Đại bác, súng lục và lễ hội hoa Hà Nội
Thật dễ dàng kết tội vô văn hóa hay thiếu giáo dục cho các hành vi “cướp-phá”, hay dẫm lên hoa tại lễ hội hoa diễn ra tại Hà Nội đầu năm 2009. Căn nguyên của các hành vi này có thể là hậu quả của tiến trình đô thị hóa đang diễn ra, hoặc hậu quả của một nền giáo dục đầy rẫy bất cập.
Tuy nhiên, những quy kết này chỉ đúng với một số đối tượng, như nam thanh nữ tú vui vẻ dẫm lên hoa, hoặc một trung niên đứng tuổi cướp chậu hoa mang về nhà. Nhưng lý giải thế nào khi các cụ già cũng có hành vi dẫm đạp trên cỏ, hay phản ứng mắng ngược của một bậc phụ huynh khi người khác chê trách con họ phá hoa mà báo chí phản ánh. Có nhiều cách tiếp cận để giải mã các hành vi trên, từ giáo dục, lối sống và tính cách, mà trong đó môi trường chung nối kết các cách tiếp cận là văn hóa.
Giáo sư Geert Hofstede (đại học Maastrich, Hà Lan), người có nhiều nghiên cứu về sự khác biệt trong ứng xử, hành vi của các nền văn hóa, đã xem văn hóa là “phần mềm của tâm hồn” để lý giải ứng xử, cách suy nghĩ của con người trong cuộc sống (Cultures and Organizations: Software of the Mind. New York, NYM McGraw-Hill, 1991). Năm chiều kích văn hóa mà công trình nghiên cứu ở 72 quốc gia được Hogstede phân ra là: khoảng cách quyền lực, cá nhân và tập thể, trọng nam tính hay nữ tính, tâm lý ưa sự ổn định, và cuối cùng là cái nhìn dài hạn hay ngắn hạn.
Việt Nam, nếu dùng sự phân loại của Hofstede, thuộc về đất nước có khoảng cách quyền lực cao, tính tập thể cao, trọng nam tính, tính ưa sự ổn định cao, và định hướng dài hạn. Mỗi chiều kích có mối quan hệ tương tác và thay đổi theo thời gian. Điều này, như nhận định của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trong cuộc phỏng vấn trên Tia sáng Tết 2008, xã hội nào, tính cách ấy.
Bắt chước và núp bóng bầy đàn
Ở một đất nước, mang chiều kích tập thể, ý thức về cộng đồng rất cao, mà văn hóa làng xã ở Việt Nam trước kia có rất nhiều ví dụ. Hofstede cũng nhấn mạnh chiều kích tập thể đề cập ở đây không phải là phạm trù của chính trị. Trong cộng đồng đó, con người từ khi mới sinh ra đã có sự lệ thuộc và mang những đặc thù của văn hóa nhóm. Lẽ ra mô hình tập thể hóa ở nông thôn cũng như nông trường hay nhà máy là chất xúc tác tốt cho chiều kích tập thể phát huy mặt tích cực. Nhưng hậu quả của nó là hình ảnh nông dân cày dối trên mảnh đất hợp tác. Điều gì có thể biến người nông dân vốn “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó” trở thành người làm công ẩu tả? Còn ở thành thị là một lớp công chức mà chuyện châm biếm kể rằng, họ sáng cắp cặp đi, tối mang cặp về, bên trong có một viên gạch. Câu vè của dân Hà Nội ban ngày cả nước lo việc nhà, ban đêm, cả nhà lo việc nước ra đời trong bối cảnh đó. Cũng từ đó, thói quen xài chùa của công, lạm dụng công quyền để tư lợi hình thành.
Tính di truyền của thói làm dối, làm ẩu, “của chung không ai khóc” gặp môi trường chuyển đổi giữa thời kỳ bao cấp và kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho cho thói cơ hội xuất hiện và phát triển. Chúng gieo vào đầu chủ thể một lối suy nghĩ ngắn hạn. Và dài hạn, nếu có, lại là chuyện “hy sinh đời bố củng cố đời con”.
Muốn an thân nên giữ lệ, phá luật
Nếu chiểu theo kết quả nghiên cứu của Hofstede và Bond, Việt Nam thuộc nhóm có chiều kích định hướng dài hạn, theo nghĩa tôn trọng các giá trị truyền thống và giữ thể diện. Bên cạnh chiều kích văn hóa này, chiều kích ưa sự ổn định cao, không cho phép người ta biểu lộ tình cảm, trạng thái ra bên ngoài. Thói quen ưa sự ổn định cao như ở Trung Quốc và Việt Nam phần nào gây ra đặc tính: một số quy định thì chấp nhận, nhưng một số lại dễ dàng xí xóa. Lẽ ra, hai chiều kích trên khiến người ta chú trọng thể diện, qua đó có thể ngăn cản được hành vi mang tính cơ hội thì trong môi trường dung dưỡng tính làm dối, và cá nhân quen sự với thỏa hiệp, thì việc giữ “diện” nào của bản thể cũng có thể thỏa hiệp được.
Sau hai thời kỳ bao cấp và mới mở cửa, xã hội rộ lên chuyện “đánh quả” của doanh nghiệp, của giáo chức, của giới học thuật trên mảnh đất thị trường còn sơ khai về cơ chế và luật định chồng chéo, không chặt chẽ, cộng thêm với sản phẩm của thời kỳ quá độ là chất xúc tác đầy uy lực. Một doanh nhân khá nổi ở thời kỳ đầu đổi mới đã từng đưa ra luận thuyết đèn vàng. Theo ông, đèn xanh thì ai cũng đi, nên muốn đi nhanh hơn thì phải biết tranh thủ cả đèn vàng. Luận thuyết đó phản ảnh rõ tâm thế cơ hội. Ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, học và thi là hai chuyện mà học sinh, sinh viên có thể hiểu là hai chuyện hoàn toàn khác. Và tưởng như các tháp ngà khoa học sẽ đứng vững, thì câu chuyện mua bằng, đạo văn, gian dối trong các công trình khoa học và nghiên cứu liên tục xuất hiện.
Đông người, vô bản sắc
Trong bối cảnh trên, bản sắc và hội nhập trở thành các khái niệm học thuật, đôi khi còn bị đánh tráo. Khi con người ở một cộng đồng mang tính tập thể cao, mọi cái tôi được đặt thấp, thì cái tôi thỏa hiệp và gian dối càng được dung dưỡng. Nhưng nếu không nhìn thấy mặt cái tôi, thì bản sắc chỉ là khái niệm. Mà khuôn mặt của bản thể không để lộ, thì lấy đâu bản sắc để hội nhập. Sự tương tác của hai chiều kích bản sắc và hội nhập trong điều kiện đó, càng thúc đẩy hiệu ứng bầy đàn.
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã nêu đích danh hai đứa con hư của cơ chế thị trường là nóng vội kiếm tiền và cắm đầu hưởng thụ. Một lớp người đau đáu tìm kiếm cơ hội, dù phải chụp giựt, chấp nhận hy sinh, thì bản thể của họ không còn là điều quan trọng. Chính bản thân đó và lớp con cháu họ qua hưởng thụ tiêu dùng mà đánh mất bản thân. Bởi tiêu dùng, là hành vi tha hóa con người. Thông qua mua sắm, mà con người, từ mua (buying), sở hữu hàng hóa (having) và cuối cùng nhập thân vào đó (being). Kết quả là người ta có thể đồng hóa mình là một sản phẩm, hay một thương hiệu nào đó. Nếu không nhận rõ tiến trình này, không biết được mình là ai, thì rốt cục, lối sống thượng đội, hạ đạp, sản phẩm đặc thù của chiều kích văn hóa quyền lực cao, trở nên phổ biên trong xã hội. Hệ quả, là lớp con em cứ việc cướp hoa, ngắt lá, bẻ cành, lớp cha-chú sẵn sàng phản ứng lại trước các lời chỉ trích, và thậm chí, còn có thể quát lại là “vô văn hóa”.
Gamzatov đã viết: Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác. Hành vi vừa diễn ra ở lễ hội hoa tại thủ đô, có thể được nhìn nhận mang tầm cỡ súng lục hoặc đại bác. Nhưng từ quá khứ tới tương lai là một tiến trình, nên viên đạn hôm qua có thể tạo hệ quả là quả đại bác mai sau. Điều đó không thể không được nhìn nhận thấu đáo.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005