Tại sao văn hóa "suy dinh dưỡng"?
Chính chúng ta không thể hiểu nổi cái môi trường mà chúng ta hàng ngày cùng chung sống với con cháu chúng ta lại có những khoảng cách ứng xử quá xa nhau như thế, nhiều lúc khó có thể tìm ra tiếng nói chung giữa các thế hệ trong cùng một gia đình.
Sự chán nản đang dày vò?
Buồn, thất vọng, lo lắng, đó là cảm giác của không ít người khi đối diện trực tiếp với những ứng xử văn hóa dưới tầm của người Việt qua các dịp lễ hội được báo chí nhắc nhiều trong những ngày tháng vừa qua.
Ý thức công dân và hành vi biểu hiện nơi công cộng luôn được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ văn minh của một xã hội. Và những hành vi thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ được lặp đi lặp lại trên cho chúng ta nhận ra những khoảng trống rất lớn chưa thể hàn gắn trong văn hóa ứng xử hàng ngày.
Mỗi người đều có thể chỉ nhìn thấy những cái xấu của người khác một cách dễ dàng, song để nhận ra mình thì lại phải cần đến một chiếc gương soi. Chắc chắn khi nói đến văn hóa ứng xử có chuẩn, người ta thường tìm về gốc nguồn của những giá trị văn hóa truyền thống. Trong muôn vàn những thói quen ứng xử do môi trường sống tạo nên, người ta dần nhận ra những rạn nứt, khiếm khuyết của một thời vội vàng xây dựng xã hội mới, nhưng đã tẩy chay giá trị cũ một cách quá hồ hởi và thiếu chọn lọc.
Mới đầu, những cái lạ lẫm kéo đến, có người tò mò, do dự, có người thích ứng ngay và có người phản ứng. Nhưng bằng cách nào đó, những hình ảnh ấy được lặp đi lặp lại trong cuộc sống hàng ngày khiến nhiều người bão hòa trước những tình huống ứng xử mà vốn dĩ mình đã từng phản ứng bằng thái độ không thể chấp nhận. Và khi những điều đó đi vào cuộc sống một cách quá hiển nhiên thì người ta mất dần đề kháng, đến nỗi khi chuyển sang một môi trường sống mới, mỗi người lại phải tìm cách điều chỉnh và tiếp nhận những góc độ ứng xử nhiều khi xa lạ với chính mình.
Gần đây, trong chính những ứng xử thường nhật của chúng ta, thái độ chán nản ở một cường độ bị dày vò bởi sự mất giá đang không ngừng hoán chuyển nhận thức con người vào một thời cơ bất tín giá trị. Và thật mỉa mai, chính chúng ta không thể hiểu nổi cái môi trường mà chúng ta hàng ngày cùng chung sống với con cháu chúng ta lại có những khoảng cách ứng xử quá xa nhau như thế, đến mức khó có thể tìm ra tiếng nói chung giữa các thế hệ trong một gia đình.
Điều đáng nói, sự bất lực trong hàn gắn xảy ra khi khả năng chi phối của giá trị truyền thống còn rất ít tác dụng hay bị phá vỡ bởi sự vồ vập quá đà trên đường tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng bằng mọi cách đổ lỗi, những đổ vỡ giá trị ấy, được người ta lý giải như là một trong những yếu tố khách quan của quá trình hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa.
Người trẻ có thể khóc cười thản nhiên trước những dằn vặt nhiều phía từ quá trình hối hả kiếm tìm vật chất, khi cả xã hội lao đi còn họ thì chưa đuổi kịp. |
Ở những mức độ phản kháng, người đi trước không thể làm gì hơn đành phải ngồi thở dài một cách bất lực, rằng tại sao văn hóa của chúng ta lại ngày một suy dĩnh dưỡng đến vậy. Chắc chắn đó là hệ quả mà một thời văn hóa không phải là đích đến, không phải là mục tiêu sống còn trong nhận thức phát triển.
"Văn hóa thích ứng"
Có nhiều cú sốc văn hóa rất căn bản buộc người ta phải so sánh giữa các môi trường văn hóa chung quanh dù sự khập khiễng sẽ xuất hiện. Dĩ nhiên, không phải quá to tát với những khẩu hiệu văn hóa được trưng ra đầy khắp phố phường, vì chính trong thực tế, mỉa mai thay những yếu tố đơn giản để chứng minh một công dân văn hóa lại không phải là chuyện anh bày biện những gì hoành tráng trên tủ thờ, hay qua hình thức có vẻ như cao đạo của anh mà ở cách anh thò tay ngoáy mũi, cách ăn nhổ nước miếng, tham gia giao thông, xả rác, gọi thức ăn và thậm chí là cười nói, ăn mặc, đi đứng… “Văn hóa thích ứng” được người Việt gọi là “nhập gia tùy tục”.
Nhưng không có nghĩa rằng văn hóa chỉ là những ứng xử tình thế mà còn là những giá trị bền vững để thăng hoa tinh thần, chí ít nó cùng cộng đồng hướng đến những ứng xử tốt đẹp chung.
Con người Việt Nam hiền hòa nhưng không đồng nghĩa với sự nhàn rỗi vô tổ chức. Thực tế, có quá nhiều thời gian mà nhiều người không dành cho công việc thường nhật của mình. Chúng ta có thể đặt câu hỏi thẳng thắn rằng, khoảng thời gian nhàn rỗi ấy đang đem đến những giá trị gì về ý tưởng và cách xây dựng cuộc sống sao cho văn minh và nhiều trách nhiệm hơn?
Có một người Việt kiều về thăm quê hương, điều ý nghĩa đầu tiên là người ấy đến viếng thăm người thầy tại một ngôi chùa. Chùa vẫn như xưa, thầy vẫn như xưa, nhưng không gian ứng xử thì lại có những cách biệt giữa các thế hệ. Vị thầy thì ân cần tiếp khách còn chú tiểu thì rộn ràng đi qua đi lại với cái phone nghe nhạc cắm kín hai tai. Một sự tương phản đến lạ lùng hay một cú sốc trong văn hóa?
Và phản ứng của người trẻ
Một hình ảnh cần thiết để chúng ta có thêm cái nhìn mới hơn về giáo dục rằng chúng ta đang có độ chênh trong nhận thức. Giáo dục đang cần những bài học thiết thực, cụ thể hơn để các thế hệ có thể đối thoại được với nhau. Không nên dẫn dắt người trẻ vào vòng kiêm tỏa của những áp đặt mà hãy cho họ nói tiếng nói của những người đã không còn nhiều khả năng đề kháng văn hóa.
Điều gì đã khiến người trẻ nghĩ rằng họ cần phải sống trong môi trường buồn vui, thất vọng, không mục đích của riêng họ? Việc họ im lặng, chứng tỏ mình và thể hiện sự khác người là cách họ phản ứng. Họ phản ứng có thể vì cảm nhận được sự vô lực của chúng ta trong những tác động gương soi, chuẩn mực.
Còn chúng ta sống và nhận thức như thế nào để không đi đến nhầm lẫn rằng những cuộc “nổi loạn” trong tính cách của họ chỉ có tính chất xã hội, bởi ứng xử của họ lẽ nào không tương quan gì với những ứng xử của chúng ta? Nhẽ ra bản thân chúng ta, từ những giá trị được tìm kiếm bên trong đã và phải đóng vai trò cân bằng, nhằm gợi mở trong ý thức xã hội những giá trị tương quan và kết nối, để mỗi khi nhìn vào một gia đình thì thấy con ra con, cha ra cha, mỗi khi nhìn vào lớp học thấy thầy ra thầy, trò ra trò…
Người trẻ có thể khóc cười thản nhiên trước những dằn vặt nhiều phía từ quá trình hối hả kiếm tìm vật chất, khi cả xã hội lao đi còn họ thì chưa đuổi kịp. Tiềm năng con người không chỉ dừng lại ở những tìm kiếm vật chất, mà sâu thẳm từ bên trong, những giá trị tinh thần và những bài học làm người cơ bản đã và sẽ có thể giúp họ đứng vững trong tương lai một cách có ý nghĩa.
Vì thiếu giáo dục nhân quả, nên trong một thời gian dài khiến cho họ không đủ kiên nhẫn về một đích hướng ngày mai, như thế rõ ràng hiện tại họ đang rơi vào sự phi định hướng, gá tạm những phản ứng trái chiều vào môi trường cụ thể. Và chính những môi trường cụ thể ấy đang tạo ra những biến chuyển đầy nhức nhối trong tinh cách mà người ta gọi đó là những vấn nạn xã hội.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh