Mạng xã hội chán chữ, ngán hình
Một mạng xã hội chỉ có tiếng con người trao đổi, trò chuyện với nhau chứ không có hình ảnh, video hay chữ nghĩa gì đang thu hút giới đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon. Một mô hình mới hay chỉ là trò vui phù phiếm?
Ứng dụng di động gây xôn xao thung lũng công nghệ của Mỹ trong vài tuần qua là Clubhouse, nền tảng cho phép vừa tham gia mạng xã hội vừa nấu ăn, đi thể dục hoặc làm đủ thứ chuyện mà không cần nhìn vào màn hình.
Clubhouse giống như một phòng chat nhưng chỉ có âm thanh mà không có hình ảnh video của người tham dự, mỗi người có thể vào các “phòng” đang mở hoặc tự tạo “phòng” riêng cho mình.
Đêm 18-5, một cuộc thảo luận sôi nổi về ảnh hưởng của virus corona với tù nhân đã diễn ra trên Clubhouse với thính giả kiêm diễn giả toàn những người nổi tiếng: rapper MC Hammer, nhà bình luận chính trị Van Jones, hai nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen và Ben Horowitz.
Có nhiều điều kỳ lạ về Clubhouse. Ứng dụng này thậm chí còn chưa có trang web, chưa mở cửa cho đại chúng mà chỉ có khoảng 1.500 người được mời trải nghiệm phiên bản chưa chính thức. Hai nhà sáng lập, Paul Davison và Rohan Seth, từ chối tiếp xúc báo chí. Vậy mà nó được định giá đến 100 triệu USD.
Những người đã trải nghiệm Clubhouse mô tả ứng dụng này giống như nghe podcast (nội dung âm thanh giống radio) trong khi lướt Twitter và dự họp trực tuyến cùng một lúc. Tham gia một phòng trên Clubhouse giống như bước vào hội trường khi đang có diễn thuyết, ta nghe mọi người trao đổi xôm tụ và nếu được phép, ta có thể lên tiếng góp lời. Với Clubhouse, không còn cảnh cuộn màn hình liên tục để xem dòng chảy bất tận các nội dung bài viết, hình ảnh, video. Ta chỉ có thể tham gia các cuộc trò chuyện khi chúng đang diễn ra, theo thời gian thật.
Bilal Zuberi, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Lux Capital, rất thích thú với trải nghiệm này. “Gần như mọi mạng xã hội đều buộc ta phải nhìn vào màn hình - Zuberi nói với CNBC - Đây là mạng xã hội đầu tiên tôi có thể tham gia khi ngồi bên hồ bơi với các con và không phải nhìn vào màn hình nào cả”.
Austen Allred, đồng sáng lập trại lập trình Lambda School, cũng cho rằng mạng xã hội chỉ toàn thanh âm “cho cảm giác khác biệt” so với các nền tảng dựa trên văn bản như Twitter. “Với Clubhouse, bạn nghe giọng nói của mọi người và trò chuyện với họ trong thời gian thực. Thật là nhân bản” - Allred giải thích.
Thiếu niên 17 tuổi Nikolas Huebecker, một trong những người dùng nhỏ tuổi nhất, cũng mê mẩn Clubhouse và dành đến 36 tiếng/tuần trên app này, thay vì các mạng xã hội phổ biến, đầy ắp nội dung đa phương tiện như Instagram, Snapchat hay TikTok. Các “phòng” trên Clubhouse được quy định rõ mục đích cũng như ai có quyền được nói: chuyện trò thoải mái giữa bạn bè, ai cũng được lên tiếng; hay dạng “hội nghị”, chỉ một số diễn giả nói và phần còn lại là thính giả.
Trong khi Huebecker cảm thấy ấm áp khi được tham gia một phòng chat mà những người xa lạ thảo luận vui vẻ về tình yêu, hay được trò chuyện riêng với những nhà đầu tư mạo hiểm mà cậu hâm mộ, thì nhiều người lại chê trách Clubhouse.
Narendra Rocherolle, điều hành dự án ươm mầm khởi nghiệp Start Project, rút khỏi Clubhouse gần như lập tức sau khi tham gia lần đầu vì cho rằng nội dung thảo luận nhàm chán, chỉ xoay quanh Clubhouse, chuyện đầu tư mạo hiểm hay đại dịch COVID-19.
Trong gần hai thập kỷ qua, các startup đã liên tục tìm kiếm những cách mới lạ để giúp con người kết nối với bạn bè, người cùng ngành, người nổi tiếng và cả người lạ. Clubhouse rồi sẽ cất cánh, trở thành thế hệ kế tiếp của mạng xã hội, hay đúng hơn là cách con người kết nối trong thời hiện đại; hay chỉ là trào lưu sớm nở tối tàn, như biết bao dự án lạ lùng, táo bạo ở Thung lũng Silicon?
Josh Felser, đồng sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Freestyle, cho rằng chỉ có hai kịch bản cho Clubhouse: “Hoặc là “chết” trước tháng 7 này, hoặc trở thành một cái gì lớn lao”. Tờ Wired cho rằng Clubhouse đã nhận được đầu tư 12 triệu USD từ quỹ đầu tư Andreessen Horowitz, nên chí ít nó sẽ có đời sống dài hơi hơn chỉ là sản phẩm gây sốt nhất thời hay thứ “mua vui một vài trống canh” cho giới đầu tư, công nghệ trong thời dịch bệnh.
Về phía người dùng, được tham gia một mạng xã hội kiểu mới, không bị ám ảnh bởi phần nhìn hay văn hay chữ tốt, cũng là một trải nghiệm đáng thèm muốn. Đâu phải chỉ có dân đầu tư mới chán chữ ngán hình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Đừng sống chỉ vì hạnh phúc: Đi tìm lẽ sống của đời mình
13/07/2019Lê Hà dịchBài 2: Làm rõ khái niệm "Con Người" để thấy sai sót căn bản của luận án
07/02/2023GS. Nguyễn Ngọc Lanh ([email protected])Tết tự quán chiếu
04/02/2023Cameron Shingleton. H.MINH (dịch)