Tính cách Việt

09:38 SA @ Thứ Bảy - 04 Tháng Tư, 2009

Cách đây mấy năm, ở Trường đại học Goteborg, tôi có dịp thảo luận với giáo sư xã hội học P. Therborn để tìm hiểu thêm về tâm tính người Thụy Điển. Trong lĩnh vực này (nói chung cho các vấn đề: tính cách dân tộc, tâm lý dân tộc, bản sắc dân tộc, truyền thống dân tộc, tính dân tộc...) ông cho là phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ đi đến khiên cưỡng, gán ghép, rơi vào đầu óc chủng tộc; đây là một lĩnh vực rất tương đối, thay đổi tùy từng thời kỳ lịch sử, từng vùng, và cả từng cá nhân nữa. Tôi thấy nhận định này hoàn toàn đúng.

Ở Việt Nam, từ sau khi Cách mạng tháng Tám, 1945, giành lại được độc lập dân tộc, đã có đến hàng trăm cuộc hội thảo lớn nhỏ, một khối lượng lớn sách báo viết về lĩnh vực này. Điểm lại những nét chính, có thể tóm tắt những nét tích cực chủ yếu như sau của người Việt:

- Người Việt có tinh thần cộng đồng cao; dân tộc sớm phát triển (gia đình - làng - nước). Lý do: tập hợp chống ngoại xâm, đắp đê. Hạt nhân: làng xã cổ truyền.

- Tinh thần yêu nước là một yếu tố chủ yếu.

- Có một nền văn hóa lâu đời (tầm quan trọng của tiếng Việt) - Hiếu học

- Lao động cần cù, sáng tạo, thông minh... khéo tay (ảnh hưởng trồng lúa nước). Ý thức tiết kiệm.

- Dấu ấn gia đình: cách xưng hô trong ngôn ngữ xã hội, hiếu thảo, trọng người già, đoàn kết thân ái làng - nước.

- Thích nghi để tồn tại, ứng xử mềm mỏng. Thiết thực, cụ thể, dung hòa. Trọng thực tế và kinh nghiệm.

- Quen sống thanh bạch, đơn sơ mộc mạc. Do đó thích cái bình dị, cái khéo, xinh, duyên dáng hơn tìm cái huy hoàng tráng lệ.

- Tư duy không triết học, siêu hình, ngả về lưỡng hợp biểu tượng, thích cụ thể.

- Tình cảm tôn giáo bàng bạc (religosité), không cuồng tín. Ảnh hưởng còn mạnh của các tín ngưỡng bản địa (vật linh).

- Tác động sâu sắc của Phật giáo và Khổng học.

- Đa cảm hơn duy lý, trữ tình, thích thơ.

- Trong bậc thang giá trị, cái thiện thường vượt lên cái chân và cái mỹ, do đó luân lý và đạo đức có giá trị cao nhất.

Đó là những điểm tích cực trong tính cách Việt.

Cho đến nay, những nhà nghiên cứu Việt Nam bàn về bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam... chỉ nói đến những đặc điểm tích cực, lặp đi lặp lại: tinh thần cộng đồng, truyền thống yêu nước, nhân ái, lao động cần cù... Ít người đi sâu, phân tích cái xấu, nhất là trong mối liên quan đến hiện trạng; có đề cập đến chăng, thì cũng chỉ liệt kê qua loa.

Tôi nghĩ thái độ thận trọng ấy là đúng, trong thời gian kháng chiến cứu quốc cần đề cao lòng tự hào dân tộc. Nhưng ngày nay, đứng trước tình hình cạnh tranh quốc tế gay go, thái độ nghiên cứu khoa học để đóng góp xây dựng con người Việt Nam mới, phải biết cả cái xấu để loại trừ, vì một dân tộc cũng như một cá nhân đều có tốt xấu.

Tại một cuộc hội thảo về Chiến lược Văn hóa của ta ở một tòa báo, có người đặt vấn đề: Theo một số nhà kinh doanh ngoại quốc, người Việt Nam không được thật thà lắm? Lập tức có một người khác đập cho tơi bời, nói là nếu ta thiếu thật thà, đạo đức thì sao ta thắng nổi bao nhiêu kẻ xâm lăng, khién thế giới phải kinh ngạc. Tôi cho đó là một ứng xử phi khoa học. Bất cứ giả thuyết nào cũng có thể được đặt ra, muốn chứng minh hay bác bỏ phải có lý lẽ. Không nên có định kiến là dân tộc ta cái gì cũng tốt, mà trước đã tốt thì bây giờ cũng tốt.

Ta nói là ta có tinh thần đoàn kết dân tộc cao. Nhưng giải thích thế nào được là thái độ ích kỷ, vụ lợi, cá nhân của nhiều Việt kiều ở Nga, nếu so sánh với thái độ đoàn kết giúp đỡ nhau của Hoa kiều ở Nga, nhất là ở Pháp hay Mỹ (ai đã đi qua đều thấy rõ)

Phân tích tâm lý của dân tộc mình, những nhà dân tộc học nước ngoài không ngại đề cập đến cái xấu. Thí dụ cuộc điều tra về nói dối ở Bắc Âu đem lại kết quả: 13% người Đan Mạch cho nói dối là xấu, người Phần Lan: 22%, người Na Uy: 38%, người Thụy Điển là: 60%; người ta cũng phân tích lý do. Higuchi nghiên cứu và so sánh tính sĩ diện của người Nhật Bản và người Việt Nam. Lỗ Tấn phân tích tính A.Q1) của người Trung Quốc.

Một số nhà nghiên cứu của ta có nêu một cách dè dặt những nhược điểm và khuyết điểm của dân tộc ta như sau:

- Do chiến tranh liên miên, nên phát triển xã hội của ta mang tính bất thường. Các kết cấu kinh tế - xã hội thường bị gián đoạn, phát triển chậm lại hoặc bị thui chột.

- Mặt trái của tinh thần cộng đồng cao là sĩ diện thái quá, tính cục bộ địa phương.

- Tính cách cá nhân khó phát triển vì bị ức chế, khó đổi mới (kể cả kinh tế, kỹ thuật)

- Chủ nghĩa gia đình làng xã chuyển sang quan hệ xã hội: chủ nghĩa bình quân, tùy tiện, dễ bao che bè phái. Dễ sùng bái, thần thánh hóa.

- Do kinh tế tiểu nông - tiểu công nghiệp: có thái độ ghen ghét đố kỵ, làm ăn tùy tiện, thiếu ý thức kỷ luật, làm ăn nhỏ, manh mún, không biết lo xa, hạch toán kinh tế.

- Yếu tư duy lôgic, óc phân tích thực nghiệm và luận lý. Dễ cầu may.

- Dũng cảm hy sinh vì nước (nhất là trong chiến tranh), nhưng thiếu tính can đảm của người công dân.

Trên đây là một số ý kiến sơ bộ tập hợp để chúng ta cùng tham khảo, nghiên cứu...


1)A.Q là truyện ngắn của Lỗ Tấn mô tả đặc tính an phận, căn bệnh tự cao, tự sướng tinh thần hay thắng lợi tinh thần, luôn bằng lòng với những gì mình có, dù bất kỳ điều tồi tệ nào của giai cấp thống trị ở Trung Quốc. Phép thắng lợi tinh thần là tạo ra những thắng lợi trong tưởng tượng mà thực chất là thất bại. Người khác đánh AQ, AQ bị thua, AQ cho rằng nó đánh mình chẳng khác gì nó đánh bố nó. Về gia thế của AQ không ai biết, nhưng AQ luôn luôn huyênh hoang: Nhà tao xưa kia có bề có thế bằng mấy mày kia, thứ mày thấm vào đâu. Có thể nói AQ đứng chênh vênh trên miệng hố hiện tại, không có quá khứ hoàng kim cũng không có tương lai xán lạn. Thế nhưng, AQ thường nói về tương lai: Con tớ ngày sau làm nên chẳng bằng năm, bằng mười lũ ấy à, AQ luôn mang trong mình phép thắng lợi tinh thần như là một lá bùa hộ mệnh, như là một thứ vũ khí tùy thân để phản ứng, để chống trả mọi đối thủ trong xã hội.

Từ xa xưa, tâm lý dân gian Việt cũng đã rất… AQ, tuy nhiên hồi đó chưa có tiểu thuyết của Lỗ Tấn, nên nét tâm lý này tạm gọi là an phận thủ thường: “Ta về ta tắm ao ta – dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.


FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sức sống Việt

    28/01/2015Nguyễn Bỉnh QuânTa có năm đặc điểm văn hóa Việt để đi sâu nghiên cứu có thể thấy những nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là sức sống Việt, sức sống của dân tộc, quốc gia. Bản sắc ấy, sức sống ấy sẽ chuyển hóa như thế nào, đưa chúng ta tới đâu, giúp chúng ta tới đâu trong cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong tình cảnh toàn cầu hóa... câu trả lời sẽ trở thành sức sống Việt thời mới.
  • Hãy thay đổi tính xấu

    06/03/2021Nguyễn Tất ThịnhXin có vài nhận xét về cách sống và xử sự của không ít người tôi đã từng gặp, từng biết. Không phải tất cả các nhận xét này tập trung trong một người, nhưng có thể thấy từng điều như thế khá hay gặp. Nếu trong một Tổ chức hay Cộng đồng nào đó những điều tôi nêu ra chiếm số đông, là phổ biến thì rõ ràng là lụn bại, suy đồi...
  • Ta tự nhận diện lại ta

    27/05/2018Vương Trí NhànHơn bao giờ hết, việc nghiên cứu những vấn đề cơ bản cần được đặt ra. Cần biết chính mình là gì, trước khi tính xem mình cần làm gì. Việc tìm tòi gian khổ để có được câu trả lời đích thực cho câu hỏi "ta là ai?" sẽ giúp cho xã hội tự nâng mình lên, vượt qua những khốn khó mà éo le thay, chính là tự ta gây ra cho ta và làm chậm bước tiến của ta.
  • Chỉ tên những tật xấu của người Việt thời nay

    01/03/2016TS Phạm Gia MinhChúng ta hãy cùng nhau lên một danh mục, tạm gọi là “Danh mục các thói hư, tật xấu của người Việt thời nay" nhằm “vạch mặt, chỉ tên” càng chính xác càng tốt những biểu hiện tinh vi và đa dạng của nó.
  • Chỗ mạnh, chỗ yếu trong tâm lý con người Việt Nam khi đi vào thời đại văn minh trí tuệ

    09/12/2015GS.TS. Hoàng TụyPhân tích để hiểu rõ những đặc điểm văn hoá, tâm lý của dân tộc, những truyền thống tốt, những yếu tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển, cùng với những nhược điểm, những yếu tố chưa tốt, thậm chí tiêu cực, đang hoặc sẽ níu kéo chúng ta lại sau, là việc làm hết sức cần thiết để giúp xây dựng một chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh và điều kiện thế giới ngày nay...
  • Hội thảo về sự “xấu xí” của người Việt

    23/03/2009Tùng NguyênDù còn nhiều quan điểm bất đồng về nguyên nhân dẫn đến tâm thế, tư duy và lối sống của người Việt hiện nay nhưng hầu hết các học giả đều cho là: người Việt hiện nay… xấu xí...
  • Một số đặc điểm tâm lý của người nông dân Việt Nam ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hội nhập kinh tế

    14/10/2008Nguyễn Hồi LoanTrong quá trình vận động và phát triển của mỗi dân tộc trên thế giới, các dân tộc đều hình thành truyền thống văn hoá đặc trưng cho dân tộc mình. Văn hoá là sản phẩm của con người và tự nhiên, nên mọi sự khác biệt trong truyền thống văn hoá của các dân tộc là do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý - khí hậu) và xã hội (lịch sử kinh tế) quy định. Trong phát triển kinh tế hiện nay, xu hướng hội nhập kinh tế giữa các nước là một tất yếu và như vậy sẽ dẫn đến sự "va chạm" giữa các nền văn hoá khác nhau.
  • “Để người Việt Nam tự nhận thức...”

    12/09/2006Nguyên An thực hiệnTự nhận là đang làm công việc “chưa ai khai phá”, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, “người hay nói về nhược điểm của đồng nghiệp”, đang góp nhặt những lời người xưa cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và dự định sẽ in thành sách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về công trình này...
  • 10 đặc điểm của người Việt

    22/08/2005Đây là bộ 10 đặc điểm của người Việt do người nước ngoài nhìn và bộ 9 đặc điểm khác do người Việt tự nhìn mình (tham khảo)
  • Đi tìm nhân cách người Việt Nam

    05/01/2004KS. Trần Quốc KhảiThực sự mới ra khỏi chiến tranh hơn chục năm nay, người Việt Nam vẫn sống trong hào quang của chiến thắng. Kém về thể lực và trí lực, cộng với niềm tự kiêu đôi khi không tỉnh táo, thế hệ trẻ Việt tuy đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bứt phá trong tương lai, nhưng chỉ số nhân cách của người Việt Nam hiện đại đang ở đâu? Dưới kết quả nghiên cứu khoa học về nhân văn trên cơ sở vật lý và toán học, câu trả lời ấy là...
  • xem toàn bộ