Nhà văn và xã hội
Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc, vai trò, tác phẩm, tiếng nói của nhà văn Việt Nam là đặc biệt quan trọng đối với nhân dân và xã hội. Chiến tranh không chỉ cô đặc và làm chói sáng những phẩm chất yêu nước trong mỗi nhà văn, mà còn là thử thách khắc nghiệt đối với những nhà văn chấp nhận dấn thân, chấp nhận hy sinh vì đại nghĩa.
Sau những tháng năm khói lửa, đã có những nhà văn, nhà thơ Việt Nam tiếp tục viết về những cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng khi hòa bình đã hiện diện trên đất nước ta 35 năm, thì những thế hệ nhà văn sau này chủ yếu viết về cuộc sống trong thời bình. Trong chiến tranh, phẩm chất của nhà văn Việt Nam là chấp nhận hy sinh, là đồng cam cộng khổ cùng sống cùng chết với nhân dân để có những tác phẩm nhiều khi được viết bằng máu. Thời bình, vai trò của nhà văn Việt Nam là tiếng nói chân thực về số phận con người, số phận nhân dân, là sự nhạy cảm và tấm lòng trong sáng luôn đồng hành cùng những người lao động, là tiếng nói bảo vệ môi trường thiên nhiên và môi trường sống của con người trong xã hội. Nhà văn phải đi trước, nói trước những người khác về những bất công, về sự xâm hại môi trường, nhân cách.
Nếu thời chiến, mỗi xúc cảm, suy ngẫm và trải nghiệm của nhà văn đều có thể hóa thành tác phẩm, thì trong thời bình, nhất là trong xã hội hiện nay, nhiều khi những tiếng nói trực tiếp, những phát ngôn nhạy bén của nhà văn phải đi trước tác phẩm, làm tiền đề cho những tác phẩm sẽ xuất hiện sau đó. Đáng tiếc, là trước những vấn đề bức xúc của nhân dân, của xã hội, của đất nước, thì tiếng nói trực tiếp của nhà văn Việt Nam hiện nay là khá thưa thớt và mờ nhạt. Những tác phẩm đề cập tới những đề tài “nóng” (dĩ nhiên không phải “nóng” theo kiểu đề tài tình dục) thì rất hiếm hoi và chưa gây được những phản ứng mạnh mẽ trong xã hội. Nhà văn, dù ở thời đại nào, dù sáng tác với trường phái văn học nào, cũng không thể và không được phép ngoảnh mặt trước những vấn nạn của xã hội, làm ngơ hay im lặng trước những câu hỏi bức xúc mà xã hội yêu cầu được trả lời. Đại hội nhà văn Việt Nam, dù là đại hội toàn thể hội viên hay đại biểu hội viên, thì những câu hỏi mà nhân dân và xã hội mong muốn nhà văn trả lời bằng chính kiến và bằng tác phẩm của mình luôn phải được tất cả các nhà văn ghi khắc và day dứt. Không thể chẳng day dứt gì cả mà lại trở thành nhà văn hay nhà thơ. Đại hội là dịp để các nhà văn gặp nhau và nhắc với nhau về những câu hỏi chưa được trả lời, về những trăn trở, về những cam kết trong thầm lặng của mình với nhân dân và đất nước.
Dĩ nhiên đại hội nhà văn có bầu cử, nhưng bầu cử không bao giờ là tất cả nội dung hay khao khát của đại hội. Đất nước đang còn đặt trước nhà văn bao câu hỏi lớn, và không thể là “Những câu hỏi lớn không lời đáp” như một câu thơ Huy Cận về những vị La hán chùa Tây Phương thuở trước.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)