Cảm nhận về nền giáo dục đại học của Singapore
Chuyến bay của Hãng hàng không Lion xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất lúc 13h45 phút, sau gần hai giờ bay đã đưa Đoàn công tác của Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đến Sân bay quốc tế Singapore Changi, Singapore sao lại gần Tp. Hồ Chí Minh thế nhỉ?
Khi máy bay hạ thấp độ cao, bên ngoài cửa sổ là hình ảnh đất nước Singapore thu gọn hiện ra, với làn nước biển trong xanh. Thấp thoáng những con tàu vận tải nhỏ như chiếc ghe đang từ từ tiến vào cảng để lại phía sau vệt nước trắng xóa với làn hai làn sóng lăn nhẹ trên mặt biển phẳng lỳ.
Điều ngạc nhiên đầu tiên là sân bay Quốc tế Changi của Singapore thoáng đãng, to lớn và rộng rãi không như chúng ta tưởng tượng mỗi khi nói đến đảo quốc này, nhất là mỗi khi so sánh diện tích của đảo quốc này với Tp.HCM của chúng ta. Tiếp chúng tôi tại Sân bay là Chị Thanh Huyền, cô hướng dẫn viên người Việt Nam làm việc cho một Công ty du lịch tại Singapore, với chất giọng của một cô gái gốc Hà thành. Cảnh tượng đầu tiên mà chúng tôi khi ngồi trên xe buyt di chuyển về khách sạn đó là con đường đẹp nhất của đất nước Singapore từ Sân bay Changi về Trung tâm Thành phố, với hai bên đường với những cây Me tây xanh rì tán phủ mát rượi đứng trầm ngâm hai bên đường. Từ Sân bay Changi, phải mất hơn 25 km về Khách sạn. Nếu là người lần đầu đến Singapore, bạn sẽ ngạc nhiên bởi những toà nhà cao chọc trời ở trung tâm thành phố. Khi đã lưu lại Singapore khá lâu, chúng tôi mới có dịp tản bộ trên một số đại lộ. Trong cái nắng mùa thu tuy không gay gắt nhưng vẫn đủ khó chịu, lúc này đang là mùa mưa của đất nước đảo quốc sư tử này.
Singapore là tên của một hòn đảo vốn nổi tiếng từ hàng trăm năm nay, được biết đến như là nơi giao dịch thương cảng trên con đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Lãnh thổ của đảo quốc Singapore gồm đảo chính Singapore, và một số đảo nhỏ khác. Khi tìm hiểu kĩ về lịch sử Singapore, chúng tôi được biết tên Singapore xuất phát từ Singapura trong tiếng Malaysia (hay tiếng Malay), vốn được lấy từ nguồn gốc của chữ Phạn là singa (sư tử) và pura (thành phố). Từ đó Singapore được biết với cái tên Thành phố Sư Tử. Tên gọi này bắt nguồn từ một vị hoàng tử tên là Sang Nila Utama. Theo truyền thuyết, vị hoàng tử này nhìn thấy một con sư tử là sinh vật sống đầu tiên trên hòn đảo và do đó đặt tên cho hòn đảo là Thành phố Sư tử (Singapura).
Khác với các địa danh khác ở xứ nhiệt đới gắn liền với nền văn minh lúa nước, đất nước Singapore gần như không có đất nông nghiệp. Không ruộng vườn, không trồng lúa, không chăn nuôi, mọi thứ liên quan đến nông nghiệp, Singapore đều phải nhập từ nước ngoài. Không những thế thứ tưởng như trời cho là nước ngọt, Singarpore cũng phải nhập từ nước láng giềng Malaysia.
Trong chuyến đi tham quan thành phố ngồi trên cáp treo từ đảo chính sang một hòn đảo nhỏ bên cạnh, ngắm nhìn từ trên cao, chúng tôi mới có dịp quan sát toàn cảnh Singapore. Đó là một đô thị khổng lồ được phát triển khá cân đối không chỉ ở đảo chính mà cả các đảo nhỏ lân cận. Không chỉ có sân bay, bến cảng, tàu điện ngầm mà còn có cả hàng trăm tòa nhà chọc trời. Phần lớn trong số đó là cao hơn 50 tầng.
Trong lịch trình chuyến công tác Đoàn chúng tôi được tham quan hai Trường Đại học công lập nổi tiếng của Singapore đó là Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Nam Dương (NTU).
Khi tới thăm quan NUS, đoàn công tác của ĐHQG.HCM đã đến thăm Khoa Y- Dược thuộc NUS, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi đó là không gian của NUS quá rộng lớn với nhiều toà nhà cao tầng nằm trên những quả đồi uốn lượn được phủ bởi những hàng cây xanh cổ thụ và những thảm cỏ xanh rì được trồng và chăm chút của con người; Nhà ăn của sinh viên được thiết kế khang trang sạch sẽ, được chia làm nhiều ngăn riêng biệt, mỗi ngăn có một người chủ khác nhau bán đủ các loại thức ăn, mỗi bữa ăn trung bình của một sinh viên khoảng 3 đến 4 đô la Singapore (tương đương 40 đến 50 ngàn VNĐ).
Trò chuyện với hai lưu học sinh người Việt Nam đang theo học tại NUS, chúng tôi đã hiểu thêm về công tác đào tạo đại học của nước bạn, thực ra việc tổ chức đào tạo của bạn không khác gì so với chúng ta. Ở đây họ đã áp dụng đào tạo theo hệ thống tín chỉ từ lâu; nhưng cách làm có thể khác ta một số điểm như: về đội ngũ trợ giảng, mỗi lớp môn học của bạn thường tổ chức 50 đến 100 sinh viên, giảng viên dạy môn học là các giáo sư người Singapre và một số giáo sư đến từ các nước khác, tùy theo tính chất môn học mỗi giáo sư đứng lớp có thể mời thêm một số giảng viên khác, hoặc một số học viên đang theo học cao học, thậm chí cả các sinh viên năm cuối làm trợ giảng cho họ, sinh viên trao đổi thông tin với giáo sư và các trợ giảng thông qua forum của họ. Tôn trọng người học các giáo sư gửi kết quả riêng cho từng sinh viên… Sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp sau khi hoàn thành số tín chỉ của chương trình học tại trường, họ có quyền đăng ký ở lại thêm 01 học kỳ để học bổ túc thêm một số môn, hoặc học lại một số môn điểm thấp để lấy điểm cao và sẽ được nhận bằng Cử nhân danh dự. Việc tuyển sinh Sau Đại học của NUS cũng không căng thẳng lắm, chủ yếu theo hình thức xét tuyển trên cơ sở thông qua một số quy định của Trường/ Khoa, ngay như sinh viên năm cuối có nhu cầu học lên Sau Đại học cũng được NUS tạo điều kiện cho đăng ký khi thoả các tiêu chí của NUS đưa ra. Sinh viên đóng học phí trọn gói theo từng học kỳ (mỗi kỳ khoảng 7.000 - 8.000 đô la Singapore) bao gồm các khoản tiền sinh viên phải trả như học phí, dịch vụ đi lại trong trường, thư viện, các hoạt động ngoại khóa…việc học thể dục của sinh viên cũng khác ở ta nhiều đó là sinh viên có thể tự chọn các môn học tùy theo khả năng và sở thích của mỗi cá nhân…
Chúng tôi thật sự ngạc nhiên với các bạn sinh viên của họ mới học năm thứ 2 thôi mà các bạn đã rành rọt quy chế về đào tạo khi họ trả lời thắc mắc của đoàn công tác, vì sao họ lại rành quy chế đào tạo? Tìm hiểu kỹ hơn chúng tôi được biết việc tổ chức công tác cố vấn học tập của NUS rất quy củ, ngoài các giáo sư cố vấn học tập chính, mỗi sinh viên năm cuối được làm cố vấn học tập cho một hoặc hai nhóm (khoảng 5-6 sinh viên) khóa sau…
Đến thăm Tòa nhà điều hành của NUS, chúng tôi đã được xem những bức tranh vẽ bằng sơn mài các vị nguyên là Hiệu trưởng của NUS lộng lẫy và uy nghi; các tòa nhà của NUS thường được mang tên những người có công đóng góp xây dựng NUS, tỷ như hai cánh Tòa nhà điều hành được mang tên hai vị có công lao đóng góp tiền của xây dựng NUS...
Ký túc xá của NUS nằm dựa theo địa thế sẵn có của những quả đồi và mỗi khu ký túc xá được đặt tên của những người đã góp công sức tiền của để xây dựng NUS, tìm mãi chúng tôi mới thấy một tòa nhà thư viên Khoa Quản trị kinh doanh của NUS mang tên ông Hon Sui Sen nhằm tưởng niệm ông vì đã có công xây dựng đất nước Singapore, tìm hiểu kỹ mới hiểu vì sao khi xây dựng nhà cửa người Singapore luôn tính đến phong thủy….rời NUS để tới thăm quan Trường ĐH khoa học công nghệ Nam Dương (NTU).
Khi đến thăm Khoa Cơ khí chế tạo - Kỹ thuật hàng không của NTU, tiếp đoàn là GS Chan, trưởng khoa, tại đây chúng tôi được giáo sư giới thiệu chi tiết về lịch sử hình thành và phát triển của NTU cũng như sự hình thành và phát triển của Khoa. Chúng tôi được dẫn tới tham quan phòng thực hành máy và thiết bị của Khoa, do hôm đó là ngày nghỉ mà vẫn thấy các nghiên cứu sinh đến từ khắp nơi trên thế giới đang ngồi miệt mài trên các bàn làm việc... Tại phòng thí nghiệm trung tâm của Khoa, cảnh tượng làm chúng tôi bất ngờ đó là mô hình chiếc phi cơ chiến đấu, phòng mô phỏng lái máy bay, các dụng cụ thiết bị bay…tôi tính nhẩm để có được phòng thí nghiệm như này thì mất cả triệu đô, khi hỏi tiền đâu ra mà làm phòng thí nhiệm như thế này được cô Thư ký khoa trả lời "Tiền do chính phủ đầu tư là chính"; thế cựu sinh viên có đóng góp gì không? Tôi hỏi, "Có chứ, nhưng tương đối thôi".
Trên chuyến máy bay đáp trở về thành phố Hồ Chí Minh, một lần nữa nhìn lại đất nước đảo quốc sư tử qua cửa sổ máy bay, Đoàn công tác chúng tôi thầm mong có một ngày nào đấy được quay trở lại đất nước này để được tham quan và học hỏi kinh nghiệm về giáo dục đại học của bạn.
Tp.Hồ Chí Minh , 02/01/09
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý