Bao giờ ta có sách “Người Việt xấu xí”?
Thói quen của con người là không thích bị chê, chỉ thích được khen. Viết chê bai rất khó lọt tai, nhất là ai dám viết sách về mảng tối văn hóa của một dân tộc. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã in sách về sự xấu xí của dân tộc mình.
Người xứ Garbovo (Bungaria) tự giễu tính ky bo kẹt xỉn của mình bằng "Truyện cười Garbovo". Ban tổ chức thi truyện Garbovo cũng rất keo. Họ thông báo trao giải rất cao cho ai gửi truyện thú vị nhất về sự ky bo. Dân chúng ào ào gửi truyện đến. Cuối cùng ban tổ chức tuyên bố, không có truyện nào hay nhất để…quỵt luôn tiền thưởng, nhưng sách được xuất bản.
Khi viết "Người Trung Quốc xấu xí", nhà văn Bá Dương (Bo Yang) đã viện dẫn, Chính phủ Mỹ coi cuốn "Người Mỹ xấu xí" như một tham khảo quan trọng để ra sách lược phát triển cho đất nước, tại sao Trung Quốc không làm thế. Cuốn sách in ở Đài Loan của ông đã được phát hành ở Trung Hoa lục địa những năm 1980, dù lúc đầu bị cấm và bị lên án tơi bời.
Tuy là dân ngoại giao, lẽ ra phải nói về cái hay cái đẹp của dân tộc, ông đại sứ Nhật ở Argentina lại viết cuốn "Người Nhật xấu xí". Người Nhật vốn kín đáo, không thích phô cái xấu của mình.
Năm 1950, một nhà báo Mỹ viết cuốn sách về lớp tiện dân Ấn sống bẩn thỉu, vô văn hoá bị cả nước Ấn Độ lên án. Người cha tinh thần của Ấn Độ Mahatma Gandhi, khi đọc xong cuốn sách liền nói "chúng ta nên đi cọ chuồng xí thì hơn". Nói rồi, ông cùng các tông đồ đi quét dọn nhà vệ sinh. Và từ đó, người Ấn không còn tầng lớp tiện dân.
Tai họa của dân tộc chính là chỉ nhìn thấy màu hồng mà không nhìn thấy màu xám. Hoặc định hướng cho hàng trăm triệu người "dân tộc ta vĩ đại nhất và mang trên vai những sứ mệnh lịch sử của thời đại".
Kết quả, ra đường tham gia giao thông, ai cũng thấy mình "nhất" nên không biết nhường đường, xếp hàng mua vé thì "ta là vua tại sao phải đợi".
Trước kia, người Nhật dạy con cháu quá đỗi tự hào về "dân tộc Nhật là mặt trời mọc của nhân loại" nên đã thảm bại trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Sau đó, họ đã thay đổi trong sách giáo khoa cho học sinh "Nước Nhật nghèo lắm, không có tài nguyên. Các em không học giỏi, nước Nhật không thể tiến lên".
Bây giờ, người Việt Nam ta sang phương Tây khi được hỏi xuất xứ, đôi khi phải xấu hổ tự nhận vơ là người Nhật.
Nước Mỹ nghiên cứu cái xấu xí để tìm ra đường đi lên của đất nước họ. Ngày nay, nước Mỹ có còn xấu xí hay không hoặc họ đang ở đâu trong thế giới này, chắc ai cũng biết.
Ông Bá Dương nói rất nhiều điều về nỗi khổ nhục gian nan của người Hoa trong 5000 năm lịch sử vì thói xấu của họ.
Ông cho rằng, một người Trung Hoa là một con rồng. Nhưng nếu ba người đi với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng một con giòi nữa.
Người Trung Quốc ưa làm quan, rất phong kiến, khi phán xét, suy luận, không dùng lý trí mà nặng về cảm tính; xã hội dựa trên tiêu chuẩn chính trị đạo đức thời hủ Nho, làm quan là cha mẹ thiên hạ.
Lúc tự kiêu thì thành ông chủ, xem mọi người đều là cứt chó hết. Khi tự ti nghĩ mình là tôi tớ, không bằng đống phân chó.
Người Hán đọc cuốn sách này có nhiều phản ứng khác nhau. Người lên án ông dám nhạo báng dân tộc mình, nhưng có người thấy nước Trung hoa cần thay đổi.
Trong tám năm chuẩn bị Olympic Bắc kinh, ngoài việc bỏ ra 40 tỷ đô la để đầu tư cho hạ tầng cơ sở, người Trung Quốc còn hướng dẫn trên tivi, sách báo làm sao dân chúng biết ăn ngậm miệng, không nhai tóp tép, đừng lấy tay ngoáy mũi, ra đường không nhổ bọt và xả rác bậy.
Hàng tỷ người trên khắp hành tinh theo dõi lễ khai mạc tại sân Tổ chim, chiêm ngưỡng dân tộc Trung hoa vĩ đại thế nào trong 52 phút trình diễn của Trương Nghệ Mưu.
Bề dầy văn hoá 5000 năm, sức mạnh đoàn kết dân tộc và kỹ thuật hiện đại được thể hiện hôm khai mạc Olympics đã nói lên tất cả. Một dân tộc tự ví mình là con giòi đã làm được điều kỳ diệu.
Người Mỹ không sợ người Nga nhưng họ lo người Hoa với một cộng đồng tỷ rưỡi, dự trữ ngoại tệ đứng thứ 2-3 thế giới và văn hóa Vạn Lý Trường Thành.
Ngoài việc ra những chính sách quan trọng về phát triển, đối nội, đối ngoại, họ cho phép in cuốn sách của một người Hoa lưu vong bên Đài Loan nói về sự xấu xí của người Trung Quốc.
Ở Việt Nam ta, ông Vương Trí Nhàn định in cuốn "Thói hư, tật xấu của người Việt" thì bị lên án tơi bời. Tôi chưa được đọc cuốn đó nên không thể nhận xét và không biết đã in chưa.
Có người lý luận, đoán cái xấu thì dễ, đoán cái tốt mới khó. Do điều kiện lịch sử, đời sống hiện đại của chúng ta đã sinh ra một lớp người lấy chuyện đoán "cái xấu" ra để làm lớp áo tri thức của mình.
Thậm chí có những người còn đi xa hơn bằng cách "làm yếu ớt đi, làm nhạt nhòa đi" chính nguồn cội của mình để mưu danh với thiên hạ".
Câu bình luận ấy cũng "bỏ tù miệng" những ai dám nói lên án cái xấu, cái vô văn hoá.
Ý tưởng của ông Vương Trí Nhàn và sự dũng cảm của ông rất đáng ca ngợi. Một khi không dám nhìn vào cái xấu thì còn lâu mới có thể loại trừ chúng ra khỏi thói quen của chúng ta.
Báo Tiền phong có mục "Người Việt – Phẩm chất và thói hư tật xấu" được bạn đọc hưởng ứng và họ đã thu thập in thành sách.
Nhưng để có cuốn sách tầm cỡ quốc gia như "Người Trung Quốc xấu xí", cần nhà chính trị dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, những trí thức, nhà văn hóa cần tìm ra những cái xấu, nguyên nhân sâu xa và quan trọng là cách khắc phục.
Nước nào cũng có người xấu và người tốt, thói hư và hành vi văn hóa đẹp đan xen. Giữa Paris hoa lệ thấy đôi người xả rác hay ăn xin, hay dẫm phải phân chó, nhưng không ai bảo người Pháp là ít văn hóa hơn người Việt.
Vào khách sạn Metropole hay Hilton Hà Nội, gặp người Việt làm việc trong đó ai dám nói là dân ta vô tổ chức hay bất lịch sự, thích chen lấn, ai bảo người Việt ít văn hóa hơn người Nga.
Vấn đề là gặp ai, ở đâu và hiện tượng xấu đẹp nhiều hay ít. Khi đó mới có thể phán xét về dân tộc đó. Nơi nào thói xấu nhiều thì dân tộc đó cần nhìn nhận lại chính bản thân mình.
Đọc "Người Trung quốc xấu xí", tôi tâm đắc một câu "Sở dĩ, người Trung quốc xấu xí như ngày nay vì họ không hề biết mình xấu".
Tờ New York Times đã ví ông Bá Dương như Voltaire của nền văn học Trung Hoa. Ông đã mất nhưng di sản "xấu xí của người Hán" để lại cho Trung Quốc chính là những mong muốn tốt đẹp cho ngày mai.
Nước Nhật, Hoa Kỳ hay xứ Bungaria được tiến bộ như ngày nay là vì họ đã xuất bản những cuốn sách về "di sản xấu" của chính dân tộc họ cách đây nhiều thập kỷ.
Nhiều nước trên thế giới đã khâm phục Việt Nam đã vượt qua bao thăng trầm của nhiều cuộc chiến tranh. Không ít người đã mong làm người Việt lúc đó. Nhưng chiến tranh đã qua, không ai muốn mang súng ra chiến tuyến.
Viết về mảng tối văn hóa chính là chiếu sáng cho sự tối tăm và mong ước điều tốt đẹp cho tương lai. Chắc chúng ta cũng mơ mộng, một ngày nào đó, có người châu Á sang phương Tây lại tự xưng là người Việt Nam. Dân tộc lúc ấy mới thực sự hạnh phúc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh