Sức mạnh của chúng ta

07:36 CH @ Thứ Tư - 13 Tháng Bảy, 2011
Lâu nay, đã thôi “nghĩ ngợi”, chỉ “nghỉ ngơi cuối tuần” để bàn về số phận con voi hay tiềm năng của con chim yến, về những cuộc hội thảo mà mình tâm đắc học hỏi từ người xưa, việc xưa hay cảm nhận sau mỗi chuyến đi xa đến những vùng đất mới, gặp những con người mới...

Nhưng hôm nay thì lại phải “nghĩ ngợi” trở lại, khi có một bạn rất trẻ đặt cho câu hỏi: Vì sao ngày xưa chẳng có ai giúp đỡ, viện trợ mà chỉ bằng nội lực, ông cha mình vẫn đánh thắng được giặc Nguyên-Mông (thế kỷ XIII), giải phóng đất nước khỏi tay giặc Minh (thế kỷ XV) hay Quang Trung vẫn thần tốc đánh một chập cả hai đạo quân xâm lược ở phương Nam và phương Bắc (thế kỷ XVIII)?

Trí thức trẻ đặt câu hỏi ấy vào lúc này thật là đáng quý, còn câu trả lời thì lại thật không đơn giản. Dân tộc ta đã trải một chặng đường dài hàng nhiều thế kỷ kể từ khi giành lại được quyền tự chủ với phương Bắc, để rồi hội nhập với thế giới, phần còn lại ngoài cái “Thế giới Trung Hoa” mà suốt thời mở nước rồi dựng nước dân tộc ta phải gắn bó, tiếp thu và chịu đựng.

Đọc sử cũ chép việc người phương Bắc khi đô hộ đất Giao Chỉ thu gom trống đồng của người Việt để đúc ngựa khiến dân ta phải chôn sâu vào lòng đất, hay cất sâu vào hậu cung tâm linh của những ngôi đền “Đồng Cổ” mới mong giữ được bản sắc và tài sản văn hoá của mình, trong khi nhiều cộng đồng gần gũi trong Bách Việt đã chấp nhận hoà nhập vào thiết chế của nền văn minh từ phía Bắc sông Dương Tử tràn xuống...

Sau những nỗ lực của nhiều thế hệ, với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất (năm 938) của Ngô Quyền, nền tự chủ mới được thiết lập lại và lịch sử ghi nhận cách ứng xử khôn ngoan của những đấng minh quân Đại Việt đối với phương Bắc, không chỉ là một đế chế có sức và tham vọng bành trướng mà còn là một quốc gia sở hữu một nền văn minh lớn của nhân loại.

Giống như dân Việt đã sẵn sàng lập đền thờ viên thái thú Sĩ Nhiếp được tôn làm “Nam Giao học tổ”; đức Lý Thái Tổ sẵn lòng gọi Cao Biền là “Cao vương” và chọn thành Đại La, trị sở của nhà Đường làm kinh thành của nước Đại Việt tự chủ; tháo cũi La thành cho vùng đất “Long Đỗ” (rốn rồng) để xây đắp nền móng văn hiến cho vùng đất “Thăng Long” (rồng bay).

Mọi triều đại nối nhau trị vì Đại Việt đều sẵn sàng nhận sách phong của thiên tử phương Bắc, nhưng cũng chưa một lần có đấng quân vương Đại Việt nào bước chân qua bên kia biên giới để tỏ sự thần phục, lại luôn cử các sứ thần là người có sức học cao thấm nhuần văn hoá Trung Hoa, lấy sự đồng văn để thù tác hay đối đáp văn chương mà tỏ tình giao hiếu, hoặc đôi lúc phải bày tỏ chí khí của một quốc gia tự chủ. Sứ thần của thiên triều cũng qua lại nước ta hoặc để phủ dụ, hoặc răn đe mong giữ thể diện và trật tự kẻ trên người dưới...

Chính các vị vua nhà Lý đã rước Khổng Tử về lập Văn Miếu, truyền bá đạo Nho, lấy chữ Hán gọi là “chữ Nho” để truyền dạy, thi cử và tuyển dụng nhân tài. Lấy thứ chữ tượng hình ấy làm chữ viết nhưng vẫn gìn giữ tiếng nói gốc gác của mình để rồi khi có dịp vẫn tìm cách tạo ra chữ viết riêng cho mình (cải biến thành chữ “Nôm” hay chấp nhận ghi âm chữ latinh để thành “quốc ngữ”)...

Cho dù xung đột đã từng xảy ra, dài nhất là 3 lần chống giặc Nguyên - Mông, từ trận đầu tới trận cuối cách nhau những 3 thập kỷ nhưng mỗi lần không quá vài tháng. Lần giặc Minh trở lại đô hộ dài tới hơn hai mươi năm, cuộc đại phá quân Thanh thì ngắn hơn nhiều... nhưng nói chung thời gian chiến tranh cũng chỉ là khoảnh khắc của lịch sử.

Dù cho chiến tranh có lúc khốc liệt đến mức “..đánh cho giặc chích luân bất phản... phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (lời Quang Trung) nhưng bao giờ kết thúc cũng vẫn là hoà hiếu. Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi vây giặc ở Đông Kinh, lấy “tâm công” dụ hàng rồi cùng đem nhau ra Hội thề để hai bên cùng nguyện sẽ không động tới binh đao, lại cấp thuyền, cấp ngựa để về nước, rồi thả gươm trả Rùa thần, nhờ thế mà sau cuộc chiến này sự hoà hiếu giữ được đến hơn ba thế kỷ. Sau trận Đống Đa đại phá Mãn Thanh, người Việt vẫn gom xác đối phương thành gò để cúng lễ cô hồn mỗi năm... Hoàng đế Quang Trung còn sai người đóng giả mình sang tận nước Thanh tỏ lòng giao hiếu...

Lấy “nhân nghĩa thắng hung tàn”, lấy “chí nhân thay cường bạo” hợp với lòng nhân, cũng hợp với lòng dân mà thắng ngoại xâm mong giữ tình hoà hiếu chính là cái nguyên nhân và sức mạnh giúp ông cha ta giữ được nước, sống chung với Trung Hoa được lâu bền, trước khi hội nhập rộng lớn hơn ra khỏi cái “thế giới Trung Hoa” mới vài ba thế kỷ nay. Và cũng nhờ thế mà biên cương phía Bắc được bảo toàn, lãnh thổ quốc gia vươn về phương Nam và vươn ra Biển Đông.



Đương nhiên với vài ba thế kỷ gần đây, thế giới đã có những đổi thay to lớn, nước Việt Nam cũng trải nhiều thử thách thăng trầm, chịu đựng những cuộc chiến tranh dài hơn tất cả các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong quá khứ. Việt Nam vừa hội nhập để tìm kiếm thêm các nguồn lực mới từ các quốc gia cùng các nền văn minh khác nhau, nhưng cũng bị hút vào những trào lưu, những xung đột toàn cầu, không dễ giữ vững nền tự chủ...

Nhưng trả lời cho câu hỏi của bạn trẻ, ta cũng có thể tìm thấy một giai đoạn lịch sử khá đặc thù và cũng đặc sắc. Giữa cơn lốc của chiến tranh và sự phân cực, Việt Nam vẫn có thể tự mình định đoạt được số phận của mình để bảo vệ nền tự chủ, sau ngót một thế kỷ mất nước để xác lập một nước Việt Nam độc lập với chế độ dân chủ cộng hoà mới mẻ và non trẻ.

Đó là đoạn thời gian lịch sử tính từ cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 giành độc lập, thiết lập thể chế dân chủ cộng hoà, thoát ra được những nguy cơ xác lập lại sự phụ thuộc vào các thế lực quân phiệt Trung Hoa, và đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp đã bắt đầu có sự can thiệp của Mỹ... cho tới năm 1950.

Đây là thời điểm thắng lợi của Chiến dịch giải phóng biên giới, qua cửa ngõ Trung Hoa để hội nhập với phe xã hội chủ nghĩa, cũng là bị cuốn vào cơn lốc phân cực và xung đột thời Chiến tranh lạnh.

Không nói đến cuộc vận động cách mạng giành độc lập trong bối cảnh Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, nguồn lực duy nhất của những người cách mạng Việt Nam, tập hợp quanh tổ chức Mặt trận Việt Minh chỉ có một sự trợ giúp không đáng kể về thực lực của nhóm quân nhân Hoa Kỳ trong đơn vị “Con Nai”, nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng, biểu hiện sự lựa chọn của cách mạng Việt Nam đã đứng vào đội ngũ Đồng Minh, đại diện cho lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa phátxít, cũng là những người chiến thắng khi chiến tranh kết thúc. Và sự trợ giúp này cũng chấm dứt ngay sau khi Nhật đã đầu hàng, để rồi từng bước chính nước Mỹ lại trở thành thế lực chống lại nền đôc lập của Việt Nam khi đồng loã với thực dân Pháp vì mục tiêu chống Cộng.

Lúc này Quốc tế Cộng sản đã giải tán từ lâu, Liên Xô và những người cộng sản Trung Quốc còn đang vướng víu vào cuộc chiến sống còn của chính mình, ngay cả những người cộng sản Pháp cũng đứng ngoài sự ủng hộ nền độc lâp của Việt Nam... Rõ ràng chỉ có người Việt Nam lấy cái nguyên lý mà vị lãnh tụ của cuộc cách mạng này đã xác định “ lấy sức ta giải phóng nước ta”. Với mục tiêu ấy, ngay Đảng Cộng sản Đông Dương khi cần thiết cũng chấp nhận sự “tự giải tán” (về danh nghĩa) để thuận theo lòng người và thời cuộc.

Với một thể chế dân chủ cộng hoà thể hiện qua cuộc Tổng tuyển cử, rồi thông qua Bản Hiến pháp đầu tiên, chỉ trước khi chiến tranh bùng nổ không lâu cũng đủ sức huy động cả một dân tộc bước vào cuộc cách mạng giành chính quyền và cuộc chiến tranh bảo vệ chính quyền và thể chế do dân lựa chọn. Từ một đội quân “ từ nhân dân mà ra” không được trang bị vũ khí và kiến thức, từ những người dân nghèo đến con cái nhà giàu, từ những văn nghệ sĩ trí thức đến cả những cô gái xóm Khâm Thiên cũng có mặt trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong bộ máy chính quyền và các tổ chức xã hội có mọi tầng lớp kể cả những vị quan lại cao cấp của chế độ cũ cho đến những trí thức Việt kiều từ hải ngoại sẵn sàng về chiến khu chấp nhận gian khổ tham gia kháng chiến...

Đọc lại lịch sử, các giai đoạn từ 1945 đến 1950, có thể thấy được cái hào khí cách mạng và sức mạnh của nhân dân nó được nhen nhóm và thổi bùng lên nhờ không khí dân chủ và tinh thần ái quốc. Sức mạnh ấy đã giúp nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không chỉ tiếp tục cuộc chiến đấu khởi đầu từ Nam Bộ, giữ được mặt trận Thủ đô trong 60 ngày đêm, mà còn duy trì sức chiến đấu và giành thắng lợi trên khắp các chiến trường bằng chính sức của mình.




Lại có thể nói thêm rằng, chính những người bộ đội Việt Nam ấy còn đủ sức tham gia chiến dịch ở Thập Vạn Đại Sơn để chi viện cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc chống trả Quốc dân Đảng Trung Hoa, trước cả khi Cách mạng Trung Hoa bắt tay giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Và đó cũng là thời điểm mà sự nghiệp bảo vệ nền dân chủ cộng hoà lại bắt đầu trước thử thách mới, với những nguồn lực to lớn mới nhưng cũng chứa chất những thách đố mới của cuộc đụng đầu, khi thế giới phân cực và rơi vào vòng xoáy của cuộc Chiến tranh lạnh. Nó cũng chính là thử thách đối với chính với mục tiêu gìn giữ nền tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam. Ai nghiên cứu lịch sử hiện đại Việt Nam đều có thể nhận ra cái khúc quanh ấy....

Khi đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ở Thủ đô Hà Nội, trước khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi các tướng lĩnh và chiến sĩ của mình có đủ sức chống trả để giữ Hà Nội trong bao nhiêu lâu? Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này kể lại rằng, mọi người bày tỏ quyết tâm sẽ giữ được trong một tháng. Bác nói rằng, quyết tâm chưa đủ, phải tín tâm thì mới đồng tâm được.

Cuối cùng, không phải chỉ một tháng, mà những chiến sĩ “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã giữ được hai tháng, trước đạo quân nhà nghề của thực dân được trang bị những vũ khí tốt nhất sử dụng trong cuộc đại chiến vừa kết thúc. “Tín tâm” trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là niềm tin được sự đồng thuận của toàn dân. Nó chính là thành quả của tinh thần dân chủ hừng hực trong cuộc cách mạng của toàn dân. Và lịch sử cũng chép lại rằng để tránh cuộc chiến tranh này, 65 năm trước, sau khi ký Hiệp ước Sơ bộ 6.3.1946 nhằm một lúc đạt 2 mục tiêu: Loại quân Tàu Tưởng ra khỏi chiến trường và tranh thủ để Pháp không sớm phát động chiến tranh, tranh thủ thời gian hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng trước đông đảo quần chúng tề tựu trên Quảng trường Nhà hát Lớn mà tuyên bố rằng: Hồ Chí Minh không bao giờ bán nước! Rồi cũng con người ấy lại lặn lội qua nước Pháp hơn 3 tháng ròng để vận động cho sự hoà hiếu giữa 2 dân tộc. Và chỉ đến lúc phải cầm vũ khí thì “ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” cũng bắt đầu bằng câu: “ Chúng ta muốn hoà bình! Chúng ta đã nhân nhượng nhưng...”

Đó cũng là biểu hiện của một thể chế dân chủ tạo nên lòng tin và ý chí đoàn kết thống nhất của một dân tộc trước những thử thách to lớn mà bài học lịch sử ấy cho đến hôm nay vẫn còn rất gần gũi. Sức mạnh của chúng ta chính là cái nhân tố dân chủ đã từng được kiểm chứng ngay từ những ngày đầu xây dựng chế độ! Dân chủ chính là một sức mạnh đã được lịch sử Việt Nam kiểm chứng. Đó cũng là câu trả lời cho bạn trẻ muốn tìm lại những lời răn của lịch sử.
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chân lý của Tự do

    11/07/2012Hà YênHướng tới Tự do là khát vọng của nhân loại, Vì vậy Tự do được coi là một phạm trù Triết học. Góc nhìn để nhận thức Tự do cũng khá rộng, vì thế các Triết gia không ngừng tìm kiếm một định nghĩa Tư do theo góc nhìn và cách hiểu của mình trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể...
  • Vài điều tôi suy nghĩ nhân ngày 30-4

    31/01/2012Bùi Quang MinhLà một công dân, bạn hãy dành thời gian cùng tôi trả lời những câu hỏi của dân tộc ta: Chiến tranh đã qua đi, tôi và các bạn sẽ phải làm gì để ngẩng cao đầu trước lịch sử, trước thời gian, trước tổ tiên, trước con cháu chúng ta? Giờ đây "kẻ thù" của dân tộc Việt Nam là gì?
  • Có nên bao cấp lòng yêu nước?

    06/07/2011Phạm Gia MinhKhông thể có chỗ đứng cho cơ chế bao cấp đối với lĩnh vực thiêng liêng nhất trong trái tim và khối óc mỗi người Việt chúng ta, đó là lòng yêu nước. Bởi lẽ biển cả trí tuệ và lòng dũng cảm của nhân dân bao giờ cũng vô địch, nó có thể đưa cả con tàu vượt ngàn trùng nhưng cũng có thể lật thuyền ngay cả nơi nước cạn...
  • Lấy dân làm gốc

    29/06/2011Do những hành động gây hấn của Trung Quốc nền an ninh biển Đông của chúng ta bị đe dọa nghiêm trọng. Đây chính là lúc thử thách bản lĩnh của của mỗi người Việt Nam, nhất là những người lãnh đạo đứng mũi chịu sào, chèo lái con thuyền đất nước. Và cũng chính những ngày này, chúng ta càng thêm nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có bí danh thân mật là Sáu Dân vừa tròn kỷ niệm 3 năm ngày Ông Sáu đã đi xa...
  • Học lại “một bài học"

    28/06/2011Nguyễn GiaỶ mạnh, hiếp yếu, lấy thịt đè người vốn là câu chuyện không lạ. Con sói độc đuối lý, nhưng nó biết rằng nó có nanh vuốt nên đủ sức làm hại chú cừu kia. Nhưng hãy nhớ, đó là “xã hội” của loài vật, của những loài ăn thịt tham lam, vốn chỉ quen với luật rừng.
  • Điều Ngàn năm muốn nói…

    25/06/2011Nguyễn CẩnKhi Hà Nội tưng bừng lễ hội kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, người dân đã sống những ngày thật sự có ý nghĩa. Họ nhớ đến lịch sử và những năm tháng hào hùng trong niềm kiêu hãnh của người dân thủ đô, của người con đất Việt. Lễ hội đi qua cũng là lúc người ta xem xét những gì còn lấn cấn, vướng mắc khiến lễ hội có những điều không như ý: ngoài chuyện giữ xe “chém đẹp”, chen chúc mất trật tự… thì phải kể đến thái độ phá hoại công sản như bứt phá cây cảnh, vứt rác xuống hồ Gươm.
  • Thế hệ

    25/06/2011Hoàng Đạo CungThế hệ Cụ của các anh, đầu thế kỷ 19, làm quan tại triều, quát lính gông cổ quan tham. Thế hệ Ông của các anh, cuối thế kỷ 19, học tài, đỗ cao, lo trị dân, lo việc giáo dục, lo đắp đê chống lụt. Về già từ quan, uống rượu, làm thơ chống Pháp và bàn chuyện Duy tân, cách tân theo gương Thiên Hoàng nước Nhật.
  • Kết luận về các bài học phát triển đất nước (phần 1)

    28/05/2011GS. Đặng PhongLenin nói: Tổ chức quyết định tất cả. Tổ chức được hiểu theo nghĩa: Là những thiết chế của toàn bộ xã hội từ trên xuống dưới, từ lĩnh vực này tới lĩnh vực kia, theo một mô hình như thế nào để toàn bộ các mối quan hệ có thể vận hành tốt nhất. Trong đó phải có cả những khích lệ thích đáng lẫn những răn đe và trừng phạt thích đáng. Một hệ thống mà khích lệ thói cơ hội, giả dối, kiêu ngạo… sẽ chỉ có thể là một xã hội trì trệ. Một hệ thống không đủ khả năng ngăn chặn những quyết sách sai lầm thì khó tránh khỏi hiểm họa...
  • Nói cho đồng bào tôi nghe

    29/04/2011Nguyễn Thị Ngọc HảiMột người nói với bạn thân là nhà nghiên cứu kinh tế: Hôm nào ông giảng cho tôi hiểi tất cả cái sự biến động kinh tế giá cả này. Mà nói sao cho thật dễ hiểu, sao cho người dân đen “ngu” nhất như tôi hiểu được, chứ đừng có hỏa mù quá nhiều từ chuyên môn như vừa rồi các ông phát biểu trên báo. Tôi không hiểu gì cả. Nhà nghiên cứu kinh tế hóm hỉnh rỉ tai người bạn: bà dân đen không phải ngu nhất đâu. Lãi suất bị đẩy lên cao nên cung và cầu trong xã hội đều giảm, đầu tư giảm, lượng tiền lưu thông sẽ giảm và sẽ đến mức cân bằng. Đây chính là mục tiêu của việc tăng lãi suất hiện nay…
  • Ký ức chính là một phần của lịch sử

    06/12/2010Nhà sử học Dương Trung QuốcNếu phải tìm một cái mốc thì có lẽ có một tác động nào đó từ cuốn tự truyện của nghệ sĩ Lê Vân. Cách suy nghĩ của một người đã đụng chạm đến quan điểm của nhiều nguời, nhất là về những vấn đề chung như đạo lý, lối sống...
  • Ba cấp độ của Dân chủ

    04/11/2010Nguyễn Trần BạtTừ đầu thế kỷ XX, thậm chí đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, trình độ nhân dân, dân trí của Việt Nam chưa đủ để hiểu các cấp độ dân chủ của Hồ Chí Minh, chỉ mới đủ điều kiện để hiểu nền dân chủ cơ sở của Hồ Chí Minhnền dân chủ thái độ, thể hiện ở đạo đức và tác phong. Cấp độ thứ 2 của nền dân chủ Hồ Chí Minh là dân chủ cấu trúc. Hồ Chí Minh phải tạo ra, phải cấu trúc ra một nền dân chủ, và dùng cấu trúc ấy để huấn luyện xã hội và huấn luyện các đồng chí của mình thừa nhận dân chủ bằng sự có mặt của các bộ phận hoặc đại diện của các bộ phận dân chúng. Cấp độ dân chủ thứ 3 của Hồ Chí Minh là xây dựng nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa - xây dựng nền dân chủ phổ quát...
  • xem toàn bộ