Người Việt có xấu xí thật không?
Người Việt xấu hay không xấu không phải bởi vì họ vốn thế. Đó không phải là những giá trị bất biến, và tất nhiên là không đáng bi quan.
Trên mọi ngả đường, mọi góc phố, người tinh tế một chút có thể nhận ra ngàn vạn biểu hiện không thuận mắt của người Việt. Nhưng gọi chung những hành xử đó là hành xử "kiểu người Việt Nam", e có điều gì không phải với bậc ông bà.
Người Việt là người dạy con "ăn trông nồi, ngồi trông hướng" chứ không phải "mạnh ai nấy hưởng", dạy cháu "học ăn học nói, học gói học mở" chứ không phải "vô duyên chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy...", dạy trò "tiên học lễ hậu học văn" chứ không phải sùng bái kiến thức vô lối mà quên đi chữ đức trong cuộc sống hàng ngày.
Triết lý giao tiếp của người Việt là "nói ngọt giọt đến xương" chứ không phải những cuộc cãi vã, xô xát đình đám giữa phố, là "khôn ngoan chẳng lọ thật thà/Lường cân tráo đấu chẳng qua đong đầy" chứ không phải "ăn hơn làm kém", "mồm miệng đỡ chân tay".
Ông bà ta chỉ có những câu ca xưa để dạy dỗ con cháu trưởng thành, không có kinh sử, không có sách giáo khoa. Nhưng nếu con cháu biết soi mình vào kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ đó, hẳn sẽ nên người.
Nói là dân tộc Việt Nam có nền tảng tốt đẹp về văn hóa, vậy thì hiện nay nó ở đâu? đóng vai trò thế nào trong việc dưỡng dục đạo đức cho con trẻ?
Văn hóa Việt Nam vẫn ở đó, vẫn ẩn chứa những vẻ đẹp lấp lánh về nhân nghĩa, "trọng người hơn trọng mình". Chỉ có điều, văn hóa thì chỉ có thể chờ được tiếp nhận, kế tục, chứ nó không thể tự lên tiếng. Khi chúng ta đã lãng quên, tức là chúng ta để mất, chứ đừng nói là chúng ta không có.
Văn hóa tiểu nông
Có lập luận cho rằng văn hóa Việt Nam là văn hóa tiểu nông, không phù hợp với văn minh đô thị. Do vậy, khi người dân từ đồi xuống phố, mang theo văn hóa tiểu nông để ứng xử nơi thành thị, thì nảy sinh ra những điều bất cập.
Điều này đúng, nhưng nói thế không khác gì chỉ thấy cây mà chẳng thấy rừng.
Cái gọi là "văn hóa tiểu nông" không chỉ hàm chứa những điều không thích hợp cho văn hóa thành thị, mà nó có những điều thuộc về chân giá trị - là căn bản ứng xử cho mọi xã hội. Không thể đổ lỗi cho văn hóa tiểu nông.
Vì rằng ông bà ta là nông dân, sống ở nông thôn, thì đúc kết nên một nền văn hóa mà ta định danh là "tiểu nông". Những cũng vì rằng ông bà là những người làm nên một dân tộc hồn hậu, trung thực, lễ hiếu tín nghĩa, nên ta cần phải định danh cả những phẩm chất tuyệt đẹp đó để ghi nhận và học theo.
Đừng vội cho là cứ "tiểu nông" thì không hợp với thành thị.
Lịch sử của dân tộc này là lịch sử của nhiều triều đại, nhiều lần thay binh đổi tướng, chứ không phải của riêng một thời đại nào. Nhưng người sống ở thời đại nào thì chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính thời đại đó. Ảnh hưởng thì có tốt, có xấu. Muốn ít chịu ảnh hưởng xấu, nhận nhiều ảnh hưởng tốt, thì chỉ có cách nhìn sâu vào suốt dọc chiều dài lịch sử, mà thẩm thấu, mà dạy bảo nhau.
Người Việt có "xấu" thật không?
Cùng chủ điểm >> |
Vậy để trả lời cho câu hỏi: "Người Việt có xấu thật không?", công bằng nhất, là phải chia ra: có người Việt xấu, có người Việt không xấu. "Người Việt xấu" đã được kể ra bằng rất nhiều ví dụ cụ thể. Còn "người Việt không xấu" là tất cả phần còn lại, là cả khối dày từ quá khứ đến hiện tại, nằm trong những tinh túy đã được lịch sử đúc kết.
Sự khác biệt của 2 nhóm này có thể biểu hiện bằng vô vàn cách, nhưng chung quy lại chỉ có một căn cốt: mất gốc về văn hóa.
Học cái gốc văn hóa không phải là học từng cách ứng xử cụ thể (nhiều người vướng vào cái bẫy này để kết tội văn hóa tiểu nông là phá vỡ văn minh đô thị, trong khi lẽ ra phải biết vận dụng cái cũ trong hoàn cảnh mới một cách thích hợp). Học gốc văn hóa là học giá trị căn bản, đúng trong mọi thời đại: trọng nhân, trọng nghĩa, trọng lễ.
Biết trọng nhân - nghĩa - lễ thì không có chen lấn, không có xô đẩy, không có vô kỉ luật vô phép tắc, không có xem thường người khác. Nếu người Việt xấu được biết đến 3 chữ trong ấy thì họ đã biết tôn trọng cộng đồng, nghiêm nghị phép tắc, và khi đó thì không còn là người Việt xấu.
Người Việt xấu hay không xấu không phải bởi vì họ vốn thế. Đó không phải là những giá trị bất biến, và tất nhiên là không đáng bi quan. Có những môi trường đang dung dưỡng cái xấu, để tạo ra người Việt xấu. Và cũng có những cách để triệt tiêu cái xấu, làm biến mất nhóm người Việt xấu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn