Sự nổi tiếng và quyền riêng tư - đâu là lằn ranh?
Mấy ngày qua, xã hội dường như chỉ tập trung vào một mối quan tâm duy nhất, đó là các cầu thủ bóng đá Việt Nam - những người đã đạt được một chiến tích thần kỳ tại giải vô địch U23 châu Á. Những gì các chàng trai trẻ này mang lại cho Việt Nam không chỉ là ngôi á quân, mà còn là cảm giác tự hào chung của người Việt, tự hào vì một tinh thần thi đấu bất khuất, về hình ảnh giới trẻ Việt Nam tràn đầy sức sống và cống hiến hết mình.
Dường như đối với nhiều khán giả Việt Nam, cuộc sống của người nổi tiếng thuộc về công chúng. Ảnh: T.L
.
Trên báo chí cũng như trên các mạng xã hội, tràn ngập các thông tin về các cầu thủ - ai cũng muốn biết thêm về cuộc sống của họ, gia đình, bạn gái thế nào, sở thích ra sao. Thậm chí, thông tin riêng tư liên quan tới cá nhân người thân gia đình các cầu thủ cũng xuất hiện trên mạng, với đủ các thể loại bình luận, nhận xét.
Nếu như các thông tin nói trên được tung ra với sự cho phép của các cầu thủ, cũng như của những người có liên quan, hay các bình luận mang tính tích cực, xây dựng - thì có lẽ niềm vui của các “người hùng” này đã là hoàn hảo. Thế nhưng trên thực tế, các cầu thủ này không thể kiểm soát nổi cơn bão thông tin về cá nhân mình. Vô số các ảnh, thông tin, tin nhắn cá nhân vô cùng riêng tư, nhiều tài khoản facebook giả mạo, hàng loạt tin đồn thất thiệt, vô căn cứ và phản cảm liên quan đến họ lan tràn trên mạng Internet, đến mức có cầu thủ phải lên tiếng đòi... quyền riêng tư, vì điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân anh, mà còn làm gia đình vô cùng phiền muộn.
Dường như đối với nhiều khán giả Việt Nam, cuộc sống của người nổi tiếng thuộc về công chúng. Vì thế, theo họ, công chúng có quyền được biết tất cả mọi ngóc ngách trong đời sống riêng tư của người nổi tiếng, đến mức lằn ranh giữa đời sống công cộng và đời sống riêng tư đã bị xóa nhòa.
Không chỉ thế, kèm theo sự hâm mộ, sự nổi tiếng là hệ lụy “tin đồn thất thiệt”. Nhân cơ hội này, nhiều người đã tung ra các tin đồn vô căn cứ, nhiều khi chỉ để giải trí, hoặc để thu hút “view” có tác dụng quảng cáo, bán hàng, hoặc thậm chí với động cơ ghen ghét, thù hằn cá nhân. Tuy nhiên, trong con mắt của người hiếu kỳ, thì mọi thông tin giả hay thật đều hấp dẫn cả. Hậu quả là chỉ có các cầu thủ mới khóc ròng vì... thông tin trên mạng.
Sự việc này cũng cho thấy rằng nhiều người Việt Nam còn chưa nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan tới quyền riêng tư, tới hành vi đưa tin đồn thất thiệt hay phát ngôn lăng mạ, sỉ nhục. Trên thực tế, rất nhiều hành vi đưa tin liên quan đến cầu thủ U23 những ngày vừa qua có dấu hiệu vi phạm pháp luật, và vì thế hoàn toàn có thể bị xử phạt, từ xử phạt hành chính tới khởi kiện dân sự đòi đền bù thiệt hại, hay thậm chí khởi tố hình sự trong trường hợp nghiêm trọng.
Việc đưa tin đồn thất thiệt, hay có những lời bình luận mang tính xúc phạm danh dự cá nhân các cầu thủ, hay người thân của họ, đều có thể bị khép vào tội vu khống và tội lăng nhục người khác, theo điều 156 và 155 của Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt tù có thể lên tới bảy năm cho tội vu khống, và năm năm cho tội lăng nhục. |
Đầu tiên, cần phải hiểu rõ rằng quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được điều 21 của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 công nhận là quyền bất khả xâm phạm của cá nhân. Vì thế, điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ xin phép cá nhân liên quan khi “thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân”. Nếu như đó là “bí mật gia đình” thì “việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai” thông tin liên quan phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Tuy hiện giờ chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng điều 38 Bộ luật Dân sự, vì thế các khái niệm như “đời sống riêng tư”, “bí mật cá nhân”, “bí mật gia đình” hiện giờ chưa được định nghĩa rõ ràng, gây nhiều khó khăn trong việc đảm bảo quyền đời sống riêng tư, nhưng trên thực tiễn, đã có những tờ báo hay cá nhân đã bị kiện ra tòa và phải xin lỗi và bồi thường vì vi phạm quyền đời sống riêng tư của người khác.
Ngoài ra, nếu như các cầu thủ bị xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, thì họ hoàn toàn có thể yêu cầu khởi tố hình sự cá nhân phạm tội, theo quy định ở điều 125 Bộ luật Hình sự 2015.
Cũng xin nhấn mạnh rằng đưa tin đồn thất thiệt, hay có những lời bình luận mang tính xúc phạm danh dự cá nhân các cầu thủ, hay người thân của họ, đều có thể bị khép vào tội vu khống và tội lăng nhục người khác quy định ở điều 156 và 155 của Bộ luật Hình sự 2015, với hình phạt tù có thể lên tới bảy năm cho tội vu khống, và năm năm cho tội lăng nhục. Các hành vi này nếu thực hiện trên môi trường mạng thì có thể bị xử phạt hành chính khá nặng, theo Nghị định 72/2013/NĐCP và Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Tất nhiên, ngoài các điểm trên, câu hỏi được đặt ra là liệu người nổi tiếng có được hưởng quyền đời sống riêng tư như những người bình thường ? Hiện luật pháp Việt Nam chưa có quy định rõ ràng, đồng thời cũng chưa có tòa án nào đưa ra bản án liên quan, nên về nguyên tắc, không có lý do gì để cho rằng người nổi tiếng sẽ phải có ít quyền riêng tư hơn người bình thường.
Cũng xin nói thêm là ở nhiều nước phương Tây, câu chuyện người nổi tiếng và quyền riêng tư là một trong các chủ đề pháp lý nóng bỏng. Nhìn chung, có sự phân biệt giữa người nổi tiếng và người dân thường liên quan tới quyền riêng tư, nhưng tùy theo mỗi nước thì sự phân biệt này rõ rệt hay rất ít.
Ví dụ như ở Mỹ, thì quyền riêng tư của người nổi tiếng hiếm khi thực sự được bảo vệ, vì theo quan điểm pháp luật của Mỹ, quyền được thông tin của quần chúng “áp đảo” quyền riêng tư của người nổi tiếng. Tuy nhiên, ở châu Âu, đặc biệt là ở Pháp nơi quyền riêng tư được đặc biệt tôn trọng và bảo vệ, thì người nổi tiếng có thể có cuộc sống “dễ thở” hơn nhiều, vì tòa án không ngần ngại xử thắng kiện cho họ khi quyền về đời sống riêng tư của họ bị vi phạm.
Còn ở Việt Nam, có thể nói, trên phương diện pháp lý, việc xâm phạm tới quyền riêng tư, hay việc đưa tin đồn thất thiệt, bình luận phản cảm, ảnh hưởng tới danh dự các cầu thủ U23 cũng như người thân của họ đều là các hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì thế, người hâm mộ cũng nên tiết chế cảm xúc, tôn trọng sự riêng tư của các cầu thủ và đừng cho rằng vì nổi tiếng, thông tin cá nhân các cầu thủ này đã thuộc về công chúng - và có thể “mổ xẻ” tùy ý thích.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015