Ngàn năm 'bia mạng'
Ngày xưa chỉ có bia đá và bia miệng, ngày nay còn có thêm “bia mạng”.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Nghệ An - mảnh đất của những người coi trọng danh dự và đạo nghĩa. Từ nhỏ, anh em tôi đã được cha mẹ dạy, "đói cho sạch, rách cho thơm". Nhà nghèo thì phải cố gắng học hành để vươn lên, không được coi đó là cái cớ để vi phạm các chuẩn mực về luân thường, đạo lý.
Chúng tôi thường bị cha phạt rất nặng mỗi khi bị bà con, láng giềng chê trách. Trong những lần như vậy, mẹ luôn đứng về phía cha. Chỉ sau đó, bà mới âm thầm ngồi khóc vì thương con bị đánh quá đau.
Như nhiều phụ huynh trong gia đình xứ Nghệ, cha mẹ tôi rất coi trọng thanh danh vì "Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Cố gắng giữ gìn để không bị bia miệng ghi tên, chỉ mặt, vì vậy, là nét tâm lý rất phổ biến của người xứ Nghệ.
Quả thật, bia miệng là thứ bia ngàn đời không thể phá bỏ hoặc tẩy xóa. Ngàn đời bia miệng về sự xấu xa của Lê Ngọa Triều, Trần Ích Tắc... vẫn còn đó trơ trơ.
Internet và các kênh truyền thông ngày nay có vẻ là thứ bia còn trơ trơ hơn cả bia miệng. Công bằng hay không công bằng, chính xác hay chưa chính xác, những thông tin, phê phán được đưa lên mạng thường lan truyền với tốc độ chóng mặt và gần như không thể tẩy xóa. Hiệu ứng chúng gây ra nhiều khi thật khủng khiếp.
Bộ Y tế mới đây chính thức đề nghị không đưa tin công khai về lịch trình di chuyển của các bệnh nhân Covid-19. Quyết định này tuy chậm, nhưng rất đúng. Bởi nếu không, bệnh nhân sẽ bị soi mói một cách không thương tiếc trên mạng xã hội. Mà như vậy ai còn dám khai thật hết lịch trình của mình? Không khai thật lịch trình, làm sao có thể truy vết, có thể khoanh vùng để dập dịch thành công? Đó là còn chưa nói tới việc đưa thông tin nhân thân công khai sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến người thân, gia đình bệnh nhân.
Mạng xã hội hay không gian số là phát minh vĩ đại của loài người. Nó giúp chúng ta kết nối vô tận, chia sẻ thông tin vô tận. Sự kết nối làm nên sức mạnh. Và thông tin cũng làm nên sức mạnh.
Ngoài ra, mạng xã hội còn là công cụ giám sát quyền lực hết sức hiệu quả. Các quan chức thời nay chắc chắn phải hành xử cẩn trọng và phải sống giữ gìn hơn so với trước rất nhiều. Chưa nói đến chuyện nhũng nhiễu, nhận hối lộ, bất cứ hành vi thiếu chuẩn mực nào đều có thể bị đăng lên mạng và chỉ trích nặng nề.
Một cảnh sát thờ ơ đứng nhìn người dân vật lộn với cướp, một cán bộ quát mắng nhân viên đều có thể bị đưa lên mạng xã hội. Khi đã bị "lên mạng", cơ hội thăng tiến của các quan chức gần như không còn.
Nhà nước có thể tận dụng gì trong lợi thế này của mạng xã hội để quản trị quốc gia? Bên cạnh áp đặt chế tài nghiêm khắc đối với hành vi tung tin giả, tin vu khống lên mạng, chính quyền cũng cần động viên, khuyến khích người dân đưa tin tố giác các hành vi tham nhũng, lộng quyền. Khi mạng xã hội được sử dụng một cách có ý thức để chống tham nhũng, chúng ta sẽ có thêm một công cụ hết sức hữu hiệu trong tay.
Để tăng cường giám sát bộ máy công quyền, chính quyền có thể cho phép người dân sử dụng điện thoại ghi lại các cuộc làm việc, nếu việc ghi âm, ghi hình không ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba hoặc không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
Lợi ích của Internet vô cùng to lớn. Tuy nhiên, cũng như mặt trái của năng lượng hạt nhân, mặt trái của mạng xã hội thật khủng kiếp. Biết bao bạn trẻ đã rơi vào trầm cảm, thậm chí đã tự tử chỉ vì một bức ảnh hay một clip nhạy cảm của mình bị tung lên mạng.
Không phải ai cũng mười phân vẹn mười, bởi ta đều là những con người. Mà như vậy thì những khiếm khuyết, thậm chí lầm lỡ của con người có đáng bị đưa tất cả lên mạng không? "Xã hội không tốt lên bằng lột truồng và chửi nhau", luật sư Nguyễn Tiến Lập nói. Với mạng xã hội, không khéo các hành vi ấy ngày một nhiều. Rủi ro lớn nhất của mạng xã hội là quyền riêng tư, danh dự cá nhân có thể bị xâm phạm nặng nề.
Nhà nước đang áp dụng một số quy phạm của Luật Hình sự và Luật An ninh mạng để xử phạt người đưa tin giả, tin sai sự thật, cũng là để bảo vệ quyền riêng tư của công dân trong những trường hợp có thể.
Tuy nhiên, khi Internet ngày càng trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, một khuôn khổ pháp lý mạch lạc và hiệu quả để bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người dân trở thành đòi hỏi không thể thiếu. Đó phải là một đạo luật về quyền riêng tư, được Chính phủ và Quốc hội xây dựng càng sớm càng tốt.
Trong lúc chưa có một đạo luật như vậy, ý thức bảo vệ quyền riêng tư cho mình cũng như cho mọi người rất quan trọng: cẩn trọng với lời nguyền của thời đại 4.0, rằng "ngàn năm bia mạng sẽ còn trơ trơ".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)