Thói hư tật xấu của người Việt: 1 nền văn chương bấp bênh, thiếu tư tưởng, nhu nhược, phô trương

01:54 CH @ Thứ Sáu - 14 Tháng Mười, 2016

Kiếp người bấp bênh văn chương sầu não
(Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, năm 1944)

Sự đơn điệu tẻ nhạt của cảnh sắc thiên nhiên, tính chất chu kỳ của thiên tai, sự cách biệt của các nhóm người, sự phân chia nam nữ, nền giáo dục khắc nghiệt và khô khan khiển người Việt thiên về u buồn và sầu não. Cá nhân bị giam hãm một cách chặt chẽ và giả tạo trong những khuôn khổ cứng nhắc như gia đình và làng mạc đến nỗi họ không quan niệm nổi họ có khả năng hành động một mình. Vì thế khi môi trường chung quanh không còn giữ họ lại bằng những mối ràng buộc thông thường mà lễ giáo quy định, người ta dễ đắm mình vào những bài hát buồn bã u sầu, khiến mọi nỗ lực trí tuệ tiêu tán. Nền văn hóa vốn thấm nhuần lòng từ bi Phật giáo cũng góp thêm phần dồn nén các dục vọng cá nhân. Rồi quan niệm siêu hình của đạo lão khiển nhiều tác giả thiên về một cái nhìn bi quan sâu sắc và một sự mỉa mai chua chát. Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Thu dạ lữ hoài ngâm cũng như tác phẩm của Trần Tế Xương, Trần Tuấn Khải, Nguyễn Khắc Hiếu chỉ là những tiếng vọng của nỗi đau nhãn loại. Trong nhiều tác phẩm khác, ta luôn luôn thấy cùng những đề tài giống nhau về nỗi đau khổ, ước mong và hối tiếc, phản ánh tất cả sự dồn nén tinh thần của cá nhân, hoặc gần như vậy, sự sợ hãi muôn thuở của một kiếp người bấp bênh , một cuộc sống chật hẹp.


Một nền nghệ thuật thiếu tư tưởng
(Hoài Thanh, có một nền văn hóa Việt Nam, năm 1946)

Trong lịch sử ta biết bao thế hệ nhà nho kế tiếp nhau mài miệt trong sách vở của thánh hiền mà nào có sáng tác được gì đâu.

Ta không có một nền quốc học nếu quốc học là học thuật riêng của nước. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử ta cơ hồ không có sáng tác gì về học thuật. Ấy cũng vì ta kém óc trừu tượng khái quát, điều kiện căn bản để phát minh về tư tưởng.

Người phương Tây rất ngạc nhiên thấy ta hôm qua chỉ biết có Tứ thư Ngũ kinh mà hôm nay bỗng tin theo những thuyết rất mới mẻ, rất cấp tiến của khoa học hiện kim. Họ không biết rằng học thuật tư tường không phải là những căn bản tinh thần của dân tộc ta. Tư tưởng nào có lợi cho đời sống của dân tộc thì ta theo, nhưng một khi tình thế đổi thay, tư tưởng ấy trở nên có hại cho đời sống chung , ta sẽ trút bỏ dễ dàng không tiếc hối.


Đằng sau thói quen đẽo gọt là sự nhu nhược
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)

Văn chương gọt từng tiếng khác nào như người gọt củ thủy tiên, cái lá này bắt cho quăn, cài giò kia hãm cho thấp trông thì hoa nở đều nhau đẹp đẽ nhưng động vào đã gãy, để chưa mấy ngày đã úa. Cốt lấy cái khéo nhỏ nhặt làm mất đi cái khí mạnh, gọi là "nhu nhược chi văn chương"!


Xu thế trang sức quá nặng
(Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, năm 1938)

Nghệ thuật Việt Nam thường bị bó buộc trong lề lối cổ. Phải tôn trọng những phép tắc xưa, cho nên nhà nghê tài giỏi mấy cũng chỉ phỏng lại những hình thức có sẵn cho khéo, chứ không được theo tự ý mà sáng kiến những cách thức mới.

Nhà nghệ thuật Việt Nam không phải là người biểu diễn ý chí tâm tình của mình, cũng không phải người quan sát và biểu hiện tự nhiên mà chỉ là người giỗi bắt chước những kiểu mẫu sẵn. Có muốn hơn người thì họ chỉ cốt ra tay cho khéo cốt làm cho thật tỉ mỉ, thật tinh tế, thật dụng công, chỉ cốt xếp đặt các bộ phận cho xinh xắn lộng lẫy.

Tính chất đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam là tính trang sức. Nó thiếu hẳn hoạt khí, vì cách biển hóa tuy lưu động mà ở trong phạm vi hình thức, cách phối hợp tuy phiền phức mà ở trong phạm vi thái độ chế kiểu.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: