Phê phán "Bái sách giáo"
Con người không tin rằng ăn thịt một loài chim thì sẽ mọc ra một đôi cánh. Nhưng họ tin rằng ăn đọc sách của một tác giả thì sẽ có được trí tuệ của tác giả...
1. Sự mất của việc đọc
Nếu ai đó trong chúng ta đã từng viết sách, hoặc từng "viết" ra một văn bản nào đó để thể hiện một góc nhìn, một quan điểm, một mục đích nào đó gửi gắm tới độc giả... chúng ta sẽ đều nhận ra rằng sau cùng thì những gì mình viết cũng không thể hiện được trọn vẹn sự hiểu biết của mình về góc nhìn/ quan điểm/ mục đích ấy.
Những tác phẩm viết của chúng ta không bao giờ đủ rộng và đủ sâu bằng nhận thức của chúng ta. Không những thế, những tác phẩm ấy là một thứ tri thức chết - chúng không thay đổi được theo thời gian.
Thứ tri thức chết ấy đến với độc giả, nó không còn là tri thức nữa, nó chỉ là thông tin. Chúng ta dùng ngôn ngữ của mình để thể hiện những biểu tượng trong đầu mình, nhưng những ngôn ngữ ấy không thể hiện những biểu tượng ấy khi đến với độc giả - họ tiêu hoá những ngôn ngữ ấy theo một cách khác chúng ta, chắt lọc được từ chúng những thứ khác với những thứ trong đầu chúng ta... Và vì thế, sự hiểu của một độc giả từ một cuốn sách còn giảm xuống so với những gì người viết đã đưa vào cuốn sách.
Như vậy, có ít nhất 2 lần mà tri thức và trí tuệ của một người bị giảm xuống khi đến với người khác qua phương tiện sách.
Con người hiện đại chịu áp lực về sự tiến bộ của nhận thức, họ luôn phải tìm cách làm thế nào đó để chỉ sau một thời gian ngắn có thể thâu tóm được kiến thức và trí tuệ của cả nhân loại trong một chặng đường dài. Họ luôn trẻ hơn và nông nổi hơn về nhận thức và trải nghiệm so với những gì họ được tiếp nhận từ những cuốn sách của những người ở độ tuổi viết ra những cuốn sách ấy. Và vì sự trẻ, sự bồng bột và thiếu hụt về trải nghiệm ấy, họ, một lần nữa, làm mất đi những gì tinh tuý và sâu sắc mà cuốn sách gửi gắm.
Và cũng vì áp lực về sự tiến bộ kia, con người cố gắng tìm cách nhanh nhất để "biết". Sự thiển cận khiến họ chỉ biết trông chờ việc biết vào việc đọc sách. Họ đọc, đọc và đọc. Họ tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng và dễ dãi hơn rất nhiều những thế hệ trước đã làm. Nếu ngày xưa, những tinh hoa đã chắt lọc ra tri thức từ sự quan sát và trải nghiệm cuộc sống, thì chúng ta ngày nay đang "chắt lọc tri thức" từ những cuốn sách. Nhưng hỡi ôi, sách không phải là cuộc sống, không phải là tri thức của cuộc sống, nó chỉ là thông tin do một người khác viết về cuộc sống mà thôi. Vì sự ỷ lại và tư tưởng ăn sẵn này mà con người mất đi kỹ năng chắt lọc tri thức từ cuộc sống. Do đó, kỹ năng áp dụng thông tin trở lại cuộc sống vì thế cũng cùn mòn và nham nhở theo.
Như Marx đã viết về quy trình nhận thức ở con người: "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng vào thực tế cuộc sống". Đó là quy trình nhận thức tiêu chuẩn để nhận thức sát thực nhất, sâu sắc nhất và uyên bác nhất về cuộc sống. Nhưng "người đọc sách" của chúng ta hôm nay thì không như vậy. Những con chữ trừu tượng của giới tinh hoa trở thành "trực quan sinh động" của họ. Và bởi thế, nhận thức của họ xa dời thực tế, khả năng đào sâu và khoét rộng về nhận thức của họ vẫn là của một đứa trẻ.
Sau cùng, con người được những thông tin nhưng mất đi khả năng chắt lọc tri thức. Con người được niềm tin về sự hiểu biết của bản thân nhưng mất đi sự hiểu biết về sự hiểu biết của bản thân. Họ là những "trí thức giả".
2. Tư duy nhược tiểu
Việt Nam, đến thời điểm này, vẫn là một dân tộc đi sau nhân loại. Thiên nhiên ưu đãi đã khiến con người ở đây lười biếng sinh tồn, do đó mà lười biếng nhận thức và lười biếng lao động. Họ hiếm khi lao động trí óc một cách nghiêm túc và bài bản.
Do đi sau nhân loại, và do nhận thức còn hời hợt và nông cạn, nên thứ mà họ nhìn thấy chỉ là những thành tựu về tri thức của quốc gia khác đạt được mà không nhìn thấy những nỗ lực truy cầu và chắt lọc tri thức của họ. Cho nên, người Việt nghĩ rằng chỉ cần học những gì người khác tìm thấy/ nghĩ ra là mình đã có thể ngang bằng với người khác. Và vì thế, tư tưởng chủ đạo của người Việt vẫn là "học" mà không phải là "nghiên cứu" và "xây dựng".
Việc "học" trong nhận thức của kẻ lười, dễ dàng nhất là việc đọc. Đọc vừa nhàn, vừa rẻ, vừa nhanh chóng tiếp cận được tri thức tinh hoa của nhân loại. Họ nghĩ thế, nhưng chẳng bao giờ họ có thể tiếp thu được tinh hoa nếu như họ chưa từng thực hiện những thao tác làm ra tri thức tinh hoa. Và vì thế, họ luôn là kẻ đi sau nhân loại.
Thế nhưng, mặc dù đi sau nhân loại, họ vẫn là người đi đầu trong đất nước họ khi họ đọc và học từ bên ngoài. Và những người đi đầu nông cạn ấy đang khuếch trương cái việc đọc/ việc học người ngoài của họ, coi nó như một cứu cánh cho đất nước này. Và thế là cả một xã hội tiếp tục đọc và học. Coi việc đọc việc học như là kinh thánh của sự Khai sáng.
Chưa bao giờ họ nghĩ đến việc phải tự mình chắt lọc tri thức từ thực tế cuộc sống - chưa bao giờ họ là tinh hoa để tiếp thu được đúng các giá trị tinh hoa.
Và, với khả năng nhận thức non yếu, đứng trước một khối lượng thông tin khổng lồ từ rất nhiều nguồn khác nhau và chứa đựng nhiều thông tin trái ngược nhau, người đọc Việt Nam bị phân hoá nhận thức theo các thông tin đó, và bị phân hoá thành các nhóm tư tưởng/ nhóm quan điểm. Do đó mà hình thành các nhóm xã hội, nhóm lợi ích, nhóm chính trị khác nhau. Các nhóm này tranh đấu với nhau dựa trên những nguồn thông tin mình đọc được, không dựa trên thực tế cuộc sống của chính họ, môi trường và xã hội của họ.
3. Những kẻ cơ hội
Với một nền tảng nhận thức còn non yếu, văn hoá đọc chưa được định hình trong tầng lớp "trí thức", thì các nhà buôn sách đã vào cuộc. Những nhà buôn này vốn không phải người học rộng hiểu nhiều, chỉ là người đọc nhiều biết nhiều và vì thế được những người khác ngưỡng mộ. Những nhà buôn sách này truyền bá cho "trí thức trẻ" niềm tin rằng sách chính là sự cứu rỗi cho họ khỏi sự dốt nát và vô minh, là thứ duy nhất đại diện cho tri thức. Và nhờ vào niềm tin mù quáng này mà những nhà buôn kia bán được sách, trở nên giàu có, và tiếp tục là tấm gương sáng cho những bộ óc non nớt kia hướng theo.
Và thế là "BÁI SÁCH GIÁO" hình thành!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn