Không thể hiện đại hóa tâm trạng

12:45 CH @ Thứ Hai - 30 Tháng Mười, 2017

Bản sắc dân tộc là những mã số văn hoá ẩn tàng bền vững trong chiều sâu tâm thức một cộng đồng, chi phối tâm trạng con người trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Mất bản sắc con người trở nên khắc khoải, bơ vơ về mặt tinh thần, suy giảm năng lượng sống. Do đó, vấn đề phát triển luôn luôn phải gắn liền với vấn đề bản sắc như hình với bóng. Vì người ta có thể hiện đại hoá xã hội, hiện đại hoá hành vi và công cụ, nhưng không thể hiện đại hoá tâm trạng con người...

Bản sắc với tâm thức và tâm trạng cộng đồng

Phan Thắng:Thưa anh, có lẽ ít có một đối tượng nào, vấn đề nào và khái niệm nào mà lại được bàn nhiều, nhiều giới bàn nhưu là tính dân tộc và bản sắc dân tộc. Mỗi người, tùy vào nghề nghiệp, vị trí, trình độ…hiểu và nói theo một cách. Đó là chưa kể đến tính lịch sử của nó, co nghĩa là nay nói thế này, mai nói thế khác. Còn anh, hiện nay, anh hiểu về tính dân tộc như thế nào? Nó là cái gì? Nó được thể hiện ra trong cuộc sống như thế nào?

Đỗ Minh Tuấn- “Tính dân tộc”,”bản sắc dân tộc” là những khái niệm văn hoá học gắn liền với não trạng, cấu trúc tâm lý, tập quán tiếp nhận và phương thức bộc lộ, giao lưu, hành xử của một cộng đồng. Tính dân liên quan sâu sắc đến tâm trạng khá ổn định của một cộng đồng, chi phối những buồn vui, lo âu, hy vọng của con người như một mã số đặc trưng.

V.Alexanderrovits Mau đã đưa ra định đề khắc nghiệt: “Sang Tây-mất bản sắc. Sang Ðông mất đầu”. Bản sắc là một thực thể hay chỉ là một bóng ma hù doạ nhân loại, làm một thứ kỳ đà cản mũi sự nghiệp toàn cầu hoá? Cái này nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có vẻ có mâu thuẫn về quan niệm ngay trong một học giả. Alvin Toffler trong cuốn Làn sóng thứ ba đã từng coi bản sắc là một thứ bảo bối lạc hậu của các nước nghèo. Thế nhưng, cũng chính ông này trong cuốn Cú sốc tương lai lại cho rằng bản sắc và những nghi lễ rườm rà của các xã hội chưa phát triển là chỗ dựa, là một thứ hầm trú ẩn chống lại những cú sốc tâm lý của thời đại, tránh cho con người một sự quá tải do phải lựa chọn quá nhiều. Còn một nhà nhân chủng học Canada đã thì lại cho rằng bản sắc là một nguồn giải thoát vì nó biến hỗn độn thành trật tự và tạo cho thế giới có được ý nghĩa.

Phan Thắng:Sự ổn định của bản sắc dân tộc thể hiện ở những khía cạnh nào? Và cái gì là ổn định nhất?

Đỗ Minh Tuấn- Nói về sự ổn định của bản sắc trong đời sống một dân tộc thì rất nhiều khía cạnh, nhưng có thể thấy bản sắc chui sâu nhất vào tâm trạng, nằm lỳ lâu nhất trong tâm trạng con người. Đời sống văn hoá của một cộng đồng có thể biến động, phát triển, theo hướng hiện đại hoá, đảo lộn nhiều giá trị, nhiều tiêu chuẩn hành vi truyền thống. Nhưng tâm trạng chung của con người cộng đồng không thể hiện đại hoá được, nó là những ký ức văn hoá truyền đời, mất nó, hiện đại hoá nó là xoá bỏ cộng đồng về mặt văn hoá và bản sắc.

Nói rằng không thể hiện đại hoá tâm trạng là vì tâm trạng con người gắn chặt với bản sắc của tộc người họ sống. Chẳng hạn, người dân trong thế giới thứ ba đã bao đời nay tìm thấy niềm vui sống trong những điều kiện sống vô cùng nghèo khổ. Khi xã hội hiện đại hoá, họ có thể giàu có hơn, nhưng tâm trạng của họ khi mang bán những hàng hoá thủ công do tay mình làm ra hay những gia súc đã gắn bó với mình như bè bạn họ vẫn có nỗi buồn của sự mất mất về tình cảm. Nỗi buồn đó nhiều khi chiếm lĩnh cuộc sống và tâm hồn họ, không còn chỗ cho niềm vui của việc có nhiều tiền.

Vì thế, theo các nhà văn hoá học, ở mỗi xã hội đang trong tiến trình hiện đại hoá thì vấn đề bản sắc phải đặt ra đầu tiên với quy mô và mức độ quan trọng tương đương, vì vấn đề bản sắc gắn liền với tâm trạng cộng đồng, với chất lượng sống mà họ cảm nhận được trong từng giây phút. Nó tạo ra sự khắc khoải trong mỗi ngày sống, như con cá bị mất nước, khi nó bị môi trường phát triển cướp đi mất môi trường sống cho những buồn vui, hy vọng truyền kiếp của mình.

Phan Thắng:Vâng, nhưng người ta có thể có những niềm vui mới, những hy vọng mới?

Đỗ Minh Tuấn- Dĩ nhiên là thời buổi hiện đại hoá luôn có thêm những niềm vui mới, Karraoke, Iphon, chit chat, Tivi.v.v. Nhưng bản sắc đã khiến những thứ đó trở nên xa lạ và vô nghĩa với một bộ phận người không có khả năng đổi thay về văn hoá. Vì thế, vấn đề bản sắc luôn song hành với vấn đề phát triển như hình với bóng. Không quan tâm đến chuyện giữ bản sắc, chỉ chúi mũi vào hiện đại hoá thì sẽ có nguy cơ trở thành sát thủ văn hoá, diệt tộc về văn hoá. Mất nước một dân tộc vẫn tồn tại, như người Do Thái trước đây, nhưng mất văn hoá là mất tất cả, không còn dân tộc nữa. Cách đây hơn chục năm, thấy dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng có đến mấy chục lần nói đến từ “phát triển”, nhưng chỉ có một lần nói đến “bản sắc”, tôi cho rằng Dự thảo đã thiếu sự quan tâm đúng mức đến mối quan hệ giữa phát triển và bản sắc, nên đã viết bài góp ý trên báo Văn Nghệ. Sau đó, trong Nghị quyết Đại hội, vấn đề bản sắc được nhấn rõ hơn.

Phan Thắng:Anh hiểu thế nào về khái niệm bản sắc dân tộc? Mối tương quan giữa bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc nên hiểu như thế nào? Nó là hai trong một hay một trong hai? Tính dân tộc và văn hóa dân tộc có bất biến không? Tại sao?

Đỗ Minh Tuấn- “Bản sắc” trở thành khái niệm trọng tâm của khoa học xã hội trong thời đại toàn cầu hoá. Ở Hội nghị khoa học quốc tế Toàn cầu hoá và xây dựng các bản sắc cộng đồngtổ chức khoảng gần hai mươi năm trước tại Hà Lan người ta đã tập trung khẳng định vai trò của công cuộc toàn cầu hoá trong việc tạo ra sự khác biệt về văn hoá. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên nhấn mạnh nhiều hơn đến bản sắc dân tộc, hơn là bản sắc văn hoá vì bản sắc thường hẹp hòi, kỳ thị, gây ra khủng bố và bạo lực. Nhưng bản sắc dân tộc thì không chỉ nằm trong văn hoá mà nằm trong giáo dục, kinh tế và chính trị. Chẳng hạn, bẹ ngô gắn với nền công nghiệp hiện đại ở Mehico, nhưng bẹ ngô lại được coi là “truyền thống”, là bản sắc Mehico đích thực.

Không nên đối lập bản sắc dân tộc với toàn cầu hoá

Phan Thắng:Anh và tôi có vô lý không khi ngồi trao đổi với nhau về một câu chuyện “xưa như trái đất” thế này? Tôi vẫn tự hỏi tại sao lại thế nhỉ. Điều này có cần cho cuộc sống hôm nay đang vô cùng ồn ào, hỗn độn trong một cơn lốc xoáy không thể cưỡng lại là “toàn cầu hóa”?

Đỗ Minh Tuấn- Quan điểm đối lập toàn cầu hoá với bản sắc khá phổ biến trong cuối thế kỷ trước, Người ta cho rằng toàn cầu hoá là Mỹ hoá, mất hết bản sắc. Nỗi lo ấy cũng không phải là không có cơ sở. Toàn cầu hoá có nguy cơ bứt con người ra khỏi dòng chảy chậm rãi thanh bình của văn hoá, ném nó vào thị trường, đo nó bằng những tiêu chuẩn của hàng hoá, bắt nó chịu những bất trắc của việc mua bán chợ búa, bắt nó phải gồng mình lên, tăng tốc cuộc sống, mất đi những niềm vui sống chậm bao đời nay. Khi tính sáng tạo không còn bắt nguồn trong vô thức cộng đồng, thì văn hoá dân tộc sẽ bị tiêu diệt, trở thành bản sao của các nền văn hoá mạnh. Người ta đã nói rất nhiều đến chủ nghĩa toàn thống điện tử như thủ phạm tạo ra thứ văn hoá công nghệ hoá mất hết tính người, sản sinh những phiên bản văn hoá ngoại lai, hoàn toàn mất gốc.

Nhưng sự mâu thuẫn chỉ là bề ngoài. Một mặt, toàn cầu hoá đưa đến nguy cơ về một trận đại hồng thuỷ của nền văn hoá Cocacola, mặt khác, nó lại tạo cơ hội để phát triển và quảng bá bản sắc dân tộc qua giao lưu kinh tế và văn hoá. Luôn có hai mặt. Người châu Phi coi hàng hoá phương Tây là một thứ quỷ sứ, nhưng người ta lại coi máy ghi âm có vai trò chủ chốt trong việc truyền bá đạo Hồi tại Bắc Phi và Trung Ðông. Vì thế, những vùng ấy lại là những cái chợ khổng lồ bán băng cát-set của các vị chủ tế đạo Hồi.

Phan Thắng:Có phải là hiện tượng gắn liền với nhu cầu về đa dạng văn hoá, bất chấp những quan điểm bảo thủ nhân danh bản sắc?

Đỗ Minh Tuấn- Đúng. Nhu cầu về tính đa dạng văn hoá trong phạm vi nhân loại ngày càng nổi lên như một cái gì tất yếu, tương tự như tính đa dạng sinh học vậy. Ilya Prigogine, một nhà khoa học được nhận giải Noben đã nói rất hay rằng khoa học chỉ trở nên phổ biến khi nó có khả năng đối thoại với các dân tộc của mọi nền văn hoá và có khả năng tôn trọng các vấn đề riêng của họ.

Có thể nói, sức đề kháng của các nền văn hoá bản địa cũng tạo nên một sức ép khiến cho các nền văn hoá lớn ngoại nhập phải biến dạng để thích nghi nghi với phong tục tập quán, khẩu vị, tính cách, lối sống .v.v. của khách hàng bản địa. Vì thế các tiệm ăn Macdonald ở các nước rất khác nhau trong phục vụ. Nếu như ở Mỹ Macdonald chỉ cần phục vụ nhu cầu ăn nhanh của những khách hàng bận rộn thì ở Pháp Macdonald phải bán thêm bia và cafe cho khách hàng nhâm nhi, vì họ không thể ăn nhanh ngấu ghiến như người Mỹ ăn loại bánh này. Chính quy luật cung cầu của thị trường đã nuôi dưỡng bản sắc đa dạng của các thị trường trong tiến trình nối kết toàn cầu hoá. Cách thích nghi với các nền văn hoá khác nhau của Macdoanld cũng giống như cách thích nghi của phim hoạt hình Doremon vậy.

Phim hoạt hình Doremonmang bản sắc Nhật Bản xâm nhập mạnh mẽ vào những xã hội khác nhau về văn hoá vì họ biết tạo cho Doremon một sự đa dạng, hiểu biết và cảm thông về văn hoá với các dân tộc khác. Khi xuất hiện trên TV các nước khác, Doremon tỏ ra hiểu biết rõ những khác biệt của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng ở nước đó. Người ta đã nói rằng Doremon của Nhật Bản là một ví dụ của sự hình thành bản sắc xuyên quốc gia trong quá trình hội nhập toàn cầu hoá.

Phan Thắng:Vậy là toàn cầu hoá cũng là điều kiện cho các đan tộc giữ gìn bản sắc của mình thong qua sự thích nghi và chia sẻ?

Đỗ Minh Tuấn- Đúng vậy. Toàn cầu hoá không chỉ làm cho bản sắc dân tộc trở nên đa dạng, đổi mới và thân thiện, mà còn giúp quảng bá những giá trị bản địa khắp thế giới. Tiến sĩ Lee Yuen Tseh, Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Ðài Loan, người được trao giải NoBen, đã nói: “Chính sự thành công của kinh tế Ðông Á đã tạo ra danh tiếng cho Khổng giáo”. Jonh Naishbit nhà tương lai học người Mỹ đã nhận xét đại ý phương Tây kỹ thuật cao nhưng thíếu thần linh nên giờ đây lại đang hướng sang phương Ðông. du nhập những thần linh và tôn giáo của phương Đôngvới một nhiệt thành hầu như không bao giờ cạn.” Jonh Nashbit còn cho rằng người phương Đông đang khai sinh một mô hình mới cho việc hiện đại hoá, cung cấp ý nghĩa mới cho từ hiện đại hoá, và sẽ tạo ra mô hình cho một nền văn minh mới.

Nghiên cứu, hội thảo về bản sắc: Thực dụng hời hợt và công thức

Phan Thắng:Tôi được biết, lâu nay chúng ta đã có nhiều quan tâm và dành nhiều nỗ lực nghiên cứu tính dân tộc và văn hóa dân tộc, trong đó có việc tổ chức nhiều hội thảo ở các quy mô khác nhau. Gần đây nhất là Hội thảo về tính dân tộc trong điện ảnh do Ban lý luận TW và Hội điện ảnh tổ chức. Ông nghĩ sao về các cuộc hội thảo? Nó có nhiều tác động và hiệu quả thiết thực với đời sống không?

Đỗ Minh Tuấn- Vấn đề tính dân tộc trong phim đặt ra lúc này là đúng lúc, tuy hơi chậm so với những biểu hiện đáng báo động trong đời sống điện ảnh hôm nay. Song, cách tiếp cận, cách tổ chức hội thảo và cách đặt vấn đề của năm 2013 vẫn như cách của hàng chục năm trước. Lẽ ra phải chiếu một số bộ phim được cho là thiếu tính dân tộc và cả những bộ phim được cho là giàu tính dân tộc để làm đề dẫn. Những người tham gia hội thảo sẽ phân tích xem có đúng phim này có tính dân tộc, phim kia không có tính dân tộc không. Xưa nay không ít diễn giả cứ nói khơi khơi, khen chê mà chưa xem phim, hoặc xem rồi cũng chẳng nhớ phim, nhớ sai cả tên nhân vật, hoặc cứ nói theo cảm tính, nói theo ấn tượng truyền thông. Ở đây tôi không nói đến việc tổ chức Hội thảo về tính dân tộc vì những mục đích thực dụng trwosc mắt, chẳng hạn như đẻ tiêu tiền, hay để chuẩn bị tung ra một dự án tiền tỷ về vấn đề giữ gìn bản sắc. Ở đây tôi chỉ nói đến chất lượng học thuật chuyên môn thuần tuý. Có cảm giác như hội thảo lấy những đồ trong tủ lạnh từ hàng chục năm trước ra xài, không chạm đến những tử huyệt của đời sống điện ảnh hôm nay từ góc nhìn dân tộc tính. Vì thế hết sức công thức, mòn sáo, dễ dãi và hời hợt.

Phan Thắng:Xin anh nói cụ thể hơn?

Đỗ Minh Tuấn– Nhìn chung các Hội thảo chỉ nói đi nói lại những cái hời hợt bề ngoài, công thức, không chỉ ra được tính dân tộc hay tính ngoại lai trong các vấn đề, nhân vật, tâm trạng, ngôn ngữ điện ảnh của các phim cụ thể từng thời kỳ. Đây là vấn đề học thuật mà hội thảo hai mươi năm trước đã nói nhưng hội thảo này lại chưa đề cập đến, trong khi vấn đề ngôn ngữ điện ảnh của phim thị trường hiện đang là vấn đề bức xúc. Chỉ có tham luận của đạo diễn Đặng Nhật Minh nói đến vấn đề cốt chuyện của một số phim ăn cắp của nước ngoài, khiến cho phim thiếu tính dân tộc, hình như ám chỉ phim “Bụi đời chợ lớn”. Thực ra, tính dân tộc không nằm nhiều trong cốt chuyện. Bằng chứng là cốt chuyện phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của Đặng Nhật Minh giống hệt truyện ngắn “Thư” của nhà văn Lý Chuẩn (Trung Quốc) đăng trên tập chí Văn nghệ quân đội số 9-1958, nhưng bộ phim vẫn được nhiều người cho là giàu tính dân tộc”. Công tác nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh của ta nhìn chung hết sức hời hợt, dập khuôn. thiên về ấn tượng cảm tính bề ngoài. Khi nói về tính dân tộc thì nghĩ ngay đến cây đa, bến nước, sân đình, áo the khăn xếp.

Phan Thắng:Vậy theo anh, cần đi sâu vào khía cạnh nào, tiếp cận từ góc độ nào thì mới có thể phát hiện được tính dân tộc trong phim?

Đỗ Minh Tuấn- Tính dân tộc trong phim trước hết thể hiện ở tâm trạng Việt, cốt cách Việt và ứng xử Việt - mẫu số chung khá ổn định về văn hoá và tâm thức bộc lộ cả qua những hình thức tân thời. Phải xây dựng được con người Việt Nam muôn thưở, dù cho anh là đại gia hay nghèo khó, dù trong hoàn cảnh xã hội nào thì vẫn phải là con người ấy, cốt cách ấy qua những biểu hiện cao cả hay lố bịch.

Phan Thắng:Anh đã thể hiện tính dân tộc trong các tác phẩm văn học và điện ảnh như thế nào?

Đỗ Minh Tuấn- Có thể nói thường trực trong hơn 600 trang thơ của tôi là những khắc khoải day dứt của tâm trạng Việt xuyên suốt qua tâm cảm của người mẹ người vợ, người yêu, người lính, trẻ em và những người lao động bình thường khác. Đó là những day dứt về tình thương, thân phận và sự hiến dâng số phận cá nhân trong những môi trường khắc nghiệt, thậm chí xót xa thương cả những anh hùng. Trong tiểu thuyết “Thần thánh và Bươm bướm” tôi đã cố gắng khắc hoạ não trạng của người Việt qua những lo toan phù phiếm và sâu thẳm, những hy vọng đổi đời pha lẫn bi hài kịch, những khát khao mở mày mở mặt trước cộng đồng, những bạo lực bùng phát ngẫu nhiên từ mặc cảm về thân phận…Và xuyên suốt tất cả là sự mai một đến xót xa của một nền văn hoá đã bắt rễ sâu trong tâm trạng, ký ức và số phận. Cho nên, các GS Phong Lê, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Phan Huy Dũng…đều khẳng định tiểu thuyết của tôi là câu chuyện về văn hoá Việt Nam, về món nộm văn hoá Việt Nam trong thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập. Nhiều người cũng đã chỉ ra chất dân tộc trong hội hoạ của tôi thể hiện qua đề tài màu sắc và bố cục. Hoạ sỹ Lê Huy Quang nói tranh tôi mang màu sắc tranh Đông Hồ. Đạo diễn Tự Huy cho rằng tôi không dùng bảy sắc kiểu phương Tây mà dùng ngũ sắc cầu vồng của dân tộc Việt Nam. Còn trong phim của tôi, dù là phim sử thi hay phim thế sự, phim tâm lý xã hội hay phim hài phim nào cũng mang mã số văn hoá Việt.

Phan Thắng:Anh có thể nói cụ thể hơn về một vài phim tiêu biểu của anh?

Đỗ Minh Tuấn- Phim đầu tay “Ngọn đèn trong mơ” của tôi kể về một em bé tốt theo cách thông thường của người Việt, chứ không tốt theo cách một anh hùng nhỏ tuổi như các nhân vật phim thiếu nhi trước đó. Em bị bỏ rơi, sống không gia đình, nhưng em vẫn luôn muốn làm một người con tốt, một người em tốt, một người bạn tốt. Những cái tốt bình dị đời thường ấy đã làm nhiều người xem xúc động. Một nhà phê bình Nga đã thấy em như một Đức Chúa Giesu 15 tuổi bị đóng đnh trên cây thập giá của những giá trị nhân văn truyền thống. Phim đã được 15 nước mua. Phim “Hoa của Trời” là một một phim Thiền về chiến tranh phá hoại. Phim kể chuyện em Ky, một cậu bé nhà quê chân chất bao lâu nay sống dưới rặng tre làng nhàm chán, chỉ thấy con gà con trâu như thú nuôi, bỗng một hôm cô bé Lan Anh từ thành phố về sơ tán ngạc nhiên thích thú trước cảnh vật làng quê đã khiến Ky bừng ngộ vẻ đẹp của hồ sen, của những cánh chim câu trong lò gạch bỏ hoang…và em đã biết nhìn con trâu con gà như bè bạn. Ông nội em vì muốn bảo vệ con gà trống mà Ky yêu quý mà đã lao tra trong bom để cứu con gà và bị trúng mảnh bom…Phim “Vua bãi rác” kể chuyện những con người đưới đáy quần tụ trên bãi rác, yêu thương đùm bọc nhau, chia sẻ với nhau những vui buồn và hồ hởi biến bãi rác thành một tác phẩm trình diễn và sắp đặt lung linh như Paris đêm Giáng sinh. Họ mang cốt cách Việt ở chỗ luôn luôn giữ được tình người, luôn tự trọng và muốn vươn lên, ngay cả khi ở trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Ngay cả cái ước mơ hài hước của Trọng - một đại ca bãi rác - mơ được đón dâu bằng trực thăng trên bãi rác bụi mù, cũng rất đặc trưng cho cốt cách con người Việt Nam.

Phan Thắng: Hiện đại hoá là một nhu cầu thường trực tất yếu của quá trình phát triển. Ở trên anh đã nói không thể hiện đại hoá tâm trạng, Vậy quá trình hiện đại hoá có giúp gì cho việc bảo tồn và phát triển bản sắc Việt, tâm trạng Việt hay không? Theo anh, chủ trương của nhà nước ta coi công nghệ thông tin là nền tảng của quá trình phát triển có gì mâu thẫn với yêu cần bảo tồn bản sắc?

Đỗ Minh Tuấn- Hiện đại hoá nói chung và sự phát triển công nghệ cao nói riêng không có gì mâu thẫn với yêu cầu giữ gìn bản sắc.Trái lại nó còn giúp cho việc truyền thừa và quảng bá bản sắc văn hoá Việt. Lấy ví dụ như công tác Bảo tàng, chúng ta có thể sử dụng công nghệ cao để làm các phòng trưng bày ảo, phục hiện một cách sống động và hấp dẫn lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam, từ đó bồi đắp them cho khách tham quan tình cảm và nhận thức về bản sắc. Vấn đề này cần có cuộc trao đổi riêng mới nói đầy đủ được. Ngay trong điện ảnh, kỹ xảo có thể giúp chuyển hoá một bối cảnh Trung Quốc thành một bối cảnh Việt. Chẳng hạn, bối cảnh cung điện triều đình tại trường quay Hoành Điếm Trung Quốc. giật cấp quá cao, thể hiện sự xa cách của triều đình với nhân dân. Nếu muốn dùng quay phim lịch sử Việt nam thì có thể dùng kỹ xảo để làm cho khoảng cách giữa sân và thềm thấp xuống, biến thành bối cảnh mang văn hoá Việt Nam.

Phan Thắng: Cám ơn anh về những ý kiến trao đổi rất thẳng thắn và sâu sắc trên một đề tài đang được xã hội rất quan tâm.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa và hội nhập

    08/04/2020Vương Trí NhànLúc bình tĩnh ngồi nghĩ, lại cảm thấy nhờ thế được nâng mình lên. Và quan trọng nhất, qua cái sự kiếm cơm của thiên hạ, tự nhận ra con người thực của mình. Với từng cá nhân cũng vậy mà với cả xã hội cũng vậy...
  • Hội nhập để góp phần phát triển văn hóa

    14/10/2010Nguyễn HòaLâu nay, dường như câu hỏi về sự được - mất trong hội nhập, giao lưu văn hóa với thế giới đang là nỗi băn khoăn của nhiều người và thiết nghĩ, nếu xét về bản chất thì câu hỏi ấy mới chỉ đề cập tới "phần nổi của tảng băng". Bởi với sự đa dạng, phong phú, nhưng không kém phần phức tạp của khả năng sản xuất, truyền bá văn hóa - văn minh như ngày nay, người ta dễ bằng lòng với việc nhận diện văn hóa trong những biểu hiện bề ngoài, nơi mà sự được - mất thường lộ diện cụ thể, còn những chuyển dịch và những biến thiên văn hóa có ý nghĩa quyết định lại ...
  • Văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

    27/08/2009PGS.TS. Phạm Hồng TungLối sống chỉ là những giá trị văn hóa, những mô hình và phương thức ứng xử được đa số cá thể của một cộng đồng người xác định nào đó chấp nhận (cái được lựa chọn) và hiện thực hóa trong hoạt động sống hằng ngày của họ. Trong số đó có cả những giá trị, những truyền thống và những cách ứng xử được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng cũng bao gồm cả những giá trị ngoại sinh, những cách ứng xử và những biểu tượng… ngoại nhập.
  • Dòng chảy Việt trong “làn sóng" hội nhập

    17/01/2009Ths. Hà Huy TuấnDòng chảy Việt từ trước và cho đến hôm nay vẫn là những đương đầu và thách thức. Năm mới Kỷ Sửu – năm con trâu – trước những thách thức về kinh tế và hội nhập, thương hiệu Việt Nam hy vọng sẽ ngày càng tỏa sáng trên bản đồ kinh tế và văn hóa nhân loại.
  • Truyền thống và hội nhập

    16/01/2009Tô PhánLịch sử luôn có thăng trầm nhưng xu thế là không ngừng phát triển. Sự phát triển đó hội tụ đủ những giá trị truyền thống tốt đẹp như một sự kế thừa tất yếu di sản, đồng thời thích nghi trong chọn lọc giá trị thời đại...
  • Minh bạch để hội nhập

    13/12/2008Đỗ Quang ĐánCả nước dốc sức chăm lo xây dựng cho thương hiệu dân tộc, kéo bạn bè về với mình. Đất nước luôn nhìn thẳng, dám nhìn thẳng, quyết không để "con sâu làm rầu nồi canh". Vẫn hay việc xem xét một con người là hệ trọng, là không thể nóng vội nhưng cũng không thể chậm trễ hơn. Bởi càng chậm thì càng ảnh hưởng đến lợi ích và hình ảnh quốc gia...
  • Giao lưu văn hóa trong thời hội nhập

    12/08/2008GS. TS Hồ Sĩ VịnhGiao lưu văn hóa (GLVH) trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Bản lĩnh, bản sắc dân tộc là cội rễ của GLVH. Trong mọi hoạt động văn hóa, Đảng và Nhà nước ta bao giờ cũng nêu cao định đề biện chứng: Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...
  • Văn hóa thời hội nhập: Sắp xếp trong hỗn độn

    25/03/2008Phạm NguyễnTrong lịch sử văn hóa Việt Nam, ít nhất chúng ta đã trải qua hai lần biến đổi lớn về văn hóa xã hội và phải nói rằng hệ quả của nó đã đưa tới những biến đổi tích cực, theo hướng đi lên của dân tộc. Lần một, sự biến đổi ấy đã kéo dài và phát triển trong ngót nghét hai thiên niên kỷ mà ảnh hưởng của nó là văn hóa phương Đông , rõ nét và mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn trong một bối cảnh toàn cầu hóa...
  • Việt Nam hội nhập quốc tế

    19/04/2007Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult GroupTrả lời phỏng vấn của các phóng viên Hãng Strategic Media (SM) do bà Toni De Chang và ông Nikitas Papadopoulos thực hiện tại Hà Nội ngày 15/6/2005 cho chuyên đề “ Vietnam Going Global" của tạp chí Foreign Affairs (Hoa Kỳ)...
  • xem toàn bộ