Người khác
Tôi muốn kể một câu chuyện, một câu chuyện hết sức bình thường không hề có chủ định ngụ ngôn hay hàm ý sâu xa nào.
Hai người bạn tôi, “thanh mai trúc mã”, mến nhau từ nhỏ, lớn lên yêu nhau, đi cùng ai cũng phải xuýt xoa vì quá đẹp đôi, vì đều thấy rõ ràng họ “sinh ra là để cho nhau”, bao nhiêu năm cuộc tình không bị ai chen ngang, đến tuổi thì cưới nhau, chưa từng có ai chứng kiến họ cãi vã, nặng lời và trong mọi chuyện họ đều “nhất trí cao độ” với nhau. Bạn bè xung quanh trải bao thăng trầm, sóng gió về tình cảm và hôn nhân, thảy đều ghen tị với cặp trai gái kia và đều nhận ra rằng càng ngày nét mặt họ càng giống nhau.
Thế rồi đến một ngày, hai người bọn họ tan vỡ, một sự kiện lớn trong nhóm bạn chúng tôi, mà “triệu chứng” chỉ là mấy hiện tượng lặt vặt như khi một trong hai người cất tiếng nói thì người kia nhất định im lặng, như thể chỉ một người là đủ toàn quyền phát ngôn thay cho cả hai, rồi ở những cuộc gặp mặt đông người dần dà chúng tôi thấy hoặc anh hoặc chị tới chứ chẳng mấy khi cả hai. Điều lạ là những lúc như vậy chẳng ai cảm thấy thiếu, thấy cần người còn lại phải có mặt.
Sự tan vỡ đi ngược lại mọi dự đoán và quy luật này khiến những cặp đôi nhiều sóng gió kinh ngạc nhưng đồng thời cũng hiểu ra một điều: những gì quá hoàn hảo, quá bình lặng một khi đã xảy ra chuyện gì là không thể cứu vãn, trong khi những thứ hơi “méo” ở vẻ bên ngoài, hục hặc trục trặc thường xuyên lại có thể lâu bền trong sự bấp bênh của nó.
Và thực sự con người ta, hình như thế, có nhu cầu về sự khác. Người khác tức là khác với mình, cho dù các nhà sinh học có chứng minh thuyết phục đến thế nào về tỉ lệ rất sát 100% về mức độ giống nhau giữa mọi con người. Sự khác biệt không chỉ làm cho cuộc sống đa dạng hơn, mà có vẻ còn là điều kiện sống cơ bản của chúng ta, thiếu nó thì loài vật được phú cho chút khả năng tư duy khó lòng “bình thường” cho được. Vậy nên một con người chín chắn nên hiểu cảm giác của những con người lúc nào cũng chực lên đường đi xa đến một nơi nào đó thật lạ, thật khác, những con người luôn luôn muốn ngày mai khác hẳn với hôm nay.
Mối quan hệ giữa ta và người khác phức tạp đến nỗi không bao giờ dò thấu nổi, và không chỉ là chuyện yêu, ghét, ngưỡng mộ, khinh thường, bực bội, hoan lạc, mà dường như còn ở một tầng sâu hơn hẳn, để rồi có những lúc ta bỗng nhận ra thật ra mình chẳng thể nào hiểu nổi về bất kỳ ai.
Tôi đã thử tìm cách nhìn người khác bằng việc làm một bộ phim ở một nơi rất xa lạ với cuộc sống bình thường của tôi, chỗ của những con người không có gì chung với tôi, thử để cho cái nhìn của mình không vướng chút thành kiến nào, giữ cho mình là một người quan sát trung tính tối đa.
Tôi chứng kiến những người dân tộc khi gặp chuyện không vui thì một mình đi vào rừng, nói hết lòng mình cho cây nghe, nhẹ nhõm rồi thì trở về, không vướng bận gì nữa. Những con người ấy biết kết nối rất hài hòa giữa bản thân mình, người khác và tự nhiên, họ biết dựa vào tự nhiên một cách bản chất và thân tình, nương theo nó mà không cố công cải tạo hay chế ngự. Tôi không biết cách này hay dở thế nào, nhưng tôi đã biết được rằng trước các sự việc giống nhau, cách giải quyết của mỗi người không chỉ khác nhau ở vẻ ngoài mà còn có thể khác về bản chất, từ quan niệm sâu xa nhất trở đi.
Một lần khác, tôi dự cuộc tế lễ trong rừng của một bộ tộc khác. Rất cố để không bị những cảm giác thường có của mình đẩy bật ra khỏi sự quan sát thuần túy và khách quan, tôi vẫn thấy như không thể chịu đựng nổi khi những con người kia giết con chó đẹp nhất mà họ có để tế lễ. Nhưng nghĩ cho kỹ, cộng đồng người nào cũng có nhu cầu xả đi, hy sinh một số thứ quý giá hòng tìm tới trạng thái cân bằng; xét cho cùng ở xã hội “hiện đại”, người ta cũng vẫn luôn “hiến tế”, mà lại thường xuyên hiến tế những cá thể đẹp nhất, giỏi nhất của cộng đồng mình, người ta có thể đưa sức mạnh và ý chí đám đông vào những cơn điên giận mù quáng chống lại một cá thể nào đó.
Người khác thì sẽ khác và nên khác bản thân mình. Những “bài học tinh thần” tôi tìm đến ở một nơi xa lạ không hẳn giúp tôi bao dung hơn trước những khác biệt rất dễ làm mình nổi xung, nhưng ít nhất cũng có thể chấp nhận được. Chấp nhận được cuộc đời như nó vốn có thật ra là một việc không hề dễ dàng, làm được như vậy thôi cũng đã cần rất nhiều nỗ lực và tập trung rồi. Có khi phải mất rất nhiều công sức luyện tập ta mới chấp nhận nổi rằng đứa con do mình đẻ ra thật ra rất khác so với mình nghĩ.
“Địa ngục, đó là người khác”, triết gia rất sắc sảo đồng thời là nhà văn tài danh Jean-Paul Sartre từng viết rất chí lý như vậy. Nhưng vốn là một người lạc quan, tôi nghĩ rằng nếu không có địa ngục thì cũng sẽ chẳng có thiên đường, nếu không có màu đen thì thế giới hồng cũng tẻ ngắt đáng sợ như mọi thế giới độc sắc nào. Nhìn người khác cũng đồng nghĩa với nhìn vào chính bản thân ta, sâu hơn nhiều so với ta có thể tưởng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý