Ta tự nhận diện lại ta
Ở những quán hàng giản dị của phố cổ Hội An, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những đôi bạn một ta một Tây trò chuyện với nhau khá tương đắc. Hỏi ra mới biết người Việt kia là chủ nhà hàng, người Tây kia chỉ là khách vãng lai, song ở đây khá nhiều ông chủ thông thạo tiếng nước ngoài, và nhất là đủ vốn văn hóa để trò chuyện với khách. Khách thích lui tới cửa hàng, phần vì món ăn, phần vì chính con người chủ nhân, lúc này đã trở thành một đối tượng đáng để người ta tìm hiểu, cũng như một hướng dẫn viên du lịch thành thạo.
Lại nhớ tới tình trạng phòng thừa của nhiều khách sạn hiện nay - dấu hiệu của tình trạng "mất mùa du lịch" mà không ai che giấu nổi, dù rằng không thiếu khách sạn vào loại mấy sao có đủ mọi thứ tiện nghi hiện đại.
Có phải tại nghèo không?
Từ chuyện du lịch, lại nhìn sang mọi chuyện khác của thời mở cửa. Sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt, từ hơn hai chục năm nay, dân tộc ta mới có thì giờ để tâm vào những việc bình thường mà dân tộc nào cũng phải làm, từ lo cái ăn cái ở, lo cho con cái học hành, cho tới lên chùa cúng Phật, dọn dẹp đình miếu ghi nhớ công ơn tổ tiên, rồi là tiếp đãi bạn bè và thăm lại các danh lam thắng cảnh... Những tưởng các việc bình thường như vậy nào có gì khó, và ai mà chẳng làm được. Nhưng rồi bao chuyện hằng ngày tai nghe mắt thấy khiến người có suy nghĩ không khỏi phiền muộn: nhiều thắng cảnh không biết quản lý, trở nên cũ nát, hư hỏng; nhiều hội hè người đến chen chân, trở thành địa bàn lý tưởng của các hoạt động mê tín, và nói chung là trôi nổi trong sự trục lợi của dân địa phương. Làm ra hạt thóc thì được, nhưng làm ra gạo ngon, gạo sạch đủ sức cạnh tranh với gạo nước ngoài thì chịu. Trong khi hàng hóa ứ đọng vì không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì dân trong nước chỉ chuộng hàng ngoại. Bằng cấp làm giả, và sinh viên ra trường không có việc làm...
Vậy thì nguyên do ở đâu, việc gì là cần kíp nhất bây giờ?
Nhiều người quanh đi quẩn lại chỉ đổ cho sự nghèo. Giá mà ta có tiền để làm việc này, giá mà ta được nước ngoài tài trợ để tính việc kia...
Tất cả những lời bắt mạch gọi bệnh kiểu đó có lẽ không sai, nhưng nghĩ kỹ ra mới đúng một phần.
Qua việc đối chiếu giữa không khí đầm ấm ở các cửa hàng ăn Hội An và tình trạng trống vắng của nhiều khách sạn loại "xịn"; và trên qui mô tổng quát, qua việc phân tích thành công cũng như thất bại của nhiều dự án khác nhau, có thể nhận ra một điều là đồng tiền không phải tất cả. Cái cần xem lại lúc này là chính con người chúng ta, cách sống, cách nghĩ của mỗi chúng ta. Có những nề nếp làm ăn, cách quan hệ với nhau, cách quan hệ với khách... đã hình thành từ lâu, nhiều khi là do cha ông để lại, trở thành một thứ bản năng thứ hai trong mỗi người nên ta thấy quen và tưởng không bao giờ thay đổi, nay đã đến lúc cần được xem xét lại, theo những tiêu chuẩn của đời sống hiện đại, để cái gì hay thì tìm cách giữ gìn, cái gì dở thì bảo nhau sửa đổi, có thế mới mong gỡ ra nhiều việc rắc rối trước mắt.
Chung quanh chuyện nghiên cứu văn hóa dân tộc
Nhân đây, xin được nói tới một công việc mà thời gian qua trở nên sôi động, và có người đã nói đùa là trở thành một thứ thời thượng: đó là nghiên cứu văn hóa dân tộc.
Ở nước nào cũng vậy, việc này sớm được coi là một ngành chủ đạo trong các hoạt động khoa học xã hội, bởi suy cho cùng nghiên cứu một dân tộc là gì nếu không phải là nghiên cứu nền văn hóa của chính dân tộc đó. Và một việc như thế mãi mãi tạo nên niềm say mê cho chính những người trong cuộc.
Song ở ta thì tình hình không hẳn như vậy.
Một mặt đi đâu cũng thấy nói tới nghiên cứu văn hóa: nhiều trường đại học và cao đẳng bắt đầu đưa văn hóa Việt Nam vào giờ chính thức; các giáo trình văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam được biên soạn; các tỉnh cho làm dư địa chí, các cuộc hội thảo được mở liên tiếp...
Mặt khác, cả trong những tuyên bố rành rọt về mục đích yêu cầu, lẫn trong công việc cụ thể, có thể thấy ở nhiều người nghiên cứu văn hóa hiện nay một cách định hướng đơn giản: "nghiên cứu văn hóa Việt Nam để cho thế giới thấy văn hóa ta không kém gì văn hóa người", "nghiên cứu văn hóa để giúp cho mỗi người chúng ta thêm tự hào về truyền thống, và để chống sự xâm nhập vô lối của văn hóa độc hại"... (Một trong những công việc mà nhiều chuyên gia văn hóa đang được huy động là giúp các nhà lãnh đạo quốc gia hình thành chiến lược văn hóa).
Lấy những yêu cầu về phát triển trước mắt ra để nhấn mạnh tới tính cấp bách của việc nghiên cứu văn hóa - kiểu định hướng này cốt tìm tới những kết quả thiết thực, có ích ngay hôm nay. Không ai có thể phủ nhận giá trị cũng như mức độ cần kíp của cái công việc loại đó, nhưng tôi tưởng, sẽ là hợp lý hơn nếu xem toàn bộ hoạt động nghiên cứu văn hóa như là một cách thức hiệu nghiệm để dân tộc tự nhận thức chính mình, tự phát hiện lại mình với mọi cái hay, cái dở vốn có và đang bộc lộ trong mọi lĩnh vực đời sống. Một sự định hướng như thế sẽ mang lại cho công việc vốn rất khó khăn này một căn bản rộng rãi hơn và một mục đích lâu dài hơn. Sẽ tránh được lối nghiên cứu nông nổi, đôi khi mang sắc thái vụ lợi, còn khá phổ biến. Sẽ tạo nền tảng chắc chắn cho việc hoạch định chiến lược. Sẽ có thể góp phần thức tỉnh mỗi người để giúp họ sống ngày một cao quí, đúng với tầm vóc mà thế kỷ này mang lại cho họ. Sẽ tạo nên một sự sòng phẳng, do đó, là khả năng thuyết phục với những bạn bè đang muốn hiểu và yêu mến nền văn hóa Việt Nam.
Vượt qua phạm vi văn học, có những bài thơ đánh dấu nếp suy nghĩ một thời, chẳng hạn như mấy câu sau đây của Chế Lan Viên:
"Ta là ai?" như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt"Ta vì ai?" khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
Thực ra thì đó là cách nghĩ của những năm chiến tranh: khi mà xã hội có bao nhiêu công việc cấp thiết phải lo, nó liên quan đến cả sự tồn vong của dân tộc, ta đành gác lại những việc cơ bản và bảo rằng chúng là hư vô, là siêu hình. Nay đã đến lúc không thể tiếp tục lảng tránh. Hơn bao giờ hết, việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản cần được đặt ra. Cần biết chính mình là gì, trước khi tính xem mình cần làm gì. Việc tìm tòi gian khổ để có được câu trả lời đích thực cho câu hỏi "ta là ai?" sẽ giúp cho xã hội tự nâng mình lên, vượt qua những khốn khó mà éo le thay, chính là tự ta gây ra cho ta và làm chậm bước tiến của ta.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015