Kỳ 3: Mùa hè tình yêu
Cách đây 40 năm, thế giới bàng hoàng vì các phong trào đấu tranh của sinh viên. Có phong trào đấu tranh thành cuộc cách mạng lớn khiến nhiều hệ thống chính trị Phương Tây phải thay đổi. Nhiều xu hướng, phong cách sống, hệ tư tưởng…..đã được định hình trong năm 1968 ( trước đó, hoặc sau đó một năm). Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam thời ấy cũng có vai trò như một tác nhân quan trọng phía sau những phong trào sinh viên này.
Năm 1967, hàng trăm nghìn thanh niên Mỹ đã tràn về cách khu phố San Francisco để tận hưởng tình yêu, hòa bình và chất kích thích trong suốt Mùa hè Tình yêu.
Thế hệ hippie
Những cuộc bạo động nổ ra ở khu phố Watts, Los Angeles. Jonh Fitzgerald Kennedy bị ám sát. Binh lính phải lên đường tham chiến tại Việt Nam. Khoảng cách giữa thanh niên Mỹ và các bậc phụ huynh của họ càng lúc càng gia tăng, đến mức xuất hiện khái niệm "hố sâu thế hệ". Đó là những nguyên nhân làm phát sinh mong muốn cách mạng. Thời cơ thay đổi đã chín muồi. Thanh niên từ mọi miền nước Mỹ đổ dồn về San Francisco, nơi chứng kiến sự kiện vĩ đại Human Be-In ( tháng 1/1967). Sự kiện thu hút hơn một nghìn người đến dự. Chỉ để nghe thơ, thưởng thức nhạc rock và chất kích thích LSD. Sự kiện đánh dấu thời kỳ hippie. Và khởi đầu cho Mùa hè Tình yêu.
Trong những tuần cuối cùng của năm học 1967, khi nhiều nhân vật tiên phong của cộng đồng phố Haight-Ashbury rời thành phố để tiếp tục trải nghiệm cuộc đời ở những chân trời khác, thì San Franciso lại chuẩn bị đón khoảng 100.000 thanh niên tìm về đây, những người sau này đã biến thành phố thành một rạp xiếc thực sự, đê mê dưới tác dụng của chất kích thích. Cụm từ Mùa hè Tình yêu xuất hiện, được các phương tiện truyền thông quốc gia sử dụng nhiều lần với vẻ châm biếm để mỉa mai những anh chàng kỳ quặc lang thang khắp San Francisco. Và cả những cậu bé đẫm mình vào ma túy giữa kỷ nguyên vũ trụ và tự đặt cho tránh cái tên "hippie".
Tâm điểm của cơn bão Mùa hè tình vêu là khu phố cũ kỹ Haight-Ashbury ở San Francisco. Nơi mọc lên những ngôi nhà rộng lớn kiểu Victoria được chia thành những phòng chất đầy đồ. Nơi ở trọ của những công nhân Ai-len. Nơi các sinh viên có thể thuê một phòng với cái giá khiêm tốn 25 đôla mỗi tháng: Trong những ngày tháng vô tư ấy, thế hệ tranh đấu ngầm bỏ bê các quán cà phê và những quán nhạc jazz để "đầu tư" cho Haight-Ashbury với những buổi lưu diễn của nhiều nhóm nhạc jazz, nhiều nhà thơ "nổi dậy" như Allen Ginsberg, Lawrence Ferlinghetti, Michael McClure... trong bầu không khí hòa bình, sôi động và khát khao tự do.
Diễn viên Peter Coyote, thành viên một thời của cộng đồng hippie ở Haight-Ashbury nhấn mạnh: "Nhìn lại những năm 1960, có thể thấy tất cả những mục tiêu chính trị của Mỹ đều thất bại: không thoát khỏi chủ nghĩa tư bản, không chấm dứt được chủ nghĩa đế quốc không xóa sổ được-nạn phân biệt chủng tộc. Nhưng những mục tiêu văn hóa thì đều đạt được cả."
Huyền thoại văn hóa của Mùa hè tình yêu
Bill Graham, cựu quản lý đoàn kịch Mime Troup kể rằng hơn ba triệu thanh niên đã đổ về San Francisco mùa hè 1967. Còn Thomas Cahill, cựu cảnh sát trưởng thành phố hồi ấy thì nhớ lại: "Chúng tôi cố gắng giữ nghiêm luật pháp, trật tự và an toàn vệ sinh." Tờ San Francisco Chronicle cũng gửi phóng viên của mình là George Gilbert đến hòa vào đoàn người tại quận Haight-Ashbury trong vòng một tháng để viết nên loạt bài tựa đề: "Tôi từng là hippie". Đến tháng Bảy, dòng người trong những phục trang cũ kỹ bảy sắc cầu vồng từ khắp nước Mỹ vẫn không ngừng đổ về. Phong trào chỉ phần nào đó dịu đi khi một nhóm người quá khích gây tắc ngẽn giao thông khiến cảnh sát phải bắt giữ 9 người và làm bị thương 4 người.
Đụng độ giữa nhà cầm quyền và những người trẻ đến San Francisco "tá túc" để tận hưởng, cuộc sống, tình yêu, nhạc jazz nổ ra từ đó. Mọi chuyện nhanh chóng trở nên tồi tệ. Mùa hè Tình yêu còn lâu mới đẹp như huyền thoại văn hóa mà nó dựng lên. Thế nhưng, đa phần những người từng hòa mình vào đó đều cho rằng mùa hè ấy đã mang đến những điều tốt đẹp Michael Mc Clure nhận định: "Nếu thanh niên hồi đó không kiên quyết hy vọng vào một nền văn hóa mới, một kiểu mẫu gia đình mới, một cộng đồng sống mới, nếu họ không thể hiện niềm tin của mình vào hòa bình, thiên nhiên, giới tính…thì giờ này hẳn chúng ta vẫn còn đang vùi mình trong tối tăm".
Mikal Gilmore, phóng viên tạp chí Rolling Stone cũng cùng chia sẻ quan điểm: "Những gì đã diễn ra trong khoảng thời gian quanh năm 1967 vẫn gắn bó với chúng ta, dù muốn dù không. Bởi năm đó đã chứng kiến sự thay đổi triệt để trong lĩnh vực âm nhạc, trong đời sống đường phố, trong báo chí và trong từng hộ gia đình. Để thấy rằng những tranh luận từng khuấy đảo San Francisco năm 1967 sẽ còn tiếp tục được bàn đến không ngớt".
Từ mùa hè ấy, hình ảnh chàng thanh niên ăn mặc theo lối hippie nhảy trong công viên Cổng Vàng với những lọn tóc dài bay phấp phới đã trở thành biểu tượng thực sự của nền văn hóa Mỹ. Cũng giống như hình ảnh những anh chàng cao bồi và những kẻ ngoài vòng pháp luật từng tung hoành miền Viễn Tây trước đó. Và điều quan trọng hơn cả, là phong trào "phản văn hóa" những năm 1960 đã có tác động rất lớn đến văn hóa của chúng ta ngày nay.
(Kỳ sau: Thảm sát Tlateloco)