Không ai dạy tôi ước mơ
TS Giáp Văn Dương (Khoa Hoá, Đại học Liverpool) là cái tên khiến cho nhiều sinh viên người Việt đang theo học ở Anh luôn cảm thấy tự hào.
Trưởng thành từ... không ước mơ
Anh có thể mô tả qua công việc của mình?
Tôi nghiên cứu các loại vật liệu mới, như các hạt nano từ nhằm ứng dụng cho lĩnh vực y-sinh học, hoặc các loại vật liệu mới đa chức năng, có thể thay thế những vật liệu cũ đắt đỏ, độc hại hoặc đơn giản là để hiểu thêm một tính chất mới.
Ước mơ lớn nhất của anh hồi nhỏ là gì?
Thật xấu hổ khi phải nói là hồi nhỏ tôi không có ước mơ. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nơi đó mọi người thường chỉ chăm chú làm việc đồng áng, mùa vụ từ sáng sớm đến tối mịt mà quên mất những ước mơ. Tôi cũng vậy, như cây lúa, đến ngày đến tháng thì làm đòng, trổ bông. Hết phổ thông, tôi vào đại học.
Vậy động lực nào để một thanh niên nông thôn vượt từ tư duy "lũy tre làng" sang "tư duy toàn cầu"?
Thực sự, ban đầu là do mình tò mò. Tò mò muốn biết thế giới bên ngoài Việt Nam họ sống và làm việc thế nào. Sau đó là do nhu cầu, tôi nghĩ mình cần phải thay đổi từ tư duy Việt Nam, không phải là tư duy sau lũy tre làng, sang tư duy toàn cầu.
Muốn thành công, ít nhất cũng phải ngang bằng ở mức độ tư duy so với bên ngoài. Nếu thua ở ngay khâu tư duy, khâu lên kế hoạch, thì thất bại là chắc chắn.
Từ khi nào anh nghĩ đến chuyện đến làm việc ở một trường đại học quốc tế như Đại học Liverpool?
Từ năm 2006, sau khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo). Tôi muốn hoàn thiện thêm kỹ năng nghiên cứu, và muốn xem nghiên cứu trong các trường đại học Anh khác với các nước khác, cụ thể là Việt Nam, Hàn Quốc và Áo (những nơi tôi đã theo học và làm việc) như thế nào.
Tôi cũng muốn trực tiếp tìm hiểu thêm hệ thống giáo dục Anh, vì thời gian đào tạo ngắn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, và thu hút một lượng sinh viên quốc tế khổng lồ đến du học. Tôi quan tâm đến giáo dục, nên muốn tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác.
Tại sao hồi sinh viên anh lại chọn và theo đuổi ngành Hóa học?
Tôi chọn ngành Hóa dầu của Bách khoa vì ngày đó cả nước đang hồ hởi với dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng do việc xây dựng chậm tiến độ, nhà máy hoàn thành sau khi tôi ra trường được mười năm.
Ngần đó thời gian đủ để đưa tôi sang học và làm việc ở những ngành khác như Vật lý, Công nghệ nano, nên hiện giờ, tôi làm lĩnh vực liên ngành, chứ không chỉ thuần túy là Hóa học.
Theo anh, sự chọn ngành nghề thời đại học có ảnh hưởng đến sự thành đạt của một người không?
Ban đầu thì có, nhưng càng về sau sự ảnh hưởng càng ít. Người ta sẽ dần dần trở về với điều mình thực sự đam mê. Sự thành công suy cho cùng là kết quả của một sự phấn đấu lâu dài chứ không phải là sự lựa chọn một vài bước đi ban đầu nào đó.
Nếu đi sai những bước ban đầu, hãy dũng cảm rẽ sang đường khác, con đường mà mình mong muốn, càng sớm càng tốt.
Như anh nói ở trên, hồi nhỏ anh không có ước mơ. Vậy điều gì là quan trọng nhất để một người trẻ (như anh) có thể thành công?
Đó là phải có một nền tảng văn hóa tốt, sáng tạo, giao tiếp hiệu quả và bước đi không ngừng. Nền tảng văn hóa tốt, bao gồm cả nền tảng giáo dục, làm cho mình cảm thấy tự tin, vững vàng ở tất cả mọi nơi.
Sáng tạo là con đường đi đến thành công trong sự cạnh tranh gay gắt hiện nay. Còn giao tiếp hiệu quả và bước đi không ngừng giúp cho những kế hoạch và dự định trở thành hiện thực.
Ngoài chuyên môn, anh còn quan tâm đến lĩnh vực nào?
Giáo dục, văn hóa và chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Vì tôi cho rằng, nâng cao chất lượng giáo dục là con đường duy nhất để Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững.
Giữ vững bản sắc văn hóa là cách duy nhất để giữ cho dân tộc trường tồn, không bị đồng hóa, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa và Internet, sự xâm thực của văn hóa lạ, văn hóa ngoại lai đang trở nên báo động, đe dọa nghiêm trọng văn hóa Việt.
Còn chủ quyền biển đảo là thiêng liêng ngàn đời của cha ông truyền lại, cần phải gìn giữ.
Điều quan trọng để thành công
Anh có kinh nghiệm gì chia sẻ với các bạn sinh viên trẻ?
Hãy chọn một thứ mình thực sự đam mê, có thể chìm đắm với nó, kiên nhẫn với nó, hiểu nó thật kỹ và tìm cách đi qua những giới hạn mà người khác đã đạt được bằng sự sáng tạo và cần mẫn của chính mình.
Triết lý sống mà anh đang theo đuổi là...?
Đơn giản, hoàn hảo và đẹp ở mức cao nhất có thể. Đơn giản làm cho cuộc sống dễ chịu hơn. Ước vọng hoàn hảo làm cho người ta phải phấn đấu. Còn đẹp làm cho người ta thấy yêu và nhân ái với cuộc sống này hơn.
Nếu có một ước muốn trở thành sự thật, anh sẽ chọn điều nào trong những điều sau:
A) Đoạt giải Nobel Hóa học 2015.
B) Nhận một lời mời hấp dẫn từ Bộ GD&ĐT Việt Nam đảm trách một cương vị rất quan trọng.
C) Một giảng viên bình thường ở một trường đại học ở Việt Nam, nhưng chế độ đãi ngộ xứng đáng.
D) Một doanh nhân giàu có số 1 châu Á.
TS Giáp Văn Dương - Khoa Hóa học, Đại học Liverpool. Sinh năm 1976 tại Bắc Giang. |
Tôi không chọn điều nào cả, bởi tất cả những điều đó đều là những thứ viển vông. Hồi nhỏ, tôi không có ước mơ vì không ai dạy tôi ước mơ. Giờ thì tôi biết, nên ước mơ những điều có thể thực hiện được. Vì nếu không, sẽ phí hoài thời gian và năng lượng vào những mơ ước viển vông.
Nobel vào năm 2015 là một điều không tưởng với bất cứ người Việt Nam nào. Việt Nam cần hàng chục năm, thậm chí lâu hơn nữa, để có thể chạm tay vào giải Nobel.
Một lời mời hấp dẫn từ Bộ GD& ĐT hoặc một giảng viên bình thường nhưng chế độ đãi ngộ xứng đáng chắc chắn cũng không xảy đến trong hoàn cảnh hiện nay.
Còn doanh nhân số 1 châu Á, điều này hấp dẫn, nhưng tôi không có ý định theo đuổi con đường kinh doanh, nên nó nằm ngoài dự định của tôi.
Vậy nếu được chọn một điều gì đó, anh sẽ...?
Có thật nhiều bạn trẻ tham gia vào dự án Tri Thức Mở mà tôi sáng lập: biên dịch tài liệu các khóa học của các trường đại học hàng đầu thế giới ra tiếng Việt. Hiện tại, chúng tôi đang rất thiếu người. Hãy tham gia và chung tay cùng chúng tôi.
Điều gì khiến anh tồn tại và khẳng định bản thân?
Một nền tảng kiến thức rộng và một chuyên môn sâu. Ý tưởng mới và sự chăm chỉ đóng vai trò quyết định. Hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp, bạn bè cũng rất quan trọng.
Theo cảm nhận của anh, điều gì đáng lo ngại nhất cho thế hệ trẻ hiện giờ?
Chông chênh, đôi khi nhầm lẫn giữa các thang giá trị. Sống chậm và sống vội cùng một lúc. Thích a dua, theo đuổi những thứ phù phiếm. Đến khi ra trường vẫn chưa định hình nổi một tính cách, một khuôn mặt. Rất đáng buồn và chẳng hay ho gì khi nói ra điều đó!
Anh làm gì vào thời gian rảnh rỗi?
Thăm bảo tàng, tụ tập bạn bè, uống trà Việt, đọc sách, chơi với con… Nếu có thời gian dài hơn thì đi du lịch và thăm bạn ở những thành phố khác.
Anh có dự định gì trong tương lai gần?
Biên dịch các khóa học ra tiếng Việt và viết bài, tài liệu về một số chủ đề mà tôi yêu thích. Làm một số việc mà tôi cho rằng có ích cho Việt Nam.
Và có ý định anh sẽ về Việt Nam không?
Những việc tôi làm sẽ dẫn tôi trở lại Việt Nam. Khi tôi thấy có công việc phù hợp, có thể phát huy được khả năng của mình. Cũng có thể, tôi sẽ trở về khi cảm thấy đã đến lúc phải trở về, vì như đã nói ngay từ đầu, tôi là một người thuần Việt, nên dù đi đâu cũng vẫn hướng về Việt Nam.
Cảm ơn anh!
LÊ NGỌC SƠN (Thực hiện)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn