Tính truyền thống và yêu cầu đổi mới trong thiên niên kỷ tới

03:51 CH @ Chủ Nhật - 15 Tháng Năm, 2016

Chúng ta có nhiều đức tính để đón nhận sự thay đổi rất nhanh chóng khi bước vào thiên niên kỷ của sự sáng tạo và đổi mới, nhưng cũng rất rõ ràng là chúng ta cần xây dựng một tương quan lành mạnh giữa truyền thống với hiện đại, trong đó truyền thống phải tạo cơ sở để tiếp nhận cái mới, những tinh hoa của văn minh nhân loại.

Thử nhìn lại truyền thống Việt Nam từ hiện tại và tương lai.

Trong năm 2000 cả nước đã chứng kiến buổi biểu diễn nghệ thuật để kỷ niệm 990 năm Thăng Long rất hoành tráng, được dàn dựng công phu. Các màn trình diễn nối tiếp nhau, hết cuộc chiến đấu này kế tiếp cuộc chiến đấu khác từ khi dựng nước đến lịch sử cận đại. Anh bạn tôi, một giáo sư kinh tế Việt kiều về nước giảng dạy thốt lên: “Truyền thống của dân tộc ta đâu chỉ có chiến đấu. Sao không thấy trình diễn các truyền thống sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học, cách tân của ông cha ta?” . Đó là một câu hỏi nghiêm túc cần được suy nghĩ và phân tích, khi chúng ta bước vào thiên niên kỷ của tiến bộ khoa học công nghệ và toàn cầu hoá với quy mô và mức độ sâu rộng chưa từng có.

Khi chương trình thời sự Đài truyền hình Việt Nam đưa tin về Tổng thống Mỹ B. Clinton thăm Quốc tử giám – Văn Miếu buổi 19h ngày 17.11.2000, người bình luận đã nói: “Quốc Tử Giám – Văn Miếu - trường đại học đầu tiên của Việt Nam – đã có từ thế kỷ thứ 11, còn trường đại học Harvard nổi tiếng của nước Mỹ mới có chưa đầy 300 năm lịch sử”. Lời bình này hàm chứa một cách nhìn về mối quan hệ giữa phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam với tiếp thu tinh hoa của nền văn minh nhân loại cũng như của các nước khác trong thời đại ngày nay.

Chúng ta tự hào về Quốc Tử Giám và các bia khắc tên các tiến sĩ qua các triều đại, nhưng ngày nay, khi bước vào thiên niên kỷ mới, khi kho tàng kiến thức của loài người được phát triển với cấp số nhân, thì chúng ta rất cần khiêm tốn học hỏi các dân tộc khác để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của dân tộc trong thời kỳ mới.

Trước một cuộc chiến đấu mới, dân tộc ta, một dân tộc thông minh, rất đỗi kiên cường và không hề chịu khuất phục trước các ngoại bang mạnh hơn gấp bội, có ngàn năm văn hiến nhưng hiện nay vẫn thuộc loại nghèo nhất trên hành tinh, khoảng cách giữa nền kinh tế nước ta và các nền kinh tế trong khu vực đang roãng ra nhanh chóng và đang xuất hiện nguy cơ hiện thực là dân tộc chúng ta để lỡ con tàu của nhân loại vào kỷ nguyên phát triển dựa trên tri thức, thì thế hệ ngày nay rất cần huy động sức mạnh lịch sử và truyền thống của dân tộc về sang tạo, về cách tân, về đổi mới để vượt qua nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, hướng tới tương lai. Các thế hệ trước đã hoàn thành sứ mạng của mình, thế hệ chúng ta phải làm tròn trách nhiệm của chúng ta trước lịch sử là đưa dân tộc Việt Nam đến trình độ phát triển trung bình của nhân loại, thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, bất công, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, thịnh vượng và văn minh.

Phải chăng cần chuyển được nỗi niềm và khí phách của một Đặng Dung trong “Chí phủ hữu hoài phù địa trục. Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà” (Phò chúa những mong xoay trục trái đất. Rửa áo giáp không có đường lấy nước của sông Thiên Hà) hay của một Cao Bá Quát: ”Ngã dục đăng cao sầm. Hạo ca ký vân thuỷ” (Ta muốn trèo lên đỉnh cao ngất kia. Hát vang lên để gửi tấm lòng vào mây nước) sang sáng tạo, chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học công nghệ và kinh doanh của những thế hệ người Việt Nam trong thời đại mới.

Thật vậy, hơn bao giờ hết, cần đề cao những nhà khoa học của nước ta như Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, danh y Lê Hữu Trác... và nhà cách tân Nguyễn Trường Tộ. Cần đề cao kinh nghiệm khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ với đồng ruộng Kim Sơn, Tiền Hải như là một trong những mẫu mức của cách làm sáng tạo. Hơn bao giờ hết, cần khơi dậy và phát huy truyền thống của nhà Trần sớm truyền ngôi lại cho vua sau giữa khi còn trẻ để có sức xây dựng đất nước. Hơn bao giờ hết cần phát huy truyền thống dũng cảm, khẳng khái, không màng danh lợi của Chu Văn An vì lợi ích của đất nước đã từ quan và dâng Thất trảm sơ nổi tiếng trong lịch sử, xin vua chém đầu bảy tên nịnh thần hại dân, hại nước. Và phải chăng cũng cần ôn lại truyền thống vì đại nghĩa của đất nước mà khoan dung với kẻ thù cũ của Nguyễn Trãi đã được kế thừa và phát huy một cách sáng suốt bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. Những truyền thống đó của lịch sử Việt Nam có ý nghĩa thời sự biết bao và cần được trau dồi, phát huy biết bao! Dân tộc chúng ta có nhiều truyền thống tốt đẹp rất cần được phát huy.

Cũng cần nghiên cứu những nỗ lực thí điểm không được thừa nhận của bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phú Kim Ngọc đưa khoán vào hợp tác xã năm 1966 để rút kinh nghiệm thúc đẩy cái mới. Từ bí thư Kim Ngọc 1966 đến Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký năm 1988, nước ta cần 22 năm để đưa cơ chế khoán vào nông nghiệp, cũng rất đáng phân tích cái gì thúc đẩy, cái gì cản trở cái mới. Trong thập niên tới, không thể cần thời gian dài như vậy để có những quyết định đổi mới vì thời gian không chờ đợi chúng ta và các nước khác đang tiến rất nhanh. Tiến chậm hơn người khác là thụt lùi. Và phải làm gì để ủng hộ cái mới, sáng tạo cái mới ở mọi lĩnh vực trên khắp đất nước ta.

Đề cao đúng mức truyền thông lịch sử của dân tộc mình là cần thiết nhưng không được dẫn đến phủ nhận cái mới, cái tốt đẹp hiện tại của nhân loại, của các dân tộc khác mà chúng ta rất cần học và tiếp thu để tiến bộ. Vinh quang của quá khứ không thể được đem ra để biện minh và che lấp sự nghèo nàn, lạc hậu của hiện tại - Quốc Tử Giám – Văn Miếu càng vinh quang và đáng tự hào bao nhiêu thì càng thôi thúc chúng ta ngày nay phải đổi mới và nâng cao chất lượng của nền giáo dục đầy rẫy yếu kém hiện nay, không có lý do gì để phủ nhận vị trí tiên tiến rõ ràng của Đại học Harvard sinh sau đẻ muộn hơn (tuy rằng gần đây Đại học Stanford đã vượt đại học Harvard về nhiều mặt). Không có dân tộc nào có thể tự cho mình là hoàn hảo trong mọi thời đại để quên mất học tập và tiếp thu cái tốt, cái đẹp của các dân tộc khác.

Gần đây, ở nước ta, bên thềm của thiên niên kỷ mới, lại xuất hiện xu thế khôi phục cái cổ mà thiếu nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đã dẫn đến những ngộ nhận không đáng có và sự “hồi cổ” tràn lan theo kiểu khôi phục cả áo the khăn đóng ở quá nhiều nơi. Nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc đầu thế kỷ này đã suốt đời mình luận chiến để phê phán thói nô lệ quá khứ của người Trung Quốc thời bấy giờ, kêu gọi vứt bỏ thói bó chân của phụ nữ, cắt đuôi sam của đàn ông. Trung Quốc, với nền văn minh huy hoàng của 18 thế kỷ đi đầu nền văn minh nhân loại, đã trả giá đắt cho sự tự cao, tự thị, bế quan toả cảng và chậm cách tân so với Minh trị thiên hoàng của nước Nhật bản. Nhưng ngày nay, Trung Quốc đã cải cách, mở cửa và tiến nhanh hơn chúng ta rất nhiều trong 25 năm gần đây.

Ngày nay, phải chăng chúng ta cũng cần có những Lỗ Tấn của Việt Nam, phê phán một cách sắc sảo và tỉnh táo thói tôn sùng cái cũ một cách thiếu chọn lọc, phê phán những thói hư tật xấu của người Việt Nam để khuyến khích cái mới lành mạnh, rèn luyện “con người mới” với những đức tính rất cần cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá và vươn lên xây dựng những Quốc Tử Giám hiện đại của nước Việt Nam trong thế kỷ thứ 21.

Người Việt Nam thông minh, học nhanh, đậu thủ khoa ở cấp đại học ở nhiều nước trên thế giới là sự thật rất đáng trân trọng và tự hào, nhưng số các nhà bác học người Việt Nam trên thế giới chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với người Ấn Độ và người Trung Quốc (có xét cả đến tỷ lệ dân số của các cộng đồng đó ). Điểm lại những tác giả người Việt Nam trên các tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới, chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với người Trung Quốc và người Ấn Độ, mức gia tăng cũng không nhanh qua các năm gần đây. Cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cách phấn đấu vươn lên, phải chăng chúng ta thiếu tính kiên trì cần thiết trong khoa học, sớm tự vừa lòng và dừng lại khi bước vào nghiên cứu khoa học và chưa tạo ra được môi trường thuận lợi cho khoa học, sáng tạo và đổi mới phát triển ở trong nước.

Bước vào thiên niên kỷ của sự sáng tạo và đổi mới.
Thiên niên kỷ tới là thiên niên kỷ của sự phát triển chưa từng có về trí tuệ. Theo Đavi Linowes, loài người cần gần 18 thế kỷ, từ công nguyên đến giữa thế kỷ thứ 18 để tăng gấp đôi hiểu biết. Sau đó, loài người cần 150 năm rồi 50 năm và ngày nay chỉ cần từ 4 đến 5 năm để gia tăng gấp đôi hiểu biết của nhân loại. Trong 30 năm gần đây loài người đã sản xuất ra nhiều thông tin hơn so với 5000 năm trước đó cộng lại.

Đặc trưng đó của sự phát triển đòi hỏi nhà nước, con người phải có những năng lực mới để làm chủ được quá trình cực kỳ năng động này. Sau đây thử nêu lên một vài yêu cầu mới để chúng ta cùng suy ngẫm.

Trước hết, mọi nhà nước, mọi doanh nghiệp, gia đình và mỗi người cần xây dựng được tâm lý cởi mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới, sẵn sàng thích nghi với những thay đổi rất nhanh chóng để tồn tại và phát triển. Trong những thập kỷ 60 của thế kỷ 20, nước Úc tài nguyên thiên nhiên giàu có, chuyên khai thác khoáng sản là một trong những nước giàu nhất haàn tinh, thì ngày nay Singapore là một nước mà đất và nước sinh hoạt cũng phải nhập khẩu nhưng lại là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới tính theo sức mua tương đương. Những chuyển dịch như vậy sẽ tiếp tục diễn ra và không ai có thể dự đoán được hết mọi sự phát triển trong một thời gian dài. Con người, các tổ chức phải năng động hơn, phải có bản lĩnh tiếp thu cái mới, hình thành những năng lực mới. Cái mạnh của ngày hôm qua không đủ bảo đảm cho cái mạnh của ngày mai.

Hoạt động của cộng đồng từ nhà nước đến doanh nghiệp phải mang tính phối hợp cao hơn rất nhiều. Ngày nay, sản xuất, thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ đã liên kết với nhau rất chặt chẽ qua biên giới nhiều nước, qua các múi giờ khác nhau cũng như những khoảng cách địa lý rất xa và mọi khâu đều phải hoạt động ăn khớp, với dộ tin cậy cao nhất, nhịp nhàng, trung thực. Không thể tiến vào kỷ nguyên kinh tế dựa trên tri thức với cách làm ăn được chăng hay chớ, không xong hôm nay thì đã có ngày mai hay thói làm ăn chụp giật, không coi trọng chữ tín còn là chuyện hàng ngày ở nước ta. Nếu không thay đổi kịp thì không ai chờ đợi chúng ta, các luồng đầu tư sẽ chạy vào các nước khác và nguy cơ bị gạt sang lề của lịch sử đang ngấp nghé.

Rõ ràng người Việt Nam chúng ta có nhiều đức tính để đón nhận sự thay đổi đó nhưng cũng rất rõ ràng là chúng ta cần xây dựng một tương quan lành mạnh giữa truyền thống với hiện đại, trong đó truyền thống phải tạo cơ sở để tiếp nhận cái mới, những tinh hoa của văn minh nhân loại. Tiếp tục kiên trì đổi mới, xây dựng một thể chế dân chủ, phát huy đến mức cao nhất cái mạnh của người Việt Nam đồng thời hết sức nghiêm khắc khắc phục những yếu kém đang tồn tại là những cách tốt nhất để bước vào thiên niên kỷ mới.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức đối với giá trị truyền thống trong điều kiện toàn cầu hóa

    19/07/2005Nguyễn Trọng ChuẩnQuá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hiện nay là hệ quả của sự phát triển vô cùng mạnh mẽ, mang tính chất đột biến của khoa học và công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin. Các phương tiện hiện đại của công nghệ thông tin, trước hết là mạng Internet, mạng viễn thông toàn cầu, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin, … đã tạo ra kết cấu hạ tầng kỹ thuật của toàn cầu hóa.

Nội dung khác