“Nhân loại bắt đầu có khuynh hướng… chậm lại”
Rạng sáng ngày 16/12/2020, qua một người bạn, tôi biết tin nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt đã qua đời sau một cơn đột quỵ. Một cơn choáng váng ập đến; bởi, đúng một tháng trước, tôi vừa có cuộc nói chuyện với ông về chủ đề số báo Xuân Phụ nữ 2021: “Sống”.
“Ông ấy ghê gớm lắm” – tôi vẫn nghe cánh đồng nghiệp kháo nhau như vậy. Kiểu “ghê gớm” của một trí thức tầm cỡ, không từ chối bất cứ câu hỏi nào từ nhà báo; từ kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, văn hóa… đến những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt đang nóng trên mạng; mà câu trả lời nào cũng được ôngbàn đến tận cùng, thậm chí, đến“mạnh miệng”. Kiểu “ghê gớm” của một cá tính sẵn sàng đối thoại, để đưa ra được một kiến giải nào đó.
Còn nhớ hôm đó, khi tôi đặt hai sự kiện: COVID-19, lũ lụt và sạt lở ở miền Trung ở cạnh nhau, xoay quanh câu chuyện sự sống; ông đã liên tục đưa ra “phản đề” “rất Nguyễn Trần Bạt”.Tôi không biết đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông. Bài phỏng vấn, vô tình, trở thành lời tạm biệt ông - một người cả đời làm công việc đối thoại với thời cuộc, một người ham sống, quý trọng sự sống mà tôi biết. Bản thân sự ra đi của ông, vì thế, trở thành một thông điệp mạnh mẽ về sự sống.
Đất nước chúng ta nằm trên vách núi
* Phóng viên: Từ cuối năm 2019 đến năm 2020, có hai câu chuyện ảnh hưởng khá sâu sắc trong đời sống xã hội, là đại dịch COVID-19 và lũ lụt và sạt lở ở miền Trung. Dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì các sự kiện cũng đều xoay quanh phạm trù “sự sống” của con người. Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, ông có suy nghĩ gì khi đi qua một năm như vậy?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: COVID-19 là vấn đề của sự phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa, khi phát triển một cách không chừng mực, con người có thể vô tình tạo ra môi trường lây bệnh và tạo ra bệnh.
Câu chuyện thiên tai sâu sắc hơn nhiều. Rất nhiều lợi ích bắt đầu từ việc khai thác thiên nhiên, liên quan đến trách nhiệm quản lý. Tôi là người miền Trung, tôi lo lắng cho cả dải miền Trung Việt Nam trong một tương lai vừa bão lũ, vừa ngập lụt, vừa hạn hán, vừa sạt lở. Có nhiều việc mà tính hám lợi của con người đã hoàn thiện quy trình công nghệ làm thay đổi, thậm chí làm biến dạng các điều kiện sống ở dải đất này.
Chúng ta không dễ thoát khỏi hiện tượng COVID-19, nhưng vẫn có thể thoát được. Nhưng vấn đề ở miền Trung là vấn đề rất khó. Chúng ta còn mải mê cãi nhau xem ai đúng ai sai quanh cái hiện tượng mà ai cũng trông thấy. Làm mất sự cân bằng trên quy mô quốc gia, chúng ta xử lý hậu quả này bằng cách nào. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý không nên tranh cãi với nhau nữa, mà cần xem xét kỹ hậu quả gây ra bởi các yếu tố tham gia vào quá trình “cạo trọc” điều kiện sống ở các tỉnh miền Trung, và nghiên cứu cách thoát ra khỏi tình trạng ấy.
* Ông có bi quan quá không, khi nói về một tương lai không mấy sáng sủa của miền Trung Việt Nam như vậy?
- Nếu để ý, sẽ thấy đất nước của chúng ta nằm trên vách núi. Là quốc gia hình thành trên vách núi, thậm chí hiểu theo nghĩa rộng thì đồng bằng sông Cửu Long cũng nằm dưới chân vách núi. Vì thế, Việt Nam hứng chịu nhiều loại hình tai họa phân bố trên các vùng địa lý rất đặc trưng, như khu vực miền Trung có độ dốc lớn hay các vùng trũng như Đồng Tháp Mười và đồng bằng Sông Hồng.
Từng là kỹ sư công binh của Bộ Tư lệnh 559, tham gia làm đường Hồ Chí Minh kể cả giai đoạn trước chiến tranh và sau chiến tranh, tôi hiểu rằng người Pháp trước đây không làm đường một ở trên cao là vì họ lo nó phá vỡ sự cân bằng của tự nhiên. Trường Sơn là dãy núi trẻ, đất bazan là loại đất của quá trình tạo sơn trẻ. Ở đó, tất cả các vách núi đều không ổn định, hay đều ở trạng thái cân bằng phiếm định của tự nhiên.
Vì thế, đã đến lúc các nhà lãnh đạo phải nhận ra rằng, muốn khai thác thiên nhiên vì những lợi ích cụ thể thì phải có được một tầm nhìn đủ để hình dung ra tai họa. Chúng ta hay lập những kế hoạch 30-50 năm, nhưng chúng ta nên nhớ đối với các tai họa, 30 năm hay 50 năm không phải là thời hạn. Tất cả các công trình thiết kế đều phải tính toán đến độ an toàn. Thí dụ, công trình có thể chịu đựng động đất đến cấp mấy và trong vòng bao nhiêu năm.
Con người hay đánh đu theo các thành tựu
* Nhưng con người thì hay “đánh đu” theo các thành tựu và xem đó là một chỉ số của sự phát triển?
- Đúng vậy. Nhà thì phải thật cao, đập thì phải thật to, và họ treo lơ lửng những tai họa trên đầu con người mà không biết. Cho nên, khi con người muốn làm những việc quá sức, những việc tiệm cận tai họa, bắt buộc phải có tầm nhìn khoa học và tầm nhìn triết học. Phải có tính toán, thống kê rõ ràng, đầy đủ về độ an toàn của công trình. Thí dụ, không nên xây dựng các đô thị quá lớn, có khả năng tập hợp con người đến gần tai họa; hay những siêu thị khổng lồ - nơi tập hợp con người lại để quá trình gieo bệnh thuận lợi hơn. Hoặc khi xây dựng các công trình ở đồng bằng, chúng ta phải nghiên cứu để tránh khả năng lụt lội. Khi xây dựng công trình ở trung du, chúng ta phải tính toán để tránh khả năng sạt lở. Tóm lại, con người buộc phải có kinh nghiệm, có cơ sở học vấn, và phải có tầm nhìn triết học để không phạm phải sai lầm trong những thời điểm khác nhau.
* Xin hỏi nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, động lực để Việt Nam bước qua “khủng hoảng” là gì?
- Là ham sống sợ chết. Có người không thích cụm từ này. Nhưng có lẽ người ta không để ý rằng, ham sống sợ chết là bản năng quan trọng nhất của nhân loại, chỉ có điều người ta xấu hổ nên ít khi công khai nói về nó. Khái niệm đó thường bị khai thác ở khía cạnh chính trị, làm cho nó bị nhìn nhận như một lỗi chính trị chứ không được nhìn nhận như là bản năng đặc trưng của con người.
Đó là bản năng triết học của con người. Con người mà không ham sống thì làm gì có loài người. Ham sống thì gắn liền với sợ chết. Con người mà ù lì, không biết sợ là gì, thì làm thế nào quản lý được. Con người không được quản lý thì không thể có những hành động mang chất lượng người. Tôi không nói khái niệm ham sống sợ chết với nghĩa là khuyết tật chính trị, mà nói với tư cách một bản năng sống.
* Nhưng “ham sống sợ chết” của mỗi cá thể thì có liên quan gì tới động lực thoát khỏi khủng hoảng của mỗi quốc gia hiện nay, thưa ông?
- Con người không ham sống là con người không yêu cuộc sống nữa. Mà không yêu cuộc sống nữa thì làm sao vun xới cho cuộc sống được. Tất cả các quá trình tưới cây, trồng cây là biểu hiện của tình yêu cuộc sống. Mất đi động lực cơ bản là ham sống, thì đồng thời cũng mất luôn nhu cầu vun xới cho cuộc sống. Cho nên, ham sống là động lực cơ bản loài người. Con người không xem ham sống là một năng lực thì không phát triển cuộc sống được.
Năm nay tôi 75 tuổi, tôi rất yêu công ty của tôi. Tuy rằng công ty của tôi không đem lại nhiều tiền cho tôi đến mức tôi có thể trở thành đại gia, nhưng nó đem lại cho tôi sự thông thái mà có những đại gia không thể có. Khi tôi ham sống thì tôi luôn muốn kiến tạo các yếu tố để sống. Không có yếu tố để sống nào được kiến tạo một cách có ý thức mà lại chỉ dành riêng cho một người. Đó là kinh nghiệm quan trọng nhất của loài người về sự sống.
Ham sống có đi cùng nỗi sợ. Sợ chết, sợ rủi ro, sợ mất mát. Tại sao chúng ta phải xấu hổ trước thực tế là mình sợ chết? Sợ chết là một năng lực của con người chứ không phải nhược điểm. Nếu sợ chết là nhược điểm thì con người lấy đâu ra động lực để bảo vệ sự sống?
Khi ý thức được một cách sâu sắc điều này, từng cá thể người mới mới muốn làm một điều gì đó để bảo vệ cái điều kiện sống của chính mình và những người xung quanh mình.
Sống nhanh là một nguy cơ
* Một năm con Chuột không hề bình yên sắp khép lại; nhưng dư âm của nó vẫn còn đó với nhiều thử thách đón đợi ở năm con Trâu… Ông có một dự đoán gì cho năm 2021?
- Năm 2021 chúng ta dần dần ra khỏi COVID-19. Đầu năm 2021, nhiều loại vắc-xin COVID-19 sẽ dần dần được lưu thông trên thị trường. Con người làm chủ các rủi ro liên quan tới sinh mạng của mình thì con người tự tin hơn, do đó kinh tế sẽ quay trở lại tốc độ phát triển của nó. Điều tôi lo là tốc độ phát triển năm 2021 có điều chỉnh kịp so với kinh nghiệm được rút ra từ dịch bệnh, thiên tai, hay các tai họa khác hay không? Thế giới đã bắt đầu có những lời kêu gọi sống chậm lại.
* Khi nhiều người kêu gọi “sống gấp”, để bù vào cái “lỗ thủng” thặng dư sau một thời gian dài kiệt quệ vì dịch bệnh, bão lũ, ông lại cung cấp một “từ khóa” khác để “giải độc” nền kinh tế - xã hội Việt Nam: sống chậm…
- Tôi nghĩ sống nhanh là một nguy cơ. Giống như đi xe máy, ô-tô hay thậm chí đi xe đạp mà nhanh quá đều có thể gặp nguy hiểm. Tương tự, một đất nước mà đi nhanh quá thì không còn đủ sáng suốt. Cái gì nhanh quá là cũng không sáng suốt.
Trên kênh Discovery có phim nói về con rùa. Người ta dùng con rùa như là mô hình để mô tả các đòi hỏi sinh thái bây giờ. Bởi vì trong tất cả ưu điểm của con rùa có sự chậm rãi. Nhân loại đã bắt đầu có khuynh hướng muốn sống chậm lại. Chậm lại là nhu cầu của sự phát triển, là sự chín chắn của sự phát triển.
Nhưng con người lại phát triển theo bản năng, liệu trí tuệ con người có đủ mạnh để làm nó chậm lại so với động lực bản năng của nó không? Con người ham sống thì nó chạy nhanh về phía trước mà sợ chết thì nó lùi nhanh về phía sau. Ham sống sợ chết cũng có mặt tiêu cực của nó là con người có thể tiến nhanh và lùi cũng nhanh. Lùi mà không suy nghĩ thì rủi ro, tiến mà không suy nghĩ cũng rủi ro. Vậy cái gì là cái vừa phải? Đó là điều nhân loại luôn phải đi tìm. Mỗi một con người đều phải tìm một tốc độ sống hợp lý để tự bảo vệ mình. Tương tự, mỗi một đất nước cũng phải tìm một tốc độ phát triển hợp lý để bảo vệ mình.
* Cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)