hết được không khí bận bịu, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ. Từ việc đánh sáng lại bộ tư đồng, lau chùi khung ảnh, thay cát bát hương (nhang)... đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng.

Công việc quét tước nhà cửa thường là việc của phụ nữ trong nhà vì nó đòi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Song việc bày bàn thờ ngày Tết lại được ưu ái dành cho quý ông, đơn giản vì việc ấy nặng nhọc hơn. Hơn thế, người đàn ông là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính.

Phụ nữ trong nhà thì lo việc bếp núc, nấu nướng và dọn dẹp gian bếp. Đó là cách nhìn từ văn hóa truyền thống xưa kia. Ngày nay, nhất là nơi đô thị, chúng ta không còn biệt rạch ròi việc này như trước. Việc bày biện hay thắp hương (nhang) trên bàn thờ không phân biệt nam nữ, tuổi tác như ở thôn quê. Tuy nhiên, để giữ nếp xưa, mọi nhà vẫn mời người lớn tuổi nhất họ hay nhất nhà ra khấn và thắp hương cho ông bà tổ tiên trong những ngày quan trọng như: tất niên, đêm giao thừa, mừng năm mới, cúng tiễn...

Bày biện bàn thờ

Trong gia đình Việt Nam ngoài việc chọn lựa vị trí trung tâm và cao ráo để đặt bàn thờ, người Việt còn chú ý xem hướng của ngôi nhà và tuổi của gia chủ để thấy nên đặt bàn thờ quay mặt về hướng nào là tốt nhất. Việc dọn dẹp hay bày biện bàn thờ vào ngày thường có thể qua loa, sơ sài vì lý do bận bịu làm ăn, thu vén tiền bạc... Song vào những ngày Tết, công việc này được yêu cầu có sự chu đáo nhất định.

Bày mâm ngũ quả

Việc bày mâm ngũ quả xuất phát từ lý thuyết về ngũ hành: thuỷ - hỏa - mộc - kim - thổ những yếu tố tạo nên vũ trụ và sự vận hành của nó. Thông thường ngũ quả gồm 5 loại quả có 5 màu khác nhau như chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng, quýt da cam tượng trưng cho mong ước: Phú (giàu có) - quý (sang trọng) - thọ (sống lâu) - khang (khỏe mạnh) - ninh (bình yên).

Mỗi một miền lại có một quan niệm riêng về ý nghĩa mâm ngũ quả. Người Nam bộ có cách đọc chại âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thoả mãn trong sự cầu xin) - sung (Sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) - vừa (đọc chệch âm là dừa: quả dừa) - đủ (đơn tiết hóa của đu đủ và xài (là cách đọc chệch của âm xoài).

Trong khi đó, người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.

Ngày nay, mâm quả trên bàn thờ tết người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của những hoa quả ngoại nhập. Với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn có thể tìm thấy tất cả những yếu tố thích hợp, có giá trị ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình.

Cuối cùng, những sản vật đẹp mắt nhất, tinh tuý nhất, được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất. Bàn thờ tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tết và những giá trị gia đình thời hội nhập

    22/01/2020Trần Thị TrườngXuân đến Tết về không chỉ là ngày, là mùa đón khí mới mà còn là dịp con người tri ân tổ tiên, nguồn cội, biểu tỏ tình yêu thương với gia đình, người thân, bạn bè…
  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Bóc tờ lịch cuối năm

    01/01/2014Chử Văn LongBóc tờ lịch cuối năm lòng tự nhủ - Thế là thời gian lại bắt đầu một chu kỳ mới! Nhưng Thời gian là gì nhỉ? Một cuộn chỉ vô hình, đời này qua đời khác thao mãi không ngừng, khúc lành lặn trơn tru, đoạn rối bòng bong không sao tháo gỡ, cuối cùng, nào ai đã nắm được cái lõi chỉ kia để biết cuộc sống là gì mà con người say mê làm vậy!
  • Ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán

    15/01/2009Hồng Anh (st)Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng nhất từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Từ những thế kỷ trước, từ đời Lý - Trần – Lê, ông cha ta đã cử hành lễ Tết hàng năm một cách trang trọng.
  • Tết trong mỗi người

    16/02/2007Phan Triều HảiMùa xuân tuyết tan, cây đâm chồi nảy lộc. Chim hót líu lo. Mặt trời sáng bừng, và trời xanh. Câu này nghe quen, nhưng đó là mùa xuân ở đâu, chứ tôi nay thật sự đã được tận hưởng mùa xuân ở mọi miền đất nước rồi nên mới biết điều lẽ ra không cần đến gần bốn mươi năm để biết, rằng cả nước vào xuân nghĩa là miền Bắc đón những đợt rét tái tê người, miền Trung là những cơn mưa sụt sùi bất tận, còn miền Nam thì nắng như đổ lửa...
  • Lời chúc đầu năm

    16/02/2007Tản văn của Tạ Duy AnhMỗi dân tộc có một kho tàng những lời chúc. Với người Việt Nam, lời chúc và lời chúc đầu năm là hai biểu hiện khác nhau về mặt văn hóa. Lời chúc thông thường, ngày thường là ứng xử đặc biệt (đa số chào mà không quen chúc). Trong khi đó, lời chúc đầu năm lại trở thành ứng xử thông thường, trở thành thứ quà tặng không hạn chế nhưng không thể thiếu...
  • Lễ, Hội, và Tết

    16/02/2007Nguyễn Tiến VănLễ – Hội – Tết lấy tự nhiên, vũ trụ làm trục dọc, và nhân sinh làm trục ngang, hòa hợp cả với trời đất và con người. Và đương nhiên, trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, nhất là cuộc sống hiện đại ngày nay, có những lễ-hội-tết bị làm cho phai mờ đi, và cũng có những lễ-hội-tết được làm cho đậm nét hơn...
  • Khói hương văn hóa của tâm linh

    06/06/2006An ThưCó ai trong đời mà không thắp lên một nén hương?Hồi còn bé, mỗi khi đứng trước ban thờ, bên mẹ tôi, trong những ngày giỗ, tôi không khỏi run run ngước nhìn làn khói tỏa ra từ cây hương, cảm thấy nhưcó gì thần bí, màu nhiệm đang vây quanh mình. Dường như ông bà tổ tiên trên ban thờ đang dần hiển linh, dạy bảo, dặn dò và răn đe bên tai tôi...
  • Ngày Tết nói chuyện về nguồn

    29/01/2006Vũ HạnhNếu nhiều loài sinh vật quay quắt về nguồn như một thôi thúc từ trong sâu thẳm bản năng, thì người về nguồn là biết đi quanh về nẻo tương lai, bởi với con người không chỉ có mỗi nhu cầu tìm về quá khứ như nhiều loài vật, mà quay về ấy là tìm những chất liệu bồi dưỡng cho những chặng đường dài đi tới.
  • xem toàn bộ