Tập đoàn kinh tế: Có thật là “quả đấm thép”?

11:42 CH @ Thứ Hai - 27 Tháng Mười, 2008

Ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Investconsult Group là một doanh nhân được coi là “Người xây chiếc cầu cho dòng vốn đầu tư”, là người mở ra lĩnh vực kinh doanh tri thức - một nghề kinh doanh cung cấp các ý tưởng, tư vấn đầu tư và cung cấp dịch vụ pháp lý, xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Doanh nghiệp do ông lãnh đạo qua 18 năm hoạt động đã tư vấn và đăng ký bảo hộ cho gần 700 dự án đầu tư nước ngoài ở khắp các lĩnh vực từ sản xuất, cơ sở hạ tầng đến dịch vụ bất động sản, gần 8.000 nhãn hiệu hàng hóa, trên 600 sáng chế và hơn 140 giao dịch chuyển giao công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam. Hà Nội Ngàn năm đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trần Bạt về một số vấn đề cần quan tâm trong thực trạng nền kinh tế hiện nay của Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Có thật là “quả đấm thép”

Nhớ lại vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng ta cho ra đời các TCty 90/91. Giải thích hiện tượng này, một số nhà lãnh đạo cho rằng, đó sẽ là những “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam. Đón trước xu thế hội nhập, chúng ta cần phải có những “tờ rớt” (Trust) xuyên quốc gia. Các Tổng công ty này sẽ cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn lớn trên thế giới; không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn vươn ra các nước khu vực và thế giới. Song, qua gần 17 năm, “quả đấm thép” chưa thấy xuất hiện.

Hàng chục năm qua, nguồn lực quốc gia đã được tập trung tối đa cho các Tổng công ty Nhà nước, cũng với đó là những ngành nghề kinh doanh béo bở, mang lại lợi nhuận cao. Mặc dù không có thay đổi nhiều về chất nhưng hàng chục Tổng công ty 90/91 đã được đôn lên thành những Tập đoàn kinh tế.

Theo thống kê của Ban đổi mới doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước đang chiếm giữ tới 80% lượng vốn tín dụng của các ngân hàng trong nước; 70% vốn vay nước ngoài, trong khi chỉ tạo ra 40% GDP, chưa kể trong 40% GDP ấy, phần lớn có được nhờ đặc quyền khai thác các tài nguyên quốc gia.

Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự hình thành các tập đoàn kinh tế căn bản phải là sự thay đổi về sở hữu. Sự thay đổi này sẽ tạo ra sự thay đổi gì về chất lượng quản lý. Ở Việt Nam, chúng ta đã không có sự thay đổi đó. Hôm nay, ông X là Tổng giám đốc Tổng công ty, ngày mai, cũng chính ông ấy được gọi là Tổng giám đốc hay Chủ tịch tập đoàn. Vẫn con người cụ thể ấy, vẫn là người làm thuê cho một ông chủ vô hình có tên là “Nhà nước” thì liệu có vì thế mà ông X giỏi hơn, liêm khiết hơn trước không!

Từ mâu thuẫn về công năng đến sự mất cân đối

Là những tập đoàn kinh tế sở hữu Nhà nước, nhưng về thực chất đây là những tập đoàn doanh nghiệp. Họ vừa phải đảm bảo công năng là “quả đấm thép” của Nhà nước khi cần, nhưng cũng không từ bỏ mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận.

Điều này giải thích tại sao, khi thị trường tài chính sôi động, với lợi thế về quy mô, về tiền vốn và các mối quan hệ với hệ thống công quyền, các tập đoàn này đua nhau vươn vòi vào những lĩnh vực nóng sốt, có khả năng sinh lợi cao.

Đầu tiên là tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, rồi tiếp sau đó là truyền thông, ngân hàng và tương lai là bệnh viện, trường học, khách sạn…, đều là những lĩnh vực mà để có được giấy phép, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải mất nhiều năm trời với chi phí lobby cũng không phải ít.

Tập đoàn Vinashin là một ví dụ. Là tập hợp của hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu, với vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế biển, nhưng Vinashin đã vươn tới hàng trăm lĩnh vực khác. Vinashin có đủ đất đai “trên rừng, dưới biển”, chưa kể vô số các công ty to nhỏ của nó, kinh doanh thượng vàng hạ cám. Năm 2007, tập đoàn này được ưu tiên khai thác 750 triệu USD từ nguồn tiền bán trái phiếu Chính phủ. Gần đây, Vinashin lại được bảo lãnh để vay 2 tỉ USD từ một ngân hàng nước ngoài. Hiệu quả của những đồng vốn ấy, đang cần các số liệu tài chính được thông báo minh bạch trước bàn dân thiên hạ.

“Nền kinh tế vị thành niên” của chúng ta chỉ sở hữu một cánh đồng hữu hạn tài nguyên, nhưng với hơn 20 tập đoàn kinh tế được chiếm giữ tới 80% vốn tín dụng của các ngân hàng ấy, thì hàng ngàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện thiếu vốn cũng là một điều tất yếu.

Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu cũng đã khiến nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhiều. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, nguyên thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hai nguyên nhân chính của suy thoái kinh tế toàn cầu là khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực. Với Việt Nam, là nước xuất khẩu dầu thô và xuất khẩu gạo, chúng ta hoàn toàn có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng ấy, nhưng vấn đề còn lại là sự mất cân đối tồn tại trong nhiều năm nay mới có dịp bộc lộ.

Bao giờ trưởng thành?

Nền kinh tế vẫn là “vị thành niên”, vậy bao giờ nó mới trưởng thành? Điều này tùy thuộc vào nhận thức của chúng ta. Nếu nhốt tư duy trong một định hướng có sẵn từ quá khứ thì dẫu tuổi tác nhiều nhưng không thể coi là người trưởng thành. Trong xu thế toàn cầu hóa, cần phải tôn trọng sự bình đẳng về cơ hội. Sự bất bình đẳng về phân bổ nguồn lực là một vật cản khiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có cơ hội phát triển. Trong khi đó, đây là khu vực tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nhất, giải quyết nhiều việc làm nhất.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn tự hào đóng góp nhiều nhất vào ngân sách, nhưng liệu đóng góp đó có tương xứng với tỷ lệ tài nguyên quốc gia họ đang được quản lý và sử dụng. Hiện nay doanh nghiệp Nhà nước đang dùng nhiều, góp ít. Đã đến lúc họ phải chia sẻ chung trong khó khăn, không thể tiếp tục tình trạng không chịu chìa vai gánh vác.

Petro Việt Nam là một ví dụ. Được coi là một trong những tập đoàn thành công nhất ở Việt Nam, tuy nhiên nếu ghé mắt sang người láng giềng trong khối ASEAN là Malaysia, Petronas cũng ra đời cùng thời điểm với Petro Việt Nam, thì sau gần một phần tư thế kỷ sự khác biệt về quy mô và chất lượng doanh nghiệp. Khác với Petro Việt Nam là tập đoàn sống chủ yếu bằng xuất khẩu dầu thô thì Petronas là tập đoàn đa ngành, vươn tầm hoạt động kinh doanh ra hàng chục quốc gia khác nhau. Năm 2007, doanh thu của Petronas đạt 52 tỉ USD; Con số này của Petro VN là 14 tỷ USD.

Với doanh nghiệp Nhà nước, họ cần tập trung vào lĩnh vực then chốt Nhà nước giao, bởi gần như họ được trao độc quyền. Đã được giao độc quyền, hưởng một vài đặc quyền, anh vẫn đòi quyền như những người không được hưởng những đặc quyền đó. Doanh nghiệp độc quyền Nhà nước rồi mà vẫn còn cho mình quyền làm sang lĩnh vực khác bên cạnh việc phân tán lực lượng, sẽ tạo bất công và thiếu sòng phẳng.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Kinh tế tư nhân và các giá trị chân chính của nó

    23/03/2016Nguyễn Trần BạtThực ra kinh tế nhà nước hay kinh tế tư nhân không bao giờ là mục đích của nhân loại, nó chỉ là phương tiện để con người phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Trong quá trình phát triển của mình, kinh tế tư nhân ngày nay đã trở thành một phương tiện cực kỳ hiệu quả để phát triển kinh tế, xã hội...
  • Những vấn đề của kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển

    21/03/2016Nguyễn Trần BạtSẽ rất sai lầm nếu chúng ta cho rằng kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi không còn gì phải bàn. Khác với các nước phát triển là nơi khu vực kinh tế tư nhân có sức mạnh khổng lồ và ưu thế tuyệt đối, nó có đủ sức để thoát khỏi sự trói buộc của chính trị...
  • Xây dựng các hiệp hội

    22/10/2014Nguyễn Trần BạtChúng ta bàn về vấn đề hiệp hội ở Việt Nam không phải vì bản thân các hiệp hội, mà vì một lợi ích khác: đó là vai trò của các hiệp hội trong quản lý xã hội bên cạnh các thiết chế Nhà nước hoặc mang tính Nhà nước...
  • Cải cách kinh tế với vai trò tiên phong

    14/03/2014Nguyễn Trần BạtBất kỳ chương trình cải cách nào cũng phải bắt đầu từ kinh tế. Khi những nhu cầu vật chất tối thiểu của con người chưa được đảm bảo thì không thể nói đến những lợi ích cao hơn hay đặt ra những vấn đề cao hơn. Hơn nữa, con người bao giờ cũng dễ dàng nhận thức về những lợi ích vật chất cụ thể hơn nhiều so với những lợi ích tinh thần...
  • Phát triển khu vực kinh tế nhà nước

    27/10/2010Nguyễn Trần BạtCác doanh nghiệp nhà nước từ lâu nay vẫn được coi là thành phần chủ đạo trong các nền kinh tế đang chuyển đổi. Ở Việt Nam và cả Trung Quốc, thực ra cái gọi là "vai trò chủ đạo" này chưa bao giờ có thực...
  • Vấn đề xây dựng mô hình kinh tế

    13/10/2010Nguyễn Trần BạtTrong một thời gian dài, vấn đề lựa chọn các mô hình kinh tế được đặt ra một cách sôi nổi, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đang phát triển và các quốc gia chuyển đổi. Không những thế, việc lựa chọn các mô hình kinh tế sao cho phù hợp với những đặc điểm riêng của từng quốc gia được xem như là biểu tượng của sức sáng tạo và quyền tự quyết của quốc gia...
  • Toàn cầu hoá, kinh tế thị trường và sự nghèo đói

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTrên các phương tiện thông tin đại chúng, không chỉ ở Việt Nam mà hầu như trên toàn thế giới, người ta nói rất nhiều về sự nghèo đói và hiện tượng chênh lệch giàu nghèo. Tuy nhiên, ở đây có một điểm cần làm rõ, đó là phải phân biệt sự nghèo đói với khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, sự nghèo đói và chênh lệch giàu nghèo với nhận thức về chúng...
  • Thế giới thứ ba và tự do thương mại

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTự do thương mại mang lại những lợi ích chung, tạo ra sự tiến bộ và phát triển của toàn nhân loại. Tuy nhiên, do đặc điểm và hoàn cảnh riêng của mình, các nước thế giới thứ ba còn nhận được nhiều lợi ích cụ thể to lớn khác...
  • Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtTại sao kinh tế Việt Nam nhỏ yếu nhưng lại không đổ vỡ sau khi hệ thống XHCN sụp đổ? Chúng ta có thể tìm ra lời giải đáp cho hiện tượng có vẻ kỳ lạ này ở kinh tế tư nhân. Trên thực tế, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đóng vai trò như chiếc phao an toàn hay là tấm đệm chống rủi ro khi kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng trong thập kỷ 80...
  • Xây dựng các tập đoàn kinh tế

    17/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupChúng ta đang có chủ trương chuyển một số tổng công ty nhà nước (TCT) gồm các TCT 90 và TCT 91 thành một số tập đoàn kinh tế hiện đại với vốn kinh doanh được tích tụ, tập trung cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, biến các tập đoàn này trở thành "xương sống của nền kinh tế quốc dân...
  • Phát triển kinh tế tư nhân

    17/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupKinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng cấu thành toàn bộ nền kinh tế. Nhiều quốc gia mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của hình thức kinh tế này và tích cực phát triển nó như một công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế...
  • Giá trị chân chính của kinh tế tư nhân

    07/07/2006Nguyễn Trần Bạt - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc InvestConsult GroupKinh tế tư nhân không chỉ có tiếng nói quyết định đến sức mạnh kinh tế của hầu hết các quốc gia mà còn trở thành một lực lượng kinh tế có ý nghĩa chính trị toàn cầu. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng có nghĩa là bảo tồn tính đa dạng phong phú của đời sống kinh tế, xem nó như là nguồn gốc của mọi sự phát triển...
  • Đổi mới kinh tế cho ai?

    22/06/2006Cẩm Hà ghiJomo Kwame Sundaram (trợ lý Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc) với tư cách là một nhà kinh tế phát triển, một người bạn của Đông Nam Á, tôi đã rất quan tâm theo dõi tiến trình công cuộc đổi mới ở VN trong những năm qua. Và tôi thật sự tin rằng những bài học của VN trong tái thiết và phục hưng mạnh mẽ nền kinh tế đã vươn xa ngoài biên giới VN và vươn ra cả bên ngoài khu vực Đông Á...
  • Kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ mới

    05/11/2005GS Kinh tế David DapiceNghĩ tới Việt Nam thời kỳ hậu WTO với hàng loạt kịch bản và gợi ý, Giáo sư Kinh tế David Dapice đã chốt lại rằng:"Việt Nam cần thúc đẩy mức tăng trưởng cao hơn nữa và tiếp tục đổi mới thể chế”...
  • xem toàn bộ