Nạn bằng giả đâu khó giải quyết
Nạn bằng giả là một câu chuyện nhức nhối ở nước ta. Từ tháng 10 đến tháng 12. 2004, cục hải quan TPHCM phát hiện 120 văn bằng chứng chỉ giả, xử lý kỷ luật trên 100 cán bộ; 73 cán bộ Sở thương mại Hà Nội dùng văn bằng giả; trong số 1,28 triệu trường hợp được Bộ GDĐT kiểm tra phát hiện 7.425 (0,58%) văn bằng chứng chỉ không hợp pháp. Nếu tính chi phí xã hội cho việc kiểm tra văn bằng chắc không nhỏ. Nếu tính cả tác hại do người có bằng giả gây ra thì có thể rất khủng khiếp, đó là chưa nói đến ảnh hưởng băng hoại đạo đức nó gây ra cho toàn xã hội.
Theo chúng tôi có hai vấn đề chính có thể giải thích cho hiện tượng bằng giả tràn lan: Tâm lý sính bằng cấp vẫn còn quá nặng ở xã hội ta; cơ chế tuyển dụng, đánh giá và sử dụng người lao động hiện tại chắc chắn có vấn đề. Tôi sẽ chỉ nêu ý kiến về hai điểm này và bỏ qua các nhân tố khác. Nếu những nhận xét này là đúng thì sẽ có những cách khác nhau để giảm tình trạnh bằng giả.
“Chưa đỗ ông nghè…” hay là tâm lý sính bằng cấp
Thường nghe nói người Việt ham học, sáng dạ và chăm chỉ. Đó là các đức tính tốt. Song học để làm gì? Học để kiếm sống, học để sống, học để biết, học để làm người thì chắc chắn là các động lực chính đáng và quan trọng. Có tấm bằng là oai lắm, có thể làm ông nọ bà kia. “Chưa đỗ ông nghè…” đã “đe hàng tổng” cơ mà, vậy lên ông nghè thì còn đến thế nào. Thám hoa, tiến sĩ thì chắc hẳn làm quan to, cả họ được nhờ. Ngày nay nhiều quan làm chưa thật to nhưng anh em vẫn được nhờ vì được xếp cho chỗ làm ở nơi này nơi nọ, được các đề án, các hợp đồng béo bở, thậm chí cả huyện được nhờ vì ông ấy cho cái dự án này dự án kia, xây nhà máy, làm đường… Có thể nói tâm lý học để làm quanvà quá chú trọng đến bằng cấp từ xa xưa đến nay vẫn còn nặng ở người VN.
Hãy nhớ rằng trong 43 tổng thống Mỹ có 5 vị học rất ít: Andrew Johnson - tổng thống thứ 17 chưa đến lớphọc một buổi nào, G. Washinton không học đại học, Abraham lincon cũng thế, J.Monroe và Z. Taylor chỉ học hết phổ thông; có 7 vị học nghề luật tại các văn phòng luật (thời ấy) không biết có thể gọi là cao đẳnghay đại học được không; 31 vị còn lại thì có học đại học trong đó duy nhất có một vị, W.wilson, có bằng tiến sĩ và được xếp thứ 11 đứng chót hạng gần vĩ đại. Theo đánh giá mới đây của các học giả do The Wall Street Journal tổ chức đối với 39 vị tổng thống Mỹ (trừ vài vị giữ chức từ 30 ngày đến 6 tháng và tổng thống đương nhiệm): Trong 3 vị tổng thống được coi là vĩ đại G. Washington, A.Lincon và F.Roosevelt thì chỉ có Roosevelt là có bằng đại học.
Trên thương trường chẳng phải có rất nhiều người không có bằng cấp đã rất thành đạt đó sao? Bill Getes - người giàu nhất hành tinh hiện nay, người rất có uy tín và cực giỏi làm gì có bằng nào. Nói như thế không có ý coi khinh học hành và đào tạo, mà chỉ muốn nhấn mạnh lại danh tiếng và thành công.
Học ở trường và có bằng cấp là quan trọng, song đó chỉ là một phần nhỏ, nếu không nói là rất nhỏ, trong quá trình học tập mà thôi. Không nên quá coi trọng bằng cấp, chúng chỉ nên dùng để tham khảo. Và thực sự đời cũng không đánh giá quá bằng cấp. Đời rất sòng phẳng, nó chỉ đánh giá bằng kết quả đạt được. Những người thích kheo khoang bằng cấp có lẽ là những người muốn đánh bạt cảm giác tự ti của mình mà thôi. Dư luận xã hội có cái nhìn đúng đắn, khách quan về bằng cấp thì tôi nghĩ tâm lý sùng bái bằng cấp sẽ dần giảm đi. Vai trò của các trường, các phương tiện truyền thông, các đoàn thể, nhất là thanh niên và gia đình trong việc đẩy lùi tâm lý sùng bái bằng cấp là không nhỏ.
Tôn vinh những người tài là rất cần thiết, song nếu chỉ tôn vinh những người có bằng cấp như in sách về “tiến sỹ thời nay”, hay có người còn muốn làm bia ghi tên họ, có thể làm sâu hơn tâm lý sình bằng cấp, khuyến khích thói hư danh và có thể có hại.
Cơ chế tạo ra bằng giả
Có một thực tế là nạn bằng giả ở khu vực tư nhân không nghiêm trọng. Mấy năm trước đơn vị tôi chỉcó vài trăm người và có quy định phụ cấp chứng chỉ tin học và chứng chỉ tiếng anh. Đã có rất nhiều người kiếm được các chứng chỉ như vậy nhưng chẳng mấy có ích cho công việc cụ thể. Chi phí trả cho phụ cấp không nhỏ, lại phát sinh kiện cáo lôi thôi gây mâu thuẫn nội bộ. Chúng tôi biết cũng có nhiều người “xoay” được các loại chứng chỉ ấy, song lỗi chính là do mình ra quy chế, không phải tại họ(thí dụ, nếu giá “mua” chứng chỉ là 200 ngàn, phụ cấp tháng 150 ngàn thì làm sao cản họ “mua” chứng chỉ được). Chúng tôi đã biết cái sai của mình, đã bỏ hết các loại phụ cấp mang tính “khuyến khích” như vậy, quy định kỹ năng cần tuyển sát hơn với nhu cầu. Nay số người làm tăng gấp vài lần, ai cũng dùng được máy tính thông thạo trong công việc, không có kiện cáo, không có ganh tị, hiệu suất cao hơn.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước tình hình khó hơn và nạn bằng giả vẫn có thể là vấn đề lơn. Nếu các doanh nghiệp được tự chủ hơn, nếu cạnh tranh lành mạnh hơn và khu vực tư nhân càng mạnh hơn, Nhà nước bớt can thiệp vào nhân sự thì vấn đề này ở khu vực quốc doanh cũng sẽ không phải là lớn. Họ sẽ phải tự lo.
Khu vực đáng lo ngại nhất là bộ máy nhà nước, là cán bộ công chức nhà nước. Các nước có quy chế rất rõ ràng, tỉ mỉ về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và cất nhắc công chức, nhất là có quy tắc đạo đức rất nghiêm ngặt đối với công chức. Chúng ta cũng đã có pháp lệnh công chứcnăm 1998 và được sửa đổi năm 2003. Chính phủ cũng đã ra Nghị quyết 116/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước và Nghị Định 116/2003/NĐ- CP tương tự cho cán bộ, công chức trong các có quan nhà nước. Có các quy chế như thế là rất đáng mừng và nên khuyến khích để góp ý cải thiện cho cácquy chế đó ngày càng tốt hơn.
Liên quan đến vấn đề văn bằng giả, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng có các quy định đưa ra với ý đồ rất hay, song có thể có những kết quả không như mong muốn. Tôi muốn nói tới điều 7 của Nghị định 116 và 117, các điều về ưu tiên trong tuyển dụng.
Liên quan đến bằng cấp cả hai đều nói đến ưu tiên cho những người có bằng tín sĩ (20 điểm), những người có bằng thạc sĩ và những người tốt nghiệp xuất sắc (10 điểm), tất nhiên phải đúng chuyên ngành. Tôi nghĩ không nên có ưu tiên này, nếu họ làm tốt thì nên nâng lương, nên cất nhắc, còn chỉ có cái bằng mà được ưu tiên điểm đến vậy (50 điểm là đạt) thì có khi lại gây hại. Tất nhiên một số người có bằng sẽ phản đối ý kiến của tôi, song hãy cân nhắc kỹ thiệt hơn. Ý định khuyến khích là rất hay, song mặt không lường trước của nó là khuyến khích người ta chạy theo bằng cấp.
Gần đây các địa phương đua nhau “chiêu hiền đãi sĩ”bằng cách ưu đãi tuyển dụng, hỗ trợ nhà ở, tiền cho các tiến sĩ, thạc sĩ về địa phương mình làm việc. Tôi không nói các chính sách như vậy là sai, nó có thể có tác dụng khuyến khích tốt song nếu không để ý đến hậu quả không lường trước, nó cũng có thể góp phần làm tăng tâm lý sùng bái bằng cấp và tạo ra nạn bằng giả.
Có thể nói nạn bằng giả gây nhức nhối, song nếu ta có nhận thức đúng, cách làm đúng thì sẽ không khó giải quyết. Những người sử dụng lao động càng được giao quyền tự chủ hơn, càng chú trọng đến hiệu quả hơn. Cạnh tranh càng lành mạnh hơn, đánh giá và cất nhắc càng minh bạch hơn, quy chế đừng dựa vào bằng cấp (coi chúng chỉ có giá trị tham khảo thôi), dư luận xã hội cũng đừng quá coi trọng bằng cấp thì sẽ không có “cầu” về bằng cấp nữa, hay cầu sẽ giảm đi đáng kể. Tất nhiên có thể xét cả ở phíacung, như tăng cường quản lý ở các trường, các cơ sở cấp bằng, cấp văn bằng Plastic chống làm giả. Song cách tiếp cận từ phía cầu tôi cho là hiệu quả hơn. Các cơ quan ban hành chính sách cũng rất cần lưu ý đến các hệ quả không dự kiến cho mỗi chính sách hay biện pháp được đưa ra, phải biết nằng nghe ý kiến phản hồi và sửa đổi. Làm được như thế thì tôi nghĩ khó có đất cho nạn bằng giả phát triển, ngăn cản được nhiều tác hại khôn lường của nó.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn