Quy luật chậm dần đều
Tại sao khi mới đi làm chúng ta ai cũng hăm hở? Tưởng như bầu nhiệt huyết đang có sôi sục trong người chỉ chờ có cơ hội là được bộc lộ. Vậy mà chỉ vài năm sau khi đi làm ở công sở, chúng ta cứ chuội dần đi… Và thấy cái gì cũng như càng ngày càng có vẻ chậm hơn.
Cái gì làm cho chậm? Ma sát ở đâu ra?
Đầu tiên là chúng ta cảm thấy trong mình nguội dần cái khao khát, nguội dần cái cảm giác phải đeo đuổi một mục đích nào đó. Nhưng ở công sở, mục đích ít khi thay đổi, rất rõ ràng với chừng ấy chỉ tiêu đặt ra. Và anh nhân viên cứ thế mà theo, khỏi có nước đôi làm gì. Công sở càng hoàn hảo, công ty càng ngon trớn, thao tác theo quy trình cứ thế, cứ thế…. Ấy vậy mà như một thứ sinh vật khó nuôi, quy trình quen thuộc lại khiến ta nhàm chán, càng làm ta không khỏi càng thấy mình già nua, ù lì và chẳng bớt vất vả đi tí nào. Dự án nào đến chẳng hiểu sao cũng cứ như đánh vật, cho dù chỉ cần lắp vào hệ thống chạy là xong. Thật nghịch lý, nhưng đó là sự thật diễn ra hàng ngày với chúng ta.
Chúng ta càng quen việc, cảm tưởng việc mỗi lúc càng nhạt đi. Trong khi xã hội ngày càng đi lên nếu theo đúng quy luật phát triển của các nhà dự đoán, thì chúng ta lại thấy công việc của mình diễn ra theo chiều ngược lại. Chúng ta luôn mang trong mình nỗi thất vọng về đời sống nhiệm sở, tinh thần mẹ chồng của ta mạnh đến nỗi, ai mà khen công ty hôm nay “tâm lý” hoặc cảm ơn sếp đã tạo điều kiện cho chúng em làm việc tốt thì ắt kẻ đó là đồ nịnh bợ hoặc sắp có âm mưu gì đây. Nói chung, sự hài lòng nếu có chỉ diễn ra trong từng thời điểm, ví dụ khi ta đòi được mức lương mới hoặc khi ta trúng phải dự án béo bở. Viên chức với văn phòng cũng như vợ với chồng, thâm niên càng cao càng chứa chất nhiều chuyện mâu thuẫn trong dạ.
Như một cách nói hết sức duyên dàng và thời thượng là “hãy gỡ cuộn chỉ từ lúc nó bắt đầu rối”, chúng ta trở ngược về thời mình mới đến xin việc, lúc ta đầy háo hức và cạnh tranh nhau bằng được để giành lấy một chỗ ngồi trong cái hộp bọc kính máy lạnh kia. Chúng ta đứng nộp hồ sơ mà thập thò nhìn những anh chị em đang đăm chiêu bấm chuột máy tính soi màn hình như những ngôi sao màn bạc. Cảm giác của chúng ta là hồi hộp khó tả. Ta mong được dự phần vào giới “tinh hoa” ấy.
Dĩ nhiên, ta cũng biết công việc của những người ở văn phòng chưa thể là chốn Bồng Lai. Song cũng không phải xoàng xĩnh. Cứ nhìn vào lượng hồ sơ đăng ký hàng chồng thì thấy “nghề văn phòng” nếu không hot thì cũng chẳng bao giờ thừa thãi. Các văn phòng, nhiệm sở bao giờ chả đòi hỏi bằng cấp đủ loại, và dường như chỉ những người xuất sắc mới có thể chen chân vào được. Chúng ta nhớ lại mà xem, lúc ấy ta lo lắng đến mất ăn mất ngủ để chờ kết quả tuyển dụng. chúng ta dằn vặt mình chỉ vì đã không có đủ chứng chỉ hay trót nói ra câu gì đó bất lợi lúc trả lời. Ta còn nhớ hình như mặt cái chị phỏng vấn ta hơi nhăn lại khi nghe câu đó thì phải. Ta buồn mất cả một tuần. Nhưng rồi như một phép màu, tất cả chúng ta – những lính mới – đều gặp nhau trong văn phòng. Bởi vì người nào, vật nào, chỗ nấy, chúng ta là lượng cát chờ chui xuống nửa dưới của cái đồng hồ cát văn phòng, sớm hay muộn cũng lọt hết, miễn là đúng tầm mong muốn của nhà tuyển dụng.
Thế là bạn trở thành dân văn phòng. Phút hồi hộp của cô dâu có thể không phải là lúc gật đầu nhận lời cầu hôn mà là lúc ra mắt quan viên hai họ hoặc ngày lại mặt. Còn giây tim đập thình thịch lúc bạn bước những bước chân đầu tiên vào cửa văn phòng mới là khi bạn lọt vào tầm ngắm của đồng nghiệp, những người từ giờ trở đi sẽ sống với bạn tám tiếng một ngày và những năm tháng về sau nữa. Đó thực sự là một hôn lễ, nhưng tuần trăng mật thì chưa chắc đã có. Là lính mới ư? Hãy bước đi cho khéo, hãy chấp nhận những chỗ ngồi bất lợi cho việc riêng, và hãy để ý xung quanh mà ứng xử cho phải đạo.
Thật ra cái huyền thoại về cảnh lính mới đi pha nước chè hay quét dọn lặt vặt là chuyện của một thời đã cũ. Bây giờ, những nhà quản lý sau khi đã yên chí mình tuyển được nhân tài, họ sẵn sàng giao cho bạn những việc hoành tráng hơn nhiều. và khi bạn nhận những công việc ấy, những tập tài liệu hay file máy tính khiến bạn kinh hoàng, bạn thầm tự trách mình đã diễn xuất quá hoàn hảo lúc thi tuyển. Đó là thực tế của văn phòng thế kỷ 21 này và bạn còn biết làm gì hơn là dùng vốn kinh nghiệp tí con con của mình mà gồng lên giải quyết? Tử tế ra thì đồng nghiệp thân thiện sẽ tinh ý giúp bạn, cấp trên trực tiếp sẽ chỉ vẽ cho bạn. Còn không thì bạn sẽ có một tuần trước mắt ong đầu. Những lo âu về iệc các chị gái già văn phòng sẽ xét nét váy áo của bạn, chiều cao của bạn, giọng nói và trăm thứ linh tinh khác hóa ra vớ vẩn hết sức so với lo âu phi giới tính này.
Có thể về sau bạn sẽ nhận ra rằng, các sếp luôn là như thế, bài của họ là dạy bơi thì quẳng con người ta xuống nước, nó khắc xoay xở để biết bơi. Họ chỉ những mong bạn thành kẻ san sẻ bớt gánh nặng của họ. Mà nói chung vụ tuyển người nào cũng vậy, những kẻ mong chờ người mới nhất chính là những sếp trực tiếp, những anh chị trưởng phòng phát điên lên với đống công việc giám đốc ấn xuống và với bọn lính già khinh nhờn khó bảo chỉ biết làm những việc có lợi cho bản thân. Và thế là, bạn đến đúng lúc. Khỏi phải nói nỗi vui mừng và hân hoan của các sếp khi nhận được kết quả làm việc tuyệt vời và đúng hạn của bạn. Về sau bạn sẽ hiểu ra ý nghĩa thực sự của lời khen ngợi đầy khích lệ của sếp: “Cứ thế mà tiếp tục nhé em”. Bởi vì người ta không đời nào nói ra đâu, việc bạn đang là cái phao để cả êkip nổi lên theo, hay bạn như cục pin mới lắp vào động cơ vốn đã cạn năng lượng từ lâu. Theo họ, đây là điều bí mật, đừng nên để lính mới biết. Hoặc “bọn nó’, tức cánh lính mới chúng ta, chỉ tự biết sau này, khi có linh mới tiếp theo.
Hầu như chả có lính mới nào lại không kêu ca với bạn bè về sự quá tải và không như ý của công việc mới văn phòng. Có những kêu ca đúng quá đi mất nhưng cũng có những kêu ca mà ta cũng tự biết đó chỉ là sự õng ẹo hay than vàng tiếc ngọc của cái tuổi ảo tưởng đầy mình. Ai cũng có cảm giác mình bị hành bị tỏi, bị giao những việc không có chút giá trị để phục vụ cho quyền lợi một ai đó. Nhưng mà khổ nỗi, tư cách dân văn phòng tuy không sống nhung lụa nhưng cũng máy lạnh ghế đệm mút, so với người đầu đường thì hơn nhiều. Chưa được ăn bát vàng nhưng ngồi mát thì không phải ai cũng có được. Nhưng nghĩa tích cực của sự kêu ca, nếu hiểu ra, ấy là trong ta còn cả một nhiệt tình muốn vận hành cỗ xe chạy tốt.
Điều đó hiển nhiên chứng minh lính mới nghĩa là khi ta còn ăm ắp trách nhiệm và tinh thần cống hiến. Và như trên đã phân tích, một công ty mạnh là công ty có những cán bộ khung “tứ tru triều đình”, nhưng cũng đồng thời biết thay máu đúng lúc. Năng lượng không sinh ra mà cũng không tự mất đi, ở văn phòng nó nhập vào từ lực lượng lính mới trẻ khỏe nhanh nhẩu cơ bắp căng này. Nhưng lính mới cũng là đám chông chênh nhất. Còn trẻ, lại cậy tài, họ nghĩ mình sẽ làm thử đã, nhảy lúc nào cũng được, chẳng như đám mấy ông bà U40 rời văn phòng ra là chết đâm đơn vào đâu cũng khó mà được nhận. Họ như những chùm nho chín mọng, làm đám cáo già văn phòng tiếc nuối thuở mình là nho. Và thái độ xem thường “bọn nay đã biết gì” thực ra là tâm lý chê nho còn xanh lắm. Nhưng nho già, nho héo nho rụng, cây đời mỗi năm lại trổ lứa tươi ngon, như thế chưa từng biết đến những vụ quả nào trước đấy.
Khi bạn chạy đi chạy lại lấy tài liệu hay ngồi căng thẳng trước màn hình, bạn chỉ nghĩ mình hoàn thành công việc để mong học hỏi những điều hay, vì dù khổ sở đến đâu, dù bạn luôn mồm than vãn, nhưng bạn vẫn nghĩ đây là sự đầu tư tương lai. Văn phòng lúc này như một nơi tu luyện, ý tưởng ban đầu của chúng ta là sẽ kiên trì mai phục để mai kia thành chính quả, ta sẽ là một bậc cao thủ làm việc cực kỳ siêu và có kết quả ngoài mong đợi. Chúng ta đầy háo hức chờ đón những biến cố huy hoàng cho ta ra tay. Cái đích tương lai ắt phải là một thang bậc vòi vọi.
Ấy vậy mà nhìn chúng ta bây giờ. Ta thử nối hai giai đoạn trong đời văn phòng của chúng ta lại, chúng ta thấy đó là một đường biểu đồ ít nhấp nhô, ít trồi sụt, nghĩa là êm ả. Ác nỗi, xét về các thang giá trị phẩm chất cần thiết cho một người nhân viên như lòng nhiệt tình, sự chăm chỉ và tình yêu công việc, đường biểu đồ này đi xuống. Mà như thế có nghĩa là kéo theo rất nhiều điều đi xuống. Chúng ta không hiểu cái quãng giữa đời ta vừa qua nó diễn tiến thế nào mà để hôm nay ta không còn bao nhiêu đam mê, bao nhiêu khao khát đầu xanh tuổi trẻ đã phai nhạt. Chúng ta như một con lăn chạy với tốc độ chậm dần đều trên đường biểu đồ dốc xuống trên. Mà chết chửa, mình sẽ còn lăn đến đâu?
Ngày xưa, cái ngày chỉ mười năm trước mà như xa lắc, ta đang tự do mà thấy mình có vẻ bị bó buộc quá vào một hệ thống công việc phức tạp. Ngày nay, chúng ta có đủ ràng buộc: nhiệm sở, gia đình, tiền tài, nhưng là những ràng buộc đã giãn ra đáng kể, ta không còn bị cái gì bức bách: công việc thì đã ấm chỗ, gia đình thì đề huề đến mức ta cảm giác như tự thân nó chạy là được, tiền tài thì bạn đã nhớ mìn qua bao kì tăng lương rồi? Nhưng mà ngắm nhìn cái hừng hực của những lính mới thì chúng ta thấy mình lại thèm cái bó buộc, cái siết chặt của không khí làm việc đầy tinh thần trách nhiệm thời trẻ đã từng khiến ta mất ăn mất ngủ.
Nhìn vào những mục tiêu đã đề ra của từng thời kỳ, chúng ta thấy “ngày ấy sao mình dại khờ”, mà “bôn” thế! Nào là vai trò và uy tín, nào là hiệu quả công việc và sự tôn trọng, nào là việc nào phải thích, phải say mê mới làm được… Nay thì sao? Chúng ta chỉ cần tiền nhiều, thu nhập cao và miễn sao không nhọc nhằn quá là đủ. Nhưng nếu đã biết hạnh phúc trên đời này là thế nào, thì tiền tài bao nhiêu là đủ và sống thế nào là sướng? Chúng ta nửa những muốn thể hiện ra khía cạnh cáo già của mình để không bị ai bắt nạt, nhưng cũng nửa những muốn tỏ ra mình có mãi cái nhìn ngây thơ với cuộc đời, để mà trẻ mãi, mà được thêm lần tột cùng vui, tột cùng sướng vào cái tuổi đã mòn rãnh đĩa.
Chúng ta mỗi năm thêm một tuổi, nhiều kinh nghiệm hơn, nhưng chúng ta ít ai dám ngồi so lại những mục tiêu. Ngày còn trẻ, ta thấy bao nhiêu là đích phải đến. Hôm nay ta thấy một số đích ta đã cán, lẽ ra ta phải toại nguyện, nhưng rồi ta bàng hoàng nhận ra cả một trời ngơ ngác. Ta bơ vơ, hoang mang không biết tại sao mình lại chả còn bao nhiêu đích nữa, hay là bởi vì ta đã có đủ cả rồi? Niềm khoái trá của một vị nguyên soái đại thắng giờ đây nhường chỗ cho nỗi nhớ tiếc không nguôi thuở làm binh nhì hăm hở đi giải cứu thiên hạ. Ta thầm kêu lên, ta sẽ chứng minh ta nhất định không theo quy luật.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng