Sống chung với tin đồn thất thiệt thời dịch corona

10:03 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Hai, 2020

Virus corona gây dịch bệnh viêm phổi cấp xuất phát từ Vũ Hán không chỉ thử thách hệ thống y tế các quốc gia mà còn là thách thức lớn với cơ quan chức năng và các đơn vị truyền thông trong nỗ lực giảm thiểu tin giả (fake news) trong cộng đồng. Có thể nói, tin tức giả mạo và không đúng sự thật đang cản trở những nỗ lực về phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lan rộng thành đại dịch này.


Ít người đeo khẩu trong trong ngày khai hội chùa Hương đầu năm Canh Tý. Nguồn: TTXVN

.

Bội thực tin tức về virus corona

Từ khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết Canh Tý 2020 đến nay, có lẽ thói quen của nhiều người là cứ mỗi sáng thức dậy lại tìm đọc những thông tin về dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (nCoV0 bắt nguồn từ Vũ Hán gây ra. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi mạng xã hội của Việt Nam lại “bội thực” các tin tức liên quan. Trong số này, tin tức báo chí gần như “lọt thỏm” so với mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội Facebook ở Việt Nam.Bội thực tin tức về virus corona.

Thống kê của Kompa Group ước tính có gần 85,4 triệu lượt tương tác trên Internet tính đến ngày 31-1-2020. Số lượng tương tác này đã vượt trội so với các sự kiện truyền thông lớn khác của Việt Nam như mới đây là Nghị định 100 (gấp khoảng 3,5 lần) và sự kiện nước mắm truyền thống (gấp khoảng 7,1 lần). Đó là chưa kể đến những thông tin được chia sẻ riêng tư với nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh luồng thông tin chính thức thì lượng tin giả (fake news), hay tin chưa kiểm chứng cũng không ít, thậm chí có lẽ nhiều người còn cảm thấy chúng vượt trội.

Theo Kompa Group, các tin chưa xác thực nội dung chiếm khoảng 32% trong tổng số tin tức trên mạng internet, chủ yếu bao gồm tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán, khẩu trang tăng giá, tình hình nhiễm virus Corona của người Việt, hay video về người phụ nữ Trung Quốc ăn thịt dơi gây dịch bệnh.

Số còn lại là những nội dung đã được xác thực, bao gồm cập nhật số ca nhiễm bệnh, các biện pháp đề phòng dịch bệnh, nhiều nước cấm người Trung Quốc nhập cảnh và nguyên nhân dịch bệnh đến từ việc ăn thịt động vật hoang dã.

Thuyết âm mưu cũng lên ngôi với nhiều suy đoán, tranh cãi từ các sự kiện khác nhau. Chẳng hạn như các chuyến bay của Vietjet Air từ vùng dịch trở về, hình ảnh các xe cấp cứu đang cách ly người bị nghi lây nhiễm ở nhiều địa phương, hay video chia sẻ của một người dân Vũ Hán, hàng loạt các chia sẻ đọc vào đã thấy khó tin như tin đồn liên quan đến chữa trị bệnh hay chuyện chùa Ba Vàng “giải hạn”.

“Do tâm lý người dân không tin hoàn toàn vào báo chí nên họ vẫn truyền tai nhau các thông tin khác như tin từ báo nước ngoài, tin đồn thổi, truyền miệng,... từ những người trong cuộc”, ông Nguyễn Bá Ngọc, chuyên gia truyền thông bình luận, dù rằng hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào về khủng hoảng truyền thông ở Việt Nam trong dòng chảy thông tin về virus Corona.


Nguồn: Radaa.net (Kompa US)

.

Trên thực tế, phát tán tin giả liên quan đến virus Corona không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà hiện đang là vấn nạn lớn trên thế giới, khi các thông tin sai lệch ngày càng nhiều hơn, từ căn nguyên của dịch bệnh, những tuyên bố về phương thuốc thần kỳ chữa bệnh hay các chia sẻ quy kết một chiều. Tờ Bloomberg bình luận rằng chính những người theo thuyết âm mưu, người thích đùa giỡn hay người theo chủ nghĩa hoài nghi, người lợi dụng sự hoảng loạn để “câu view” đã đóng góp đáng kể cho lượng thông tin “xấu”.

Ứng phó với tin giả

Một trong những thông tin tích cực gần đây có lẽ là các cơ quan chức năng tăng cường xử lý những người phát tán tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, không chỉ dừng lại ở những tài khoản bán hàng online, mà cả người trong giới nghệ thuật, những tài khoản có nhiều người theo dõi. Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng việc xử lý tin đồn nhảm, kích động và vu cáo là cần thiết để làm môi trường thông tin tốt lên.

Trong khi đó, thiết lập các trang cung cấp thông tin từ những nguồn chính thức là cách đi cơ bản hiện nay của nhiều đơn vị, kể cả chính phủ lẫn các công ty tư nhân. Tại Việt Nam, người dân có thể theo dõi diễn biến tình hình dịch từ 2 website của Bộ y tế, với những thông tin sát theo diễn biến và các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.

Việc cung cấp số liệu từ nguồn Bộ Y tế cũng được nhiều người đánh giá cao không chỉ là do đơn vị chuyên ngành, mà vì những thông tin phòng, chống dịch mang tính thực tế và ít phần tiêu cực, nên cũng được nhiều người chia sẻ hơn, giảm bớt sự căng thẳng không đáng có từ dịch bệnh.

Thế nhưng, cũng không thiếu những hình ảnh “xấu xí” cho thấy thông điệp truyền thông chính thống chưa thực sự “chạm” đến người dân, chẳng hạn như hình ảnh những lễ hội diễn ra trong dịp đầu năm. “Người dân chen chúc nhau trong đám đông ở những lễ hội khổng lồ như chùa Tam Chúc sẽ là một môi trường lý tưởng để lây nhiễm dịch theo cấp số nhân”, ông Ngọc bình luận.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã có Công điện yêu cầu tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc (trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ); giảm quy mô, thời gian, hạn chế tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người tham gia; yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại các hoạt động lễ hội, di tích.

Hay, trong một sự diễn tiến mới nhất, việc người dân đi xếp hàng, chen chúc, thậm chí là tranh giành nhau mua khẩu trang y tế để phòng dịch, sau một vài lời chia sẻ về việc khẩu trang khan hàng, tăng giá đột biến trên mạng xã hội. Việc xử lý nhanh những hiện tượng như vậy là một thách thức mới đối với cơ quan chức năng, bởi nếu như các tin tức không chính thống trước đây chỉ “góp vui” cho bữa cơm đầu năm mới thì nay đã trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, sự án toàn và túi tiền của người dân.

Mới đây, Bộ Y tế đã thành lập 45 đội phản ứng nhanh chống dịch viêm phổi Vũ Hán, sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần một đội ngũ tương tự để hạn chế tối thiểu sự lan truyền thông tin sai lệch từ mạng xã hội ra ngoài đời thực.

"Từ 2015 số người dùng các hệ thống nhắn tin đã vượt mạng xã hội và tính tương tác cao hơn nên dòng chảy thông tin ngầm này là rất mạnh mẽ, chỉ chực chờ bùng phát nên cần cẩn trọng. Muốn người dân “miễn nhiễm” với tin giả chỉ có cách truyền thông mạnh hơn và thường xuyên để có nhận thức tốt hơn”, ông Ngọc cho biết.

Tự kiểm chứng hay chọn đọc những nguồn cung cấp thông tin có uy tín là những lời khuyên của “cư dân mạng” bối cảnh nguy cơ đại dịch diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, để tự “miễn nhiễm” với tin đồn thất thiệt thì không còn cách nào khác là mỗi người cần tự nâng cao nhận thức, cũng tương tự và không kém phần quan trọng so với việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể để hạn chế virus viêm phổi Vũ Hán xâm nhập.

Bộ Công an tăng cường xử lý đối tượng tung tin thất thiệt

Theo Bộ Công an, Việt Nam có đường biên giới dài, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn với Trung Quốc nên nguy cơ dịch bệnh lây lan, có thể bùng phát là rất lớn. Bên cạnh đó, lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước đã đăng tải, tán phát lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận người dân; tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.

Theo đó, công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống, tham gia dập tắt dịch bệnh và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát tại nước ta.

Vai trò công nghệ trong nỗ lực giảm thiểu tin giả

Các mạng xã hội lớn đều đưa ra kế hoạch "buộc" người dùng phải chú ý đến các tin tức chính thống, trong nỗ lực kiểm tra và giám sát dòng tin tức chia sẻ hằng ngày. Chẳng hạn Google đưa ra một thông báo đặc biệt với các bản tin cập nhật từ Tổ chức y tế thế giới (WHO) khi người dùng tìm kiếm thông tin về virus corona. YouTube cũng sẽ quảng bá video từ các nguồn đáng tin cậy khi mọi người tìm kiếm.

Facebook cho biết sẽ bắt đầu gỡ bỏ những bản tin không có thật về "phương pháp chữa trị", các lý thuyết chưa được chứng minh khác xung quanh virus Corona. Một nền tảng khác là Instagram cũng sẽ hiện ra bảng "nội dung tin cậy" khi người dùng nhấp vào hashtag liên quan đến từ khóa là Virus Corona.

Trong khi đó, Twitter dự định sẽ bắt người dùng tìm kiếm từ khóa virus corona sẽ truy cập các kênh thông tin chính thức về căn bệnh này.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan