Tiếng Tây-Tiếng ta

10:27 SA @ Thứ Ba - 19 Tháng Năm, 2009

Đất nước ta đang ở thời kỳ mở rộng giao lưu với các nước đã khiến tiếng Việt tiếp nhận ồ ạt nhiều khái niệm mới bao hàm những nội dung ngữ nghĩa mới của những từ ngữ đang dùng hoặc từ ngữ mới . Điều nhận ra trước tiên là sự xuất hiện của những từ nước ngoài, những tên riêng nước ngoài không gì cản nổi trên các trang báo, trên các kênh truyền hình, các văn bản viết và trên các bảng hiệu quảng cáo...

“TV” Là Gì?

Mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người dân miền Bắc ngỡ ngàng khi thấy ai đó trong Nam ra nói họ mang theo cái “Ti vi”. À, ra là cái vô tuyến truyền hình. Thế rồi, bây giờ thì hầu như ai cũng nói Ti-vi thay cho vô tuyến truyền hình. Rồi trên một chương trình trò chơi nổi tiếng của thập kỷ 1990, bao người ngỡ ngàng khi thấy người dẫn chương trình nói “fair play”. Bây giờ thì dường như không ai thấy sự cần thiết phải thay các từ “MC” hay “game show” nữa. Trên “TV” đại chúng còn như thế, thì còn gì để trách các quán cà phê có biển tên rất Tây như Café, Love, Missing... Ngay trong giao tiếp hàng ngày, dường như mọi người đã chấp nhận cách nói lệch chuẩn như: các fan hâm mộ, các diễn, tiền cát-xê

Việc lạm dụng tiếng Anh đã vậy còn phiên âm lại tệ hơn nhiều. Ở Việt Nam, với hơn 700 đầu báo khác nhau, sẽ thấy hàng trăm kiểu phiên âm khi đọc tới mục tin quốc tế. Nếu tại vùng Cap-ca-dơ của Nga có sự kiện nổi bật diễn ra, thì mỗi trang báo sẽ phiên âm theo một kiểu: Kavkas, Kavkaz, hay Caucase. Nếu người đọc không thường xuyên theo dõi tình hình thế giới thì dễ lầm tưởng là các địa danh khác nhau. Nguời biết tiếng Anh sẽ phiên âm theo tiếng Anh, ngườt biết tiếng Pháp thì phát âm theo tiếng Pháp, tiếng Nga theo tiếng Nga… Ngay như nước Singapore ngay cạnh ta lúc thì được đọc là Xing-ga-pua, lúc thì được đọc là Xanh-ga-po.

Giới học giả thì đang tranh luận liệu nên để phiên âm, hay để nguyên dạng, mà cách nào cũng có cái hay và cái dở. Trong khi cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, chúng ta đành để cho con em mình chào nhau là Hello hay vui quá hét lên “Yeah” như trên các “game show” hay các “live show” và gọi nhau là các … tin (teen) vậy!

Không chỉ là ngôn ngữ

Trong văn hóa giao tiếp, ngôn ngữ giữ vai trò tối quan trọng. Chúng ta nghĩ sao nếu con cháu chúng ta sẽ nói “nâu vấn đề”với người trên như ông bà và cha mẹ. Hiện tượng vay mượn ngôn ngữ “mạnh ai nấy làm” này diễn ra tràn lan trong nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, thể thao, giải trí..., và đang tạo ra những thứ tiếng xã hội khá lộn xộn và đang gây nhiều phản cảm cho người nghe hoặc người đọc.

Lẽ ra, trong ý thức của xã hội, tiếng Việt sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông thường phải là thứ tiếng Việt chuẩn, phổ thông, của toàn dân, trong sáng để ai cũng hiểu được.

Điều nguy hại hơn nếu việc lệch chuẩn ngôn ngữ lại được một số giới trẻ coi là mốt, hay một cách sống. Đây đó, trong xã hội ta đã hình thành một vài nhóm những người nói một thứ tiếng Việt khá khó hiểu. Đó là thứ ngôn ngữ pha trộn, đặc trưng cho thứ tiếng Việt chuyển tiếp của những người nước ngoài đang học tiếng Việt, hay những Việt kiều rời Việt Nam từ nhỏ. Thậm chí, có nhóm người Việt (nhất là dân cư mạng) còn bóp méo tiếng Việt. Như vậy thì vấn đề ngôn ngữ không còn chỉ là vấn đề của riêng ngôn ngữ nữa rồi.

Giữ gìn sự trong sáng…

Quá trình lịch sử của dân tộc chắc chắn có ảnh hưởng ít nhiều tới phát triển ngôn ngữ. Mối quan hệ láng giềng truyền thống với Trung Quốc và ảnh hưởng văn hóa đã để lại dấu ấn trong tiếng Việt mà ta gọi đó là các từ Việt gốc Hán. Rồi đến thời kỳ Pháp thuộc kéo theo phong trào học tiếng Pháp và thói tính tiếng Pháp trong giới trung lưu. Rồi tiếng Nga trong giai đoạn những năm 1970 và 1990 của thế kỷ trước. Liệu trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ mà Việt Nam sãn sàng là bạn là đối tác tin cậy của cộng đồng thế giới, thì chúng ta có gìn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt?

Kinh nghiệm của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... cho thấy ngoại ngữ luôn được coi trọng nhưng không vì thế mà họ sính ngoại ngữ. Bạn sẽ hiếm tìm thấy một quán ăn có biển tiếng Anh ở Nhật, hay ở Hàn Quốc. Ví dụ điển hình về việc bảo vệ tiếng Nhật là các sản phẩm dùng trong nội địa thì không in tiếng nước ngoài, và chỉ khổ cho những người tiêu dùng Việt cách đây hơn chục năm thích dùng các sản phẩm nội địa của Nhật.

Hiện trạng “hỗn loạn” trong việc truyền tải (viết- nói) từ nước ngoài ở trên có nhiều nguyên nhân. Có thể là do không suy nghĩ kỹ mà vội vàng sử dụng, cũng có thể là do tâm lý khoe chữ, và còn có thể là do không xử lý kịp mà buộc phải chấp nhận... Ngôn ngữ có 3 mặt: Khoa học - Pháp lý- Xã hội. Về mặt khoa học, ta chưa đi đến một sự đồng thuận về nghiên cứu hiện trạng này, nên người sử dụng ngôn ngữ không có quy chuẩn để tuân theo. Về mặt pháp lý, chúng ta cũng chưa có một văn bản pháp quy cần thiết nào quy định cách sử dụng tiếng nước ngoài (gần đây mới có một số quy định về việc phải sử dụng tiếng Việt chuẩn tại các siêu thị, hay về việc chỉ dùng tiếng Việt trên các tờ lịch in...). Về mặt xã hội, ta chưa gạn lọc được những cách sử dụng hợp lý mà còn buông thả những cách sử dụng xô bồ, tự phát.

Vai trò của truyền thông rất lớn trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bởi hàng ngày hàng triệu người chịu ảnh hưởng ngôn ngữ của truyền thông. Báo chí, phát thanh, truyền hình là những cơ quan hình thành nên chuẩn ngôn ngữ. Vì vậy, hơn ai hết, giới truyền thông về báo chí phải là những người đầu tiên sử dụng ngôn ngữ một cách thận trọng và chuẩn mực.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sự “nổi loạn” đáng được đón nhận!

    11/09/2017Lê Châu thực hiện“Không thể hiểu nổi ngôn ngữ của giới trẻ 8X, 9X ngày nay, đi ăn chơi cùng nhau, đến khi cần thanh toán thì chúng gọi “Campuchia”, sử dụng thì toàn câu dạng bị động. Không chừng 10 năm nữa, ngôn ngữ tỏ tình sẽ thành... Anh yêu bởi em!”.
  • Lộn xộn tiếng Việt thời giao lưu văn hóa

    10/10/2015Vương Trí NhànVới một niềm tin dai dẳng, các phương tiện thông tin đại chúng ở ta thường không mệt mỏi trong việc nhắc nhở mọi người là phải giữ gìn bản sắc dân tộc, hoặc trong ngôn ngữ thì nhắc nhau là phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Vậy mà mọi chuyện cứ diễn ra theo hướng ngược lại, tại sao lạ vậy?
  • Cái lý của những thành ngữ “phi lý"

    30/09/2015Hồng PhanTrong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dùng tiếng Việt một cách tự nhiên. Không mấy ai và không mấy khi phải băn khoăn về nghĩa lý của điều này điều khác. Tuy nhiên, đôi khi do nghề nghiệp hoặc rất tình cờ, chúng ta đề cập tới logic của những hiện tượng tiếng Việt...
  • Tâm trạng của anh phóng viên “kém tiếng Việt”

    21/06/2014Thảo HảoNgày 8.12.04, qua điện thoại, phóng viên đài BBC phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines. Sau đây là đoạn cao trào nhất trong cuộc phỏng vấn 5 phút này...
  • Cái tất yếu thời toàn cầu hóa

    14/05/2009Minh NhânCó thể những người chủ trương “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” sẽ vô cùng bất bình, thậm chí phẫn nộ khi đứng trước những biểu hiện 100% tiếng nước ngoài hay nghe, xem đâu đó những từ vay mượn từ tiếng Anh như: festival ( liên hoan), bulding, villa ( nhà cao tầng, biệt thự), sale off ( hạ giá), fair play (chơi đẹp),… Song đối với số khác, hiện tượng này đơn giản chỉ là một phần tất yếu trong thời toàn cầu hóa.
  • Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

    14/05/2009Hoàng CúcSinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn chú trọng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục nhân dân phải làm cho tiếng nói, chữ viết ngày càng thêm đẹp, thêm phong phú, hiện đại…
  • Phản biện PGS. Hà Quang Năng

    10/01/2009Trần Quang ĐạiTrước hiện tượng những từ “lạ” xuất hiện ngày một nhiều, PGS Hà Quang Năng cho rằng đó là sự “sáng tạo” làm giàu thêm vốn ngôn ngữ, là một hiện tượng bình thường, “dễ thương” và không nên “từ chối”.
  • xem toàn bộ