Tác phẩm “nóng” trong văn chương hiện thời

04:37 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Năm, 2019

LTS: Gần đây trong báo chí và văn chương, và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội rất dụng khái niệm nóng từ hot girl, hot boy đến “hàng” nóng, tiền nóng... Vậy trong văn chương, tác phẩm nóng là gì, nó phản ánh những gì của đời sống văn chương và xã hội. Rõ ràng là chưa thể có sự thống nhất trong quan niệm và nhận thức, mỗi người mỗi ý. Để tiếp cận vấn đề này, chúng tôi giới thiệu ý kiến của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội qua cuộc trao đổi với nhà báo Việt Yên.


Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng

Nhà báo Việt Yên:Gần đây trong văn giới,người sáng tác, độc giả, người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình văn học,cũng nhưcácchức trách quản lý văn hóa- văn nghệ thường hay nói đến cái gọi là “đề tài nóng” trong một số tác phẩm gây bão dư luận. Với tư cách một nhà phê bình theo sát đời sống văn chương đương đại Việt Nam, ông có suy nghĩ như thế nào về hiện tượng sáng tác này?

Bùi Việt Thắng:Về nguyên tắc/thực hành viết, văn chương chậm một/nhiều nhịp so với báo chí trong việc phản ánh những sự kiện nóng trong xã hội. Tất nhiên có thể loại phóng sự văn học, như kiểu viết của Vũ Trọng Phụng trước 1945, vẫn có thể bắt kịp nhịp/hơi thở sống thời đại. Nhưng dẫu sao thì, so với báo chí văn chương vẫn là chậm chân, đi sau, về cuối. Tác phẩm văn chương cần độ lùi thời gian, cần nghiền ngẫm đời sống, nhà văn thường là người “sống chậm”. Chậm vì cần trải nghiệm, chiêm nghiệm đời sống. Như cổ nhân nói “chậm mà chắc” (!?).

Nhưng trong thời kỹ trị, thời đại cách mạng công nghệ 4.0, thời của nhịp độ một ngày bằng hai mươi năm mà tôi tạm dùng thuật ngữ “gia tốc thời đại”, văn chương không thể chui vàotháp ngà, trùm chăn,quay lưng, mũ ni che taitrước những biến thiên nhanh nhạy, bất ngờ của hiện thực đời sống. Đặc trưng của hiện thực đời sống/con người ngày hôm nay là gia tăng tính phức tạp và chịu sự chi phối của quy luật đảo lộn, thăng giáng, thay đổi giá trị chưa từng có. Có thể nóiđây là thời của những cái bất thường, chưa từng có, thậm chí bất khả tri.

Đề tài nóng của báo chí như ô nhiễm môi trường, tham nhũng, ma túy, mại dâm, lãng phí, biển thủ, lừa đảo, giết người dã man, quấy rối tình dục, sex, cờ gian bạc bịp, lợi ích nhóm,...đồng thời cũng là đề tài của văn chương. Nhưng cách tiếp cận và sản phẩm thì hoàn toàn khác nhau. Nếu kịp thời phản ánh như báo chí, thì văn chương sẽ thực thi được tính cập nhật kịp thời, sẽ được hiện thực ưu đãi chất liệu dồi dào, tươi nguyên, “ròng ròng sự sống”, sẽ có dung môi để nhà văn nhập cuộc, dấn thân, thực thi công việc của sự viết với ý nghĩa là “người thư ký trung thành của thời đại”. Viết về đề tài nóng, ngay sau dấu vết nóng hổi của sự kiện,nhà văn sẽ được độc giả chào đón, tác phẩm sẽ bán chạy.Chắc anh còn nhớ những năm tám mươi/chín mươi thế kỷ trước đã từng có Nguyễn Mạnh Tuấn viếtĐứng trước biển, Cù lao Tràm,Triệu Xuân viếtSóng lừng,Ngô Ngọc Bội viếtÁc mộng,.. Nhưng, mặt khác,nếu áp sát thời cuộc với quyết tâm chiếm lĩnh sự thật kịp thời thì cũng có thể nhà văn sẽ quen lối “ăn xổi ở thì”, viết theo lối “thời vụ”, “mỳ ăn liền”,... Nhiệm vụ của nhà văn là phát hiện ra sự thật đời sống, nhưng sự thật ấy nhiều khi không hiển hiện tức thì trong các sự kiện có tính thời sự biên niên. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, nên nếu viết nhanh, viết thời sự nhà văn sẽ không có thời gian và điều kiện trau chuốt từ ngữ; sẽ rơi vào lối viết thông tấn báo chí. Văn chương đem lại cho con người thông tin thẩm mỹ,nhà văn là “kỹ sư tâm hồn”. Vì thế mới có điển tích văn học “thôi sao” từ bên Trung Quốc nhập về ta từ xa xưa.

Nhà báo Việt Yên:Nói nhà văn không chạy theo đề tài “nóng” nhất thời,vậy thì thái độ và hành xử của nhà văn cần thiết phải như thế nào để không bị lạc hậu với thời cuộc? Theo ông nhà văn nên viết cho kịp thời sự hay viết cho muôn đời?

Bùi Việt Thắng: Cách nay 70 năm, nhà văn Nam Cao có đề ra một phương châm “sống đã rồi hãy viết”, nó khác xa với bây giờ, đa số người cầm bút trẻ, lại thực hành trái ngược - “viết đã rồi hãy sống”. Nhà văn, theo cách diễn đạt của M. Gorki, là “tai mắt” của nhân dân,là “phong vũ biểu” đo thời cuộc. Một người bình thường có lương tri không thểbàng quantrước thời cuộc huống hồngười nghệ sỹ ngôn từ. Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh thời thường đau đáu trở đi trở lại một tư tưởng, một tâm thế sáng táclà“Nhà văn là người nặng nợ với đời, với người”. Văn chương không thể đứng ngoài chính trị, thời cuộc, lịch sử. Ngày trước cổ nhân nói “văn sử bất phân” là có cái lý, cái tình của nó. Văn chương phải tham dự đời sống, nhà văn phải dấn thân, nhập cuộc.Văn chương chân chính bao giờ cũng đồng hành cùng nhân dân, đất nước, như Xuân Diệu đã viết nồng nàn da diết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân, 1966). Những tấm gương của các thế hệ nhà văn qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã cho chúng ta bài học: khi văn chương đứng về phía nhân dân thì nó sẽ đâm chồi nảy lộc, sinh thành. Giải pháp căn cơ với nhà văn nếu thực sự có hoài bão đóng góp là rèn đúc nhiệt huyết và nghị lực sống giữa nhân quần, nâng cao trình độ chuyên môn, bồi đắp căn rễ văn hóa, tiếp biến tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại và quyết tâm “nhúng bút vào sự thật” để phát hiện chân lý. Giữa phục vụ kịp thời và dài lâu (sách lược và chiến lược) là quan hệ biện chứng. Đừng ảo tưởng viết cái gì đó để mấy trăm năm sau con cháu mới đọc. Nhà văn hãy trước hết viết cho hôm nay. Đừng ảo tưởng viết cho nhân loại 7 tỷ người đọc. Trước hết hãy viết cho 100 triệu người Việt Nam đọc. Hãy cứ làm việc tốt cho ngày hôm nay vì trong đó đã có mầm mống tương lai.

Nhà báo Việt Yên:Chúng tôi muốn biết cụ thể hơn quan điểm củaôngvề những tác phẩm được gọi là “nóng” xuất hiện gần đây trên văn đàn?Thái độ của độc giả cũng như thái độ và biện pháp củagiớichức trách quản lý văn hóa-văn nghệ trước các hiện tượng trên?

Bùi Việt Thắng: Nếu nhìn xa hơn vào thời điểm từ năm 2000 thì có lẽ phải viết hẳn một công trình về đề tài “TÁC PHẨM NÓNG” trên văn đàn Việt đương đại. Nhưng đó là công việc tổng kết khó khăn vì tính chất/độ nhạy cảm của nó. Nhưngtôi nghĩ có lẽ nó cũng đã kích thích hứng thú của người làm công tác nghiên cứu/lý luận/phê bình văn học hiện nay. Tôi cũngxin được nói rõ hơn quan điểm của riêng tôi về cái gọi là đề tài “nóng”. NÓNG cũng có ba bảy loại/đường.Có loại câu khách, bán sách, chạy theo lợi nhuận trong cơ chế thị trường (như Tiểu long nữ, Gạ tình lấy điểm của Nguyễn Huy Thiệp, Dại tìnhcủa Bùi Bình Thi, Ổ rơmcủa Trần Quốc Tiến, Sợi xíchcủa Lê Kiều Như, Điếm trai của Thủy Anna, Thân xáccủa A Sáng,...). Có loại muốn lập những biểu tượng về tha hóa quyền lực trong xã hội hiện đại (như Thời của thánh thầncủa Hoàng Minh Tường, Mối chúa của Đãng Khấu,...). Có loại kể để chia sẻ về nỗi oan khuất của con người và hành trình đi tìm công lý (như Chuyện kể năm 2000của Bùi Ngọc Tấn, Mùa khátcủa Nguyễn Việt Chiến). Có loại kể lại những vụ án lớn trong đó xuất hiện cái gọi là “mafia made in Vietnam” (như Sóng lừng của Triệu Xuân, Miền sáng tối của Dương Thanh Biểu,...). Có loại sám hối mang sắc thái cảm hoài, ân hận xót xa (như Đám cưới không có gấy giá thú của Ma Văn Kháng, Thượng đế thì cười của Nguyễn Khải, Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh,...). Có loại ám chỉ cá nhân, đay nghiến đồng loại (như Cún của NguyễnHuy Thiệp, Vết sẹo và cái đầu hói của Võ Văn Trực). Có những tác phẩm in ở nước ngoài cũng tạo “nóng” (như Tiểu thuyết Vô đềcủa Dương Thu Hương, Nguyên khí, Những mảnh rồngcủa Hoàng Minh Tường, Chuyện làng Cùa của Đặng Văn Sinh,...). Có loại dùng xưa nói nay, muốn viết lại lịch sử như Quỷ vương của Vũ Ngọc Tiến... Gần đây có một kiểunóngkhác là tái bản tác phẩm của các nhà văn sáng tác trước 1975 dưới chính thế Việt Nam Cộng hòa, thời kỳ 1954-1975 (như bộsách 5 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu,...

Trước hiện tượng trên, theo quan sát của tôi, người được hưởng lợi trước tiên là các nhà xuất bản, mà thực chấtlà nằm trong tay tư nhân điều khiển, nhà xuất bản dường như chỉ có mỗi việc... cấp/bán giấy phép (!?). Các “nhà sách” hiện đang được coi như một mô bình/ phương thức hoạt động phù hợp với cơ chế thị trường. Cũng phải nói rõ hơn có một vài nhà xuất bản như Chính trị quốc gia, Quân đội nhân dân, Giáo dục, của các trường đại học lớn là không bị chi phối bởi các “đầu nậu” sách. Độc giả thì được hưởng thú “khám phá” cái lạ, (chứ không phải cái mới). Món lạ bao giờ cũng mời gọi, kích cầu. Độc giả là Thượng đế sẵn sàng mở hầu bao một cách phóng khoáng không tính toán như khi bước vào hiệu thuốc Tây y mua thuốc chữa bệnh.“Có bệnh thì vái tứ phương” mà. Đọc loại sách “nóng”này nhiều đến một mức nào đó độc giả sẽ bị “kháng thuốc” như cách bác sỹ chẩn bệnh cho những người dùng kháng sinh không khoa học/quá liều, sẽ dẫn đến vô tác dụng. Hậu quả này ít người nghĩ vì mức độ nguy hiểm đến chậm và không rõ ràng nhận diện.


Một số đầu sách nóng thời gian qua

.

Vừa rồi nhà văn đương đại Trung Quốc Diêm Liên Khoa có đến Việt Nam và có vài cuộc giao lưu với độc giả (chủ yếu là sinh viên ngành Văn và độc giả yêu sách). Một vài trang mạng có đưa tin và đăng bài phát biểu của nhà văn đang được coi là có tác phẩm “hot” ở lục địa Trung Hoa và ra cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng tôi không thích, không tán thành cách giật tít“Văn học chỉ vĩ đại khi nhìn sâu vào bóng tối và cái ác” như là một bài luận thú vị của ông nhà văn viết bằng chữ vuông, đến từ phía Bắc. Có lẽ trang mạng này muốn “câu - viu” (!?). Một số tác phẩm của nhà văn này đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, thuộc cái gọi là sách bán chạy (best-seller). Đây cũng là cách giới xuất bản và truyền thông của ta mang/nhập khẩu cái “NÓNG” của văn chương từ ngoài biên giới vào nội địa mà đã có ai đó khó tính gọi đây là một “cuộc xâm lăng văn hóa”.

Nhà báo Việt Yên:Thưaông, liệu các tác phẩm NÓNG có ánh phản được đường đi nước bước của văn chương nước nhà hiện nay trong một khúc ngoặt lịch sử, hay là chỉ như một “cơn sốt nhẹ”, chỉ là hiện trạng nhất thời rồi sẽ qua đi nhường chỗ cho những tác phẩm được coi là tinh hoa, kinh điển mà bất kỳ nền văn chương đích thực nào cũng vươn tới?

Bùi Việt Thắng:Trong thời kỳ Cách mạng và chiến tranh giải phóng (1945- 1975), có thể nói, vẫn có tác phẩm “nóng” (kiểu như Sắp cưới của Vũ Bão, Vào đời của Hà Minh Tuân, Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương, Mở hầm của Nguyễn Dậu, Phá vây của Phù Thăng, Mạch nước ngầm của Nguyên Ngọc,...). Nhưng nhìn đại thể, ít hiện tượng “nóng”, vì nhà văn biết tiết chế khi tinh thần “dĩ công vi thượng” đang lên rất cao, lợi ích dân tộc sát sườn, cao hơn quyền lợi cá nhân. Từ sau Đổi mới (1986),văn chương mang tinh thần dân chủ, nhà văn được “khai phóng”hơn,độc giả được quyền lựa chọn rộng rãi và dễ dàng hơn trước “món ăn tinh thần” của mình. Thế giới phẳng chúng ta đang sống đòi hỏi con người phải thông minh hơn vì biết rằng “ngoài trời còn có trời”. Nghĩa là thực thể văn chương Việt hiện tại đa dạng hơn trước. Nhưng trước sau thì sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật ngôn từ,vẫn tuân thủ nguyên tắc/sứ mệnh đề cao Chân - Thiện - Mỹ. Nghệ thuật “nhân đạo hóa con người”, “là hình thức khám phá con người vi diệu nhất”,... Dĩ nhiên thời đại cũng tạo nên sự chấp thuận các nhu cầu tinh thần con người ngày càng rộng mở. Nghệ thuật có chức năng giải trí nhưng giải trí lành mạnh, giải trí để thêm sức mạnh trong sống, lao động, học tập và sáng tạo. Có nhà văn “ngây thơ” viết rằng đến như đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều chẳng qua cũng vì mục đích du hý.(Ông nhà văn này vin vào, căn cứ vào hai câu cuối “Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh”). Ngẫm kỹ thấy, đó là một cách nói/viết của bậc vĩ nhân. Chúng ta có lẽ là “hậu sinh ...khả ố”/lũ “tiểu nhân” nên không đủ sức hiểu hay cố tình hiểu sai các bậc tiền nhân,tiền bối đó thôi.

Nhà báo Việt Yên:Thú thật với ông là đến bây giờ, tôi nghĩ, chúng ta vẫn chưa chạm đến được một cách thật sâu sát khái niệm tác phẩm nóng của văn chương. Tôi nghĩ, nó nóng, biết đâu là do nó cọ xát trực diện với các chuẩn mực đã được định dạng của xã hội, của cộng đồng, đặc biệt là của giới cai quản xã hội. Sự ngược chiều nhau tạo ra nhiệt nên nó nóng, biết đâu nó chỉ đơn giản là thế.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách cấm có phải là sách hay?

    18/10/2018Diêm Liên Khoa*Thời nay, khi một số nhà văn coi viết “Sách cấm” là một vinh dự, và dân chúng coi đọc “Sách cấm” là niềm vui, thì “Sách cấm” đã dần dần đổi thay, lặng lẽ trở thành một thứ nhãn mác theo mốt thời thượng của thị trường sách. Có lẽ điều chúng ta nên đọc là tiêu chuẩn “sách cấm và sách hay”, và sự phân biệt nghiêm khắc hai loại sách ấy...
  • Ngôi đền sách cấm ở Đức

    12/09/2017T. TĐền Parthenon of Books ở Kassel (Đức) theo đúng khuôn mẫu của đền Parthenon Hy Lạp 500 năm trước công nguyên, đang trưng bày 100.000 ấn bản của những cuốn sách bị kiểm duyệt trên khắp thế giới...
  • Sách cấm

    15/10/2015Trần Ngọc ĐăngKhắp thế giới, trong từng giai đoạn lịch sử hay từng thời điểm chính trị nhất định đều có những cuốn sách bị thiêu hủy hay cấm lưu hành...