Quản lý xã hội hiện đại dưới ánh sáng của “khoa học mới” và tư tưởng Khai sáng
Trong tác phẩm Từ Đông sang Tây có nhiều chủ đề mới và những cách tiếp cận mới, rất khác nhau. Quan tâm đến chủ đề quản lý xã hội hiện đại, chúng tôi giới thiệu bài của nhà toán học Phan Đình Diệu: “Khoa học mới” vàvài suy nghĩ về kinh tế xã hội, trong đó những sự "phức tạp" của quản lý xã hội hiện đại một tập hợp những "hệ thống phức tạp" được phân tích dưới ánh sáng của "khoa học hiện đại" là khoa học nghiên cứu "những hệ thống phức tạp" và bài "Tương lai của Khai sáng" của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn làm sáng tỏ dưới ánh sáng của tư tưởng Khai sáng những mâu thuẫn của xã hội hiện đại và một vài tư tưởng khả dĩ làm cơ sở triết học cho sự quản lý xã hội hiện đại.
Quản lý xã hội hiện đại dưới ánh sáng của “khoa học hiện đại”
Trong bài của Phan Đình Diệu, “Khoa học mới", khoa học của thế kỉ XXI, theo định nghĩa của tác giả, có nội dung là những hiện tượng và hành vi của các hệ thống phức tạp trong những lĩnh vực khác nhau, từ khoa học đó tác giả hi vọng "sẽ tìm được con đường mới cho nhận thức đối với nhiều vấn đề về sự phát triển của thế giới tự nhiên và xã hội trong thời đại ngày nay". Một hệ thống phức tạp hợp thành từ nhiều thành phần, nó "có những thuộc tính của cái toàn thể mà ta không thể hiểu được từ những hiểu biết (dù có sâu sắc và đầy đủ?) về các thuộc tính của các thành phần. Hệ thống phong phú hơn tổng các thành phần của nó. Cái làm nên sự phong phú hơn đó của hệ thống là "rất phổ biến đối với các hệ thống phức tạp, mà ngày nay ta gọi chung là tính hợp trội (émergbace) của các hệ thống đó, tính hợp trội đó làm nên những trật tự mới, tổ chức mới, chất lượng mới trong quá trình tiêu hoá của giới tự nhiên cũng như của xã hội loài người...". Hợp trội, tính hợp trội là một ý niệm then chốt trong "ý hệ", tức là hệ thống những ý niệm cơ bản (paradigme) của "khoa học mới".
Từ quan điểm của "khoa học mới” tác giả xem lại những quan điểm "chọn lọc tự nhiên" và "thích nghi" của tiến hoá luận Darwin:
"Chọn lọc tự nhiên để giữ lấy những gì thích hợp nhất, có khả năng thích nghi nhất với môi trường, là một đặc điểm của tiến hoá chứ không phải là đặc điểm duy nhất, nếu chỉ có chọn lọc tự nhiên thì không thể có sự phát triển đa dạng qua tiến hoá".
"Thích nghi không chỉ nhằm loại bỏ những gì không phù hợp, mà còn chủ yếu là một khả năng tự thay đổi, tự hoàn thiện, khả năng học để phù hợp với môi trường, trong tiến hoá nhiều phẩm chất mới sẽ được hình thành và sáng tạo nên, nhiều quan hệ hợp tác mới sẽ được phát triển, và do đó nhiều hình thức tổ chức mới, trật tự mới được chuẩn bị" (Chiến lược “thắng - thắng" [tức mọi bên đều thắng] thay cho chiến lược "ai thắng ai" trước đây là một ví dụ rất hay về "trật tự mới").
Chính khả năng thích nghi một cách linh hoạt và sáng tạo là yếu tố quan trọng tạo nên hành vi hợp trội của các hệ thống phức tạp trong những quá trình tiến hoá của chúng.
Tác giả nói đến phương thức đặc biệt điều khiển những hệ thống phức tạp, có lẽ đây là đóng góp có ý nghĩa thực tiễn quan trọng nhất của bài nghiên cứu: "Người ta nhận thấy rằng ở các hệ thống thích nghi phức tạp, hành vi hợp trội như vậy thường xuất hiện mà không cần có một sự chỉ huy từ một trung tâm nào cả, nó xuất hiện một cách tự phát từ dưới lên (bottom-up) như kết quả tổng hợp các tương tác giữa các thành phần, và do đó những xuất hiện như vậy thường là không tiên đoán được, để điều khiển các hệ thống đó không thể dùng phương pháp "kế hoạch hoá" mà chỉ có thể là điều khiển một cách thích nghi bằng cách tăng cường khả năng học và năng lực sáng tạo để có thể phán đoán, phản ứng tức thời dựa vào trực cảm và kinh nghiệm trên cơ sở tích luỹ thông tin và tri thức mới mà thôi". Cách điều khiển này không biết gọi là gì cho chính đáng, nhưng chắc chắn đấy không phải là cách điều khiển quan liêu mệnh lệnh, bởi lẽ "tăng cường khả năng học và năng lực sáng tạo" không phải là thói quen của những người quan liêu mệnh lệnh.
Tác giả nhìn nhận thế kỉ XX vừa qua như "một thế kỉ đã cho ra đời nhiều lý thuyết cân bằng và ổn định trong ngành khoa học như vật lý, toán học, kinh tế… Hẳn là những lý thuyết này có để lại những nếp cảm và nghĩ thiên về cân bằng và ổn định trong tâm tư con người. "Nhưng trong đời thực, hình như thực tế đã đi xa mọi cân bằng và ít có ổn định, và chính trong những trạng thái xa cân bằng đó đã xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau, nhiều xu hướng khác nhau trong sự phát triển kinh tế - xã hội, trong khoa học, văn học, nghệ thuật". Giữa những xu hướng khác nhau đó "có cạnh tranh, thậm chí đấu tranh không khoan nhượng một mất một còn" và "cũng có hợp tác một xu thế hợp tác càng ngày càng được khẳng định".
"Và rồi trong trạng thái xa cân bằng, “ở bên bờ hỗn độn" đó, những sức sống mới của các khả năng thích nghi và đổi mới của thời đại đã sáng tạo nên những hợp trội của tiến hoá, tạo ra đây đó những trật tự mới có chất lượng tổ chức cao hơn cho cuộc sống, có lẽ đây là cái lẽ đời ẩn sâu trong các biến chuyển và đổi thay của cuộc đời và thời đại mà khoa học mới giúp ta cảm nhận được” (HNH nhấn mạnh).
Tiểu luận này giúp độc giả lưu ý đến một số nếp cảm và nghĩ trong tâm lý thường tình của người Việt: nếp "cay cú được thua" ("ai thắng ai”), không nhận ra được khả năng của một trật tự mới: "mọi bên đều thắng", nếp cảm nghĩ thiên về cân bằng và ổn định chẳng phải do ảnh hưởng của khoa học nào cả mà chẳng qua do sự lười biếng, tâm lý cầu an và ích kỉ...
Đất nước đương ở trạng thái xáo trộn, ngổn ngang của một bước ngoặt phát triển. Ngẫm về sự biến dịch của đất nước bằng “cái lẽ đời ẩn sâu trong các biến chuyển và đổi thay của cuộc đời và của thời đại" mà sự phân tích tinh tế của tác giả về cách nhìn của "khoa học mới” đã giúp tôi cảm nhận được, tôi chia sẻ niềm hi vọng của Phan Đình Diệu: "... Hi vọng đất nước ta sẽ luôn tạo được môi trường thuận lợi để bồi dưỡng và phát huy trong mỗi thành phần của xã hội cũng như cả toàn hệ thống mọi năng lực học tập mọi ý thức năng động sáng tạo, mọi khả năng thích nghi và đổi mới, để trong mọi cơ hội tạo ra được những kết quả hợp trội "đồng tiến hoá trong đa dạng" của bản thân hệ thống, hoặc những ưu thế cạnh tranh trong hợp tác với bên ngoài, để sớm thực hiện được mục tiêu... vì "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
Những vấn đề của xã hội hiện đại dưới ánh sáng của tư tưởng khai sáng
Trong phát huy nội lực thì năng lực suy nghĩ độc lập là một tố chất cốt yếu. Trong bài Tương lai của Khai sáng của Bùi Văn Nam Sơn, yếu tính của năng lực suy nghĩ độc lập được xác định bằng một định nghĩa về Khai sáng của Kant (chúng ta biết Kant và Hegel là hai gương mặt "thực tế vẫn đứng đằng sau hậu trường, chi phối toàn bộ cuộc thảo luận hiện nay về "tương lai của Khai sáng"). Khai sáng - Kant viết - "là việc con người thoát ra khỏi tình trạng không trưởng thành do lỗi của chính mình gây ra. Không trưởng thành nghĩa là không có khả năng sử dụng lý trí của mình mà không có sự dắt dẫn của người khác. Còn do tự mình gây ra là khi nguyên nhân không phải do thiếu lý trí mà do thiếu lòng kiên quyết và dũng cảm để dùng lý trí của mình không cần sự dắt dẫn của người khác". Theo Kant, lý tưởng của Khai sáng là "tính trưởng thành", tức là năng lực suy nghĩ độc lập. Như vậy, người không có nặng lực suy nghĩ độc lập là người chưa trưởng thành, hoặc nói như Tản Đà là "vẫn trẻ con". Mặt khác, người có lý trí mà kém khả năng suy nghĩ độc lập trước hết phải trách cứ bản thân mình phải thấy những khiếm khuyết ở mình: "thiếu lòng kiên quyết và dũng cảm", "lười biếng và hèn nhát"... không nên chỉ một mực oán trách thể chế.
Từ "Khai sáng”, được Bùi Văn Nam Sơn hiểu như là lý tưởng và như là diễn trình. "Phương Tây đã trải qua bốn thời kì Khai sáng lớn trong lịch sử: thế kỉ VI - thế kỉ IV trên với các nhà nguỵ biện Socrate, Platon , thời kì Phục hưng với Pico della Mirandola, Machiavelli, Bacon , thế kỉ XVIII với Rousseau, các nhà Bách khoa Pháp, Kant... và phong trào cấp tiến sau đó với C.Mác, Darwin, Freud" (Trong các giáo trình, sách tham khảo ở Việt Nam, Khai sáng thường được lược giản vào thời kì thứ ba). "Tính chất của diễn trình Khai sáng ở phương Tây là khả năng tự phê phán và điều chỉnh".
Tiến trình Khai sáng là một quá trình đầy mâu thuẫn và nghịch lý. Horkheimer và Adomo từ những năm 1940 của thế kỉ XX đã nêu lên những hậu quả nghịch lý của tiến trình Khai sáng: "Từ đề án hợp lý nhằm loại bỏ những đặc quyền phi lý tính lại trỗi dậy một thứ lý tính duy lợi thâm nhập vào mọi ngõ ngách của cơ thể xã hội. Từ nỗ lực phá vỡ sự cưỡng chế của tự nhiên bằng cách phát triển các lực lượng sản xuất đã tạo nên những sự phá hoại có nguy cơ chôn vùi bản thân cơ sở sinh tồn tự nhiên của con người. Kế hoạch được phát động với động cơ nhân đạo nhằm giải thích bằng lý luận đối với thế giới tự nhiên và xã hội đã đảo ngược thành một sự phát triển khoa học đơn thuần dựa trên các chuẩn mực kinh tế - kĩ thuật, không còn có quan hệ nào với các mục tiêu nhân đạo. Sự giải phóng văn hoá - văn nghệ ra khỏi ách kìm kẹp của giáo điều rốt cuộc chỉ tạo ra một thứ “văn nghệ đại chúng", một nền công nghiệp giải trí hoàn toàn bị điều kiện hoá và dễ dàng bị khống chế...".
Nền văn hoá Khai sáng thoát thai từ cuộc cách mạng chính trị và công nghiệp với đề án vĩ đại gọi là nền văn minh khoa học kĩ thuật có "mặt trái của nó là nhưng nạn nhân và cái giá phải trả cho tiến bộ. Nền văn hoá đó đang tự tạo ra ba mâu thuẫn chết người : sự bất công, nghèo đói của thế giới thứ ba, nguy cơ chiến tranh huỷ diệt và thảm hoạ toàn cầu về môi trường, cùng với một hậu quả trầm trọng ngay nơi chiếc nôi của nó: sự mất phương hướng về tinh thần và triết học...".
Ở phương Tây, "diễn trình Khai sáng đã phát triển tới mức độ không còn cần dựa vào một ông vua chuyên chế anh minh, một chính đảng tiên phong hay một định chế chuyên gia duy nhất nào nữa như các thế kỉ trước". Vì vậy, theo nhận định của tác giả, tương lai của Khai sáng có thể sẽ khác với các truyền thống - vốn thoát thai từ Khai sáng - ít ra ở ba phương diện: nó không bị giới hạn trong khuôn khổ một hệ thống chính trị mà trở thành một lối sống văn hoá , xã hội được khai sáng không đồng nghĩa với "đại đồng", "đại thuận", "đại trị", trái lại xem tranh chấp và bất đồng là hình thức bình thường của giao tiếp chính trị, xã hội , "các yêu sách về tính chính đáng (legitimationen) tối hậu, chung tất là không thể có được.
Trong nỗ lực để hình dung tương lai của Khai sáng, tác giả chú ý đến quan điểm của Alain Touraine về tính hiện đại và lý tỉnh Khai sáng : Tây phương đang cố gắng rời bỏ "tính hiện đại hạn chế", tính "hiện đại nửa vời" để bước vào một "tính hiện đại toàn vẹn" hơn, kết hợp hợp lý hoá và chủ thể hoá, tính hiệu quả và tự do". Tôi hiểu yêu cầu toàn vẹn của tính hiện đại mới như sau: tính hiệu quả mà tách rời tự do thì "tính hữu ích" sẽ thành nguyên tắc phổ biến và kết quả mang lại sẽ là “chế độ khủng bố, cực quyền (ám chỉ thời kì khủng bố của Cách mạng Pháp), nhưng ta có thể liên tưởng đến... cách mạng văn hoá và chế độ Polpot"..., hợp lý hoá phát triển một cách phiến diện, tách rời quá trình chủ thể hoá có thể có hậu quả là tha hoá lý trí của chủ thể, từ đó lý trí và chủ thể mang lý trí bị biến thành công cụ, trường hợp xấu nhất là công cụ bị sử dụng phục vụ cho cường quyền (quân phiệt, tài phiệt và các thứ "phiệt" khác”. Hậu quả này được Alain Touraine gọi là "chủ nghĩa duy lý công cụ”.
Về tương lai của Khai sáng, những câu hỏi nhiều hơn những câu trả lời. Kết thúc bài tiểu luận tác giả hi vọng: “Các thập niên đầu thế kỉ XXI... có thể mang lại giải đáp, nếu ta vẫn tin rằng: nguyên tắc của truyền thống Khai sáng là không xem người khác có "ít" lý tính hơn mình, rằng có thể phản bác nhau bằng lập luận chứ không được quy kết bản chất của người khác vào “trục ác”…[HNH nhấn mạnh].
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh