Kỳ 1: Câu chuyện về sự cấp tiến
LTS: Cách đây 40 năm, thế giới bàng hoàng vì các phong trào đấu tranh của sinh viên. Có phong trào đấu tranh đã thành cuộc cách mạng lớn khiến nhiều hệ thống chính trị phương Tây phải thay đổi. Nhiều xu hướng, phong cách sống, hệ tư tưởng, ... đã được định hình trong năm 1968 (hoặc trước, sau đó một năm): Cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam thời ấy cũng có vai trò như một tác nhân quan trọng phía sau những phong trào sinh viên này.
Năm học 1967-1968 ở Italia vừa mới bắt đầu, phong trào sinh viên cũng khơi mào với việc chiếm đóng trường đại dọc công giáo Milan 17 tháng 11 và sau đó là trường Turin ngày 27/11. Đây là cơn kịch phát đầu tiên sau một giai đoạn ủ bệnh.
Trường đại học là nơi dễ nhận thấy độ "vênh" giữa một xã hội Italia đang thay đổi và các thể chế vẫn còn cổ hủ và bảo thủ. Từ năm 1962 đến 1968, số lượng sinh viên đã tăng gấp đôi (40% thanh niên học đại học), trong khi đó vào năm 1951 chỉ có 10% và năm 1961 là hơn 20%. Tuy vậy, trường đại học lại không thay đổi. Năm 1966, tờ Gioventu , tạp chí thanh niên của Action catholique (Phong trào công giáo), viết: "Sinh viên là một cái túi rỗng mà các giáo sư phải làm đầy bằng những khái niệm".
Cũng trong năm đó, La Zanzara, tờ báo của học sinh trường trung học Parini de Milan, đã bị kiện ra tòa vì đã cho đăng một bài điều tra về “nhữmg điều các học sinh nữ hiện nay đang nghĩ” (bài điều tra cho thấy mong muốn tự do tình dục của các học sinh nữ). Những mầm văn hóa mới được phổ biến một cách không chính thức. Năm 1967, nhóm Nomadi đã thành công lớn với bài hát Dio è morto (Chúa đã chết), bài hát tố cáo huyền thoại về một "xã hội đã hỏng" và đem lại hy vọng rằng "trong một thế giới mà chúng ta sẽ xây dựng, Chúa sẽ phục sinh ". Bài hát thông báo phong trào năm 1968, phê phán sự tồn tại dai dẳng của sự khốn khổ tại một đất nước Italia thần diệu về kinh tế và tố cáo những mâu thuẫn của sự hiện đại.
Một nhu cầu mới khẩn thiết liên quan liên hệ tư tưởng
Năm 1968, tại Italia, có hai cuốn sách trở thành sách gối đầu giường của nhiều thanh niên. Cuốn thứ nhất là bức thư gửi cô giáo của linh mục và nhà sư phạm học đổi mới Lorenzo Milani, một cuốn sách tố cáo những hình thức đẩy người nghèo ra ngoài lề xã hội. Cuốn thứ hai là L'Homme unidimensionnel của Herbret Marcuse, cuốn sách mở ra một suy ngẫm bất ngờ: "Tiện nghi, hiệu quả, lý lẽ, thiếu tự do trong một cơ chế dân chủ, đây chính là những gì đặc trưng cho xã hội công nghiệp phát triển". Hai cuốn sách phản ánh tình hình xã hội Italia đúng đến mức nhà báo Giorgio Bocca, khi nói về con gái của một người bạn của mình, đã phải thừa nhận: "Tôi cố gắng hiểu xem điều gì đặc trưng cho thế hệ của cô bé. Trước hết, theo tôi, đó là một nhu cầu mới, khẩn thiết, liên quan đến tư tưởng. Lối sống bất khả tri, hướng đến tiện nghi và vụ lợi của chúng ta không thỏa mãn chúng: Điều khiến cô bé quan tâm là Fidel Castro, người đã từng nói: "Tôi muốn tạo cho giới trẻ nỗi chán ghét tiền" và Che Guevara. Cô bé quan tâm đến những người da đen đang nổi dậy, đến những người Việt Nam trong chiến tranh, đến những gì diễn ra tại Ấn Độ và Nam Phi. Và điều đặc trưng của cô bé và những bạn cùng tuổi với cô đó chính xác là mối quan tâm đến những vấn đề của thế giới và những ngưòi nghèo trên thế giới". Các bài viết của Bocca xuất hiện trên tờ Il Giorno và L'Espresso, những tuần báo gây được tiếng vang về những gì đang diễn ra tại các trường đại học. Năm 1965, nhà báo Camilla Cederna viết về sinh viên trường Kiến trúc như sau: “Họ đã chán copy đền Parthenon”. Ngôi trường này chính là nơi mà người ta có thể nhận thấy rõ nét nhất sự trái ngược giữa một thực tế đang thay đổi và hệ thống giáo dục không còn phù hợp.
Năm 1966, sinh viên đã chiếm trường Đại học La Sapienza, tại Roma, để phản đối cái chết của một sinh viên, một người đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội Paolo Rossi, người đã bị các thanh niên theo chủ nghĩa phát xít mới đánh chết. Đây là một sự kiện tách biệt. Đầu năm 1967, tờ Il Giorno giải thích lý do sinh viên bất bình: “Họ không muốn bằng cấp, họ muốn một trường học”. Tờ báo này sau đó đăng lời của sinh viên khoa vật lý Pise: "Chúng tôi không muốn trở thành những nhà bác học sáng tạo ra bom nguyên tử rồi phải hối hận vì điều đó". Câu nói có vẻ thảm thương nhưng rất cụ thể: dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên chuyên tâm vào một nghiên cứu khoa học nào đó mà không hề biết nó dùng để làm gì. Giờ đây họ muốn biết điều đó".
Hội tụ mọi điều kiện để phong trào bùng nổ
Một số truyền đơn của năm học 1966 1967: "Các bạn, chúng tôi đấu tranh để trường đại học mang lại cho các bạn những bác sĩ tốt nhất"; "Học và giảng dạy những vấn đề sống động và thực tế" ; "Sinh viên phải được tham gia nghiên cứu khoa học " . Người ta thấy một sự chính trị hóa sinh viên chưa từng thấy. Chủ yếu sinh viên hướng về cánh tả bởi cánh hữu là hiện thân của sự đóng cửa văn hóa và sinh viên cũng không thừa nhận các tổ chức sinh viên hiện có và phương pháp của những tổ chức này: họ thích cách hoạt động theo hình thức đại hội đồng hơn và thể hiện một mong muốn tham gia ngày càng lớn. Khi bắt đầu năm học 1967- 1968, mọi yếu tố để bùng nổ phong trào đã hội tụ đầy đủ. Bản tuyên ngôn của việc chiếm trường Khoa học nhân văn Turin nêu rõ: “Chống lại chế độ độc tài trong trường học, trao quyền lực cho sinh viên”. Các cộng đồng sinh viên bắt đầu hình thành theo khuôn mẫu đang xuất hiện tại một số nước. Theo nhà triết học Hannah Arendt, đây là một thế hệ “có đặc điểm là mong muốn hành động đáng ngạc nhiên và một niềm tin cũng đáng ngạc nhiên không kém vào khả năng có thể thay đổi mọi thứ”. Phong trào mở rộng, các tổ chức truyền thống giải tán, các tổ chức thanh niên của các đảng phái trống trơn và những hình thức hoạt động mới ra đời.
Có nhiều yếu tố đưa đến sự triệt để hóa: thứ nhất là việc các giáo viên không thể đáp ứng được các đòi hỏi của sinh viên. Thêm vào đó là những hạn chế của việc cải tổ trường đại học áp lực lại càng tăng sau khi Bộ Nội vụ công bố một thông tư: Ngay từ khi có dấu hiệu một sự chiếm đóng bởi các tổ chức hoặc nhóm sinh viên, cảnh sát trưởng phải ngay lập tức gặp hiệu trưởng trường đó. Và thông báo cảnh sát sẽ chống lại việc chiếm đóng hoặc sơ tán địa điểm đó trong trường hợp việc chiếm đóng đã bắt đầu nhiều yếu tố đã dẫn đến sự cục đoán và đẩy những mong muốn có một trường đại học tốt hơn ra phía sau.
Nhưng sự can thiệp của cảnh sát ngày càng nhiều, mâu thuẫn ngày càng lớn và những cuộc đụng độ đầu tiên diễn ra trên đường phố. Phong trào mở rộng sang nhiều nước khác, trong bối cảnh tình hình quốc tế có những sự kiện nổi bật như cuộc tấn công chống lại thủ lĩnh sinh viên Rudi Dutschke tại Đức, vụ ám sát Martin Luther Keng và Robert Kennedy, sự kiện Tháng 5 năm 1968 tại Pháp, vụ thảm sát sinh viên tại Mexico. Nhà làm phim Pier Paolo Pasolini đã viết sau vụ kết án tử hình chiến sĩ và nhà thơ Alexandros Panagoulis (tháng 11 năm 1968) rằng: "Đã đến lúc dùng bạo lực, nếu không phải bạo lực trong các sự kiện thì ít nhất cũng là bạo lực trong mục đích! Trong tình hình đó, những suy nghĩ về bạo lực có vẻ như trở nên chính đáng bởi chúng dựa trên học thuyết Marx-Lênin đã bị hiểu sai đi hay dựa trên một số bài viết trong những bối cảnh hoàn toàn khác như những bài viết của Che Guevara. Trong một bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi, một bối cảnh đầy những căng thẳng xã hội, đầy bạo lực của những nhóm theo chủ nghĩa phát xít mới và đầy những cuộc tấn công đẫm máu và mưu toan, các từ ngữ mang một nghĩa hoàn toàn mới và chúng đã đưa Italia vào một đường hầm tăm tối, vào những “năm chì”.
(Kỳ 2: Cuộc nổi dậy chống phụ huynh)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005