Hai cuốn sách mới về sự nghiệp của chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926)
Phan Tây Hồ - Tiên Sinh Lịch Sử
Tác giả: Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng
Nhà xuất bản: NXB Tổng hợp TP. HCM
Giá bìa: 35.000 VNĐ
Đăng ký mua theo mobile:0903. 205. 306,[email protected]hoặc
inbox theo : facebook.com/MinhChungTa
- Xem danh sách sách có thể đặt mua tại chungta.com
.
Cuốn Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử mà bạn đọc đang cầm trên tay được cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng viết từ năm 1926. Cụ Huỳnh vốn là bạn thâm giao với cụ Phan từ thuở còn đi học, biết rõ cá tính, hiểu thấu tâm tư, đường hướng mà cụ Phan theo đuổi, hiểu rõ những khó khăn mà cụ Phan gặp phải khi quyết chí lựa chọn con đường của mình bởi “thuyết dân quyền tự trị mới mẻ, ít người hiểu, và trong lịch sử thuở nay không từng thấy,… nhiều người không ưa, không ai hỏi đến”. Bởi vậy chỉ chưa đầy ba tháng sau khi cụ Phan Tây Hồ mất, cụ Mính Viên đã cảm tác viết nên cuốn sách này với mong muốn đồng bào trong nước hiểu được tấm lòng vì dân vì nước của chí sĩ Phan Tây Hồ. 90 năm sau, với tấm lòng tri ân các bậc tiền nhân khi xưa đã không quản bao hiểm nguy, gian khổ, bôn ba khắp chốn vì nền độc lập và cường thịnh cho dân tộc, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuốn Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử. Cuốn sách dựa trên bản in của Nhà xuất bản Anh Minh năm 1959, có bổ sung thêm bài văn bia trên mộ cụ Phan Châu Trinh và một số trích đoạn trong tác phẩm Thi tù tùng thoại đều do cụ Huỳnh Thúc Kháng biên soạn.
Chúng tôi hy vọng rằng bạn đọc ngày nay - nhất là bạn đọc trẻ tuổi - sau khi đọc cuốn sách này sẽ thêm tự hào về những tấm gương yêu nước trong lịch sử, từ đó có thêm động lực để viết tiếp những trang sử mới tươi đẹp của dân tộc Việt Nam ta.
Mời bạn đón đọc.
.
Mục lục
Lời nhà xuất bản
Bài tựa
Phan Tây Hồ tiên sinh - Niên biểu đồ
I. Gia thế buổi nhỏ cùng thời kỳ học cử nghiệp (từ nhỏ đến 30 tuổi)
II. Làm bộ thuộc ở Kinh cùng thời kỳ tân học du nhập (từ 30 tuổi đến 33 tuổi)
III. Giao thiệp với ông Sào nam cùng thời kỳ đi du lịch (từ 30 tuổi đến 35 tuổi)
IV. Đi Nhật Bản về và hành động trong nước (từ 35 tuổi đến 37 tuổi)
V. Bị đày ra Côn Lôn, cùng tha về Sài Gòn (từ 37 tuổi đến 40 tuổi)
VI. Mười bốn năm ở nước Pháp (từ 1911 đến 1925)
V. Về nước và bệnh già (1925-1926)
Bài kết luận
Tổng án
Các bản cảo do tiên sinh trước thuật
Phan Tây Hồ tiên sinh dật sự
Phụ lục
- Mộ chí ông Phan Châu Trinh
- Thi tù tùng thoại (trích)
.
Trích dẫn:
Trích dẫn:
"...Cùi cụi một mình, xông pha trăm ngả, gầy thù chác oán, ngậm đắng nuốt cay, càng ngã xuống, càng đứng lên, càng bị thua, càng hăng hái, trước sau ôm một chủ nghĩa, lăn mình vào cảnh khổ... mà tìm một con đường rộng cùng ông Sào nam chia đường đưa tới để cắm nâu chỉ lối cho người sau.
Ấy, dầu như đởm thức không đủ, nhiệt thành không tới nơi, làm sao lui mà địch với xã hội, tới mà dẫn đàng cho xã hội, mà làm một đấng tiên thời nhân vật ít ỏi như thế?
... Vậy tóm cả sự tích một đời tiên sinh, chia mấy thời kỳ làm một quyển sử, trước biểu bạch tâm sự một người đại chí sĩ, sau cũng để làm gương cho người sau, ấy cũng là nghĩa vụ một người học giả đối với quốc dân mà phải gắng vậy"
(Huỳnh Thúc Kháng)
Gương Chí Sĩ Phan Tây Hồ - Lịch Sử Toàn Biên
Tác giả: Nguyễn Kim Đính
Nhà xuất bản: NXB Tổng hợp TP. HCM
Giá bìa: 80.000 VNĐ.
Đăng ký mua theo mobile:0903. 205. 306,[email protected]hoặc
inbox theo : facebook.com/MinhChungTa
- Xem danh sách sách có thể đặt mua tại chungta.com
Cuốn sách Phan Tây Hồ lịch sử toàn biênđược in cách nay đã 89 năm (1927). Từ đó đến nay (2016), cuốn sách vẫn chưa được in lại. Cuốn sách ghi lại tiểu sử, những bài diễn thuyết của cụ Phan Tây Hồ sau khi về nước và quý hơn cả là phần ghi lại quá trình diễn ra đám tang của chí sĩ Phan Châu Trinh trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Chính vì những lẽ đó, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản lại cuốn sách với mong muốn góp phần tôn vinh và làm sống dậy tinh thần “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của nhà tư tưởng Phan Châu Trinh.
Về việc tái bản cuốn sách, chúng tôi giữ lại nguyên văn văn bản in lần đầu, chỉ biên tập những lỗi chính tả như sai dấu hỏi ngã… Riêng phần những chữ đại tự, câu đối trong đám tang Cụ Phan Châu Trinh chúng tôi có nhờ nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh hiệu đính và bổ sung thêm phần Hán văn cho rõ nghĩa. Về phần ảnh, ngoài những tấm ảnh về đám tang Cụ Phan Châu Trinh năm 1926, chúng tôi có bổ sung thêm một số ảnh chụp phần mộ và Nhà lưu niệm của Cụ (số 9 đường Phan Thúc Duyện, Phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) do bạn đọc Đỗ Minh Tiến cung cấp.
Dù đã cố gắng nhưng do cuốn sách đã in cách nay gần 100 năm nên có nhiều từ, nhiều nội dung khó lòng mà hoàn chỉnh một cách chu toàn. Chúng tôi rất mong bạn đọc gần xa lượng thứ nếu có gì sai sót và xin góp ý chân thành để lần tái bản sau cuốn sách được hoàn chỉnh hơn.
Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn và cáo lỗi với tác giả Nguyễn Kim Đính, vì chưa liên hệ được với tác giả để xin tái bản cuốn sách; nếu tác giả hay thân nhân tác giả biết tin này, vui lòng đến Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (theo địa chỉ ở cuối sách) để nhận sách biếu. Nhân đây chúng tôi xin gửi lời cảm ơn nhà thơ Lê Minh Quốc (hiện công tác tại báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh), là người đã nhiệt tâm giới thiệu và cho mượn bản in lần đầu để chúng tôi có dữ liệu xuất bản lại cuốn sách; xin cảm ơn nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh đã hiệu đính và tu bổ cho phần Hán văn.
Mời bạn đón đọc.
.
Tựa:
"Ta thử xét lại thì những sách nói về cụ Phan Tây Hồ đã thất bản từ trước đến giờ đó, cuốn thì chép tiểu sử của cụ, cuốn thì chép tang lễ của cụ..., tổng chi, mỗi cuốn chỉ chép được một phần, chớ chưa có cuốn nào nói đủ cái thân thế của cụ từ ngày cụ còn tuổi trẻ cho đến lúc cụ đã qua đời. Nay tôi xuất bản cuốn sách này là có ý muốn cho các bạn độc giả chỉ coi trong một cuốn sách mà được biết rõ hết bao nhiêu những công chuyện của một đời cụ Phan Tây Hồ vậy".
"Ta thử xét lại thì những sách nói về cụ Phan Tây Hồ đã thất bản từ trước đến giờ đó, cuốn thì chép tiểu sử của cụ, cuốn thì chép tang lễ của cụ..., tổng chi, mỗi cuốn chỉ chép được một phần, chớ chưa có cuốn nào nói đủ cái thân thế của cụ từ ngày cụ còn tuổi trẻ cho đến lúc cụ đã qua đời. Nay tôi xuất bản cuốn sách này là có ý muốn cho các bạn độc giả chỉ coi trong một cuốn sách mà được biết rõ hết bao nhiêu những công chuyện của một đời cụ Phan Tây Hồ vậy".
(trích Lời tựa)
.
Mục lục
- Lời Nhà xuất bản
- Lời tựa
- Tiểu sử ông Phan Châu Trinh
- Đạo đức và luân lý Đông Tây
- Bài diễn thuyết về quản trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa
- Sau khi ông Phan Châu Trinh tạ thế
- Đám tang cụ Phan Châu Trinh
- Những đại tự, câu đối tại đám tang
- Lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh ở Bắc Kỳ - Trung Kỳ - Nam Kỳ
- Ta phải thương cụ Phan Châu Trinh cách nào?
- Bảng giải thích một số từ cũ, phương ngữ trong sách
- Phụ lục ảnh
.
Trích dẫn:
Trích dẫn:
"... Ngày nay cụ mất đi, cái tấm lòng của cụ hãy còn di hận, cái mục đích của cụ hãy còn chưa tới nơi, ba thước đất trên chỗ nghĩa địa Gò Công ta chỉ thấy rằng đã chôn chặt cái tấm thân của một nhà đại chí sĩ nước Nam ở đó, nhưng có lẽ cũng ít người thấy rằng đã chôn chặt cái trái tim dân chủ xuống đó, vậy bây giờ ta đối với cụ, nên chỉ biết để tang cụ, đi điếu cụ, đưa đám ma cụ, thơ khóc cụ, thế là xong bổn phận rồi, thì đã gọi là thương cụ tế nào được!
Ta phải thương cụ bằng tấm lòng, ta phải thương cụ bằng việc làm, việc làm của cụ chưa tới nơi, thì ta làm cho tới nơi đi, tấm lòng cụ hãy còn di hận, thì ta phải làm cho cụ được vui lòng đi, cái công áp chế, cái dây xích cường quyền, hơn mấy ngàn năm vì một cái chữ "trung" vô nghĩa vô lý mà nó đã buộc chặt vào đầu vào cổ dân ta đó, thì ngày nay ta quyết phá tan nó ra, dứt dứt nó đi, cụ Phan Châu Trinh là người đã biết tỉnh ngộ trước ta, giận tức ta, mà cụ chưa giải ra được, thì ngày nay ta nhứt định phải giải cho ra, cái lòng tức giận của ta hiệp với cái lòng thương cụ mà gây nên hùng phong, gây nên mãnh lực, gây nên can đảm, gây nên nhuệ khí, một người thương cụ, mười người thương cụ, một trăm người thương cụ, một ngàn, vạn, triệu người thương cụ, rồi hiệp cả những cái thương ấy mà làm một đội quân dân chủ để phá tan cái thành đế chế kia đi, chắc hồn cụ ở dưới suối vàng thấy những sự hành động của cháu con như thế, cũng phải mỉm cười mà rằng: Sướng chưa? Khoái chưa?..."
(Ta phải thương cụ Phan Châu Trinh cách nào?, Nam Kiều)
.
"... Nước Nam hơn bốn chục năm nay, vận nước suy đồi, chế độ tồi bại, bao nhiêu nhân tài đều vùi lấp mất cả, kẻ trên thì ky cóp bóc lóc để nuôi sự giàu sang của mình; kẻ dưới thì lòn cúi chạy chọt, để cầu được làm quan, một người như thế, trăm người như thế, ngàn, muôn, ức, triệu người như thế, lần lần thành ra thói quen, kẻ chưa được làm quan, thì cúi đầu rút cổ chầu chực ở chỗ quyền môn; kẻ đã được làm quan thì cậy thế cậy quyền, hoành hành ở nơi làng xóm, ngoài những sự trai gái, ăn uống ra, không còn biết một việc gì, những nghề cần yếu của quốc dân như làm ruộng, làm thợ, buôn bán, thì thú phong lưu không thèm màng đến, còn ngó đến những chỗ thành thị, những nơi thôn dã, kẻ nào gian xảo thì lanh như con thỏ; kẻ nào ngu xuẩn thì dốt như con heo; gian tham dối trá, không gì là không làm, đánh đập roi vọt, cũng không hề dám giận,cả nước đều gian xảo nhút nhát, không còn có gì là nhân cách cả. Đó là tôi nói thật đấy, chớ chẳng phải tôi cố nói quá ra để khi thị người đồng bào với tôi đâu! Ôi một cái giống dân đã kém hèn như thế, không cứ là quan dân sĩ thứ, chỉ có định hình phạt cho nặng, để cho an nhiên chịu ở dưới quyền pháp luật, rồi lần lần sẽ đắc lên con đường tấn bộ, thì mới mong cho no đủ bình yên được..."
(trích Thư cụ Phan Bội Châu gửi quan Toàn quyền đứng đầu Chánh phủ Pháp ngày 15/8/1906)
.
"...Thưa các anh em đồng bào!
Tôi nói từ nảy đến giờ thật cũng nhiều rồi. Vậy xin anh em cho tôi nói tắt lại rằng: Ta đã biết nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý, bồi đắp đạo đức của ta.
Anh em ta hãy gắng mà làm đi.
Thưa anh em,
Tôi cũng đã biết rằng muốn khôi phục lại nền đạo đức của một nước mà trăm việc đều đổ nát như thế này, không phải là việc dễ. Nhưng nay ta bảo rằng khó, không khôi phục lại nền đạo đức cũ thì biết bao giờ mới mở mặt được với người. Tôi nói đạo đức cũ không phải nói con phải làm tôi mọi cho cha, vợ phải làm tôi mọi cho chồng, tôi phải làm tôi mọi cho vua đâu, mà chính là cái đạo đức trung dung của Khổng Mạnh, đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây, như tôi đã nói đó vậy. Đạo ấy ở trong những câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục (Giết người học trò được, mà làm nhục thì không được), phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu (Giàu sang không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không buộc mình cúi đầu, được thế mới gọi là đại trượng phu)...
Nếu ta giữ được một ít đạo đức của ta, thâu thái một ít đạo đức của Âu châu đem điều hòa lại, rồi khuếch trương luân lý ta ra cho có quốc gia luân lý, nghĩa là khiến dân Việt Nam ai ai cũng đều biết nghĩa vụ đối với nước Việt Nam. Được như thế thì chẳng những được nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà còn trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dễ ta như ngày nay nữa.
(trích Bài diễn thuyết "Đạo đức và luân lý Đông Tây" của Cụ Phan Châu Trinh tại nhà hội Việt Nam ở Sài Gòn, đêm 19-11-1925)
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015