Viết – sống – và bình an

Đại học Sư phạm Hà Nội
02:25 CH @ Thứ Năm - 24 Tháng Mười, 2019

1. Trong Tây du kí của Ngô Thừa Ân có kể chuyện Ngộ Không – Trư Bát Giới – Sa Tăng ăn trộm quả nhân sâm trong vườn của Chấn Nguyên đại tiên. Chia chác thì đều: mỗi người mỗi quả. Nhưng cách hưởng thụ thì có khác. Bát Giới vì phàm ăn nên nuốt chửng vì thế mà không biết mùi vị quả nhân sâm thế nào. Nhìn bọn Ngộ Không, Sa Tăng ăn mà phát thèm, lại đến kì kèo xin ăn. Xảy ra cãi nhau và vì thế chuyện trộm nhân sâm mới bị bại lộ. Đọc truyện, không khỏi tủm tỉm trước thói háu ăn kì lạ của họ Trư. Nhưng, ngẫm kĩ, thì thấy chúng ta, không ít lần đã hành xử không khác bao nhiêu với họ Trư: chúng ta “nuốt chửng” cuộc đời của mình mà chưa kịp hiểu gì về mùi vị của nó. Nếu hình dung cuộc đời là một bữa tiệc, thì phần lớn chúng ta là những thực khách mải mốt chạy từ thực đơn này sang thực đơn khác (không hiếm khi là rất hoành tráng) mà chẳng khi nào biết đến nơi đến chốn một món ăn nào. Đời là thế, tất tả tháng ngày. Nếu không Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không thể tự đắc đến thế về cái nhàn của mình: “Nhất nhật nhân nhàn, nhất nhật tiên”. Con người hiện đại, sống trong một xã hội nhanh (fast society) và vì thế họ cũng tiêu hóa cuộc đời của mình một cách hăm hở và vội vã.

Trong văn cảnh ấy, viết là một phương cách để chúng ta sống chậm lại và vì thế kĩ lưỡng hơn trong những cảm nhận về hương vị của cuộc đời. Hãy biết yêu những nét chữ nguệch ngoạc, những nhát “mổ cò” trên bàn phím! Hãy hình dung đó là những bậc thang để dẫn chúng ta vào trong thế giới nội tâm của chính mình.

2. Khác với nói. Lời nói gió bay. Viết làm cho những suy nghĩ hiện lên và đọng lại trong một hình hài, một tồn tại vật chất.

Thành hình hài là một tồn tại đòi hỏi những phẩm tính đặc biệt:

Thứ nhất, một hình hài bao giờ cũng là một đòi hỏi ráo riết về một nội dung, về một giá trị. Cái nhợt nhạt, xoàng xĩnh không đủ tự tin để tồn tại trong một hình hài. Tôi nhớ, khi còn là sinh viên, PGS Đặng Anh Đào có một nhận xét thú vị: một nhà văn, dù bất tài, luôn nghĩ mình là một Balzac, một Hugo nếu không anh ta sẽ không đủ can đảm để viết ra dù chỉ một chữ.

Thứ hai, với văn tự, dù được lưu giữ bằng những vật liệu có thể hư hoại nhưng đời sống của văn bản không phải là một tồn tại phù du. Những con chữ luôn mang trong nó một phần ánh sáng của sự vĩnh cửu ngay cả khi viết có thể là “một trò chơi vô tăm tích”.

Vậy nên, sự tồn tại dưới dạng thức hình hài của mỗi con chữ bắt chúng ta phải cẩn trọng với những gì mình viết ra và vì thế là một điều kiện để chúng ta sống sâu sắc hơn, ráo riết hơn. Với viết, những gì vuột qua thì giờ đây sẽ lắng lại, những gì còn mờ khuất sẽ trở nên đậm nét, những ấp úng mơ hồ sẽ được ngân lên.

3. Những suy nghĩ tình cảm của chúng ta, theo một nghĩa nào đó, là một sinh thể (being) đích thực. Nó đòi hỏi được khai sinh, được cất tiếng. Được tồn tại dưới ánh mặt trời. Những suy nghĩ khi chưa được “khai sinh” không ngủ yên. Chúng đi lại, thầm thì. Chúng tổ chức những “hội nghị” và tranh cãi huyên náo. Chúng khẳng định sự tồn tại của mình một cách phóng túng bất chấp mọi thời gian biểu.

Ta hiểu vì sao, kế thừa truyền thống tự thú (confession) của châu Âu thiên chúa giáo, phương pháp trị liệu tâm lí của Freud đặt cơ sở trên sự yêu cầu người bệnh phải nói ra. Như một giải thoát. Như một đối mặt để vượt qua.

Ở phương Đông, sớm hơn Freud rất nhiều, Đức Phật chọn con đường khác: buông xả những suy nghĩ. Không buồn lo, vô tư, vô lự. Làm được điều này thì không cần ngôn ngữ nữa. Vậy nên đắc đạo thì vô ngôn. Điều này, theo tôi, là một phản chứng cho thấy giữa những suy nghĩ của con người và ngôn ngữ luôn có một quan hệ mật thiết. Nhưng đắc đạo là một ân sủng từ trong vô lượng kiếp. Không thể cầu mà được.

Viết, với một người bình thường, vì thế, là một buông xả. Để giải thoát cho ngọn lửa trong nội tâm. Viết còn là một tu tập. Để vun đắp cho những tín niệm.

Tôi không tin ai đó có thể viết trong sự bình an. Nếu đã thực sự có bình an thì người ta đã hoàn toàn vong ngôn.

Viết là để tìm bình an!

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vì sao người Việt không có thói quen viết?

    28/05/2018Trần Văn ToànỞ châu Âu, hình như người ta viết rất nhiều. Tuyển tập in hết tập này đến tập kia, trong đó có biên khảo nghiên cứu đã đành mà thư từ, tự truyện, nhật kí, những ghi chép về sinh hoạt ... cũng đủ hết. Lí giải đó là một thói quen văn hóa thì có lẽ là khả thủ hơn là từ sự cần thiết của những lợi ích trực tiếp.
  • Viết là giải đáp

    03/07/2008Ninh HạTôi viết như một cách để thoả mãn đam mê của mình. Trong cuộc sống có rất nhiều sự việc xảy ra hàng ngày mà không có lời giải đáp. Tôi tìm thấy câu trả lời từ triết lý cuộc sống và muốn chia sẻ với mọi người, thế là tôi viết”. Đó là lời giải thích về chuyện viết lách của ông Tây Christophe Dallot, hiện đang sống tại Việt Nam
  • Đi tìm cái tôi đã mất

    26/09/2007Tuỳ bút chính trị Nguyễn Khải, 27/5/2006Sang tuổi 70, mọi hoạt động của con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người...
  • Văn viết khác văn nói

    01/01/1900Nguyễn Đình SanKhác với văn nói, văn viết mang tinh chất hành chính hoặc báo chỉ nêncách viết phải bảo đảm tính khúc chiết, trong sáng, mạch lạc, tiết kiệm ngôn từ mà giàu lượng thông tin.
  • Háo danh & viết ẩu sẽ làm hỏng nhân cách

    12/01/2007Hà ThưNăm 30 tuổi, nhà văn Tạ Duy Anh cho ra đời truyện ngắn "Bước qua lời nguyền" làm xôn xao văn giới. Cho đến nay, sau 15 nămbước qua lời nguyền ấy, Tạ Duy Anh vẫn miệt mài viết, không ngừng sáng tạo, vắt hết mình vào những con chữ, những cuộc đời của nhân vật, những trang viết đang đồng hành cùng anh...
  • Cái cần cho văn học trẻ

    08/05/2006Như HàPhải nói ngay rằng, cái cần cho văn học trẻ vừa là một khái niệm, vừa là một câu hỏi khá chung chung. Thế nhưng, tự thân mỗi người cầm bút lại hay đặt ra trong những lúc muốn nhìn lại công việc viết lách của chính mình...
  • xem toàn bộ