Nhìn và Thấy
Đời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó.
Tôi nhớ vào những năm đầu của thời Đổi mới, ta thường được nghe khắp nơi hô hào “nhìn thẳng vào sự thật” và ta nhiệt tình làm theo lời hô hào đó, cũng hăng hái nhìn, nhìn thẳng, nhìn sâu, nhìn lui, nhìn tới, nhìn gần, nhìn xa, nhìn cả vào sự thật và sự không thật, bởi vì đã biết đâu là thật, là không thật; có mắt thì cứ nhìn, cứ giương mắt ra mà nhìn, còn cái sự nhìn vào đâu thì đã có ai cắm bảng đề cho biết đâu là thật, đâu là không thật để mà lựa chọn? Lúc đầu ta hăm hở và háo hức cứ đụng vào bất cứ chuyện gì cũng cứ cố “nhìn thẳng vào”, nhưng rồi dần dà ta tự nhận ra rằng không phải cứ hễ “nhìn thẳng vào” là ta thấy được sự thật, cái “thật” không phải khi nào cũng dễ dãi phơi bày cho ta nhìn thấy mỗi khi cứ cố tình sấn sổ “nhìn thẳng vào”. Ta bắt đầu nghi ngờ chính đôi mắt ta, đôi mắt vẫn là của ta đó mà nhiều lúc ta ngỡ như đã quen được nhìn bằng mắt của ai khác, nên cái mà ta thấy cũng không phải là cái mà ta cần thấy, muốn thấy, mà thay vào đó là cái mà “ai khác đó” muốn thấy, muốn ta thấy.
Nhìn và thấy vốn là hai việc khác nhau, tuy có liên hệ mật thiết với nhau. Nhìn là hành động của đôi mắt,
Trong cuộc sống, nhiều khi cái cần thiết lại là ở sự không thống nhất chứ không phải ở sự thống nhất. Mỗi người yêu một vẻ, mỗi người thích một cách thì mới đỡ tranh chấp, mới dễ hòa thuận, và do đó mới có cuộc sống phong phú, đa dạng trong hòa bình được. |
cụ thể là đưa mắt về một hướng đối tượng nào đó để có được một hình ảnh về đối tượng đó; còn thấy là sự nhận biết về đối tượng qua hình ảnh nhìn được bằng mắt, thấy còn có nghĩa rộng hơn là sự nhận biết được bằng các giác quan nói chung, chứ không riêng thị giác. Người ta nói nhìn thấy, và cũng nói nghe thấy, ngửi thấy, thậm chí nếm thấy, sờ thấy. Nhìn là hoạt động thu nhận thông tin tự nhiên của đôi mắt “trời cho”, còn thấy là một hoạt động nhận thức của chủ thể con người, thông qua sự tham gia hoặc ít hoặc nhiều của tâm thức và trí tuệ. Tất nhiên, hễ có nhìn thì có thấy, nhiều người khác nhau nhìn vào cùng một hiện tượng tuy nhận được hình ảnh như nhau, nhưng lại có thể thấy những điều khác nhau. Điều thấy nào là thật, là không thật, không dễ mà phán xét được. Cho nên, đưa ra khẩu hiệu “nhìn thẳng vào sự thật” thoạt đầu tưởng có thể nhanh chóng xác lập được một tiêu chuẩn thật thà, trung thực trong sinh hoạt xã hội, nhưng hóa ra không phải đơn giản như vậy.
Có thực có một “sự thật” chung trong mỗi hiện tượng để mọi người cùng nhìn cùng thấy không? Tôi e rằng khó mà có một trả lời dứt khoát. Bảo rằng bông hoa này vàng, bông hoa kia tím thì hẳn mọi người có thể cùng nhìn cùng thấy như nhau, nhưng nếu bảo bông hoa này đẹp, bông hoa kia không đẹp, hay hơn nữa bông hoa này đáng yêu, bông hoa kia không đáng yêu thì chắc là khó có ý kiến thống nhất. Có nhất thiết cần có ý kiến chung thống nhất không? Ai cần cái thống nhất đó? Trong cuộc sống, nhiều khi cái cần thiết lại là ở sự không thống nhất chứ không phải ở sự thống nhất. Mỗi người yêu một vẻ, mỗi người thích một cách thì mới đỡ tranh chấp, mới dễ hòa thuận, và do đó mới có cuộc sống phong phú, đa dạng trong hòa bình được chứ. Cái “sự thật” chung mà ta mong muốn mọi người cùng thấy khi cùng “nhìn thẳng vào” theo tôi hiểu không phải là hiếm có, nhưng đó là những sự thật nào?
Thiên nhiên, đất trời, cuộc sống con người và xã hội có biết bao nhiêu sự thật, có những sự thật hiển nhiên và còn vô vàn những sự thật được ẩn giấu, dẫu là ta có cùng nhìn thì chắc cũng không bao giờ có thể cùng thấy như nhau. Cái việc không thấy như nhau cần phải được xem là bình thường, và cũng không nên áp đặt cái thấy của một người này cho một người khác. Từ nhìn đến thấy là cảm thụ và suy nghĩ, điều này phụ thuộc vào năng lực cảm và nghĩ, hay năng lực tư duy thị giác, của từng người. Tư duy thị giác, khác với tư duy nói chung, có thể không cần qua những bộ máy phức tạp của suy luận duy lý và lập luận lô gích, mà được thực hiện trực tiếp bằng cơ chế của những trực cảm thị giác, thường khi cho con người những phản ứng nhanh nhậy tức thời trước đòi hỏi của hoàn cảnh. Tư duy thị giác là một loại năng lực nhìn và thấy đặc biệt của con người, kết hợp các khả năng trực cảm và trí tuệ, một trực cảm đầy chất trí tuệ và một trí tuệ đầy tính nhạy bén của trực cảm tâm linh. Một cái thấy chung không thể có được bằng áp đặt mà chủ yếu là có được bằng cách cùng rèn luyện một năng lực chung của tư duy thị giác.
Có thể chăng, chính nhờ cái năng lực tư duy thị giác sắc bén này mà các nhà vật lý tài ba của thời đại chúng ta nhìn thấu được nhiều “sự thật” kỳ ảo trong thế giới vi mô của vật chất; và cùng với các nhà vật lý, nhiều nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau bắt đầu nhìn thấy những bất định và hỗn độn khởi nguồn từ trong thế giới tất định, để rồi nhìn thấy nhiều trật tự mới, nhiều tổ chức mới của sự sống nẩy sinh từ trong vô vàn những tương tác “ở bên bờ hỗn độn” trong quá trình phức tạp của tiến hóa. Và trong thời đại chúng ta, hy vọng sẽ gần đến lúc mà cánh cửa bí ẩn để đi vào đời sống tâm linh cũng sẽ hé mở trước năng lực của tư duy thị giác đó...
Ta cần nhìn gì và ta muốn thấy những gì, sẽ còn là câu hỏi muôn đời của cuộc sống. Đời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó. Và tất nhiên, hãy để cho những điều thú vị nhìn thấy được từ những đôi mắt đó tự do trao đổi với nhau, góp phần tạo nên vẻ đẹp giàu có chung của cuộc đời.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt