"Tất cả chúng ta đều là những người bình thường"

09:45 SA @ Thứ Tư - 17 Tháng Mười Một, 2010

"Tất cả chúng ta đều là những con người bình thường. Cả các sinh viên lẫn các Tổng thống đều là những con người bình thường… Khi tôi nhớ lại giai đoạn đầu những năm 70, thì quả thực một trong những hồi ức sâu đậm nhất của tuổi thơ tôi là những cuộc gặp với những nghiên cứu sinh, những sinh viên tới học, tới với nhà chúng tôi. Điều đó đã in đậm mãi trong ký ức của tôi", Tổng thống Nga Dmitri Medvedev chia sẻ.

Thông lệ này mới có từ mùa xuân năm 2001, khi ông Vladimir Putin, lúc đó đang là Tổng thống Nga, lần đầu tiên sang thăm chính thức Việt Nam, từ đêm 28/2 tới tối 2/3. Và mặc dầu lịch làm việc ở Hà Nội rất kín nhưng trước khi ra sân bay, chiều 2/3/2001, ông Putin vẫn cố gắng có mặt trong cuộc gặp gỡ với các cựu lưu học sinh Việt Nam từng tốt nghiệp các học đường Xôviết và Nga, được tổ chức tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Là người cũng tham dự cuộc gặp này, tôi đã nhìn thấy trên mi mắt ông Putin dường như sắp sửa trào ra giọt lệ cảm kích, khi tất cả mọi người trong hội trường cùng hòa thầm thì cất lên giai điệu bài hát "Chiều Moskva".

Khi đó, ông Putin đã xúc động nói: "Tôi thật sự kinh ngạc trước thịnh tình của người dân thường nước Việt đón chào chúng tôi. Không thể nào đạo diễn trước một tình cảm như thế. Vậy thì tại sao lại để mất một trữ lượng tình hữu nghị từng được bao nhiêu thế hệ gây dựng nên như vậy? Đó là một yếu tố rất quan trọng cơ mà".

Tôi không rõ trong đoàn cán bộ tháp tùng đương kim Tổng thống Nga Dmitri Medvedev có ai đã từng có mặt ở Hà Nội gần 10 năm trước không, nhưng trong thời gian biểu dành cho nguyên thủ Nga lần này cũng có một hoạt động tương tự như thế.

Chiều muộn ngày 31/10/2010, trước khi ra sân bay để tới thăm hòn đảo Kunashir thuộc quần đảo Nam Kuril, Tổng thống Medvedev cũng đã tới Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội để gặp gỡ các cựu lưu học sinh Việt Nam từng tốt nghiệp các học đường Xôviết và Nga. Dễ có tới cả nghìn người tới dự, trong đó có những người tuy mới chỉ đôi ba lần đi ngang qua nước Nga nhưng nặng lòng yêu mảnh đất hiền hòa nhân hậu này nên cũng đến để bày tỏ tình cảm với người đại diện cao nhất của xứ sở Bạch Dương…


Mặc dầu giờ khai mạc cuộc gặp được ghi trên giấy mời là 19h nhưng cho tới phút chót, chương trình đã được đẩy lên sớm hơn. Khoảng 18h30’ (giờ Hà Nội), Tổng thống Medvedev đã tới Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội và hào hứng bước vào khán phòng cùng đông đảo những người đón chào và tháp tùng. Gương mặt trẻ trung, hồ hởi sáng láng…

Và phải nói rằng, năm 2001, ông Putin cũng đã rất niềm nở và thân tình khi giao tiếp với các cựu lưu học sinh Việt Nam nhưng dẫu sao, phong thái của nhà lãnh đạo Nga này vẫn có nét gì đó khiến người ta phải giữ một khoảng cách nào đó, không quá xa nhưng cũng chẳng quá gần.

Tổng thống Medvedev thì lại hơi khác: phong độ của ông khiến mọi người cảm thấy rất gần gụi. Đi giữa hai hàng ghế khán giả từ cuối khán phòng lên hàng ghế đầu đã được dành sẵn cho những vị khách cao cấp, ông Medvedev đã rất nhiệt tình bắt tay tất cả những người ngồi ở ghế đầu ở hai bên lối ông đi.

Tôi cũng được bắt tay ông và có cảm nhận ngay rằng, đó là bàn tay của một trí thức Nga điển hình, nồng nhiệt nhưng rất mềm mại, mềm mại đến mức tôi đã hơi ngạc nhiên vì tôi nghe nói, ông "dù có một lịch làm việc bận rộn, nhưng vẫn dành một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi chiều để bơi và nâng tạ".

Cũng phải nói rằng, dù ông đã bắt tay tới vài chục khách nhưng trong khán phòng vẫn còn không ít người rất muốn được đích thân bắt tay ông - đâu có dễ gì ở Hà Nội lại được một lần ở khoảng cách gần như thế với nguyên thủ quốc gia Nga, một đất nước đã gắn bó với chúng ta như thế.


Tổng thống Medvedev và nhà thơ Hồng Thanh Quang. Ảnh: Kim Tôn


Sau những nghi lễ khai mạc, Tổng thống Medvedev đã lên sân khấu phát biểu, hình như là ngẫu hứng, vì tôi không nhìn thấy trên tay ông có tờ giấy nào:

Tôi rất thú vị khi được có mặt trong khán phòng này hôm nay. Tôi thực sự cảm thấy xúc động vì gần như tất cả mọi người ngồi đây đều gắn bó với đất nước chúng tôi. Về phần mình, mỗi một con người đều trải nhận mọi thứ qua ký ức của mình. Chúng ta đang như chúng ta hiện nay vì chúng ta có hồi tưởng và chúng ta có quá khứ.

Quá khứ của hai đất nước chúng ta, hai dân tộc chúng ta, đó là tình hữu nghị và sự giúp đỡ lẫn nhau trong giai đoạn mà Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình. Còn quá khứ của bất cứ một con người bình thường nào khác, đó là tổng tập những hồi tưởng của họ.

Tất cả chúng ta đều là những con người bình thường. Cả các sinh viên lẫn các Tổng thống đều là những con người bình thường… Khi tôi nhớ lại giai đoạn đầu những năm 70, thì quả thực một trong những hồi ức sâu đậm nhất của tuổi thơ tôi là những cuộc gặp với những nghiên cứu sinh, những sinh viên tới học, tới với nhà chúng tôi. Điều đó đã in đậm mãi trong ký ức của tôi.

- Tôi rất thú vị khi được có mặt trong khán phòng này hôm nay. Tôi thực sự cảm thấy xúc động vì gần như tất cả mọi người ngồi đây đều gắn bó với đất nước chúng tôi. Về phần mình, mỗi một con người đều trải nhận mọi thứ qua ký ức của mình. Chúng ta đang như chúng ta hiện nay vì chúng ta có hồi tưởng và chúng ta có quá khứ. Quá khứ của hai đất nước chúng ta, hai dân tộc chúng ta, đó là tình hữu nghị và sự giúp đỡ lẫn nhau trong giai đoạn mà Việt Nam đấu tranh cho nền độc lập của mình. Còn quá khứ của bất cứ một con người bình thường nào khác, đó là tổng tập những hồi tưởng của họ.

Tất cả chúng ta đều là những con người bình thường. Cả các sinh viên lẫn các Tổng thống đều là những con người bình thường… Khi tôi nhớ lại giai đoạn đầu những năm 70, thì quả thực một trong những hồi ức sâu đậm nhất của tuổi thơ tôi là những cuộc gặp với những nghiên cứu sinh, những sinh viên tới học, tới với nhà chúng tôi. Điều đó đã in đậm mãi trong ký ức của tôi.

Chính trong giai đoạn đó, tôi đã có được dẫu chỉ là một sự hình dung ban đầu nhất về văn hóa Việt Nam, về con người Việt Nam, về lòng yêu lao động của họ, về cuộc đấu tranh mà nhân dân Việt Nam đã tiến hành khi đó.

Tôi vẫn còn nhớ những mẩu chuyện, những giai điệu bài hát, những đồ vật đã được mang về nhà tôi khi đó. Và có lẽ điều này là rất hay vì chính nó đã cho phép tôi bây giờ với tư cách là Tổng thống Liên bang Nga nhìn dưới một góc độ hoàn toàn mối quan hệ của chúng ta. Và tôi rất hạnh phúc vì tôi đã được tiếp xúc với nền văn hóa Việt Nam chính trong giai đoạn đó.

Có thể, tôi lúc đó mới chỉ là một đứa bé - khi ấy tôi mới lên 5-7 tuổi - nhưng tôi đã cảm nhận được rằng, những người Việt Nam, sang Liên Xô học tập, đều là những người rất có chí, đã xác định được việc cần phải học tốt. Họ cần học tốt để làm gì? Các bạn đều biết rõ điều này, đặc biệt là những ai đã học trong giai đoạn đó: để đấu tranh cho tương lai của đất nước mình, để đạt được những kết quả. Và bây giờ, tất cả những ai sang nước chúng tôi, đều là những người muốn phụng sự cho Tổ quốc mình, muốn tiếp nhận được những kiến thức có chất lượng để rồi về sau áp dụng vào thực tế.

Tổng cộng trong giai đoạn đó đã đào tạo được gần 30 nghìn sinh viên và nghiên cứu sinh, trong giai đoạn Xôviết và trong giai đoạn nước Nga sau này, trong đó có 2 nghìn phó tiến sĩ, đó là một tập thể đông đảo các nhà khoa học, trong đó có 200 người là tiến sĩ khoa học. Tôi cảm thấy rất vui vì đội ngũ hùng hậu này của những giảng viên, sinh viên, những nhà lãnh đạo của đất nước Việt Nam đã được đào tạo với sự tham gia của đất nước chúng tôi.

Các bạn cũng biết rằng, điều này có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam. Nhưng điều đó cũng có ý nghĩa lớn đối với Liên bang Nga, vì rằng, khi ta được gặp một xung lực mạnh mẽ như thế trong khán phòng, khi người ta nghe bạn nói, vui mừng với tiếng Nga bạn nói, khi tất cả những người có mặt trong khán phòng đều có chung một ký ức nào đó, thì điều này sẽ giúp vun đắp các mối quan hệ giữa hai nước chúng ta. Những mối quan hệ này ngay cả ở hôm nay cũng còn rất tuyệt vời.

Và trong chuyến thăm này, chúng ta đã thỏa thuận được về hàng loạt những dự án mới. Chúng ta có kế hoạch thành lập một trường đại học kỹ nghệ Việt-Nga mới. Tôi tin rằng ý tưởng này sẽ được thực hiện. Tháng 3 năm nay đã ký thỏa thuận liên chính phủ đặc biệt cùng công nhận văn bằng của nhau. Thật tiếc là chúng ta đã không làm việc này sớm hơn nhưng thật hay là chúng ta bây giờ đã làm việc này, điều đó có nghĩa là công việc theo hướng này sẽ được tiếp tục.


Và tất nhiên, tôi sẽ không giấu giếm, trong công việc này, trong việc vun đắp những quan hệ chiến lược đặc biệt, tốt đẹp giữa hai nước, Liên bang Nga đã và sẽ luôn luôn dựa vào các bạn, dựa vào những người từng học tập ở Liên Xô và nước Nga, những người yêu nước Nga và biết tiếng Nga.

Nhìn chung ở Việt Nam có nhiều người học tiếng Nga và biết tiếng Nga. Tất nhiên, điều này là rất tốt. Thực tế là có tới nửa triệu người Việt biết ngôn ngữ của chúng tôi. Đó quả thực là một nguồn lực lớn lao cho tình hữu nghị của chúng ta.

Tôi muốn chúc tất cả các bạn đang có mặt trong khán phòng này, tất cả những ai từng học tập ở Liên Xô và có những bạn bè ở Liên Xô; tất cả những ai từng học ở nước Nga và có những bạn bè ở nước Nga, những thành tích lớn. Chúng tôi đánh giá rất cao điều này.

Tất nhiên, tôi cũng muốn những cuộc gặp gỡ như hôm nay sẽ được tiếp diễn và sẽ diễn ra thường xuyên.

Còn giờ, nếu các bạn muốn hỏi tôi về điều gì đó thì tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi của các bạn… Xin mời…

Lời tác giả bài viết: Tôi không rõ trong cuộc gặp với ông Putin năm 2001 có ai trong ban tổ chức biên tập sẵn những câu hỏi giao lưu với lãnh đạo Nga hay không nhưng trong cuộc gặp chiều 31/10/2010, theo yêu cầu của phía bạn, những người muốn đặt câu hỏi đã được tùy ý ngẫu hứng trao đổi bằng tiếng Nga với Tổng thống Medvedev, không thông qua phiên dịch viên (nhìn chung, toàn bộ chương trình gặp gỡ đã chỉ sử dụng ngôn ngữ Nga là thứ tiếng thân quen với tuyệt đại đa số trong khán phòng).

Không ai trong ban tổ chức phải làm cái việc "biên tập" trước chương trình giao lưu. Và người đầu tiên đứng lên đặt câu hỏi cho Tổng thống Medvedev là một doanh nhân người Việt, từng học ở Trường Đại học Bách khoa Odessa (nay thuộc Ucraina) trong những năm 80 của thế kỷ trước và hiện đang kinh doanh cả ở Nga lẫn ở Việt Nam.

Theo những gì mà về sau tôi kịp tìm hiểu, doanh nhân này tên là Phạm Viết Thưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hà Nội nghìn năm. Một người có vóc dáng vạm vỡ, nếu nói đùa một cách thân tình thì có thể bảo, trông không khác gì một chú gấu Nga… Anh làm một mạch ba nội dung với ba vấn đề thú vị mà anh trình bày như ba yêu cầu "nho nhỏ" dành cho Tổng thống Nga:

- Hiện nay giữa hai nước chúng ta đang có cơ hội tiềm tàng để hợp tác cùng nhau. Đáng tiếc là theo tôi, hiện nay chúng ta còn chưa tận dụng được khả năng của mình trong một số lĩnh vực.

Thứ nhất, chúng tôi với tư cách là các doanh nhân rất khó khăn trong việc tiếp nhận những thông tin về những gì nước Nga cần và những gì chúng tôi cần; về những gì mà chúng tôi có thể làm. Vì thế, tôi lấy ví dụ, hiện nay chúng tôi có ngành chế tạo đồ gỗ rất mạnh, chúng tôi cũng rất mạnh về một số công việc đóng tàu và chúng tôi có một ngành đánh cá rất mạnh. Nhưng, thực tiếc là giữa chúng ta đang là những mối quan hệ mà chưa thể giúp gia tăng những cơ hội tiềm tàng đó. Điều này, tất nhiên, là một yêu cầu dành cho ông.

Thứ hai, tôi rất muốn để phát triển quan hệ văn hóa giữa hai nước chúng ta, hai dân tộc chúng ta, vì rằng hằng năm chúng tôi mới chỉ được thấy những trích đoạn của nền văn hóa Nga. Thí dụ, tại sao chỉ có dân ca? Tại sao chúng tôi lại không được xem ballet Nga? Tại sao chúng tôi lại không được nghe các dàn nhạc giao hưởng Nga? Tất nhiên, ông cũng hiểu rất rõ rằng chúng tôi ở mức độ nào đó cũng hơi bị "Nga hóa" một chút rồi. Vì vậy, chúng tôi rất muốn trong chuyện này như thế…


Lời tác giả bài viết: Khi anh Phạm Viết Thưởng nói tới đây thì một số người, trong đó có một số bạn đồng nghiệp làm truyền hình của tôi, cảm thấy hơi sốt ruột: mới người đầu tiên ngẫu hứng hỏi mà đã nói dài như thế thì lấy đâu ra thời gian cho những người tiếp theo nữa?! Đã có tiếng xì xào trong khán phòng. Anh Thưởng cũng cảm thấy thế nào ấy nên định không nói tiếp nữa. Thế nhưng,Tổng thống Medvedev đã rất niềm nở và lịch lãm giục: "Thế nào, còn yêu cầu thứ ba thì sao?". Và anh Thưởng nói tiếp:

- Và vấn đề thứ ba, đó là yêu cầu thứ ba. Như ông đã nói, ở nước chúng tôi hiện có 30 nghìn cựu sinh viên Việt Nam từng học ở Liên Xô và Nga trước đây. Chúng tôi rất muốn có được một website nào đó để vun đắp những mối quan hệ thân thiết hơn với những trường cũ, những giảng viên cũ. Và tôi nghĩ đó chính là cái quỹ dành để phát triển tình hữu nghị. Vì thế tôi nghĩ đó là thứ thực sự rất cần…

Tổng thống Medvedev: Xin cảm ơn!

Tôi xin bắt đầu từ thương mại. Hôm nay, trước khi tới gặp các bạn, trong phần chính thức của chuyến thăm, tôi đã có cuộc gặp cùng Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam với các doanh nhân Việt Nam và Nga. Cần phải công nhận rằng, đó là những doanh nhân nghiêm túc, tham gia các dự án khác nhau.

Và chúng tôi đã nói về việc cần làm để chúng ta có thể không chỉ thực hiện những dự án trong những lĩnh vực như dầu mỏ và khí đốt mà chúng ta đang làm không tồi và đã có tới 30 năm hợp tác cùng nhau, lĩnh vực làm ra rất nhiều tiền, mà cả những dự án khác nhau mà có thể hiện nay không được thuận lợi như thế. Và chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về việc sẽ lập ra những dự án thương mại mới, không chỉ là những dự án lớn mà cả trung bình lẫn những dự án nhỏ. Điều này, theo tôi, là rất quan trọng.

Vì sao tôi lại nói về việc đó? Vì hôm nay chúng tôi đã thảo luận về công nghệ cao, về tin học hóa. Và hôm nay đã trưng bày sản phẩm do xí nghiệp liên doanh của chúng ta làm ra, đó là máy liên lạc thế hệ thứ tư, 4G. Tôi cảm thấy, việc này rất tốt vì đó là khía cạnh mới trong sự hợp tác của chúng ta.

Đóng tàu, dĩ nhiên là một chủ đề thú vị và quan trọng, đặc biệt còn vì cả hai nước chúng ta đều là những quốc gia biển. Chúng ta đi biển nhiều, làm nhiều sản phẩm khác nhau. Vì thế cả ngành đóng tàu lẫn công nghiệp hải sản (về lĩnh vực này có riêng một cuộc trò chuyện, cả về chế biến cá, xuất khẩu, cung cấp nguyên liệu từ Liên bang Nga, những dự án liên doanh) là những gì chúng ta cần.

Và nói chung, hợp tác trong công nghiệp thực phẩm, theo cảm nhận của tôi, chính là hướng phát triển rất thú vị trong sự liên doanh của chúng ta, đặc biệt còn vì Việt Nam là một nền văn hóa và một nền văn hóa ẩm thực cực kỳ độc đáo. Trong kế hoạch này rất thú vị được liên kết sức mạnh.

Hôm nay đã có người hỏi tôi về chủ đề này, hỏi rằng tôi có thích món ăn Việt Nam không? Tôi đã trả lời các nhà báo hết sức thành thực rằng, tôi rất thích món ăn Việt Nam, vì nó thực sự rất ngon. Nhưng các bạn ạ, tôi tin rằng tất cả những người ngồi trong khán phòng này cũng thích cả các món ăn Nga, vì các bạn đã từng ở đất nước chúng tôi ít nhiều một thời gian nào đó và đã quen với nó, đã, như bạn vừa rồi nói, bị "Nga hóa" phần nào rồi.

Giờ tôi nói về trao đổi văn hóa. Bạn nói rất đúng, tất nhiên, cần phát triển các trao đổi văn hóa. Về mặt nguyên tắc thì các trao đổi này vẫn tiếp tục diễn ra chứ không bị gián đoạn. Nhưng nếu các bạn cảm thấy cần gia tăng hơn những trao đổi đó thì tôi chắc chắn sẽ giao cho Bộ Văn hóa của chúng tôi nhiệm vụ để họ làm sao cho có thật nhiều những đoàn ballet, dàn nhạc giao hưởng và nhạc nhẹ, dân ca sang Việt Nam biểu diễn cho các bạn thưởng thức. Vì tôi có cảm giác là chính ở đây có một công chúng rất thiện tâm.

Và chủ đề cuối cùng. Tôi cảm thấy đó là một yêu cầu rất kịp thời, 10-20 năm trước chưa thể có nó được, nhưng hiện nay nó đã trở thành cấp thiết. Tất cả những ai ngồi trong khán phòng này đều là những người có thể sử dụng được ít nhất là hai ngôn ngữ: ngoài tiếng mẹ đẻ còn là tiếng Nga.

Vì vậy việc lập ra những khả năng thông tin kỹ nghệ riêng mới, những sản phẩm thông tin mới là việc rất quan trọng. Tôi không biết rõ nhưng nếu hiện nay mà vẫn chưa có chúng thì đó quả thực là một lỗ hổng. Tôi cho rằng, đúng hơn là đã phải xây dựng một website dành cho những ai biết tiếng Nga. Và trên website đó cần phải có một diễn đàn để trao đổi thông tin. Nếu trong việc này cần tới sự tham gia của chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ.


Lời tác giả bài viết: Người thứ hai đứng lên là một thiếu nữ hiện đại và xinh đẹp, hấp dẫn. Như chị nói, chị từng tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), nơi đã và có lẽ là đang đào tạo rất nhiều cán bộ ngoại giao tốt cho cả Việt Nam.

Chị đã rất khéo léo thổ lộ rằng, trong danh sách những nhân vật mà chị muốn noi theo thì ở một trong những vị trí đầu tiên là tên họ của Tổng thống Liên bang Nga Dmitri Medvedev. Và chị từ lâu đã mơ ước có ngày được trực tiếp bắt tay với "thần tượng" của mình, nhưng không rõ bây giờ làm thế thì có được không... Nghe thấy vậy, Tổng thống Nga đã bật cười hồn hậu và bằng giọng điệu rất thanh niên mời ngay nữ cán bộ ngoại giao Việt Nam trẻ trung lên sân khấu: "Theo tôi, đó là mơ ước đơn giản nhất có thể có. Tôi sẵn sàng giúp chị thực hiện ngay mơ ước này...".

Đó có lẽ là một trong những hình tượng rất đẹp, giúp mọi người trong khán phòng cảm thấy gần gụi hơn với nguyên thủ quốc gia Nga. Và sau đó, Tổng thống Medvedev lại hồn nhiên tâm sự:

- Các bạn ạ, mỗi người chúng ta đều có những nhân vật mà chúng ta thích, những nhân vật tạo cho chúng ta niềm cảm hứng. Và danh sách những nhân vật đó ở mỗi chúng ta cũng thường đổi khác: khi bé, chúng ta thần tượng người này; ở tuổi thanh niên, thần tượng người khác và có thể, đứng tuổi rồi thì chúng ta lại có những thần tượng khác nữa.

Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, đó phải là những nhân vật giúp chúng ta tự hoàn thiện mình. Đó có thể là những chính trị gia vĩ đại, những nhân vật lịch sử ở đất nước của chúng ta, ở Nga và ở Việt Nam có không ít những người như thế.

Đó cũng có thể là những người rất bình dị, những người thân thiết, ruột thịt của chúng ta, những bạn bè của chúng ta, những nhân vật mà có thể rất ít ai biết tới tên tuổi nhưng chính họ đã giúp chúng ta hình thành nhân cách của mình. Và bây giờ chúng ta như chúng ta đang có là vì chúng ta quan sát xung quanh, chúng ta đọc những cuốn sách tuyệt vời bằng tiếng mẹ đẻ, bằng ngoại ngữ, chúng ta giao tiếp với những người gần gụi với chúng ta, những người mà chúng ta yêu quý.

Chúng ta bây giờ quan sát xung quanh, chúng ta vào Internet, chúng ta xem truyền hình, chúng ta quan sát kinh nghiệm của những nước khác, và tôi cho rằng, điều này mở ra rất rộng tầm nhìn của chúng ta. Và nếu tầm nhìn của chúng ta đã được mở rộng rồi, thì chúng ta có thể giúp đỡ được đất nước mình tốt hơn và đạt được chuẩn hơn những mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra cho chính mình.

Các bạn ạ, tôi tin chắc là tất cả những ai ngồi trong khán phòng này nhìn theo góc độ đó vì đều là những người tuyệt đối hạnh phúc, vì các bạn đều là những người mang theo hai nền văn hóa. Cái đó làm giàu có chúng ta rất nhiều, tôi thực sự là ghen tị với các bạn đấy.

Nói thí dụ, nếu như tôi biết tiếng Việt như các bạn biết tiếng Nga thì hiển nhiên tôi đã là một người giàu có kinh nghiệm hơn rồi.

Lời tác giả bài viết: Trong phần tiếp theo, trả lời câu hỏi của một nữ giảng viên tiếng Nga, Tổng thống Nga đã nói lên những ấn tượng của mình về Việt Nam:

- Thật tiếc là tôi không tới được đất nước của các bạn nhiều, đây mới chỉ là lần thứ hai tôi tới đây. Nhưng tôi có thể đoan chắc rằng, trong vòng 9 năm qua, Việt Nam đã trở nên đẹp hơn, tiện nghi hơn và hiện đại hơn. Tất nhiên, Việt Nam còn có một lịch sử tuyệt đối độc đáo của riêng mình, một lịch sử sâu sắc và cổ kính. Điều đó cũng giúp lôi cuốn hàng triệu khách du lịch tới với các bạn.

Giá như tôi có thể, tôi hẳn đã dành ra ít nhất là một tuần để tới nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để tìm hiểu cuộc sống hiện nay của các bạn. Nhưng thật tiếc là cuộc sống của một Tổng thống đã được xếp đặt theo từng phút… Tôi đã hy vọng là sang đây lần này sẽ được tới ít nhất là hai thành phố. Thế nhưng, lại không được như thế. Hy vọng là lần sau tôi sẽ được tới và xem cuộc sống ở ít nhất thêm một thành phố của Việt Nam.

Ấn tượng thứ hai… Ở Việt Nam luôn luôn nhiều sức sống. Người đi kẻ lại nhộn nhịp, trước thì đi bằng xe đạp, xe máy, giờ thì đi ôtô rất nhiều… Luôn tạo nên cảm giác thanh xuân vì đất nước phát triển nhanh, lớn mạnh nhanh…

Và giờ tôi còn thấy, ngoài sự chuyển động của con người, ở đây còn có rất nhiều những công trình mới đang được xây dựng lên. Bất chấp tình hình khá phức tạp trên thế giới, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng tới cả nước Nga lẫn Việt Nam. Và điều này là rất tốt. Điều này cho thấy, nhịp độ mà các bạn đã đạt được - các bạn quả thật có được tốc độ tăng trưởng rất tốt - vẫn được các bạn duy trì.

Nhưng, rốt cuộc là có một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là gìn giữ cội rễ văn hóa của mình, bản sắc của mình. Việc này rất phức tạp trong thế giới hiện đại. Thế giới đang theo xu thế toàn cầu hóa. Chúng ta tất cả đều cần giao tiếp và việc các bạn biết tiếng Nga là điều tuyệt vời. Đó là điều rất tốt đối với chúng tôi và đối với các bạn.

Nhưng nhìn từ góc độ khác, tất cả những ai có mặt trong khán phòng này đều là những người ái quốc đối với đất nước mình, đều nghĩ đến việc đất nước mình sẽ như thế nào sau một thời gian nữa, trong tương lai gần. Và gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của mình, nhân rộng nó hơn nhờ hiểu biết những ngôn ngữ khác, nhờ hiểu biết tiếng Nga. Và theo tôi, đó là một nhiệm vụ rất quan trọng…


Lời tác giả bài viết: Khi bắt đầu tới cuộc gặp này, tôi đã định không nói gì mà chỉ im lặng quan sát mọi việc để rồi thực hiện nhiệm vụ nhà báo của mình. Thế nhưng, khi nghe Tổng thống Medvedev nói tới đây, bỗng nhiên trong lòng tôi trào dậy những hồi tưởng về đất nước Xôviết mà tôi đã từng gắn bó suốt 6 năm tuổi trẻ. Và tôi bỗng cảm thấy như cay cay mí mắt.

Với tôi, quãng thời gian đó là tuyệt vời, vì lúc đó tôi còn rất trẻ, tôi ít kinh nghiệm và vốn sống nhưng đã trong trẻo và tự tin nhường nào. Và tôi nhớ đến ca khúc Xôviết quen thuộc mà ở thời đó, hầu như người thanh niên nào cũng thuộc: "Chúng ta đã trẻ làm sao…" (nhạc: Aleksandra Pakhmutova, thơ: Nikolai Dobronravov). Và không chủ ý nhưng tôi vẫn đứng dậy đưa ra yêu cầu rất ngẫu hứng của mình với ông Medvedev:

- Nói thực là tôi đang rất xúc động vì nhìn thấy ông bây giờ, tôi như đang nhìn thấy lại đất nước của tuổi trẻ tôi, của tuổi trẻ chúng ta. Và tôi xin lỗi vì sự bạo dạn này, nhưng tôi rất muốn yêu cầu ông cùng chúng tôi hát ít ra là vài câu từ bài "Chúng ta đã trẻ làm sao…". Ông có đồng ý không ạ?

Tổng thống Medvedev: Tôi không thể từ chối anh được, nhưng quả thực là tôi không tự tin rằng giọng hát của tôi lại làm cho việc hát hay hơn, có lẽ anh hát còn tốt hơn tôi. Nhưng nếu muốn thì chúng ta có thể tới cuối chương trình cùng hát vài câu, có điều anh phải nhắc lời cho tôi nhé…

Lời tác giả bài viết: Thực sự là tôi thấy thật vui vì tôi đã được nhìn thấy lại trong cách hành xử của Tổng thống Nga hôm ấy những nét thân quen của những người bạn Xôviết một thời, chân tình, không xa cách… Tiếc rằng, do ông Medvedev đã tới giờ đến dự bữa tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình nên việc hát chung đã không thực hiện được.

Như lời ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, một người bạn vong niên của tôi, kể lại, ngồi trên xe đi tới Mỹ Đình, Tổng thống Nga đã nói: “Nhờ ông chuyển lời xin lỗi của tôi tới người bạn Việt Nam ấy, thời gian eo hẹp quá!”... Và theo tôi được biết, trong bữa tiệc chiêu đãi ở Mỹ Đình, ông Medvedev đã đứng lên cùng hát bài “Chiều Moskva” với các nghệ sĩ Quang Thọ, Quang Huy, Ngọc Khang, Thanh Vinh...

Sau buổi gặp, trên đường về, trong tai tôi đã vang lên rất rõ những câu hát tuyệt vời từ ca khúc mà chúng tôi đã định cùng nhau thể hiện:

"Chúng ta đã trẻ làm sao, chúng ta đã trẻ làm sao,
Chúng ta đã yêu chân thành biết mấy, chúng ta đã tự tin nhường nào…"

Không thể khôi phục lại quá khứ, nhưng lúc nào cũng có thể thổi lên những nguồn ấm nóng thiêng liêng từ quá khứ để hiện tại và tương lai đỡ lạnh lòng hơn… Tôi nghĩ rằng, sau chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa rồi, bản thân Tổng thống Medvedev cũng cảm thấy ấm lòng từ những tình cảm mà người Việt Nam đã và đang ấp ủ với nước Nga tổ quốc ông.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Vai trò của các cường quốc

    06/11/2019Nguyễn Trần BạtCường quốc toàn cầu là những quốc gia dồi dào về tài nguyên, hùng mạnh về quân sự và quan trọng hơn, có một hệ thống chính trị, một nền văn hóa tiên tiến và một hệ giá trị mang tính phổ quát...
  • Barack Obama và giấc mơ đã… trở thành hiện thực

    22/05/2016Một số người sinh ra đã ở trong cung điện. Một số khác được định mệnh cho sung sướng ở trong lâu đài. Nhưng chỉ có vài người "sinh ra" trong trí tưởng tượng, nằm ở bên ngoài những tiền lệ của lịch sử và những niềm hy vọng. Barack Obama là một trong số đó...
  • Lương thiện: Sức mạnh của người lãnh đạo

    28/11/2013Sông ThươngĐối với mỗi người dân, nhà lãnh đạo không chỉ là người có tài quản lý mà trước hết đó phải là một công dân lương thiện, trung thực. Luôn có cơ hội để các nhà lãnh đạo biểu thị sự gây ảnh hưởng về đạo đức của mình, nhưng điều quan trọng là họ có biết vận dụng mọi cơ hội chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo vĩ đại.
  • Liên Xô tan rã, Đảng Cộng sản âm thầm rút khỏi vũ đài lịch sử

    23/09/2010Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, loài người chứng kiến sự kiện Liên Xô - cường quốc có diện tích khổng lồ trải rộng trên lục địa Á - Âu, có lực lượng vũ trang hùng mạnh... nhanh chóng sụp đổ mà không phải đối mặt với một cuộc xâm lăng hay gặp một biến cố tự nhiên đặc biệt nào. Cho đến nay, nhiều học giả trên thế giới vẫn cố gắng nghiên cứu, lý giải nguyên nhân tan rã của Liên Xô.
  • Lãnh tụ Đảng nhiều thế hệ xa rời quần chúng, vô nguyên tắc, bất tài

    01/09/2010Đối với một Đảng cầm quyền, khi người bảo vệ hàng đầu cho các nguyên
    tắc mà nó dựa vào để sinh tồn và phát triển lại biến thành người đi đầu
    phá hoại các nguyên tắc đó, nếu không bị ngăn chặn kịp thời, chính đảng
    ấy sẽ đi đến vực thẳm của thảm họa...
  • Chỉ sống thôi đã là hạnh phúc

    25/12/2009Nguyễn Trung Tín"Tôi nghĩ rằng chỉ riêng việc chúng ta đang sống đã là một hạnh phúc mà đấng tối cao ban tặng cho chúng ta rồi. Chúng ta thường hay quên rằng cuộc đời có hạn. Nếu chúng ta luôn nhớ điều này thì chúng ta sẽ hiểu rằng, mỗi một ngày được sống là một ngày hạnh phúc" - Vladimir Putin
  • Cường quốc và vai trò lãnh đạo thế giới

    22/12/2009Nguyễn Trần BạtLãnh đạo, là việc xúc tiến sự đồng thuận nhằm đạt được các mục tiêu chính trị - xã hội, nói cách khác, đó là việc tìm kiếm sự chấp nhận đối với hệ thống giá trị của mình như những quy tắc lẽ phải của đời sống, nhằm giải quyết những xung đột và điều hoà lợi ích giữa các quốc gia. Khác với nô dịch về mục đích và phương thức tiến hành, lãnh đạo là một hoạt động nghệ thuật và khoa học...
  • Putin 10 năm quyền lực và chúng ta học được gì?

    10/08/2009Nguyễn Tất ThịnhHôm nay chúng ta nói về V.Putin – Một tính cách Nga điển hình, một nhân cách Chính khách kiệt xuất, một người đàn ông có thể làm thần tượng cho nhiều người – ông ấy đã có đúng 10 năm thành công trên cương vị lãnh đạo tuyệt đỉnh của mình...
  • Chính trị lương thiện

    08/07/2009Nguyễn Tất ThịnhTôi viết tiếp, ngắn gọn những hiểu biết và quan điểm của mình dưới đây, không diễn giải một cách lý thuyết hay ‘học thuật’ mà tôi đã tổng kết trong quá trình đọc, nghiên cứu, giảng dạy...
  • Tổng thống Obama và vị trí của Mỹ trên chính trường thế giới

    21/11/2008Trần Sĩ ChươngNgày 4/11/2008, một người Mỹ da màu với cái tên lạ thường là Brack Hussein Obama - lớn lên không có cha, sống với ông bà ngoại, gia đình không giàu, không có thế lực - đã được bầu làm tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.
  • Hoài bão đích thực và một nhân hiệu của Barack Obama

    14/11/2008Hubert RampersadCó một hoài bão đích thực và một nhân hiệu liên quan là một tài sản vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay, thời đại của internet, của thực tế và của cá nhân. Đó là những điều cốt yếu tác động đến thành công cá nhân. Nó có vị trí chiến lược bên cạnh những người thành công nhất thế giới, như Barack Obama....
  • Từ "hiện tượng Obama" đến những chuyển biến mang tính thời đại

    09/11/2008GS Tương Lai"Hiện tượng Obama không chỉ là một sự kiện của một quốc gia dù cho đó là một siêu cường, mà là một hiện tượng mang tầm vóc nhân loại ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với những biến động dồn dập." - GS Tương Lai nhận xét.
  • Lãnh đạo trước hết là con người

    07/05/2008Huyền ChiTrở thành Tổng thống Nga ở tuổi 43, ông Dmitry Medvedev đang cố gắng hoàn thiện sao cho xứng với danh hiệu thần tượng của giới trẻ - người kế nhiệm xuất sắc của Tổng thống Vladimir Putin. Khác với vẻ ngoài nghiêm nghị, cứng rắn của một nhà lãnh đạo, ông thật sôi nổi, trẻ trung, hiện đại và dí dỏm trong cuộc sống đời thường...
  • Ai mất nước Nga?

    13/11/2007SorosSự sụp đổ của đế chế Soviet năm 1989 và sau đó Liên Xô năm 1991 đã cho một cơ hội lịch sử để biến đổi khu vực thành các xã hội mở. Nhưng các nền dân chủ Tây phương đã thất bại để nắm lấy cơ hội; cả thế giới chịu các hậu quả. Liên Xô và sau đó nước Nga đã cần sự giúp đỡ từ bên ngoài vì xã hội mở là một hình thức tổ chức xã hội tinh tế hơn xã hội khép kín.
  • xem toàn bộ