Một đại sĩ phu
Nguyễn Hữu Cầu, hiệu là Giản Thạch, sinh năm 1879 tại làng Trung Tự, huyện Hoàn Long, đã nhẹ nhàng thanh thản ra đi ngày 13 tháng 7 vừa qua trong tình quyến luyến của đông đảo con cháu, trước sự kính trọng của bạn hữu và nỗi tiếc thương của các cựu học viên trường Đông Kinh Nghĩa Thục, nơi ông từng giảng dạy suốt gần ba năm trời [2].
Cụ cử Đông Tác Nguyễn Hữu Cầu, sáng lập viên Đông Kinh Nghĩa Thục
.
Một gương mặt sĩ phu cao cả và trong sáng đã ra đi, gương mặt của một nhà yêu nước vĩ đại, một trí tuệ kiên cường, uyên bác và sáng tạo đã chiến đấu suốt đời vì nền độc lập của Việt Nam.
Đậu cử nhân khoa Bính Ngọ (1906) tại trường thi Nam Định, ông từ chối các chức quan để dành toàn tâm cho nghiệp bút, nổi bật là việc biên dịch các Tân thư Trung văn. Làm thơ về cố quốc Việt Nam và những quang vinh của quê hương, ông không ngừng tìm kiếm trong quá khứ xa xăm một truyền thống và các bài học cho ngày mai. Làm thơ về những thuở huy hoàng xưa kia và các hy vọng tương lai, ông là thi sĩ của lý tưởng Việt Nam, của tất cả những ai tự gánh trách nhiệm giành lại độc lập cho đất nước.
Vào thời kỳ ấy, từ năm 1905 đến năm 1914, toàn bộ nền văn học ngầm được viết bằng chữ Hán hoặc Quốc Ngữ đều có tính chính trị, mọi nghiên cứu, mọi khảo luận đều như chuẩn bị cho cuộc chiến du kích. Văn phú là phúng dụ, thơ ca thì bóng gió, tiểu thuyết và kịch nói dạy luân lý; người ta không mấy để ý đến nghệ thuật nhưng những nhà phê bình đã khêu gợi và kêu gọi khởi nghĩa; những sử gia và văn sĩ là người chủ xướng. Đó là họ đã dường mong một cuộc cách mạng sẽ lôi cuốn trong cùng bầu nhiệt huyết toàn bộ nhân dân với 25 triệu tâm hồn đang sôi lên những khát vọng và tình cảm giống nhau, biến sự tuyên truyền lúc ấy còn là bề nổi sẽ trở thành hành động và sẽ cho mọi người biết rằng đã từng có một Tổ quốc.
Nguyễn Hữu Cầu nói: “Tôi luôn cảm thấy cố quốc rung động trong trái tim mình…”. Qua những núi đồi và dòng sông trong thơ ca của ông, dù không xuất bản nhưng được nhiều bạn hữu và học trò thuộc lòng, Nguyễn Hữu Cầu đánh thức các vị thánh thần xưa kia của đất nước. Và trên phế tích của những thành đô hoang tàn như Cổ Loa, Đại La hay Hoa Lư, thơ ông làm sống lại nguồn gốc con Rồng cháu Tiên cũng như phẩm giá và dũng khí của tổ tông, khơi dậy những truyền thuyết bị chôn vùi từ bao thế kỷ trong các mộ táng của Việt Nam, dưới các miếu đền của Bắc Bộ, và ông đã tái hiện như thế lịch sử lâu đời của dân tộc mình.
Nguyễn Hữu Cầu từng nói: “Hôm qua trẻ trung nay đã già 4000 tuổi, dân tộc này hiện đang thiếu một lý tưởng, tức là đức tin vào truyền thống của Tổ quốc và ý thức khách quan về sứ mệnh của mình trong lịch sử và văn minh Đông Dương – chỉ riêng đức tin hoặc ý thức ấy sẽ làm nên một dân tộc của tương lai”. Ông không nói ta phải làm những việc lớn giống như các bậc tiền bối, ông chỉ nói rằng khi có các bậc tiền bối đã từng như thế thì ta cũng hãy phải làm những việc lớn.
Nhưng Nguyễn Hữu Cầu không chỉ mong Việt Nam mạnh về vật chất mà ông còn mong cho mạnh về trí tuệ: cao hơn những gì đã đạt trong sự nghiệp tinh thần phải là phẩm cách và phải như dấu ấn của riêng mình. Ông thường nói với môn sinh: “Tự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Chính bằng nghệ thuật và khoa học mà các dân tộc trở nên bất diệt. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình như một dân tộc. Phải làm sao thông qua nghiên cứu ngôn ngữ mà nghiên cứu dân tộc và làm sao in sâu như khắc trong lòng mình tính cách Việt thuần khiết. Hiện nay chúng ta quá Tây, quá Tàu rồi, chúng ta là bọn giáo điều chiết trung, chúng ta là kẻ xã hội chủ nghĩa chuyên quyền: chúng ta cần phải là người Việt… ”
Khi một trong các môn sinh của mình xin được dịch sang văn xuôi tiếng Việt vài bài thơ chữ Hán của thầy, Nguyễn Hữu Cầu trả lời rằng bản dịch sang văn xuôi vẫn là trung gian duy nhất xác đáng giúp cho có thể tiếp cận việc nghiên cứu một nhà thơ viết bằng ngôn ngữ mà ta biết, nhưng nó luôn luôn lạnh lẽo và ít thoả mãn biết bao, dù vọng tưởng chính xác đến đâu ! Dĩ nhiên nó phản ánh các từ, các ý, các hình ảnh; nhưng có một việc thì không thể: đó là hình thái, nhịp điệu, sự hài hoà, và điều ấy phải chăng là nét độc đáo của chính thi ca ? Chỉ một công cụ là câu thơ mới có thể cho phép truyền cảm được những thứ đó. Nhưng để thử một ý định như vậy thì tự mình phải là thi sĩ, và đấy là khó khăn to lớn mà nhiều người không vượt nổi… ”.
Sách Nguyễn Hữu Cầu- Chí sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục, do GS Chương Thâu và Hồ Anh Hải biên soạn nhân 100 năm phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-2007)
.
Bị đày đi Côn Đảo năm 1918 chỉ vì đã chu cấp cho các học sinh Việt Nam sang Trung Quốc và Nhật Bản du học, Nguyễn Hữu Cầu không ngừng đấu tranh dũng cảm chống lại chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là phản đối việc một số người Pháp chiếm đoạt đất đai gây thiệt hại cho nông dân Việt Nam. Người ta biết rằng tình trạng ruộng đất ở Bắc Bộ và Trung Bộ thời ấy không được rõ ràng do thiếu hoàn toàn các văn tự sở hữu theo ý nghĩa mà người Pháp gán cho từ này. Văn tự của người Việt không phải lúc nào cũng cho biết diện tích và chỉ viết rất đại khái về các ranh giới của thửa đất. Cho rằng “không hoàn chỉnh trong khâu soạn lập và dễ bị giả mạo nên văn tự kiểu này không có gì làm bảo đảm !”, chính quyền “bảo hộ” không hề đếm xỉa bất cứ điều gì và đã cấp nhiều ruộng đất cho các thực dân hoặc quan chức người Pháp, bất chấp những khiếu nại của các chủ nhân hợp pháp. Chính vì thế mà các địa sản lớn đã lan rộng đáng kể trong những năm Pháp chiếm đóng, nhất là sau năm 1900. Tiếp theo số tài sản khác thường của nhiều quan chức hoặc tay sai Pháp mà công việc “bảo hộ” không làm quên đi sự chăm lo cho tư lợi cá nhân, mối ưu đãi của chính quyền thực dân đã giúp họ chiếm được các đồn điền mênh mông mà một mình sự tham ô của họ còn chưa thể đủ để làm lớn thêm diện tích…
“Đó là một sai lầm”, Nguyễn Hữu Cầu nói trong phiên toà xét xử mình [3] năm 1916, “khi tin rằng sức mạnh làm được mọi điều – dù là sức mạnh quân sự, pháp luật, tiền bạc hoặc bất cứ phương tiện nào khác mà không cần tranh luận - đó là một sai lầm mà nhiều người Pháp các ngươi thường dễ dàng mắc phải… ”.
Trước một dũng khí điềm tĩnh đến thế, ta phải tự nhắc nhau rằng tuy Nguyễn Hữu Cầu đã mất quá sớm đối với gia quyến, bạn hữu và môn sinh của mình, tuy ông đã để tất cả chúng ta ở lại với nỗi đau thương, nhưng ông đã không rời bỏ mảnh đất này khi chưa hoàn thành định mệnh tinh thần lớn lao. Tiếng tăm của ông đã đến mức không cần lớn hơn nữa: ông đã cống hiến nhiều hơn nghĩa vụ của một nhà sĩ phu và ái quốc. Ông đã mệt mỏi, mong được nghỉ ngơi, nhẹ nhàng đối diện cái chết mang lại cho mình sự tĩnh lặng và bình an.
Nguyễn Văn Tố [4]
(Hà Nội 27-9-2006, Nguyễn Chí Công cẩn dịch [5])
Une grande figure de lettré [6], par Nguyen Van To
Le Peuple du 4-8-1946
Chú thích:
[1]Le Peuple (Nhân dân): tờ báo tiếng Pháp phát hành tại Hà Nội năm 1946, trang nhất in tiêu ngữ “Cơ quan đấu tranh vì nền độc lập của nước Việt Nam”, chủ nhiệm là ông Lưu Văn Lợi, sau làm Trưởng phòng địch vận Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trước khi về hưu là Bộ trưởng – Trưởng ban Biên giới Chính phủ CHXHCN Việt Nam.
[2]Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) bộ phận ở Hà Nội chỉ hoạt động trong thời gian từ tháng 3 tới tháng 12 năm 1907. Tác giả viết “suốt gần ba năm trời” có lẽ là tính thêm cả hai năm cụ Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục dạy học tại trường Quảng Hợp Ích của cụ Nghiêm Xuân Quảng (một nhà hoạt động khác của ĐKNT) sau khi trường ĐKNT bị thực dân Pháp cấm.
[3]Trong thời gian 1907-1915, Nguyễn Hữu Cầu và các đồng chí của ông đã tổ chức tìm kiếm các thanh niên có ý chí, giúp họ kinh phí sang Trung Quốc học làm cách mạng. Một thanh niên trong số đó khi bị bắt đã khai ra Nguyễn Hữu Cầu làm thực dân Pháp kết án ông 5 năm tù với tội danh “có âm mưu lật đổ chính phủ bảo hộ”.
[4]Nguyễn Văn Tố (1889-1947), hiệu Ứng Hòe, người Hà Nội. Trợ lý Khoa học tại Viện Pháp quốc Viễn đông Bác cổ - École française d’Extrême-Orient (EFEO), cơ quan nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam. Nổi tiếng uyên bác và cương trực, không màng danh lợi, được cả người Pháp kính nể. Là nhà văn hóa lớn và cây bút nổi tiếng văn đàn Việt Nam đương thời, đã viết hàng trăm bài nghiên cứu với hàng nghìn trang sách tiếng Việt và tiếng Pháp. Trước 1945 từng làm Hội trưởng Hội Trí Tri, sáng lập và làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938-1945) nhằm xóa nạn mù chữ cho dân nghèo và nâng cao dân trí. Cụ đã đứng bên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài Đại Lễ Tuyên bố Việt Nam độc lập ngày 2-9-1945. Từng được cử làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội rồi Trưởng ban Thường trực (tức Chủ tịch) Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I. Tháng 10-1947 bị lính Pháp bắn chết khi chúng nhảy dù xuống Bắc Kạn, nơi sơ tán của Ủy ban Thường trực Quốc hội.
[5]Còn có bản dịch tóm tắt với đầu đề “Một gương mặt lớn sĩ phu” của ông Dương Xuân Thự đã đăng trên tạp chí Tài Hoa Trẻ số 242+243 năm 2002.
[6]Trích "Nguyễn Hữu Cầu - chí sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục", Chương Thâu và Hồ Anh Hải biên soạn, NXB Lý luận chính trị, Hà Nội 2007.
Trích Tủ sách danh nhân, nxb Lý luận Chính trị 2007
Tạp chí Tia Sáng đã đăng lại 6-2007
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015