Nhận diện người đọc hôm nay
Nói gì thì nói, chắc chắn còn phải rất lâu nước ta mới trở nên một xứ sẵn giấy, nhiều nhà in và có đội ngũ làm sách lành nghề, chưa nói đến chuyện đưa ra trình làng sách hay, sách lạ, sách có thể xuất đi thế giới hãy tính tổng số đầu cuốn, tổng số bản in nhất là ấn bản tính theo đầu người, sự thua kém so với thiên hạ kể đã rõ ràng. Ấy vậy mà không hiểu sao sách đã thừa, đang thừa, ngổn ngang ê hề ở các sạp các tiệm. Ở đây có chuyện của người làm sách, đấy là yếu tố thứ nhất, cố nhiên. Nhưng còn về phía người tiêu thụ sách, thực trạng ra sao?
Từ người được cung cấp đầy ảo tưởng...
Để hình dung về văn hóa, từ lâu, còn có một cách nói khác, tuy cũng không mấy văn vẻ, song tiện dụng và được mọi người công nhận, ấy là xem văn hóa như một ngành cung cấp thức ăn tinh thần cho xã hội. Và sự cung cấp mấy chục năm thời bao cấp là một quy trình tự cấp tự túc có sao phục vụ vậy, "cây nhà lá vườn" loanh quanh các món cũ, tà tà mà làm, được cái mùa nào thức nấy không có hàng rởm, cũng như cam đoan không chạy theo các thứ mốt giả tạo. Điều này cũng đúng với việc làm sách mà chúng ta đang nói. Trong thời ấy, sách có một vai trò nổi bật. Nó được xem như một món ăn tuyệt hảo, đôi khi phải nói như là xảy ra tình trạng sùng bái sách nữa. Với sự sùng bái ấy "nhà nhà đọc sách, người người đọc sách". Săn lùng sách, thu góp sách ra để khoe với nhau, và tin tưởng ở những phép màu mà sách đem lại - những háo hức như thế một thời được mọi người chia sẻ và thông cảm. Và những người nghĩ rằng từ xưa vẫn thế, mãi mãi từ nay về sau còn thế, mãi mãi những người làm sách đóng vai trò một thứ siêu quyền lực ban phát kiến thức và niềm vui cho đám chúng sinh mê sách.
Đến người mua hàng thực dụng
Trong số những hụt hẫng, mà nền kinh tế thị trường lâu nay bày ra trước cuộc sống, khu vực văn hóa chịu hậu quả hơi muộn, nhưng không phải vì thế mà không lãnh đủ. Nhìn vào quá trình tiêu thụ sách, sau sự bột phát buổi đầu, càng ngày người ta càng nhận ra một sự thực là sách không còn nghễu nghện đóng vai trò sang trọng như hồi trước.
Đặt bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, sách hiện ra như một cái gì tẻ nhạt. Trong khi niềm vui của người ta ngày mỗi một đa dạng hơn và chắc chắn cũng thông tục hơn thì niềm vui do sách mang lại đơn điệu và cũ cũ thế nào ấy.
Thế còn khả năng tuyệt vời của sách mà một hồi người ta mô tả như một thứ thuốc thần diệu "bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ"? Cái đó vẫn có nhưng giờ đây được hiểu lại. Kiến thức, tư tưởng, tình cảm, nói chung cái hay cái đẹp trong sách là thứ khó tiêu hóa và chắc chắn phải mất công mà cũng chưa chắc ai cũng tiêu được, giờ đây người ta nghĩ vậy. Mà đấy còn là cách nghĩ của loại người gọi là "cổ điển", làm gì cũng chần chừ và nói chung rụt rè ít tham vọng. Những người khác, hiện đại hơn (với nghĩa băm bổ hơn, quay cuồng lao vào kiếm sống hơn) nói toẹt ra thế này: "Đấy, theo dõi bút nghiên mãi có ăn nhằm gì đâu, thôi làm cái mẹt ra chợ vậy". Với họ từ nay, chỉ có loại sách nào giúp cho việc kiếm tiền, hoặc chí ít, góp vui có tác dụng giải trí chút ít, trước và sau những cuộc kiếm tiền, mới được hâm mộ. Tóm lại, sự khủng hoảng của sách (nghiêm chỉnh) chẳng qua chỉ là một phần của sự khủng hoảng văn hóa. Ngán văn hóa nói chung, người ta sinh ra ngán sách, có gì là lạ.
Trong số những lý do làm nên sự thiêng liêng của sách hôm qua có một điểm nhỏ, nhưng cũng nên nhắc tới: hồi ấy sách đứng ngoài khu vực đồng tiền có thể khống chế. Có những cuốn sách nhãng ra không mua, sau không sao mua lại nổi. Của tự nhiên mà! Tuột là hỏng! Nay quy trình cung cấp sách được hiểu khác. Sách ra theo lối hàng loạt. Dù có cao thấp đến mấy cũng vẫn là hàng hóa, có nhu cầu ắt có người cung ứng, nhu cầu lớn bao nhiêu rồi cũng thỏa mãn được. Hóa ra, nhiều sự ham muốn về sách của người ta hôm qua là giả tạo. Chạm đến đồng tiền nó xẹp hẳn.
Đói no phân biệt
Nói một cách khái quát thì đại khái người đọc, người tiêu thụ sách hôm qua là những người đói. Mỗi khi nghĩ tới sách họ thường xuyên mang tâm lý của kẻ lúc nào cũng khao khát, cũng thèm thuồng và tin rằng không bao giờ mình được thỏa mãn? Luôn luôn họ phải lo liệu tìm kiếm, kể cả vơ vét, nhặt nhạnh, rồi còn phải phòng xa, dự trữ đủ thứ. Sự tấp nập trong việc truy lùng sách hôm qua, sở dĩ kéo dài, lý do là ở chỗ ấy.
Người tiêu thụ sách (= người đọc) hôm nay, cũng như người mua hàng nói chung, trở thành ông chủ, trở thành thượng đế đối với người sản xuất, ở đây là sản xuất sách: Về mặt ứng xử, thái độ của họ - ý chúng tôi muốn nói tới một thứ bạn đọc trung bình chứ không phải những độc giả chọn lọc - là thái độ của người được chiều, lúc nào cũng no, mà thức ăn bày ra trông đến hoa cả mắt, nên tha hồ ỏe họe, món này chỉ động đũa một tí rồi bỏ, món kia thì chê nhạt nhẽo ôi oai. Trong khi nghề làm sách đã trở thành quy trình công nghệ đủ sức sản xuất hàng loạt thì "độ dày tiêu thụ” và cả túi tiền của người mua sách không kịp nở ra theo, mà vẫn bé nhỏ như cũ. So với những cơn đói triền miên hôm qua, thứ bệnh "ứ ách" hôm nay có vẻ quý phái hơn, nhưng bảo rằng dễ chữa hơn thì... chưa chắc.
Những hệ lụy xa xưa
Lâu nay, khi nói về người tiêu thụ văn hóa ở nước ta, có hai điểm mạnh, thường vẫn được coi là đương nhiên:
Một là, khả năng tiếp nhận của họ, lớp công chúng ấy, gần như vô tận, văn hóa phẩm nói chung, sách nói riêng ra bao nhiêu cũng là không đủ.
Hai là sự sáng suốt của công chúng trong việc lựa chọn, ở họ thường xuyên có con mắt xanh thông cảm, họ biết gạn đục khơi trong, họ không ngại đọc những sách khó, miễn là có sách hay sách tốt. Không dễ gì mà chiều nịnh họ, đánh lừa họ.
Ngày nay thì cả hai ưu thế đó có vẻ giống như những giả tưởng mà người ta gán cho công chúng, hơn là đức tính có thật. Chân dung người đọc sách hôm nay, đáng lẽ đấy là điều các nhà xã hội học phải sớm phác họa, để chúng ta có dịp đối diện với hình ảnh của chính mình mà có sự đánh giá thích hợp. Trong khi chờ đợi một sự nghiên cứu khoa học và xác đáng, mọi người đành sống bằng cảm giác, bằng đoán định vậy: chẳng hạn với những người làm sách báo gồm từ các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà khoa học viết sách phổ biến, và trước tiên, các "đạo diễn", là giới xuất bản, kể cả những người bỏ tiền ra in sách, thì trong những điều mà lúc này họ thường xuyên nói với nhau trước tiên là sức mua có chiều hướng giảm sút. Số lượng bản in cho các đầu cuốn, từ năm nọ qua năm kia, cứ tụt đều đều. Năm ngoái năm kia, tiểu thuyết khá khá còn dám cho in 2000 - 3000 bản, năm nay đã lùi xuống loanh quanh bên con số 1000. Với giới phát hành, sách mỗi ngày mỗi khó bán hơn, những cú làm ăn tưng bừng hình như ngày càng hiếm hoi so với vài năm trước. Một điều đáng kể nữa, mà chỉ những người thật tâm huyết với nghề mới để ý và đau xót, ấy là tình trạng nhiều người mua sách bị đánh lừa, bị qua mặt dễ dàng, một số cuốn sách ai cũng biết là nhảm nhí, dễ dãi, chỉ làm bìa lòe loẹt một tí lại bán trót lọt, trong khi sách hay sách tốt, sách địch kỹ, viết kỹ, biên tập kỹ thì nằm yên không nhúc nhích trên giá. Nói người đọc ở ta chỉ có một dạ dày tiêu thụ quá nhỏ, còn là đơn giản. Trong nhiều trường hợp, khi cần chọn thức ăn hình như họ còn nhầm lẫn lung tung, thật giả không phân biệt, tốt xấu không rành, song lại nghi ngờ mọi sự hướng dẫn, chỉ chăm chăm đi tìm các thứ của hiếm của lạ, để rồi nhiều khi ăn vào bao nhiêu lại tống ra bấy nhiêu, hoặc rước bệnh vào mình, mà không hay biết. Họ, lớp công chúng ấy, trở thành một thứ con mồi lý tưởng cho loại lái buôn làm sách thương mại bất chấp văn hóa.
Vậy là người đọc cũng đang phân hóa? Còn nghi ngờ gì nữa? Và trong cái hội hóa trang vừa náo nhiệt, vừa nhếch nhác của sách hôm nay, cả người làm sách lẫn người đọc đều có lúc đóng những vai không lấy gì làm hay ho lắm? Sự thực là thế, lấp liếm che đậy làm sao nổi! ở đây chỉ cần nói thêm một điều rằng: Nếu như những nhận xét trên là đúng thì chúng - các vấn đề về người đọc - phải được coi là những căn bệnh kéo dài từ lâu. Văn hóa luôn luôn là chuyện của thời gian - người ta lại phải nhắc nhau điều đó để thấy những tai biến hôm nay, suy cho cùng, chắc là do những khâu nào đó của văn hóa đã bị làm hỏng từ nhiều năm trước, và chắc chắn còn phải tốn nhiều công sức, rồi ra chúng ta mới mong hình thành được một lớp bạn đọc chân chính.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015