Giáo dục bằng tiếng Việt - Cuộc chiến hai ngàn năm
Chúng ta là người Việt, nói tiếng Việt, học tập, làm thơ, làm toán và viết luận án khoa học bằng tiếng Việt - điều đó có vẻ đương nhiên. Thực ra thì không phải thế.
Là kết quả của một lịch sử phát triển lâu dài, nhưng để trở nên phong phú và chính xác như ngày hôm nay, tiếng Việt còn cần có những nỗ lực, những chiến công tuyệt vời của nhiều nhà văn, nhà khoa học, hoạt động xã hội, các nhà giáo và cả các nhà chính trị trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, mà cao trào là nửa đầu thế kỷ XX, với bước ngoặt quyết định là cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.
Để cảm nhận hết điều này cần đem so sánh với rất nhiều thứ tiếng khác trên thế giới. Tiếng Arập chẳng hạn. Có ai ngờ rằng thứ tiếng của Nghìn lẻ một đêm tuyệt vời nhường ấy cho đến nay vẫn còn chưa được sử dụng như là ngôn ngữ chính trong giáo dục của chính các nước nói tiếng Arập!
Tôi xin kể một câu chuyện cụ thể. Năm 1999, trong thời gian du học ở Paris tôi có quen với một giáo sư văn học người Marốc tên là Heddi Naima. Ông cho biết rằng trong trường phổ thông ở Marốc, tất cả các môn khoa học tự nhiên như vật lý, hoá học, sinh vật đều phải dạy bằng tiếng Pháp. Trong trường đại học, môn duy nhất dạy bằng tiếng Arập là... văn học Arập ! Ông cho tôi xem một tờ báo Marốc. Thật tình cờ có một đoạn nhắc đến Việt Nam, đại ý nói rằng từ một nước thuộc địa, chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã xây dựng được một nền giáo dục bằng quốc ngữ. Tờ báo viết : "Ngay cả những tác phẩm phức tạp như triết học của Hegel cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Chẳng lẽ tiếng Arập không đủ giàu có, chính xác và tinh tế để làm điều đó hay sao? Và ông bạn Marốc nói thêm vẻ chua chát: "Chúng tôi đang phải cố gắng Arập hoá xã hội Arập của chúng tôi! Đó là một cuộc chiến đấu gay go mà chúng tôi đang thiếu những viên tướng giỏi."
Ông bạn tôi nói đúng, đó là một cuộc chiến gay go. Nhưng ông ta không thể ngờ rằng để có được nền giáo dục hôm nay, người Việt đã phải trải qua một cuộc chiến đấu dài tới 2000 năm. Trong suốt 1000 năm Bắc thuộc, kể từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 938, khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán giành lại nền độc lập dân tộc, mặc dù nhà Hán đã mở trường dạy học từ khá sớm, nhưng đó không phải là nền giáo dục của người Việt. Mục đích của những trường học này là đào tạo tầng lớp quan lại phục vụ cho việc cai trị của người Hán và tất cả những người học giỏi đều phải sang Trung Quốc để thi.
Chỉ sau khi giành được độc lập, người Việt mới có quyền xây dựng cho mình một nền giáo dục. Năm 1070, Lý Thánh Tông lập Văn Miếu, năm 1075 khoa thi đầu tiên được tổ chức và trường Quốc Tử Giám được thành lập. Mặc dù chữ Hán và đạo Nho đều là sản phẩm của văn hoá Trung Quốc, mặc dù nội dung giảng dạy cũng như hình thức thi cử đều rập theo Trung Quốc nhưng đây là sự lựa chọn của ta và nền giáo dục này là nền giáo dục dân tộc, nền giáo dục của ta. Đó là một bước ngoặt lớn lao trong lịch sử đất nước, chiến công đầu tiên trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp giáo dục dân tộc.
Phải mất một nghìn năm nữa chúng ta mới thực hiện được chiến công thứ hai, và lần này cũng nhờ một cuộc khởi nghĩa giành độc lập. Mặc dù cha ông ta đã sáng tạo ra chữ Nôm, mặc dù Nguyễn Trãi đã đặt nền móng cho thơ Nôm với những bài thơ bất hủ, mặc dù tiếng Việt đã đạt tới sự trong sáng tuyệt vời của nó với Truyện Kiều của Nguyễn Du, các văn bản chính thức vẫn phải viết bằng chữ Hán và sau đó là tiếng Pháp. Cho đến năm 1945, chương trình giáo dục ở Việt Nam được thực hiện bằng tiếng Pháp còn tiếng Việt đóng vai trò như một... ngoại ngữ!
Vậy mà chỉ trong vòng 15-20 năm, tiếng Việt đã đạt được những tiến bộ khó tưởng tượng nổi. Những áng thơ văn của giai đoạn phát triển rực rỡ 1930-1945, những bài chính luận rực lửa của các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, những công trình dịch thuật đầy tâm huyết của các nhà trí thức trẻ tuổi... đã khiến cho tiếng Việt trưởng thành vượt bậc, chuẩn bị cho công cuộc Việt hoá chương trình giáo dục mà cái mốc quan trọng là công trình của giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
Sự ra đời của nhà nước Việt Nam độc lập, với việc đem lại cho tiếng Việt địa vị một ngôn ngữ chính thức và tuyệt đối trong thông tin, trong bộ máy hành chính đã đóng một vai trò quyết định trong sự nghiệp giáo dục dân tộc. Kể từ đó, kể cả trong thời kỳ đất nước bị phân chia, dân tộc ta có một nền giáo dục quốc dân rộng rãi bằng tiếng mẹ đẻ.
Hai bước ngoặt của lịch sử giáo dục gắn liền với hai cuộc khởi nghĩa giành độc lập. Chắc chắn đó không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm