Phát triển hứng thú học văn từ góc độ tâm lý học

09:14 CH @ Thứ Năm - 07 Tháng Tư, 2016

Văn học nhà trường là vấn đề bức xúc thời sự khiến cả xã hội quan tâm. Mục tiêu của giáo dục hiện đại là phát triển và hoàn thiện nhân cách con người. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nhìn về con người,về giáo dục con người, trong đó có vấn đề dạy và học văn - một môn học hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ trong quá trình phát triển nhân cách.

Những năm vừa qua, xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến, kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị có nhiều bước phát triển vượt bậc, bộ mặt xã hội thay đổi theo chiều hướng văn minh hiện đại. Nhưng bên cạnh đó là sự báo động của sự tha hóa về đạo đức, nhân phẩm ở một số tầng lớp trong xã hội, đặc biệt xảy ra trầm trọng ở lứa tuổi cắp sách tới trường. Có thể nói, chưa bao giờ tỉ lệ thanh thiếu niên phạm pháp nhiều như hiện nay. Tất nhiên nguyên nhân không phải hoàn toàn do nhà trường, do giáo viên dạy dỗ, mà đây là vấn đề toàn xã hội đang nhức nhối, phải quan tâm.

Tình trạng học sinh thờ ơ với các môn học đặc biệt là môn văn hiện đã đến mức báo động. Càng học lên lớp trên học sinh càng tỏ ra không thích thú với môn văn học. Có thể do nhiều nguyên nhân:

Khi mà xã hội đang đề cao quá mức tin học, điện tử, ngoại ngữ… tạo ra "cơn sốt" về tin học ngoại ngữ.

Bố mẹ định hướng cho con cái theo học những ngành sau này ra trường dễ xin việc, có nhiều cơ hội kiếm tiền...

Việc dạy văn trong nhà trưởng không gây được hứng thú cho học sinh. Các em thờ ơ lãnh đạm với tác phẩm văn học, dửng dưng trước cái ác cái tàn bạo... Những giờ văn chỉ còn là giờ thông tin kiến thức một chiều, khô cứng và nhạt nhẽo. Học xong một giờ văn, học sinh thu được cái mà họ cần quá ít ỏi, thậm chí cá biệt có em không thu hoạch được gì.

Không phải đến bây giờ chúng ta mới ý thức và nhận thức được sự sút kém thảm hại về chất lượng dạy học văn trong nhà trường. Đã đến lúc dạy văn, học văn không còn là công việc riêng của nhà giáo và nhà trường mà nó trực tiếp liên quan đến chiến lược phát triển con người, đến sinh mạng của cả chế độ xã hội.

Giáo dục và đào tạo được hiểu một cách đúng đắn và khoa học hoàn toàn không có nghĩa là áp đặt một cách giả tạo từ ngoài vào cho học sinh những tri thức, lí tưởng tình cảm… hoàn toàn xa lạ với các em, cách biệt với đời sống thực. Công tác giáo dục và đào tạo đúng đắn chính là khâu đem đến cho học sinh những tri thức, phẩm chất, tình cảm… thức tỉnh trong trẻ em những gì vốn có trong nó, giúp cho nó phát triển và hướng dẫn sự phát triển đó theo một hướng nhất định.

Nghiên cứu về hứng thú, các nhà tâm lí học cho rằng, đây là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống vừa có khả năng mang lại khoái cảm cá nhân trong quá trình hoạt động. Nó được biểu hiện trước hết ở sự tập trung chú ý cao độ sự say mê hấp dẫn bởi nội dung hoạt động. Mặt khác, hứng thú bao giờ cũng dẫn đến một đối tượng cụ thể hấp dẫn, nó gắn liền với tình cảm con người. Trong bất cứ một công việc gì nếu có hứng thú làm việc con người sẽ có cảm giác dễ chịu với hoạt động, làm nảy sinh khát vọng hành động và hành động có sáng tạo. Ngược lại nếu hứng thú không được thỏa mãn sẽ dẫn đến cảm xúc tiêu cực.

Chúng ta kích thích các em hành động, còn các em phải tự hành động lấy. Chúng ta cung cấp cho các em một cái gì đó thuộc về bên ngoài, các em phải biến cái đó thành của mình. Từ đó, đứa trẻ không chỉ được người khác giáo dục mà các em còn tự giáo dục mình. Đứa trẻ không chỉ là đối tượng giáo dục mà còn là chủ thể giáo dục nữa. Các em không chỉ thích nghi với thế giới mà còn tự thay đổi thế giới quanh mình, riêng việc đứa trẻ được sinh ra cũng đã làm cho thế giới thay đổi ít nhiều.

Sự phát triển của các em phụ thuộc vào tính di truyền, vào môi trường sống và việc dạy dỗ: Nó còn phụ thuộc vào các hoàn cảnh ngẫu nhiên của cuộc sống. Những đứa trẻ tự mình cải tạo tất cả các yếu tố đó, không ai có thể làm thay các em việc cải tạo, chế biến các hoàn cảnh bên ngoài thành của mình được.

Việc dạy và học kích thích sức mạnh nội tâm đến chừng mực nào đó thì nó sẽ có sức lôi cuốn, hấp dẫn tới chừng mực ấy. Ngược lại , tất cả những gì lôi cuốn làm ta say mê cũng đều kích thích các sức mạnh nội tâm của chúng ta. Mà kích thích sức mạnh nội tâm chính là phát huy mọi năng lực của người học. Hứng thú dẫn đến hiểu biết. Đây được xem như là một qui luật của sự nhận thức. Nhiều nhà bác học quan niệm hứng thú là sự say mê hiểu biết và nhận thức. Nhưng hứng thú nhất định sẽ động chạm tới tình cảm và sự xúc động của chúng ta nữa.

Hứng thú và yêu thích là các hiện tượng giống nhau về bản chất. Đôi khi người ta có thể thay thế hai từ đó. Cái gì không làm cho ta xúc động, không đụng chạm đến tình cảm của chúng ta thì không gây được hứng thú. Khi phát triển hứng thú, chúng ta đồng thời phát triển cả tình cảm nữa. Và đôi khi ý chí cũng có thể nói như vậy.

Từ nhiều năm nay, phương pháp dạy văn đổi mới đã hướng tới học sinh, chú trọng phát triển hứng thú học văn của học sinh. Một trong những mục đích của giờ văn là làm sao gây được rung động thẩm mĩ, giáo dục nhân cách cho học sinh. Chúng ta cần thấy rằng, chính qua những gì hứng thú, hấp dẫn mà ta rèn luyện kĩ năng tập trung chú ý, sau này là để vận dụng nghị lực vào cái mà mình không thích thú, bắt buộc mình phải thích thú. Bằng cách phát triển hứng thú đối với các hình thức hoạt động khác nhau, chúng ta sẽ phát huy một trung những năng lực cao qúy nhất của con người là năng lực thích thú, tập trung vào hoạt động hoàn toàn say mê với công việc cần làm. Nếu trường học có đủ các nhà giáo xuất sắc biết lấy hứng thú làm chỗ dựa cho toàn bộ hoạt động của mình, đồng thời lấy mục đích dạy học là nhằm phát triển năng lực, hứng thú học tập của học sinh thì nhà trường và việc học tập đối với học sinh là công việc thích thú và đầy vui sướng. Tâm lý học giáo dục chỉ ra rằng, chỉ có thứ kỷ luật nào bắt nguồn vào bất kì một loại quan tâm thích thú nào đó mới đáng gọi là kỷ luật thực sự thôi. Đã say mê hứng thú thì dễ có ý thức kỷ luật. Nếu yêu cầu kỷ luật không thôi chỉ dẫn đến tới việc nghe giảng và vâng lời một cách thụ động, tiêu cực, chỉ làm cho học trò buồn chán. Hứng thú có tác dụng cung cấp kiến thức và phát triển trí lực. Kỷ luật ép buộc cũng cung cấp kiến thức và phát triển trí lực nhưng kìm hãm sự phát triển của trí tuệ, óc thông minh, linh hoạt, sáng tạo.

Tuổi ấu thơ của thiếu niên là giai đoạn đẹp nhất, trong sáng nhất của con người. Đây là thời kỳ của những quan tâm về tinh thần của các nhu cầu và hứng thú. Do đó đây là giai đoạn tết nhất đối với sự phát triển các hứng thú tinh thần của con người. Nhiệm vụ của giáo dục là kích thích những nhu cầu tinh thần cao qúy đó, nhu cầu nhận thức thế giới, nhu cầu làm những công việc hữu ích, có tác dụng phát huy năng lực. Khi nhu cầu được kích thích, hành động sẽ tự nó đến, đứa trẻ sẽ tìm cách thỏa mãn nhu cầu. Trong dạy học văn, tạo bầu không khí văn chương là rất quan trọng trong việc kích thích hứng thú cho học sinh tìm hiểu, khám phá tác phẩm văn chương. Việc gây hứng thú cho các em tùy thuộc vào tài năng sư phạm, lòng nhiệt tình của người giáo viên, giáo viên sử dụng những thao tác, biện pháp, phương pháp đế lạo hừng thú cho các em. Ví dụ thao tác đọc diễn cảm tác phẩm văn chương là một trong những thao tác quan trọng trong việc tạo bầu không khí cho lớp học.

Hứng thú là niềm vui của tuổi ấu thơ, học tập say sưa là thời niên thiếu hạnh phúc. Còn nhiệm vụ công tác giáo dục là dạy đứa trẻ biết cách trân trọng tất cả những gì tốt đẹp sinh động và cảm thụ sâu sắc giá trị của toàn bộ những gì quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của loài người. Hứng thú đó là tình cảm, niềm vui là sự cảm thụ giá trị của cuộc sống và phát hiện ra các giá trị đó. Dạy học văn kích thích hứng thú học sinh bằng lời giới thiệu, bằng hệ thống câu hỏi, bằng việc tạo dựng bầu không khí văn chương... Tất cả đều do vai trò quyết định của người thầy giáo. Trước tiên người thầy phải yêu nghề dạy học. Người thầy ngoài tài năng, trí thức khoa học cần phải có sự khéo léo, tấm lòng thành và nhân cách gương mâu. Nếu ông thầy nói đến môn học mà mình giảng dạy như một khoa học luôn phát triển, nếu trước mắt học sinh luôn xảy ra những vấn đề, những điều bí ẩn, và cuối cùng nếu chính ông thầy cho rằng môn học mình phụ trách là điều hết sức quan trọng thì sự cảm nhận, niềm say mê, hứng thú đó tất yếu sẽ truyền sang các em. Ngoài ra, sách vở và bạn bè cùng trang lứa, cùng sở thích cũng là nguồn năng lực tạo hứng thú cho học sinh. Bầu không khí yên tĩnh của thư viện làm nảy sinh hứng thú đối với các khoa học xã hội như văn học. Chỉ sách báo mới mở ra trước mắt các em triển vọng tươi sáng, mới chỉ ra những kết quả mà các em có thể đạt được trong hoạt động ưa thích, mới làm cho hoạt động của các em có tính chất nghiêm túc mà thôi.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Toàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học

    31/01/2006Ngô Tự LậpCó người thích học văn, nhưng cũng có không ít người coi học văn là một cực hình, hoặc một cách lãng phí thời gian. Cũng có người thích đọc văn, nhưng ghét học văn. Thế nhưng ở bất kỳ nước nào trên thế giới môn văn cũng là một trong những môn quan trọng nhất. Lý do nào khiến môn văn được ưu ái như vậy?
  • Chuyện văn học – văn hóa – và những thứ khác

    28/01/2006Phan ViệtBài viết này của tôi có mục đích tổng kết những điều đáng buồn nổi cộm trong văn học, dịch thuật và những thứ liên quan tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tôi viết bài với tư cách là một người đọc và quan tâm tới văn học...
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Cần gì phải học thơ văn!

    28/09/2005Khuất Tố QuyênTrong tuần qua, liền sau Đại hội Hội nhà văn Việt Nam từ 24 đến 25-4-2005, ngày 26-4-2005 có Hội thảo tại Đại học sư phạm Hà Nội về “Văn học Việt Nam từ sau 1975 -Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy". Dạy văn và học văn luôn luôn còn là vấn đề nóng bỏng trong Giáo dục. Phóng viên Khuất Tố Quyên có cuộc trò chuyện với ông Phạm Toàn (nhà văn Châu Diện) về vấn đề này.
  • Lời mở: Văn hoá học lấy con người làm trung tâm

    14/09/2005Nguyễn Trần Bạt
  • Dịch giả Huỳnh Phan Anh trò chuyện về văn học hải ngoại

    03/08/2005Từng dạy triết học tại Sài Gòn, thế nhưng cái tên Huỳnh Phan Anh lại được biết tới với tư cách là nhà phê bình, dịch giả. Còn bản thân tác giả thì tự nhận mình là một nhà giáo "đi lạc vào văn học". Từ năm 2002, Huỳnh Phan Anh định cư tại Mỹ...
  • "Chúng em yêu văn, nhưng chúng em chán học văn"

    06/07/2005Chu Thuỳ AnhHọc sinh bây giờ không phải đã hết thích học văn. Nhưng môn văn bây giờ, có thể cần đem ra phường đổi tên lại thành môn chính tả. Học sinh lớp 12 còn tập chép chính tả, khác chăng là chính tả lớp 12 chữ có thể xấu hơn chính tả lớp 1 mà thôi!
  • Báo động về tình trạng học sinh học văn ngày càng kém

    10/11/2003Ninh HồngTheo kết quả sơ bộ kỳ thi đại học năm nay có gần 10.000 bài thi bị 0 điểm, trong đó môn văn chiếm phần không nhỏ. Cũng sau kỳ thi đại học này, nhiều bài phân tích, bình giảng văn, thơ của các sĩ tử đã khiến các thầy, cô giáo trực tiếp làm công tác giảng dạy cũng như các cán bộ trong ban chấm thi phải lên tiếng trước công luận, rung một tiếng chuông buồn báo hiệu về một thực tế: học sinh ngày càng cảm thụ các áng văn hay, các bài thơ truyền cảm bằng những tư duy rất thường, nếu không muốn nói là thô tục...
  • Báo động tình trạng học văn của học sinh

    26/08/2003"Thân thể người lái đò rất tráng lệ; Nguyễn Tuân rất hung bạo..." là những câu trong bài thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua. Nhiều giáo viên chấm văn nhận xét, mỗi năm bài làm của học sinh lại kém hơn một chút. Có những lỗi sai không thể chấp nhận được, có những bài thi giám khảo không sao đọc được, có những câu văn của học sinh, giám khảo ôm bụng cười tới năm phút sau mới chấm tiếp được...
  • xem toàn bộ