Thanh niên và văn hóa thanh niên
Văn hóa thanh niên, xuất phát từ khao khát muốn khẳng định mình của giới trẻ, dù có mặt này mặt khác, tiêu cực và hạn chế, nhưng bao giờ cũng vươn tới văn hóa của sự sáng tạo và đổi mới.
Khi John Lennon và những người bạn trẻ của anh trong nhóm nhạc The Beatles đập ghi-ta điên cuồng và hét "Yeh, Yeh...Yeh...", ít ai trong số những người tham dự màn diễn của họ lúc đó nghĩ rằng cái lối chơi nhạc được coi là "quái đản" đó, sau này lại có thể chinh phục con tim của nhiều người trẻ tuổi trên thế giới.
Khao khát được tự khẳng định khiến thanh niên luôn mong muốn được mọi người nhìn nhận một cách đúng đắn về mình. Ðể thực hiện được điều đó trước hết, nhiều bạn trẻ cảm thấy cần gây sự chú ý của người khác đối với mình. Cái điều mà những người lớn tuổi có phần cho là kệch cỡm, khác đời trong cách ăn mặc, nói năng, cử chỉ ở thanh niên và vị thành niên một phần là do sự phản ánh các cách thức gây chú ý nói trên. Thanh niên cũng không thích đi tìm những khuôn mẫu lý tưởng từ những gì xưa cũ, quen thuộc. Hình ảnh người nông phu thuở trước bình dị trong đời thường, ngày này qua ngày khác, không có gì thay đổi, chỉ biết cặm cụi với các công việc cày cuốc, cấy hái, mặc dù có thể được kính trọng, nhưng thật khó có thể trở thành hình mẫu lý tưởng của những thanh niên ham muốn phấn đấu vươn lên.
Văn hóa thanh niên, dù có mặt này mặt khác, tiêu cực và hạn chế, nhưng bao giờ cũng vươn tới văn hóa của sự sáng tạo và đổi mới. Sáng tạo và đổi mới trở thành đặc trưng cơ bản của văn hóa thanh niên, làm nên bản chất của văn hóa thanh niên. Chính sự vượt qua các lề thói, khuôn phép cũ, mà không phải ai cũng có thể cảm thông và chấp nhận được ấy, đã tạo ra ở văn hóa thanh niên một diện mạo đặc biệt. Văn hóa thanh niên là văn hóa thách thức mọi giới hạn. Những đặc trưng về sự đổi mới và sáng tạo của văn hóa thanh niên đã khiến cho nó có được một đặc trưng khác nữa, đặc trưng về sự trẻ trung và sôi động, sự hồn nhiên và trong sáng. Về phương diện này, văn hóa thanh niên đã mang dáng vẻ của một khuôn mặt trẻ thơ, đang mở rộng cặp mắt trong sáng hướng về những mầu sắc mới mẻ và lung linh của cuộc đời. Trong cặp mắt ấy chứa đựng biết bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu sự ngạc nhiên, bao nhiêu những rung động đến ngỡ ngàng. Chỉ tiếc rằng cuộc đời dâu bể không chỉ tồn tại những điều trong sáng và đẹp đẽ. Cuộc đời còn đầy những xáo động, những hạnh phúc và đắng cay đã không thể giữ mãi được sự trong trẻo thiên thần của những cặp mắt ấy.
Một trong những đặc trưng quan trọng khác của văn hóa thanh niên là ở tính nhân văn, nhân đạo của nó. Khi mà sự vấp ngã và thất bại còn đang ở phía sau của những hồn nhiên và chân thực, thì những cái nhìn ban đầu của thanh, thiếu niên về cuộc đời vẫn còn đầy chất thi vị của sự nhân ái. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, nhìn chung, với những đặc trưng riêng biệt của tuổi trẻ, thanh niên thường hướng về con người và xã hội, hướng về các quan hệ xã hội phía trước với ánh mắt thương cảm và sẻ chia. Ðiều đó tạo nên ở hầu hết thanh niên những hành vi văn hóa mang tính nhân đạo, cảm thông sâu sắc với con người.
Tính nhân đạo và nhân văn, tính hồn nhiên và trong sáng, tính mới mẻ và sáng tạo trong văn hóa thanh niên đã tạo ra một chiều cộng cảm rộng lớn trong thanh, thiếu niên.
Tính cộng đồng trong văn hóa thanh niên xuất phát trước hết từ chính "tâm lý cộng đồng" của thanh, thiếu niên. Sự cộng hưởng giữa nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, nhu cầu biểu hiện mình, nhu cầu sáng tạo với bản chất ngây thơ trong sáng của tuổi trẻ, đã tạo ra sức cuốn hút của văn hóa thanh niên.
Thực tế xã hội đã cho thấy, những lỗ hổng trong kiến thức cơ bản chưa được lấp đầy, những thiếu hụt trong tư duy do hiểu biết vấn đề chưa thật thấu đáo, triệt để, có thể kéo theo những nhận thức và hành vi không đúng đắn, phản văn hóa ở thanh niên. Sự đổi mới, sáng tạo dễ trở thành manh động, dễ dãi. Sự hồn nhiên, sôi động dễ trở thành bồng bột, quậy phá.
Để trả lời câu hỏi về những nguyên nhân dẫn tới các sai lệch trong văn hóa thanh niên, chúng ta có thể phân tích nó trên hai khía cạnh. Thứ nhất, quan hệ của văn hóa thanh niên với tính cách là một tiểu văn hóa với văn hóa chung và với xã hội. Thứ hai, bản thân sự chuyển hóa nội tại trong văn hóa thanh niên.
Cũng như tất cả các hình thái ý thức xã hội khác, văn hóa, trong đó có văn hóa thanh niên chịu sự tác động mạnh mẽ của những điều kiện kinh tế- xã hội của một đất nước. Sự lệch lạc của văn hóa thanh niên về thực chất là sự phản ánh những lệch lạc trong xã hội đó. Một xã hội không tự điều chỉnh và hoàn thiện, để các quan hệ xã hội ngày càng trong sáng, lành mạnh hơn, thì xã hội đó cũng không có khả năng để giải quyết các lệch lạc trong văn hóa, trong đó có văn hóa thanh niên. Trong trường hợp này, mọi sự thuyết phục, tuyên truyền đơn thuần đều hạn chế tác dụng, thậm chí còn có thể tạo ra những phản ứng ngược lại.
Thực tế cho thấy, cho đến nay, chúng ta vẫn còn những lúng túng trong việc xử lý nhiều vấn đề về văn hóa thanh niên. Do chưa có những hiểu biết đầy đủ về nhu cầu văn hóa của thanh, thiếu niên, chúng ta đã chưa đầu tư thật đúng mức cho việc phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, chưa tạo ra được các sân chơi hợp lý cuốn hút thanh niên tham gia.
Thiếu những hiểu biết về tính đổi mới và sáng tạo trong văn hóa thanh niên, chúng ta cũng đã rất lúng túng khi bắt gặp những "sáng kiến" thái quá trong các sinh hoạt văn hóa của thanh niên. Không ít những người lớn tuổi đã không chịu nổi với những mốt thời trang "xa lạ" của con em mình. Ðâu đó trong chúng ta không phải không xuất hiện những tiếng nói đòi phải cấm mái tóc kiểu này, bộ váy kiểu kia. Thật ra đến một lúc nào đó khi các mốt thời trang bị phê phán kia trở nên lỗi thời thì chẳng cần một sự ngăn cấm nào nữa chúng cũng sẽ tự khắc biến mất mà thôi.
Không thấy hết những đặc trưng về sự sôi động, trẻ trung của văn hóa thanh niên, nhiều người thắc mắc vì sao thanh, thiếu niên ít say mê với văn hóa, văn nghệ dân gian, với tiểu thuyết kinh điển, với âm nhạc cổ điển. Cần phải giáo dục, định hướng để giúp thanh, thiếu niên xa lánh những thứ văn hóa độc hại, nhưng đừng bao giờ ngăn cản sự trẻ trung sôi động, buộc các bạn trẻ phải cảm thụ văn hóa theo cách thức của những người lớn tuổi.
Khi không hiểu đầy đủ những đặc trưng về tính cộng đồng của văn hóa thanh niên, các nhà lãnh đạo, quản lý, các bậc phụ huynh đã có lúc tỏ ra ngỡ ngàng trước sức mạnh lạ lùng của nó. Rất nhiều người đã không hiểu được vì sao chỉ một trận bóng đá mà lại có thể lôi kéo hàng vạn thanh niên ra đường, mang trên vai những lá cờ đỏ sao vàng, hô vang những khẩu hiệu, thức thâu đêm suốt sáng. Cũng chỉ vì không hiểu thấu đáo về những lệch lạc có thể diễn ra trong văn hóa thanh niên nên tỏ ra lúng túng trong việc xử lý rất nhiều tình huống từ thực tế của cuộc sống, đặc biệt là đối với những thanh niên bị lợi dụng để làm những điều sai trái.
Cần xây dựng những định hướng cơ bản cho việc phát triển văn hóa thanh niên, với những đặc trưng của nó. Phải chú ý tới những đặc điểm của văn hóa thanh niên trong việc xây dựng các chiến lược phát triển văn hóa, phát triển nguồn lực con người, tạo điều kiện để phát huy những nhân tố tích cực trong văn hóa thanh niên, hạn chế các mặt tiêu cực; hướng các mục tiêu phát triển văn hóa thanh niên vào các mục tiêu xây dựng và phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005