Lời mở: Văn hoá học lấy con người làm trung tâm
Ở Việt
Khuyết điểm phổ biên nhất nằm ngay ở mục đích nghiên cứu. Một số học giả, hay các nhà nghiên cứu văn hoá như người ta thường gọi, có xu hướng lấy bản thân việc nghiên cứu, hoặc đáng chê trách hơn nữa là lấy mục đích trở thành nhà nghiên cứu, làm cứu cánh, trong khi đáng lẽ họ phải coi việc nghiên cứu đặc tính của một dân tộc hay của các dân tộc là một trong những biện pháp để chỉ ra những yếu tố cần được khích lệ và những yếu tố cần phải hạn chế trong quá trình phát triển. Nói cách khác, những nhà nghiên cứu văn hoá này cố gắng thông qua tác phẩm để thể hiện mình, thể hiện sự hiểu biết văn hoá của mình, hơn là cố gắng vươn tới những mục tiêu phát triển, điều xứng đáng được coi là cái đích cao cả nhất của các giá trị văn hoá.
Những nhà nghiên cứu loại này, chính họ cũng không tự tin lắm vào việc phổ biến các giá trị văn hoá như một yếu tố mang tính động lực. Có thể nói không quá lời rằng họ là những nhà nghiên cứu ích kỷ và tác phẩm của họ là những tác phẩm ích kỷ.
Nhược điểm quan trọng thứ hai là tính phụ hoạ chính trị. Tôi xin bắt đầu bằng một tình trạng đáng đau lòng là đến tận hôm nay người Việt vẫn đang bị lép vế về nhiều mặt trên thế giới. Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật đó, nhưng theo tôi, tự ty cũng như tự hào quá đáng đều không thể chấp nhận được.
Một mặt, đúng là cho đến nay, người Việt
Còn một khía cạnh nữa là các nhà văn hoá dường như khi viết sách chỉ nhằm để trao đổi với các nhà văn hoá khác, nghĩa là chỉ nhằm trao đổi với nhau, chứ họ không trao đổi với nhân dân. Họ dùng những thuật ngữ cao siêu, họ dùng các khái niệm phức tạp, họ trích dẫn những quyển sách từ tiếng nước ngoài dày cộp mà nếu không cẩn thận thì chính họ cũng sẽ rơi vào trạng thái của những ông đồ cổ hủ "tầm chương trích cú”. Một đầu óc tỉnh táo phải hiểu rằng văn hoá trước hết thuộc về nhân dân và chính nhân dân là người mang tải văn hoá. Các nhà nghiên cứu văn hoá chỉ có một nhiệm vụ là vạch ra những giá trị văn hoá mà nhân dân sáng tạo và gìn giữ trong mọi khía cạnh của cuộc sống: trên chiếc áo của người đàn bà nhà quê, trong điệu quan họ, trong những món ăn dân dã... Bằng cách ấy, họ có thể phân tích những lợi ích văn hoá trong sự phát triển và nhận thức con đường mà các dân tộc đi đến tương lai. Đó chính là cái mà người ta có thể thể hiện bằng một thuật ngữ tưởng chừng sáo mòn là tính nhân dân.
Chúng tôi cho rằng mục đích cao nhất của các nghiên cứu về văn hoá là phát hiện và khắc phục bớt những gì cản trở chúng ta hội nhập và tìm kiếm một tương lai tươi sáng. Một quốc gia không phát triển được nếu không có được một chiếc chìa khoá văn hoá của sự phát triển.
Muốn thực hiện được mục tiêu đó, nghiên cứu văn hoá phải thực sự trở thành một ngành khoa học. Vì vậy, việc nghiên cứu, dù chỉ là đại cương, những vấn đề của khoa học nói chung là vô cùng cần thiết.
Nó sẽ cho phép chúng ta tránh được những căn bệnh mà khoa học hiện đại đang vấp phải. Chúng tôi muốn nói đến tình trạng suy thoái của khoa học, một vấn đề có tính cất lõi. Văn hoá học cũng không thoát khỏi tình trạng đó.
Thực ra sự suy thoái của khoa học và những phương pháp nghiên cứu của nó không phải là điều hoàn toàn mới mẻ. Ngay từ hàng trăm năm trước, người ta đã nhận thấy rằng khoa học đang dần dần xa rời cuộc sống, cũng tức là chệch khỏi những mục đích cao thượng ban đầu của nó. Khoa học là tư duy dựa trên các khái niệm, điều đó ai cũng biết. Nhưng
đời sống xã hội phát triển nhanh đến mức các khái niệm lạc hậu dần, và trong thời đại ngày nay, chúng lạc hậu từng ngày so với đời sống. Khoa học ngày càng sa lầy vào một thứ bát quái trận đồ của chính nó, ngày càng trở thành một vương quốc đóng kín, một thử đặc khu của những nhà khoa học. Nó chỉ còn giải quyết những vấn đề đó nó đặt ra, và mỗi nhiệm vụ được giải quyết lại gợi ý cho vô vàn những nhiệm vụ khác còn xa lạ hơn với đời sống. Quá trình này đã kéo dài trong nhiều thế kỷ qua và kết quả ngày nay khoa học đã trở nên xa rời con người, các nhà khoa học đang ngày càng chìm đắm trong những nghiên cứu thuần tuý khoa học. Thậm chí chúng ta có thể nói đến một thứ khoa học vị khoa học. Có người ví các nhà khoa họe như là một giống người khác, người khoa học chẳng hạn - họ rất thông thái, thậm chí rất cao thượng nữa, nhưng dù sao cũng không phải là những con người bình dị như tất cả chúng ta.
Sự suy thoái thể hiện trên hai khía cạnh:
(i) Sự suy thoái của các khái niệm;
(li) Sự suy thoái của các phương pháp luận logic.
Lý do của sự suy thoái này thật ra rất đơn giản. Khoa học được cấu thành và liên hệ lẫn nhau nhờ các khái niệm và logic tư duy, hay nói cách khác là phương pháp luận. Các khái niệm được hình thành trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định và logic tư duy sẽ dẫn nhà khoa học đến những kết luận và khái niệm khác. Nhưng một khi có tính lịch sử, các khái niệm không phải là bất biến. Nội hàm của chúng thay đổi, vai trò của chúng cũng vậy. Sự suy thoái của các khái niệm tạo ra các khái niệm và các kết luận sai. Đồng thời, sự lạc hậu của logic tư duy cũng làm cho người ta rút ra các kết luận lạc hậu hoặc sai lầm.
Chúng ta hãy thử lý giải sự suy thoái này.
Trước hết là về sự suy thoái các khái niệm. Theo tôi trong khoa học cũng có hiện tượng tương tự như cái mà ta thường gọi là quan liêu trong đời sống xã hội. Sự quan liêu khoa học, ta có thể nói như thế.
Khi người ta ngủ ngon trên các khái niệm thì người ta chỉ tư duy trên các khái niệm sẵn có. Các khái niệm, một khi được sùng bái, được tuyệt đối hoá, sẽ dần dần xa rời đời sống tự nhiên của con người.
Chúng sẽ trở thành những đối tượng tồn tại độc lập và bắt đầu lên tiếng. Chúng đặt ra những tiêu chuẩn, nhũng quy tắc trói buộc tư duy. Cuối cùng, con người trở thành nô lệ cho chúng, những khái niệm tưởng chừng hiền lành do chính họ tạo ra. Đó là hiện tượng suy thoái phổ biến nhất của các khái niệm khoa học.
Tiếp theo là sự suy thoái các phương pháp luận.
Phương pháp luận khoa học chính là công nghệ cho các thao tác khoa học. Ai cũng biết rằng các kết luận khoa học phụ thuộc không chỉ vào hệ thống các khái niệm được chấp nhận làm cơ sở và các thao tác khoa học cụ thể, mà còn vào định hướng thực hiện các
thao thác ấy. Thậm chí còn hơn thế nữa: giống như chúng ta thấy rõ trong môn điều khiển học, chính tín hiệu điều khiển, còn trong xã hội là tư tưởng, mới là thứ quyết định. Chỉ có định hướng đúng mới có thể đưa các thao tác, các hành động cụ thể đến một kết quả đúng. Sự lựa chọn một phương pháp tư duy, vì thế luôn luôn phải đặt ra. Ở đâu người ta tôn thờ một loại phương pháp tư duy, ở đâu người ta hạn chế sự lựa chọn các công cụ logic, thì chính ở đó người ta đang hạn chế khả năng của chính mình trong việc tham gia vào quá trình sáng tạo. Và nó tạo ra khía cạnh thứ hai của sự suy thoái khoa học: tính đơn điệu của đời sống logic.
Sự suy thoái của khái niệm, suy cho cùng, chính là suy thoái của thông tin. Thiếu thông tin khiến cho chúng ta không thể theo kịp những thay đổi không ngừng của cuộc sống, và kết quả là những khái niệm của chúng ta bị lạc hậu. Giống như những mắt xích trong một dây xích, điều đó kéo theo sự suy thoái của nhận thức và của văn hoá nói chung. Cho nên cần phải có sự cảnh báo đối với đời sống xã hội về nhu cầu bổ sung và làm mới các khái niệm. Phải làm cho các khái niệm gần lại cuộc sống, hay nói cách khác, phải làm xanh tươi các khái niệm theo những tiêu chuẩn của cuộc sống.
Vậy nhiệm vụ của chúng ta là làm thế nào để khoa học thông tin có giá trị bổ sung cho các khái niệm. Thông tin là một trong những giải pháp của nhân loại để chống lại sự suy thoái của các khái niệm và phương pháp luận. Tin học, và đặc biệt là Internet, chính là một trong những giải pháp của nhân loại làm ra theo yêu cầu nóng bỏng của cuộc sống để chống lại sự suy thoái theo xu hướng quan liêu hoá các khái niệm. Tất nhiên, giống như tất cả mọi phát minh, sáng chế, hay nói một cách khái quát, giống như mọi thứ trên đời, Internet cũng đặt ra những thách thức mới đối với nhân loại. Nhiều người lo ngại Internet sẽ dẫn đến tình trạng tràn lan của bạo lực và sự đầu độc trẻ em bằng tình dục và ma tuý...
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở nhưng trong một xã hội - không chỉ ở Việt Nam - nơi nhiều người dân đang đói hoặc thậm chí không có thông tin, thái độ cảnh giác thái quá sẽ cản trở hiệu quả của một giải pháp vĩ đại mà nhân loại tìm ra để chống lại sự suy thoái của các khái niệm. Theo tôi, nhân dân càng có nhiều thông tin thì các khái niệm càng gần với cuộc sống và do đó nó càng có giá trị khoa học.
Nhân loại cũng đã sáng tạo ra các giải pháp để chống lại đơn điệu hoá đời sống tư duy logic. Đó chính là tính dân chủ của đời sống khoa học. Chính đời sống khoa học gắn liền với dân chủ hoá đời sống xã hội, nó nâng cao tinh thần làm chủ của nhân dân sẽ cho phép chúng ta phát huy tối đa sức sáng tạo của nhân dân trong việc lựa chọn các giải pháp để phát triển. Chính nhờ nền dân chủ mà những logic tư duy cũ nhanh chóng bộc lộ những hạn chế của nó và nhanh chóng nhường chỗ cho logic tư duy mới. Đổi mới, đó là chìa khoá thành công, còn dân chủ là điều kiện tiên quyết cho thành công của quá trình đổi mới.
Trở lại với những nghiên cứu văn hóa, chúng ta thấy rằng khi đời sống tư tưởng thiếu sự đa dạng thì người ta có xu hướng chỉ tôn thờ một vài yếu tố của văn hoá. Người ta lựa chọn một vài tiêu chuẩn đặc biệt hay hạn hẹp của văn hoá để đề cao và biến chúng thành những giá trị. Dĩ nhiên, đó là những giá trị chủ quan. Sự suy thoái của khoa học, suy cho cùng chính là suy thoái của thông tin, của phương pháp luận và tư tưởng. Do đó nhận thức của con người sẽ suy thoái và văn hoá cũng suy thoái theo.
Nhưng văn hoá là một đối tượng sống chứ không phải là một giá trị chết. Và việc phê phán các công trình văn hoá chỉ có ý nghĩa chừng nào nó là đối chứng để chúng ta lựa chọn một phương pháp và cách tiếp cận đúng đắn...
Chúng tôi cho rằng cái mà người ta phải xác định trước khi lựa chọn phương pháp nghiên cứu là câu hỏi: nghiên cứu văn hoá để làm gì? Có phải nghiên cứu chỉ vì nghiên cứu không? Chúng ta phải tìm ra các giá trị xã hội, kinh tế và phát triển trong các yếu tố văn hoá. Chúng ta phải phân tích nó, giải thích nó. Chúng ta phải lặp đi lặp lại, phải nhìn nhận nó được nhiều góc độ khác nhau và đặc biệt là phải chiếu cố đến góc độ nghiên cứu mang tính trợ giúp, tính động lực phát triển, hay nói cách khác, chúng ta phải nghiên cứu văn hoá vì cuộc sống chứ không phải là vì chính nó.
Nghiên cứu văn hoá về cơ bản là nghiên cứu quá khứ. Văn hoá, hoặc đôi khi người ta đồng nhất với đặc tính dân tộc, là những gì còn lại sau những chu trình lịch sử và người ta thường lấy nó để phân biệt một dân tộc này với một dân tộc khác, như tính cách của con người là cái để phân biệt người này với người kia. Vì thế, chúng tôi cho rằng nghĩa vụ của nhà nghiên cứu văn hoá là nghiên cứu cái bí mật, cái công nghệ để sáng tạo tương lai. Một cuốn sách về văn hoá, vì thế, là cuốn sách về con người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt