Một nền học của ta và cho ta
Trong công cuộc cải cách giáo dục hiện nay của chúng ta, cái vế giữ gìn truyền thống tuy có được nói đến nhưng theo tôi nghĩ là còn mờ nhạt, chưa có những nội dung cụ thể. Cần có thêm những nghiên cứu sâu sắc hơn để xác định được những gì cần giữ và cần phát huy, cần được kết hợp ra sao với các nội dung khác trong một chương trình giáo dục thống nhất. Còn yếu tố hiện đại cũng cần được hiểu phù hợp với sự phát triển của khoa học trong thời đại ngày nay và với nhu cầu nhận thức của người học về những tri thức khoa học đang không ngừng phát triển đó.
Thuật ngữ “hiện đại” thường được gắn cho một giai đoạn phát triển khoa học và văn hóa của nhân loại, mà chủ yếu là của các nước phương Tây, từ thế kỷ 17 đến khoảng giữa thế kỷ 20, với sự thống trị của tư duy duy lý và chủ nghĩa thực chứng, được xây dựng trên cơ sở những ý tưởng cơ bản sau đây:
Có một thực tế tất định, không thay đổi và tuyệt đối. Vũ trụ là cố định, tiên đoán được, và vận động theo qui luật. Mơ hồ hay bất định chỉ là do thiếu thông tin hay thiếu một lý thuyết tốt để giải thích.
Thực tế có thể được giải thích theo các qui luật của vật lý học Newton và các suy luận lôgich. Mọi phán đoán đều hoặc đúng hoặc sai, không có chỗ cho sự mập mờ, nghịch lý và đa nghĩa.
Vũ trụ có thứ bậc, với các nguyên tử ở bậc thấp nhất, rồi từ đó xây dựng nên các bậc cao hơn của các phân tử, các tế bào, các cơ thể,... Các tổ chức xã hội cũng được cấu trúc theo cùng các bậc thang từ dưới lên hay từ trên xuống.
Vũ trụ được hợp thành từ các bộ phận riêng biệt, tách rời và thay đổi được cho nhau. Thực tế vật lý có thể được giải thích bằng các nguyên tử cá thể và các lực tác động lẫn nhau giữa chúng.
Ý thức con người đứng ngoài thế giới vật lý. Ta biết được các bí mật của tự nhiên thông qua việc khảo sát khách quan các đối tượng của nó. Tự nhiên được nhận thức như là cái “khác” ta, được ta chinh phục và sử dụng.
Nội dung của khoa học “hiện đại” được giảng dạy trong nhà trường từ các nước Âu Mỹ rồi sau đó lan rộng khắp thế giới cho đến gần suốt thế kỷ 20 đều chủ yếu là truyền thụ các kiến thức tuân theo các ý tưởng cơ bản nói trên.
Nhưng sự phát triển của khoa học đã không dừng lại ở cách nhìn cơ giới như vậy. Ngay từ giữa thế kỷ 19 khoa học đã có ba phát minh lớn vượt ra ngoài khuôn khổ của tư duy cơ giới Newton là phát minh ra trường lực điện từ trong điện động lực học, lý thuyết tiến hóa trong sinh học và nguyên lý thứ hai của nhiệt động lực học về việc tăng entropy của một chất khí trong bình kín. Các phát minh này mãi cho đến giữa thế kỷ 20 vẫn gần như vắng bóng trong chương trình giảng dạy của nhà trường, trong đó có phát minh lớn như thuyết tiến hóa sinh học cho mãi đến nay vẫn bị cấm kỵ không được dạy và học trong nhiều nhà trường ở Anh, Mỹ. Sang thế kỷ 20, liên tiếp nhiều lý thuyết khoa học khác nằm ngoài phạm vi của tư duy cơ giới ra đời, như: thuyết tương đối Einstein, cơ học lượng tử, việc giải mã di truyền DNA, sự ra đời và phát triển của các lý thuyết về Hỗn độn và Phức tạp dẫn đến sự hình thành vào cuối thế kỷ cả một lĩnh vực Khoa học về Phức tạp được xem như một Khoa học mới cho thế kỷ 21, hiện đang được phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước và được xem là nguồn cung cấp cho chúng ta những tri thức mới để lý giải nhiều vấn đề cơ bản về sự tạo thành, tiến hóa và phát triển của các hệ thống phức tạp trong tự nhiên, cuộc sống và kinh tế, xã hội của loài người. Các lý thuyết khoa học mới này đang góp phần tạo nên một cuộc cách mạng mới trong nhận thức của chúng ta, giải phóng tư duy của chúng ta khỏi cách nhìn cũ về một thế giới giản đơn, vật chất, tiên đoán được, và được thống trị bởi các luật cơ giới, các lý thuyết mới này đồng thời cũng đã là cơ sở cho nhiều phát minh công nghệ mới làm nên nhiều sản phẩm công nghệ cao được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trong vài ba thập niên gần đây, nhiều nhà khoa học và giáo dục trên thế giới đã có những đề xuất nhằm đưa các tri thức của các lĩnh vực khoa học mới này vào chương trình giảng dạy trong nhà trường, với một lý do rất đơn giản là không thể để những con người mà thời đại đào tạo ra không biết gì về những tri thức của thời đại đang góp phần làm thay đổi cuộc sống của thời đại mình. Và đối với chúng ta, trong sự nghiệp cải cách nội dung giáo dục hiện nay, tôi nghĩ rằng cũng không nên xem đó là công việc của thiên hạ mà chưa phải là công việc của mình.
Nói tóm lại, tôi nghĩ rằng trong công cuộc đổi mới, xây dựng một nền học mới của ta và cho ta, về nội dung giáo dục ta cần đầu tư nghiên cứu một cách thấu đáo việc kết hợp ba nguồn tri thức: nguồn tri thức từ trong văn hóa truyền thống của dân tộc, nguồn tri thức khoa học “hiện đại” nay đã trở thành cổ điển, và nguồn tri thức từ các lý thuyết khoa học mới đang và sẽ có tác động lớn đến cuộc sống con người trong tương lai. Tất nhiên, kết hợp được một cách nhuần nhuyễn các nguồn tri thức đó để tạo nên nội dung của một chương trình giáo dục thống nhất phù hợp với trình độ tiếp thu của người học không phải là dễ, và nếu làm được chắc chắn sẽ là một đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới nền giáo dục, và xây dưng nền giáo dục độc lập của chúng ta.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường