Phát huy đạo lý dân tộc
Gần một vạn tăng ni, phật tử và đồng bào cả nước đã về đây thành kính dâng hương. Trong dịp đó, hoà thượng Trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị cho biết : “con đường quốc lộ đoạn qua Hải Lăng bây giờ được gọi là “Đại lộ kinh hoàng”, người chết la liệt. Tháng 8 năm 1973, tại đó đã diễn ra một đại lễ cầu siêu kéo dài 7 ngày 7 đêm; hơn 3000 tăng ni và hàng ngàn phật tử đã về đò tìm xác, cất bốc, chôn cất người chết; chỉ riêng số xác tìm được phải trên năm, sáu ngàn. Trong số đó, dân thường cũng có, lính của chế độ Sài Gòn cũng có, bộ đội ta cũng có …Tất cả đều được chôn cất đàng hoàng và được làm lễ cầu an sinh linh. Đồng bào về dự lễ đông lắm.. Bây giờ đi trên quốc lộ 1A, qua đó vẫn thấy Đài Địa tạng lưu giữ dấu ấn về đại lễ cầu siêu năm đó”. Phải chăng đó chính là dấu ấn của đạo lý Việt Nam, là chủ nghĩa nhân đaọ và tinh thần nhân bản trong truyền thống văn hóa Việt Nam mà “Cương lĩnh dựng nước” của Khúc Hạo, nhà cải cách đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nêu lên năm 907 : “chính sự cốt chuộng sự khoan dung giản dị” để cho trăm họ “đều được yên vui”. Hòa giải , hòa hợp chính là triết lý sống,nhu cầu để tồn tại và phát triển của một dân tộc ở vào một vị trí địa-chính trị như ta. Phải chăng vì thế mà dân tộc ta không chỉ có ngày Giỗ Tổ Hùng vương mồng Mười tháng Ba mà còn có ngày Giỗ Trận Đống Đa vào ngày mồng Năm tháng Giêng! Ngày Giỗ Tổ là ngày giỗ quan trọng nhất trong năm, vốn ăn sâu vào tâm thức người Việt : “Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” ghi nhớ nguồn cội và công đức của người dựng nước. Còn Giỗ Trận vốn bắt nguồn từ chỉ dụ của vua Quang Trung sau khi đại phá quân Thanh, tiêu diệt mấy vạn quân giặc vào tháng Giêng năm Kỷ Hợi (1789), làm lễ cúng cô hồn tử sĩ, cho quy tập xác giặc, lập đền thờ. “Sở dĩ gọi là ngày giỗ trận vì trong ngày hôm đó, dân làng Đồng Quang, nơi có bãi Đống Đa, có mở hội tại chùa để tụng kinh siêu độ cho mấy vạn quân Thanh đã bỏ mình nơi chiến địa. Có thể nói đây là ngày giỗ các oan hồn quân Thanh” (Toan Ánh). Đặt ngày “Giỗ Trận” vào trong đời sống tâm linh của dân tộc, cùng với việc thờ cúng tổ tiên còn có tục thờ cô hồn, lễ cầu siêu, mởi hiểu sâu được ý nghĩa nhân bản của nó. Trong tâm thức dân gian “nghĩa tử là nghĩa tận”, người ta sẵn sàng giải tỏa mọi uẩn khúc để mong đều được siêu thoát. Truyền thống này được ghi nhận từ đời Lý thế kỷ XI, cho đến sau khi thống nhất sơn hà năm 1862, vua Gia Long đã cho lập đàn “siêu độ cho tướng sĩ trận vong và cô hồn thập loại”. Chẳng thế mà, “Chiêu hồn thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du đã từng làm xúc động biết bao trái tim Việt Nam “lòng nào lòng chẳng thiết tha, Cõi dương còn thế nữa là cõi âm. Trong trường dạ tối tăm trời đất, có khôn thiêng phảng phất u minh. Thương thay thập loại chúng sinh”. Phải chăng đó chỉ là chuyện quá khứ? Một phần ba thế kỷ đã trôi qua, trên cơ thể của Tổ quốc, nhiều vết thương được hàn gắn đã lên da non, nhưng vẫn còn biết bao nỗi đau của từng gia đình, của nhiều người mẹ vĩnh viễn không gặp lại con, người vợ không bao giờ gặp lại chồng. Câu chuyện về “đá vọng phu” không còn là huyền thoại, mà hiển hiện bằng xương, bằng thịt ở nhiều làng quê, ở trên nhiều hẻm phố, trong những mái nhà. Nỗi đau “chất độc da cam” đâu có phân biệt người bên này hay bên kia giới tuyến và trận tuyến. Lòng người mẹ Việt Nam càng quặn đau hơn khi thắp nén nhang cho hai đứa con mình mà anh là liệt sĩ, còn em lại là lính phải cầm súng cho phía bên kia. Những người mẹ ấy chắc sẽ khát khao một lễ cầu siêu cho tất cả những ai đã nằm xuống trong chiến tranh. Và chắc không riêng gì những người mẹ có số phận éo le đó, mà trong sâu thẳm những tấm lòng của người Việt Nam ta đều cảm nhận được rằng, “máu chảy ruột mềm”, đaọ lý ấy mách bảo cho chúng ta cần có một nghĩa cử thấm đượm ý nghĩa nhân văn và triết lý khoan dung của ông cha ta. Nguyễn Trãi đã từng mong mỏi “khắp thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”. Thấm nhuần sâu sắc tinh thần ấy trong đạo lý của dân tộc, với Hồ Chí Minh “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Nếu chúng ta “gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thành nỗi đau khổ của dân tộc”, để tổ chức một lễ cầu siêu chung trên cả nước sẽ là một hành động thiết thực “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đó là vấn đề gợi ra cần suy nghĩ. Thật ra thì ý tưởng này từng được đặt ra từ lâu, và rồi cách đây hai năm, vần đề “tổ chức một lễ cầu siêu cho vong linh những người đã chết trong chiến tranh” đã được nêu lên trong thư của nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt gửi Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Nghi thức có nhiều cách, song giản đơn và màu nhiệm nhất là quy định một thời khắc chung, trên cả nước, các chùa chiền, nhà thờ, các nơi thường tiến hành những nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng…đều thỉnh chuông cầu nguyện, các cơ quan công sở cũng như mọi tầng lớp nhân dân có một phút mặc niệm những người đã khuất. Làm được như vậy sẽ có một ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của đất nước, tạo nên một động lực hòa hợp sâu sắc. Liệu có phải cũng trên tinh thần ấy, ngày 16.3.2006 “đại trai đàn bình đẳng chẩn tế” đã khai mạc tại chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM do Thành hpội Phật giáo TPHCM phối hợp với thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng Tăng đoàn Làng Mai (Pháp) tổ chức. Trai đàn chẩn tế cầu “âm siêu dương thái” cũng sẽ được tổ chức từ 2 đến 4.4.2007 tại chùa Diệu Đế ở Huế và từ 20 đến 22.4.2007 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà nội. “Trai đàn chẩn tế” là một nghi lễ truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Trong tư liệu còn lưu giữ được, thì nghi thức này đã được Thiền sư Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc lâm biên soạn. Đây không chỉ là một nghi lễ của những người theo đạo Phật mà còn là sự thể hiện một nhu cầu của đời sống tâm linh của nhân dân ta, thấm đượm sâu sắc đạo lý dân tộc : “thương người như thể thương thân”. Song “trai đàn chẩn tế” trong nghi thức Phật giáo không chỉ tổ chức vào mùa Vu Lan báo hiếu, hay ngày rằng tháng Bảy “xá tội vong nhân”, mà có thể tổ chức vào bất cứ thời gian nào trong năm, nhằm phổ độ những linh hồn không có ai thờ tự, không nơi nương tựa, không phân biệt thân xa, đang bị trầm luân trong cành giới cô hồn chưa được siêu thoát. Nói như Thiền sư Thích Nhất Hạnh : “Đại lễ được diễn ra vào đầu năm mới, mùa của tăng trưởng sự sống và cũng là mùa bắt đầu cho một năm mới thịnh đạt, an vui”. Theo giải thích của những người tổ chức thì “trai đàn bình đẳng chẩn tế” là một công trình thực tập tập thể. “Đàn trai” không phải là thuần túy tôn giáo mà còn là một pháp thực tập tâm lý trị liệu rất khoa học tuy nó có tính cách lễ hội dân gian” . Đã là “trị liệu” thì tính “bình đẳng” phải nổi lên : không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, tuổi tác, chủng tộc. Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh khi trả lời báo chí : “Tôi đã đi qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tôi biết phía nào cũng có người trực tiếp hoặc gián tiếp gánh chịu đau khổ. Những vết thương lòng nếu không trị liệu có thể sẽ truyền lại cho con cháu”. Ở đây, trong sâu thẳm triết lý Phật giáo trong việc tổ chức “trai đàn chẩn tế” đã bắt gặp được sự rung cảm sâu sắc của đạo lý dân tộc ta, một dân tộc vốn có hơn ngàn năm văn hiến mà đức khoan dung, hòa hiếu “thương người như thể thương thân”, “máu chảy ruột mềm” là nét văn hóa nổi bật. Cũng vì thế, tổ chức trai đàn để cầu siêu cho “tất cả những đồng bào tử nạn trong chiến tranh, trong đó có những người chết trận, nạn nhân chiến tranh; những người mất tích mà hài cốt chưa tìm ra được; những người đã chết trong tù ngục và những thuyền nhân không may bỏ mình trên biển cả” như chủ đích của những người đứng ra làm lễ, là sự kế tục truyền thống nhân ái của ông cha trong bối cảnh mới của đất nước. Đó là lúc mà “hòa giải, hòa hợp” đang là những nhân tố quan trọng nâng cao sự đồng thuận xã hội , động lực của phát triển đất nước.
Trong bối cảnh của những xung đột tôn giáo và sắc tộc ở trên nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia, dân tộc trên quả đất này đang có chiều hương gia tăng, ngẫm nghĩ kỹ càng thấy rõ ý nghĩa sâu nặng của lòng nhân ái, tinh thần khoan dung của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Những gì đang diễn ra ở một số nơi trên thế giới cho thấy “chủ nghĩa” tôn giáo cực đoan, biệt phái, cực quyền cùng với sự kỳ thị và xung đột tôn giáo là những nguyên nhân gây mất ổn định, góp phần làm nẩy sinh ra nạn khủng bố, phá hoại rất tàn khốc. Nỗi đau này của loài người dường như chưa có thuốc chữa trị một khi mà tinh thần khoan dung tôn giáo chưa chiếm lĩnh vị thế cần thiết trong tâm thế con người, và một bộ phận của loài người vẫn còn bị đầu độc bởi những cực đoan, biệt phái, cực quyền cùng với sự kỳ thị và xung đột tôn giáo.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nền chính trị vừa mang tính chất đa cực vừa mang tính chất đa văn minh, đa văn hoá, vì thế, “ nếu các tôn giáo bắt đầu làm cho nhau trở thành phong phú hơn thì chúng sẽ cấp cho linh hồn điều mà thế giới đang tìm kiếm”. Một trong những vấn đề đó chính là vấn đề tôn giáo. Giữa thế kỷ XX, A.Malraux đã tiên đoán rằng : “Vấn đề then chốt của cuối thế kỷ này sẽ là vấn đề tôn giáo được diễn ra dưới một dạng khác hẳn với sự hiểu biết của chúng ta”. Đến năm 1990, tác giả của“Các xu thế lớn năm 2000” với tham vọng “chuẩn bị cho thế giới sắp đến”, đã cho rằng : “Sự hồi sinh của của tôn giáo vào thiên niên kỷ thứ ba”là một xu thế tất yếu của thế kỷ XXI. Các tác giả của cuốn sách gây chấn động dư luận lúc bấy giờ đã đưa ra dự báo: “Buổi bình minh của giai đoạn lịch sử mới này, sự trở về với đức tin này là dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta đã được chuẩn bị để tiếp nhân cả hai mặt của bản chất con người”. Liệu có phải “loài người sẽ ra khỏi những tôn giáo để trở lại cái tôn giáo” (Sortie des religions, retour du religieux) như tên của một cuốn sách bàn sâu về vấn đề này xuất bản năm 1993 không? Tôn giáo, và rộng hơn thế, tín ngưỡng là một hiện tượng người, một biểu thị nhân bản, một thực tế xã hội rộng lớn và sâu xa, kết tinh chẳng những tâm linh và tình cảm, mà cả nhận thức lý trí của nhiều người. Tín ngưỡng hoặc không tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người cần được thể chế hoá và được thực sự tôn trọng. Hiểu thật đúng, thì tôn giáo sẽ là một sức mạnh xây dựng và một động lực tích cực của cá nhân và cộng đồng. Thực tế đã cho thấy, đạo đức và chính sách khoan dung tôn giáo là một nhân tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận và cố kết xã hội. Nếu làm ngược lại, cái giá phải trả sẽ là sự phân rã và hỗn loạn của đời sống xã hội rất khó hàn gắn. Khi tiến trình hội nhập của đất nước đang đi vào chiều sâu, những sinh hoạt xã hội mang đậm nét tâm linh vốn ẩn sâu trong truyền thống của một nước “vốn xưng văn hiến đã lâu” như những sự kiện “trai đàn chẩn tế” này được tổ chức, là sự thể hiện một nét mới, một tầm nhìn mới trong sự cởi mở và dân chủ hóa xã hội cần được phát huy.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý