Lộn xộn tiếng Việt thời giao lưu văn hóa
Khi còn chưa biết chính mình là gì
Với một niềm tin dai dẳng, các phương tiện thông tin đại chúng ở ta thường không mệt mỏi trong việc nhắc nhở mọi người là phải giữ gìn bản sắc dân tộc, hoặc trong ngôn ngữ thì nhắc nhau là phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy mà mọi chuyện cứ diễn ra theo hướng ngược lại, tại sao lạ vậy? Hiện tượng nói ở đây chỉ có thể giải thích: chính là khi bước vào giao lưu tiếp xúc với thế giới, chúng ta không có sự chuẩn bị cần thiết. Muốn nói và viết đúng thì khi còn đang cắp sách đi học, người ta phải được dạy kỹ về tiếng mẹ đẻ. Song, đến nay, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam còn đang mò mẫm và chưa có bộ ngữ pháp nào được mọi người nhất trí là phản ánh đúng những quy luật nội tại của tiếng Việt. Luôn luôn nhắc nhở nhau phải giữ gìn bản sắc song bản sắc là thế nào thì lại chưa biết - cái đặc điểm chi phối quá trình giao lưu văn hóa nói chung cũng đang hiển hiện cả trong ngôn ngữ. Ngoài ra, sự cẩu thả, lối làm lấy được, làm cho xong chuyện, bất chấp quy cách chuẩn mực, một khi đã lan tràn trong cách sống chung, thì trước sau nó sẽ chi phối cách nói và viết, làm sao khác được? Không phải giao lưu văn hóa là nguồn gốc của những lộn xộn trong ngôn ngữ hôm nay. Nó chỉ là điều kiện để những căn bệnh vốn có ở chúng ta có dịp bộc lộ.
Sau khi phác họa cái nguyên nhân gây ra những sự lộn xộn trong ngôn ngữ hiện thời, dưới đây tôi thử nêu vài hiện tượng nổi cộm nhất.
Nói ngọng
Khoảng những năm 50 của thế kỷ XX về trước, trong các gia đình Hà Nội, người ta đã có nỗi lo là lo con cái nói ngọng. Đáng nói làm gì thì đọc nàm gì, đáng giới thiệu với người khác tôi ở bên Hàng Lọng thì bảo tôi ở bên Hàng Nọng. Cái ngọng bấy giờ thật rõ quê mùa, mộc mạc.
Ngày nay, lối ngọng ấy hầu như đã được thanh toán, nhưng lại nảy nòi một lối ngọng mới: ngọng ngược. Sáng sáng, cái xe đạp bánh mỳ rong đánh thức cả khu tập thể bằng tiếng rao lanh lảnh "Bánh mỳ lóng đây!". Trưa trưa, mấy cô quang gánh qua nhà thiết tha mời mọc "Có ai ăn rượu lếp?". Bạn bè rủ nhau: "Ra làm chén lước đã". Đồng hương lâu này gặp nhau kể chuyện "Dạo lày thằng ấy ló trúng quả lắm!".
Nhưng đây chưa phải là chỗ duy nhất phân biệt cái ngọng thời nay với cái ngọng thời xưa. Ít ra, còn phải lưu ý mấy "nét đặc thù" nữa.
Một là, trong số người bây giờ, có cả những người tạm gọi là rất có văn hóa. Cả một số học sinh cấp ba, một số sinh viên cũng nói ngọng. Người đang đi học, không được chữa chạy kịp thời, cố nhiên là nguồn bổ sung vô tận cho người đã ra trường ngọng một cách công khai thoải mái.
Hai là, không gian để người ta nói ngọng đang được mở rộng, cách nói ngọng đang xâm nhập cả vào những khu vực xưa kia nó bị cấm cửa. Người ta nói ngọng ở nơi công cộng, nhà ga, bến tàu, lúc về bên mâm cơm với gia đình đã đành, có người lại còn nói ngọng cả khi có việc lên đài, lên tivi nói cho cả triệu người nghe. Nhiều người Việt Nam ra nước ngoài vẫn nói ngọng trước sự ngạc nhiên của người nước ngoài học tiếng Việt, họ (những người nước ngoài ấy) tưởng đấy là một thứ tiếng Việt mà họ chưa biết!
Nỗi lo này có phần giống với nỗi lo của một người làm nghề nghiên cứu ngôn ngữ. Sau khi nhận ra rằng hình như bây giờ ai muốn nói ngọng thì tùy, không ai thấy ngượng vì nói ngọng và nghe người khác nói ngọng nữa, trong đầu óc anh chợt nảy ra một dự báo khoa học:
- Tôi chỉ sợ khi nhiều người nói ngọng quá thì lâu dần, lại hóa ra họ nói đúng, mà mình lại bị coi là nói ngọng không biết chừng. Bấy giờ khi mình nói mình đang làm việc ở Hà Nội, người ta sẽ bảo là ngọng rồi. Hà Lội mới đúng" - và câu đầu tiên của Truyện Kiều phải sửa thành:
"Trăm lăm trong cõi người ta".
Hỗn hào, hổ lốn
Vừa đọc một cuốn tiểu thuyết ra đời cách đây vài năm mang tên Cơ hội của chúa, nhiều bạn đọc nhận ngay ra một đặc điểm: ngôn ngữ các nhân vật trẻ trong truyện phải nói là khá tạp, nhất là có pha thêm nhiều từ nước ngoài, mà đôi khi lại nói sai, và tác giả viết vào sách cũng sai luôn; cố nhiên là nhiều người tỏ ý than phiền và cho là ngôn ngữ một cuốn tiểu thuyết không thể hổ lốn như vậy.
Điều đáng nói ở đây: cuốn sách nói trên là một trong số nhỏ những tác phẩm mang được không khí làm ăn sinh sống ngày hôm nay vào văn chương. Tạm rời trang sách nhìn rộng ra các loại sách báo, và lắng nghe lời lẽ mà hàng ngày chúng ta vẫn nói với nhau thì thấy ngôn ngữ xã hội cũng na ná như ngôn ngữ trong sách, tức là tùy tiện, lộn xộn, đại khái là so với tình trạng nhà cửa xây dựng chẳng theo một quy hoạch nào, hoặc các loại xe cộ đi lại chen chúc trên đường, thì cũng chẳng có gì khác! Việc mở rộng giao lưu kinh tế xã hội trước sau ảnh hưởng tới văn hóa, mà trong văn hóa thì ngôn ngữ vốn là bộ phận năng động, nhạy cảm, xốp, dễ in dấu mọi thay đổi, vậy một ít sự hỗn hào vô trật tự là không tránh khỏi, có điều giờ đây nó đã kéo quá mức có thể chấp nhận.
…và lai căng, pha tạp
Nổi cộm nhất phải kể hiện tượng pha phách tiếng Anh vào các thông tin cập nhật. Đọc báo mãi rồi cũng hiểu là những từ mới như show diễn như world cup có nghĩa gì, nhưng nhiều người chỉ tự hỏi, chẳng lẽ từ nay trở đi cứ phải chấp nhận chúng mãi coi chúng như tiếng Việt? Vả chăng tình hình có phải đã yên đâu, được đằng chân lân đằng đầu, chẳng hạn mới đây lại thấy có một chương trình ca nhạc mang tên Phương Thanh Live Show. Sau khi phải hỏi cậu con trai hàng xóm xem mấy chữ đó có nghĩa là gì, tôi chỉ còn có cách tìm ra một đối tượng nào đó để trút nỗi bực mình: tại nhà trường không cho bọn tôi học tiếng Anh? Hay là tại ban tổ chức người ta không có lời dặn trước là ai không biết tiếng Anh thì đừng nên ngó ngàng tới băng quảng cáo âm nhạc thuộc loại thời thượng?
Một người bạn tôi biện hộ cho cái sự xâm nhập ồ ạt của tiếng nước ngoài vào tiếng Việt:
- Anh thử nghĩ xem: hàng ngày chúng mình đi xe Honda, Suzuki đi làm; ở nhà hay cơ quan thì xài tủ lạnh Sanyo hay Daewoo và dùng TV của Sony JVC. Chẳng những các xí nghiệp Việt Nam sản xuất bằng máy móc nhập từ nước ngoài, mà cho đến một lọ hồ hoặc cái kẹp tài liệu nhiều cơ quan đang dùng hiện nay đều là của Đài Loan, hay Nhật Bản. Dân mê bóng đá bọn mình gặp nhau là bàn tán về M.U với lại AC, còn vợ con mình mê chuyện Càn Long, chuyện Hòa Thân... Trong hoàn cảnh ấy thử hỏi làm sao ngôn ngữ chúng ta sử dụng không cộm lên những từ bê nguyên xi từ nước ngoài cũng như những cách nói vốn có từ bên Tây bên Tàu cứ nhập lậu vào ngữ pháp ta lúc nào không biết?
Tôi công nhận anh bạn có lý, song vẫn cảm thấy ở đây có gì kỳ cục. Chẳng lẽ cùng với quá trình toàn cầu hóa, rồi ra ngôn ngữ các dân tộc sẽ pha trộn lung tung để trở nên những món cháo vữa? Không, không thể như vậy được!
Học làm sang
Từ đầu thế kỷ XX, khi bắt đầu phải tiếp xúc rộng rãi với văn minh phương Tây, nhiều thuật ngữ chính trị xã hội, nhiều danh từ trừu tượng vốn có từ tiếng Hán đã được du nhập vào tiếng Việt, quá trình này còn tiếp tục trong những năm cách mạng kháng chiến và kéo dài cho tới ngày nay. Lấy một ví dụ chỉ gần đây trong nhiều bộ phim hai chữ nô tài mới được dùng thường xuyên. Lại như trường hợp lâm tặc tin tặc, cách tạo từ này cũng gần đây mới xuất hiện. Thôi thì trong lúc chưa có phương án tạo từ mới trong tiếng Việt, chúng ta đành tạm bằng lòng với sự vay mượn nói trên. Song tình hình đáng báo động là ở chỗ không những từ vựng Hán mà cả cách kết cấu câu của chữ Hán đang lan tràn, ra phố thì thấy nào là cây dừa quán, cầy tơ quán, lẩu dê nhất ly, giở sách báo ra thì bắt gặp đương kim dẫn đầu giải, nữ nhà văn, Khổng tử truyện, Cỏ may thi tập v.v... Không ai tuyên bố rõ rệt, nhưng có thể đoán nhiều người cho rằng như thế là một cách làm sang, và gây được sự chú ý.
Việc sử dụng những kết cấu ngữ pháp của tiếng Hán như trên phải nói là đáng trách, nó xâm phạm vào những quy định phân biệt tiếng Việt với tiếng Hán tức là động chạm tới chỗ sống còn của ngôn ngữ dân tộc. Thế nhưng với một số người thì đây lại là một lỗi lầm không đáng kể vì nó không gây sốc và trong giao thiệp hàng ngày người nghe vẫn hiểu được ý người nói, thế là họ cứ tiếp tục!
Cố ý vọng ngoại
Các tài liệu lịch sử còn ghi rõ: Khoảng giữa thế kỷ XIX, trước sự bành trướng của thực dân Pháp, triều đình Tự Đức cũng đã tính chuyện cho dịch một vài cuốn sách kỹ thuật phương Tây nhưng vì không có người có trình độ dịch nên đành cho lưu trữ ở Viện Cơ mật. Còn ngày nay nhiều khi thấy trên mặt báo tên phim tên sách viết bằng tiếng Anh, tôi có đi hỏi, thì được nghe một số dịch giả thú nhận là không biết dịch thế nào cho ổn. Hóa ra xưa với ngày nay cách xa hơn một thế kỷ vẫn chung một bệnh!
Trong điều kiện kinh tế thị trường, báo chí cạnh tranh cao độ, không ai bình tâm ngồi nghĩ cách dịch cho xuôi một cái tên phim, thôi thì cứ chép đại ra, bạn đọc muốn hiểu thế nào thì hiểu (!)
Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở chỗ ấy. Theo sự quan sát của tôi, trong nhiều trường hợp, người ta có thể bắt gặp cả cái ý nghĩ sâu xa ẩn trong tâm lý của một số người khi viết nguyên văn tiếng nước ngoài lên mặt báo. Họ tự hào là được hưởng thụ những thành quả mới của nghệ thuật thế giới, và hình như phải nói và viết tên bài hát hay cuốn phim bằng chính tên gốc tiếng Anh hoặc giữ nguyên tên sách rồi đọc to lên bằng âm Hán Việt thì họ mới sướng.
Tức là, đứng ở góc độ cá nhân mà xét, họ vọng ngoại một cách sâu sắc, vọng ngoại tận trong tiềm thức. Hoặc, đơn giản hơn, họ không có ý thức đầy đủ về hành động nói và viết của mình. Họ không yêu tiếng Việt như họ vẫn tưởng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn