Dương Bá Trạc – một văn nhân, chí sĩ Hà Nội

05:15 CH @ Thứ Sáu - 08 Tháng Tám, 2014

Dương Bá Trạc (1884-1944) - nhà cách mạng, nhà báo, nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc. Theo Vũ Ngọc Phan, trong các nhà văn đi tiên phong ở nửa đầu thế kỷ 20, ông được kể là một người lỗi lạc...

Dương Bá Trạc, biệt hiệu Tuyết Huy, sinh ngày 22 tháng 4 năm 1884, quê làng Phú Thị, nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Là người rất thông minh, mới 16 tuổi, Trạc đã thi đỗ cử nhân (khoa năm Canh Tý 1900, cùng năm với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… nhưng khác trường thi).

Đỗ đạt rồi, Trạc không ra làm quan như thói thường. Ông ôm khát vọng thức tỉnh quốc dân khỏi cơn mê nô lệ, chống sự đô hộ của thực dân đế quốc. Ông từng cùng Phan Châu Trinh đi diễn thuyết nhiều nơi, cổ động chủ nghĩa duy tâm tự cường, cùng Tăng Bạt Hổ lên thăm Đề Thám ở Nhã Nam, đi suốt từ Bắc vào Nam để gặp gỡ bạn bè, chiêu mộ đồng chí.

Cuối 1906, ông cùng các bạn Nguyễn Quyền, Lê Đại, Lương Văn Can… lập Đông Kinh Nghĩa Thục, một trường tư giảng dạy những tư tưởng mới, khác lối học từ chương, khoa cử trước đây. Trường khai giảng từ tháng 3-1907, trụ sở đặt tại phố Hàng Đào. Lương Văn Can làm thục trưởng (hiệu trưởng). Dương Bá Trạc vừa trực tiếp giảng dạy, vừa ở trong Ban Tu thư, viết giáo án, soạn sách đọc…

Ảnh hưởng Đông Kinh Nghĩa Thục lan rộng, trở thành một phong trào học tập có tính yêu nước, đoàn kết. (Buổi diễn thuyết người chen như hội Kỳ binh văn khánh tới như mưa), khiến thực dân Pháp lo sợ. Chúng ra lệnh đóng cửa trường vào tháng 12 năm 1907.

Dương Bá Trạc hiểu phải tính đến cách vũ trang khởi nghĩa mới đạt mục đích giải phóng đất nước. Ông cùng bạn bè chia nhau, người mở hiệu buôn kiếm tiền để tìm mua vũ khí, người lên Nhã Nam bàn với Đề Thám lập khu căn cứ, bản thân ông cùng một số đồng chí sang tận Lào lo vận chuyển khí giới từ Xiêm (Thái Lan) về nước.



Hoạt động của Trạc và bạn bè không lọt qua mắt cú vọ của thực dân. Lấy cớ các vụ biểu tình chống sưu cao thuế nặng nổ ra ở miền Trung là có sự “xúi giục” của các nhân sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục, chúng ra tay khủng bố bắt bớ. Và phiên xử của Hội Đồng Đề Hình Hà Nội ngày 15 tháng 10 năm 1908 kế án Nguyễn Quyền, Vũ Hoành, Lê Đại khổ sai chung thân, Dương Bá Trạc 15 năm tù khổ sai. Đáng chú ý là cả thân phụ Trạc, cụ Dương Trọng Phổ, một nhà nho yêu nước cũng bị bắt theo và kết án 5 năm khổ sai. Cả hai cha con cùng bị giải từ Hỏa Lò, Hà Nội đi Hải Phòng để xuống tàu ra Côn Lôn (Côn Đảo). Trạc đã làm thơ tức cảnh:

Nghịch cảnh trên đời dễ nhất tôi
Vào tù, rinh cả bố vào nuôi
Quốc tai, gia biến chung làm một
Công nghĩa, tư tình nặng cả hai.

Cuối năm 1910, thực dân thả Trạc về, nhưng bắt an trí ở Long Xuyên (Nam Kỳ). Đến 1917, toàn quyền Anbe Xarô mới ký nghị định “ân xá” cho Trạc về Hà Nội.

Mặc cho đích thân Xarô ra sức “phủ dụ”, mời ra giúp “chính phủ bảo hộ”, hứa chức cao lộc hậu, Trạc kiên quyết từ chối, xoay sang viết văn làm báo. Ông viết các báo Nam Phong, Trung Bắc tân văn, một là có công việc chính thức để kẻ thù bớt để ý, hai là hy vọng dùng ngòi bút góp phần khai thông dân trí, chấn hưng đạo đức. Khoảng 1932-1935, ông đứng làm chủ bút Văn học tạp chí, sau đó là Đông Tây báo. Ông cùng những người khác tham gia soạn thảo bộ Việt Nam tự điểnViệt Nam văn phạm. Một số bài báo ông viết thời kỳ này được tập hợp thành sách đặt tên Tiếng gọi đàn (1936). Những bài thơ và câu đối của ông được in thành tập Nét Mực Tình (1937).

Ngoài thì như vậy, bên trong Dương Bá Trạc vẫn nung nấu ý chí làm việc lớn, bí mật liên lạc với các bạn cùng chí hướng, tích cực chuẩn bị, chờ thời cơ… Rồi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương, thấy Dương Bá Trạc là nhà trí thức có uy tín, chúng tìm cách tranh thủ, hy vọng dùng ông là con bài chính trong tay chúng. Song âm mưu đó thất bại, chúng bèn dùng thủ đoạn đê hèn là lừa bắt ông vào một khách sạn Nhật ở Hà Nội, rồi từ đó “bốc” đưa ông sang Singapore, lúc đó Nhật gọi là Chiêu Nam, do quân Nhật chiếm đóng. Cùng bị lừa bắt như ông, có ông Trần Trọng Kim.

Đương thời, một số người nghĩ rằng Dương Bá Trạc đã “đi theo Nhật”. Sự thật là quân Nhật đưa hai ông Trạc và Kim sang Singapore rồi… bỏ đó, không hề cùng các ông bàn công việc gì. Phải thúc thủ ngồi trong tâm trạng u buồn. Dương Bá Trạc sinh bệnh và mất ngày 11 tháng 12 năm 1944 tại Singapore, trong lòng ôm mối hận chưa thỏa được chí cứu nước.
Trong lễ truy điệu Dương Bá Trạc tại Hà Nội năm 1945, nhiều nhân sĩ trí thức đã đến dự và có câu đối viếng. Cụ Bùi Kỷ đọc điếu văn có hai câu kết như sau:

“Ngẫm cho phải, thác thì đành hẳn, thác để tuổi để tên, để lại một đời tiết nghĩa, thác cũng là vinh
Suy đến nơi, sống phải thế nào, sống còn nhà, còn nước, còn muôn nỗi ưu nan, sống sao khỏi hổ”.
1)

Dương Bá Trạc mất đi, để lại tấm gương một người yêu nước suốt đời sống trong sạch, bôn ba lận đận với hoài bão thức tỉnh quốc dân, giải phóng đất nước. Ngoài ra ông còn để lại một sự nghiệp văn chương có chỗ đứng nhất định trong lịch sử văn học nước nhà. Trong tác phẩm “Nhà văn hiện đại” xuất bản năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã xếp ông vào phần “Các thi gia” cùng với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Đoàn Như Khuê, Trần Tuấn Khải. Tổng tập Văn học Việt Nam tập 25 do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1991, cũng dành cho ông vị trí xứng đáng, xem ông là một trong 20 tác giả có tên tuổi của thời kỳ trước năm 1930. Chính Dương Bá Trạc là tác giả bài thơ “Vào hè” nổi tiếng “Ai xui con cuốc gọi vào hè? Cái nóng nung người nóng nóng ghê, Ngõ trước vườn sau um những cỏ, Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê…” luôn được đưa vào sách giáo khoa, cả thời trước cách mạng và thời nay.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn hai phường 1 và 2 của quận 8, hiện có một đường phố mang tên Dương Bá Trạc. Hà Nội đã có những phố mang tên Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Tăng Bạt Hổ… là những đồng chí gần gũi của Dương Bá Trạc. Thiết tưởng nếu có một đường phố mang tên Dương Bá Trạc thì cũng là xứng đáng.

Dương Bá Trạc đã để lại các tác phẩm:
- 2 tác phẩm dạy học: Chữ Nho học lấy; Gia lễ giản yếu
- 2 tập văn: - Tiếng gọi đàn; Bức thư ngỏ cùng quan Tổng trưởng thuộc địa
- 2 tập thơ: - Trai lành gái tốt; Nét mực tình
- 4 khảo luận nhiều kỳ: Việt sử khảo, Việt sử luận; Khảo cứu về sự thi ở nước ta; Bàn về vấn đề học chữ Hán
- Nhiều bài luận khác: Cái tính chất dân tộc Việt Nam mình, Cái sự nghiệp của bậc thượng lưu ta đối với xã hội, Một cách bổ trợ cho gia đình giáo dục, Sự học của trẻ con ở ngoài lớp học…

Ngoài ra, ông còn viết những bài xã thuyết (có tính cách luân lý, xã hội hay liên quan đến kinh tế, chính trị đương thời), nhiều câu đối, dịch Hán văn và viết ký truyện.

Ghi chú:

1)
... Ông Cử Dương,
Trời phú thông minh, đất chung linh tú,
Cơ cừu nguyền gìn giữ nếp nhà,
Lều chiếu vẫn theo nghiệp cũ.
Song đèn sách là nơi rèn luyện, ông đã rõ cương thường đạo lý, há theo đời quỳ gối khom lưng.
Vả non sông là gốc sống còn, ông đã mang khí phách can tràng, sao chịu nhục đè đầu cưỡi cổ.

Bởi thế:
Hội Duy tân đến bước với trào lưu,
Nhóm cách mệnh rầu lòng về lãnh thổ,
Ra công huấn luyện nào Nghĩa Thục Đông Kinh,
Hết sức hô hào, nào Tùng báo Đăng cổ.
Tuy tay không khôn chống chọi với cường quyền,
Nhưng khí chính cũng thế trùng cho nghịch lỗ.

Khi Côn Đảo màn trời chiếu đất, chân lao lung mà cổ vẫn quật cường,
Khi Long Xuyên cơm giỏ nước bầu, thân cơ đích mà đâu hàng tự chủ.
Kể từ lúc 22 tuổi, hiến thân cho nước, chỉ những toan rửa sạch không hổ nước hờn dân,
Đến về sau hơn 10 năm đổi sĩ làm tù, may còn sống để trở lại quê cha đất tổ.
Thiết cưỡng tùng ma chiết nhiều phen,
Tuế nguyệt luống sa đà lắm độ,
Đời vẫn lầm than man mác, những là dong mắt suốt năm canh,
Người đâu gỗ đá trơ trời, sao chịu bó tay ngồi một chỗ.
Việc của đời, chan chứa, sức đang nổi bao giờ cũng có.
Quay sang Nhật, hồi chuông cảnh tỉnh, đạo từ bi mong giảng cho tinh.

Trở về Nho, ngọn bút hùng hồn, nền luân lý muốn bàn thực rõ.
Tính việc công, già cũng quên già,
Theo nghĩa lớn, khó không ngại khó.
Đang tính phương ngoài vùng vẫy, rủ nhau đồng chí đợi thời cơ,
Người đâu cõi xa xăm, rút cục âm mưu thua định số.
Sáu mươi tuổi lòng son tóc bạc, lúc phân lỳ còn hẹn lúc trùng phùng, mà nay đã chia đường kim cổ.

Ôi! Ngày thanh không ngừng,
Công trình chưa bỏ.
Đọc bài Chính kiến, dường nghe sang sảng lời vàng,
Xem tập Nét tình, nhỡ thêm đầm đầm máu đỏ.
Ngán khẽ khuôn thiêng quá hẹn, luốn để ai lỡ vận sai thời.

Thương thay! Khối giận chưa tan, chờ đến lúc tuân mây dậy gió.
Chúng tôi đây:
Khắp mặt gần xa,
Đủ hàng thân cố,
Dâng nén hương viếng trước anh hồn,
Nhờ sức Phật đưa về tĩnh độ.
Giả phỏng bây giờ còn sống, phút chốc bàn cờ thay ván khác, nhìn lại nhìn, dạ cũng nguôi nguôi
Tiếc thay vội vã làm chi, lờ mờ ngọn biển cách mây xa, nhớ lại nhớ, sầu càng vò võ.
Ngẫm cho phải, thác thì đành hẳn, thác để tuổi để tên, để lại một đời tiết nghĩa, thác cũng là vinh.
Suy đến nơi, sống phải làm thế nào, sống còn nhà còn nước, còn muôn nỗi ưu nan, sống sao khỏi hổ.

(Trích Điếu văn của cụ Phó bảng Bùi Kỷ, đọc tại lễ truy điệu Dương Bá Trạc, ngày 18-3-1945)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đường lối giáo dục cứu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục

    23/09/2018Nguyễn Hải HoànhGiáo dục cứu nước (GDCN) là lựa chọn quan trọng nhất của các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi họ quyết định đường lối đấu tranh giải phóng nước nhà của tổ chức cách mạng này. Trước đó, tất cả các cuộc đấu tranh chống Pháp đều theo đường lối bạo động vũ trang.
  • Đông Kinh Nghĩa thục: Học Nhật Bản chấn hưng đất nước

    26/07/2017Mai ThụcNhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trung tâm Văn Miếu Quốc tử Giám và Trung tâm Minh Triết Việt đã Tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa thục. Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng - Duy Tân - Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục Tự lập, tự nguyện, học Tinh Hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại...
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Đọc lại văn thơ Đông Kinh nghĩa thục

    02/03/2017Nguyên AnTrong kho tàng văn chương - văn hoá Việt Nam mấy trăm năm nay, có lẽ không có một nhóm tác giả, một tao đàn, một phong trào nào tồn tại ngắn ngủi mà lại có tiếng vang tốt đẹp, lâu dài như phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
  • Văn minh tân học sách - Cương lĩnh hành động của Đông Kinh Nghĩa Thục

    20/11/2015Chương ThâuTrước đây, trong công trình nghiên cứu VĂN THƠ CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX (Nxb Văn hóa, Hà Nội 1961) Giáo sư Đặng Thai Mai có viết: “Những thi ca do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động và phổ biến có một ý nghĩa rất quan trọng...
  • Bàn thêm về Trần Trọng Kim

    25/08/2015Vũ Ngọc KhánhTôi nghĩ rằng chúng ta nên có một cuộc hội thảo khoa học về Trần Trọng Kim. Đã có nhiều ý kiến trao đổi, nhưng nhận định chung hình như chưa thật thoả đáng lắm. Ngay gần đây trên tạp chí Xưa và Nay (bài của Hà Vinh) và trên tạp chí Văn Nghệ (bài của Đặng Minh Phương), ý kiến cũng rất khác nhau. Trao đổi về ông cũng là một dịp làm sáng tỏ sự thật...
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • Đông Kinh Nghĩa thục và những điều kiện Hiện đại hoá

    21/05/2015Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm ToànTự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục...
  • Trần Trọng Kim với Việt Nam Sử Lược

    16/03/2014Mai Khắc ỨngTôi nhận biết một Trần Quốc Vượng bên trong Trần Quốc Vượng trên bục giảng của đời sống hiện đại. Theo chỉ bảo của thầy Vượng, tôi nghiền ngẫm cuốn sách "Việt Nam Sử lược" và mãi cho đến nay, mỗi lần cần viện đến chứng cứ lịch sử, tôi vẫn phải nhờ Trần Trọng Kim...
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • xem toàn bộ